Quan niệm của Bác Hồ về sự “hẳn hoi”

Thứ Năm, 29/02/2024 08:17

. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ

 

Theo nghĩa từ điển thì “hẳn hoi” là một tính từ (khẩu ngữ) được dùng với nghĩa “có được đầy đủ các yêu cầu, theo đúng tiêu chuẩn như thường đòi hỏi”. Có thể hiểu thêm, đó là sự “tươm tất, đàng hoàng”; là sự “đúng đắn, tử tế”; là sự “cẩn thận”; là sự “trước sau như một”, “đến nơi đến chốn”; là một “sự thật”… Có lẽ nên hiểu một cách rộng rãi “hẳn hoi” là một tính từ nói về cả ngoại diên, cái vỏ, hình thức, vừa nói về cái nội dung, cái lõi, phẩm chất của sự vật, hiện tượng với sự tích cực, tốt đẹp, trái nghĩa là tiêu cực, đen tối, xấu xí.

Chưa kể trong các bài nói chuyện lẻ, trong phong cách thường ngày, chỉ xét riêng trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập (15 tập, Nxb Chính trị Quốc gia 2011), Bác Hồ có 37 lần dùng hai chữ “hẳn hoi”. Bác dùng trong nhiều hoàn cảnh nhưng đều phù hợp với nghĩa thông dụng, cơ bản hơn là toát ra một quan niệm khoa học về nhân cách, về sắp xếp công việc, về tổ chức hoạt động, đã nói là làm, làm phải có kế hoạch, có nguyên tắc, thống nhất, triệt để.

Tác giả Đỗ Hoàng Linh trong cuốn sách: “Bác Hồ với những mầm non đất nước” (Nxb Văn học, 2017) có dẫn câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Bác dùng hai chữ “hẳn hoi” rất khẩu ngữ, thông dụng nhưng cũng cực kỳ tinh tế, sâu sắc. Muốn nước nhà “tự cường tự lập” thì trước hết phải nuôi dưỡng giáo dục một cách “hẳn hoi” với tất cả nghĩa đúng đắn, tích cực của từ này. Bác viết cũng chuẩn mực, chính xác, dùng “nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi”, phải “nuôi dưỡng” cho tốt, cho khỏe mạnh rồi mới đến “giáo dục”. Để có “giáo dục hẳn hoi” thì cả là một chiến lược của ngành giáo dục. Ở đây chỉ xin tìm hiểu những ý nghĩa về lời Bác nói để có những việc làm cụ thể “hẳn hoi”, những hoạt động cách mạng “hẳn hoi”, để như lời Bác ở trên, để có mục đích “hẳn hoi” phải có một kế hoạch chu đáo “hẳn hoi”. Trong Thư gửi hội nghị thanh niên, ngày 17-8-1947 không chỉ Bác nhắc nhở riêng thanh niên mà còn cho tất cả cán bộ, đảng viên về lề lối làm việc phải có đầu có cuối, chặt chẽ: “Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”[1]. Câu nói này vừa tôn trọng hiện thực khách quan vừa phù hợp với đối tượng thanh niên là những người hăng say, tâm huyết nhưng còn thiếu kinh nghiệm. Còn cho thấy Bác rất chú ý tới hiệu quả công việc.

1. Tổ chức “hẳn hoi” mới có kết quả tốt

Phương pháp làm việc, hoạt động của Bác là quan tâm trước hết đến “tổ chức”, tổ chức tốt mới có kết quả tốt. Thế nên mọi công việc đều phải được “tổ chức hẳn hoi”. Hai chữ “tổ chức” là một từ “khóa” quan trọng trong trước tác Hồ Chí Minh. Trong mỗi phương diện cụ thể, “hẳn hoi” lại biểu hiện một cách cụ thể. Ngày 17/3/1949 Bác có Thư gửi Đội lão dân quân huyện Nam Đàn, có đoạn: “Tôi rất vui lòng thay mặt Chính phủ chúc mừng Đội lão quân Nam Đàn đã thành lập và mong rằng: Các huyện, các tỉnh khác cũng sẽ thành lập những đội lão quân. Theo ý tôi thì các Đội lão quân cần phải tổ chức đường hoàng và công tác thiết thực nhằm vào 3 điểm chính: 1. Quân sự: Đôn đốc dân quân du kích các làng tổ chức hẳn hoi, luyện tập chu đáo, canh gác cẩn thận. Khuyến khích thanh niên hăng hái tham gia bộ đội để giết giặc ngoại xâm...”[2]. Ở một lá thư khác Người dặn: “Xung phong tổ chức dân quân du kích cho hẳn hoi, xung phong giúp đỡ bộ đội, thanh niên thi đua tham gia Vệ quốc quân để diệt giặc ngoại xâm”[3]. Ở đây ta có thể hiểu “hẳn hoi” là việc làm nghiêm túc, không hời hợt, lấy lệ.

Trong Thư gửi Hội nghị Trung du, Người căn dặn về “tổ chức du kích”: “Điều thứ hai là phải tổ chức du kích cho thật hẳn hoi, vũ trang cho đầy đủ. Giặc mò đến đâu ắt bị ta đánh đấy. Phải làm sao cho các tỉnh trung du thành một phòng tuyến kiên cố của ta, một nghĩa địa mênh mông của giặc. Thế là ta nhất định thắng lợi”[4]. Nhìn tổng thể thì mảnh đoạn này là cấu trúc nhân quả: nhờ ta tổ chức “hẳn hoi” thì “nhất định thắng lợi”. Nhìn cụ thể thì “hẳn hoi” là phạm trù khái quát với các khía cạnh cụ thể: vũ trang đầy đủ; giành thế chủ động (Giặc mò đến đâu ắt bị ta đánh đấy); các tỉnh trung du là “một phòng tuyến kiên cố”; giặc sẽ thất bại. Tháng 1/1949 Người viết Thư gửi các cán bộ, dân quân trường Lê Bình khóa 2: “Hai là phải tổ chức chặt chẽ, tập luyện hẳn hoi, chuẩn bị chu đáo. Hễ có giặc là đánh. Đánh khéo, đánh gan, đánh mạnh, đánh dai, đánh cho tan giặc”[5]. Mảnh đoạn này cũng cấu trúc nhân – quả thật dễ hiểu: cùng với tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo cùng tập luyện “hẳn hoi” (nguyên nhân), thì mới có thể “Hễ có giặc là đánh. Đánh khéo, đánh gan, đánh mạnh, đánh dai, đánh cho tan giặc”.

Chúng ta còn được thêm một bài học về “cách viết” là ngoài dùng từ chuẩn xác còn phải là được đặt trong một cấu trúc hợp lý mới có thể phát huy hết được tác dụng, ý nghĩa của ngôn từ.

Là nhà cách mạng nhưng Bác vẫn quý trọng kinh nghiệm, coi đó là “những bài học quý”. Nhắc nhở cán bộ, Bác cũng dùng hai chữ “hẳn hoi”: “Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại tức là những bài học quý, không phải cứ chờ đồng chí cấp trên đến nói chuyện thì mới là bài, là học. Việc trao đổi gom góp kinh nghiệm này phải có tổ chức hẳn hoi chứ không phải mạnh ai nấy nói”[6]. Đã gọi là “kinh nghiệm” thì bao giờ cũng có tích cực, tiêu cực, có khi lạc hậu xa với đời sống, do vậy phải có nhiều người cùng bàn luận. Thật sự phải có “tổ chức hẳn hoi” như lời Bác dạy.

Khi Chính phủ tổ chức chương trình phát động quần chúng Bác có Bài nói tại Hội nghị cán bộ Liên hiệp phụ nữ toàn quốc về vấn đề này: “Ai phát, ai động, ai là quần chúng? Trước khi phát phải thế nào? Trong khi phát phải thế nào? Sau khi phát phải thế nào? Thế nào là động? Động rồi phải làm gì? Chúng ta phải trả lời rõ những câu ấy. Ai phát? Cán bộ phải phát. Muốn phát, thì cán bộ phải hiểu rõ chính sách của Đảng, của Chính phủ, phải hiểu quần chúng, phải gần gũi, học hỏi quần chúng. Muốn gần gũi, học hỏi quần chúng thì phải làm sao cho quần chúng yêu cán bộ, tin cán bộ. Tư tưởng cán bộ phải thông, cách làm phải dân chủ, phải chí công vô tư, đứng hẳn về phía nông dân. Trước khi phát thì phải nghiên cứu hiểu rõ nơi mình đến làm việc: phong tục tập quán, cách làm ăn của nhân dân, địa chủ bóc lột cách thế nào? Nguyện vọng dân ở đó thế nào? v.v.. Phát là thế nào? Là phải đoàn kết bần, cố, trung nông; phải tổ chức họ chặt chẽ; phải giáo dục cho họ giác ngộ. Bao giờ quần chúng đã tổ chức hẳn hoi, chính quyền đã trong sạch, chi bộ đã chỉnh đốn, nông hội đã vững chắc đã kéo được 90% nhân dân tức là bần, cố, trung nông, thì lúc đó mới thật động được. Cán bộ phải tránh bao biện, phải giác ngộ cho quần chúng tự họ quyết tâm đấu tranh đòi quyền lợi của mình, lúc đó họ mới động lên được. Cán bộ không thể làm thay cho quần chúng, ban ơn cho quần chúng”[7]. Chưa bàn sâu vào những nội dung Bác đưa ra, chỉ nhìn từ hình thức văn bản đã cho thấy cách lập luận chặt chẽ, thấu đáo mà giản dị, thân tình. Những câu hỏi của Bác chính là những vấn đề cơ bản nhất, bản chất nhất của công việc “phát động”, hơn thế, là phương châm cho mọi cán bộ đảng viên khi xuống làm việc ở cơ sở. Phải thỏa mãn những câu hỏi ấy tức là đã được “tổ chức hẳn hoi”. Chưa đủ. Còn phải “chính quyền đã trong sạch, chi bộ đã chỉnh đốn, nông hội đã vững chắc”. Đến đây ai cũng thấm thía nhận thức vấn đề: ngôi nhà “phát động quần chung” phải có 4 cái cột vững chắc: kế hoạch tức “tổ chức hẳn hoi”; chính quyền; chi bộ; nông hội.

Với bất kỳ lực lượng cách mạng nào Bác cũng quan tâm tới vấn đề tổ chức, kể cả nông dân vốn có thói quen tùy tiện của tập quán tiểu nông. Bác dặn về công tác dân quân: “Nói tóm lại dân công có tổ chức hẳn hoi thì làm việc được nhiều hơn dân công không có tổ chức. Khéo tổ chức dân công, không lãng phí dân công, thì ảnh hưởng tốt đến việc tăng gia sản xuất”[8]. Một lập luận chặt chẽ theo lối quy nạp, “tổ chức hẳn hoi” thì có những cái lợi: “làm việc được nhiều hơn”; “không lãng phí dân công”; “ảnh hưởng tốt đến việc tăng gia sản xuất”. Rất cụ thể nên thuyết phục.

Bác căn dặn bà con những điều thiết thực nhất: “Để giữ lấy quyền lợi của mình, nông dân phải tổ chức thi đua tăng gia sản xuất. Phải tổ chức dân quân du kích hẳn hoi, để đề phòng giặc Pháp và Việt gian phá hoại. Phải thật sự chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải hăng hái tham gia công việc kháng chiến, để giữ nhà, giữ làng, giữ nước”[9]. Hai chữ “hẳn hoi” Bác dùng để nhấn mạnh sự chu đáo, tránh mất cảnh giác vì địa bàn nông thôn thời kỳ ấy thì dân quân du kích là lực lượng bảo vệ tốt nhất.

Là người thấu hiểu tính cách nông dân Việt với những nét hay và nhiều nét dở mà nét dở nhất là tùy tiện, luộm thuộm, khi bàn đến vấn đề Cần kiệm liêm chính, mục Cần, Bác mượn hình ảnh mang tính ngụ ngôn để nhắc nhở cán bộ làm bất cứ việc gì cũng phải có kế hoạch, biết sắp xếp chu đáo: “Người thợ mộc muốn đóng một cái tủ. Trước hết, anh ta mài sẵn cưa, bào, tràng, đục, v.v. và làm sao xếp có thứ tự hẳn hoi. Rồi anh lấy gỗ vừa đủ làm cái tủ. Khi các thứ đều sẵn sàng, anh ta bèn bắt tay vào việc đóng tủ[10]. Ở đây toát lên một bài học làm bất cứ việc gì, kể cả việc nhỏ lao động chân tay thường ngày cũng phải có tổ chức, có quy trình, có thứ tự, phải biết sắp xếp một cách cụ thể, ngăn nắp.

2. Huấn luyện “hẳn hoi” để hợp với điều kiện, tinh hình

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp Bác rất quan tâm đến việc “huấn luyện”, nhất là việc huấn luyện cho dân quân du kích, binh sĩ để cho mục đích chống giặc, đánh giặc sao cho hiệu quả. Rất coi trọng phương pháp đồng thời phải biết sử dụng phương pháp một cách linh hoạt. Bác dạy: “Ở vào mỗi địa thế, phương pháp dụng binh mỗi khác. Nếu không tuỳ từng địa thế để thay đổi phương pháp, đánh trận không thể thắng được. Có khi hãm vào chỗ đất chết mà được sống, có khi vào chỗ đất sống hẳn hoi mà bị chết”[11]. Bác dùng hai chữ “hẳn hoi” để nhấn mạnh hậu quả nếu không linh hoạt thì “có khi vào chỗ đất sống hẳn hoi mà bị chết”. Bộ môn Địa hình quân sự hiện đại hôm nay khẳng định đó là chân lý. Bởi vấn đề con người quyết định trận đánh, dù có địa hình tốt nhưng thiếu linh hoạt thích ứng với tình hình cũng gặp hậu quả xấu.

Đầu năm 1949 Bác có Thư gửi đồng bào tỉnh Nghệ An để “cảm ơn đồng bào đã tặng” món quà quý báu trong dịp sinh nhật, quan trọng hơn, Bác căn dặn: “mấy lời thân ái nhắn khuyên đồng bào: - Thi đua phải thiết thực, bền bỉ, rộng khắp. - Dân quân phải tổ chức chặt chẽ, tập luyện hẳn hoi, vũ trang đầy đủ”[12]. Bác quan niệm dù là “dân quân” nhưng cũng phải “tập luyện hẳn hoi” tức phải có huấn luyện chu đáo, bài bản, người được huấn luyện phải hết mình, hết sức, tận tâm, tận lực, không được có kiểu, như sau này Bác chê là kiểu “chuồn chuồn đập nước”. Năm 1952 Bác có Thư gửi Hội nghị Tình báo, dù là “binh chủng đặc biệt”, Bác vẫn nhắc: “Tình báo cần có huấn luyện hẳn hoi, huấn luyện tinh thần và kỹ thuật”[13]. Đặc thù của tình báo là thu thập tin tức nên phải có máy móc nên lời Bác nói đúng vào đặc trưng này, ngoài “tinh thần” phải thêm yếu tố “kỹ thuật”.

Bác nói về báo chí hôm qua mà như nói cho báo chí hôm nay, ý tứ của Bác thật sự đi trước thời đại. Chúng ta đang tiến hành “quy hoạch báo chí” để tránh chồng chéo, “dẫm vào chân nhau” trong việc đưa tin tức. Thế mà hơn nửa thế kỷ trước Bác đã yêu cầu “phải hợp lý hóa” báo chí. Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất về công tác huấn luyện và học tập Bác nhắc nhở: “Báo chí cũng phải hợp lý hoá. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hoá lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc”[14]. “Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi” mang tính phổ quát chung cho mọi ngành nghề hôm nay chứ không riêng gì cho báo chí. Lê nin từng nói: “Thà ít mà tốt”. Bác nói kiểu Việt Nam: “Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi”. Hai chữ “hẳn hoi” ấy phải được mọi nhà báo cách mạng ghi nhớ, tâm niệm. Nếu không sẽ sa vào tình trạng “mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc”.

Nhiều nhà nghiên cứu triết học của ta khẳng định: Triết học Hồ Chí Minh là triết học hành động, coi trọng thực tế, đã nói là làm, làm theo kế hoạch đã nung nấu thật chín chắn, kỹ càng. Chúng tôi thấy Bác đã nói điều ấy trong cách dùng hai chữ “hẳn hoi”, nghĩ cho “hẳn hoi”, làm cho “hẳn hoi”. Điều này được thế hiện trong câu: “Lênin dạy chúng ta đối với mọi việc phải xem xét kỹ lưỡng mọi mặt, không nóng nảy, hấp tấp. Song khi đã định kế hoạch hẳn hoi rồi thì phải quả quyết thực hiện cho kỳ được”[15]. Cách kết cấu trong câu này cho ý hiểu để có “kế hoạch hẳn hoi” tức “mọi việc phải xem xét kỹ lưỡng mọi mặt, không nóng nảy, hấp tấp”. Khi đã “chín mùi” thì “phải quả quyết thực hiện cho kỳ được”. Trở lại đầu những năm kháng chiến chống Pháp, khi Chính phủ phát động phong trào Thi đua ái quốc, Bác cũng yêu cầu phải làm có kế hoạch. Gửi thư cho một vị phụ trách, Bác khẳng định chủ trương nhưng băn khoăn về thời gian thực hiện: “Về phong trào Thi đua ái quốc, tôi rất đồng ý với Cụ là cần phải có cán bộ được huấn luyện hẳn hoi. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chờ đợi kế hoạch tổ chức Ban huấn luyện và chương trình huấn luyện của Ban trung ương, song chưa thấy”[16]. Cũng là một sự chê ngầm về sự chưa “hẳn hoi” về thống nhất giữa chủ trương, kế hoạch và hành động!

Từ việc nhỏ đến việc lớn, dấu ấn “hẳn hoi” của Bác rất rõ. Như ví dụ dưới đây, xin được trích hơi dài để thấy cái “hẳn hoi” trong cách viết, từ đặt vấn đề đến cách giải quyết. Tháng 6/1961 Bác viết bài báo Cần phải chuẩn bị thật chu đáo, sẵn sàng để phòng lụt, chống lụt: “Những năm Sửu và những năm nhãn sai hoa thường là những năm mưa to, lụt sớm”. Đó là kinh nghiệm từ xưa của nông dân ta. Năm nay là năm Tân Sửu và nhãn cũng sai hoa. Mưa to, lụt sớm cũng đã đến ở mấy tỉnh Trung Quốc gần miền Bắc ta... Ở miền Bắc ta, thời tiết đã biến đổi nhanh chóng. Nước sông Đà, sông Hồng đã lên cao. Chúng ta cần phải lập tức chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng để phòng lụt, chống lụt. - Những nơi chưa hoàn thành kế hoạch làm đất, làm đá (như Nam Định, Bắc Giang, Thanh Hóa, khu công nghiệp Việt Trì, khu gang thép Thái Nguyên, v.v..) thì phải hỏa tốc hoàn thành những công trình đất đá; chậm nhất là cuối tháng 6 phải làm xong. - Các tỉnh có đê phải lập ngay các ban chỉ huy phòng lụt, chống lụt từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Các ban chỉ huy phải làm chu đáo những việc sau đây: a) Kiểm tra kỹ càng các đê, kè, cống. b) Tổ chức hẳn hoi các lực lượng phòng lụt, chống lụt; thực hành những đợt tập dượt”[17]. Để sự kêu gọi của mình có sức thuyết phục, Bác đưa dẫn chứng có trong kinh nghiệm dân gian (Những năm Sửu và những năm nhãn sai hoa thường là những năm mưa to, lụt sớm), dẫn chứng thực tế (Mưa to, lụt sớm cũng đã đến ở mấy tỉnh Trung Quốc gần miền Bắc ta... Ở miền Bắc ta, thời tiết đã biến đổi nhanh chóng. Nước sông Đà, sông Hồng đã lên cao). Đó là những dẫn chứng “hẳn hoi” cùng những nhận xét thực tế “hẳn hoi” (Những nơi chưa hoàn thành kế hoạch làm đất, làm đá)... Tình hình cấp bách như vậy thì phải có “tổ chức hẳn hoi”. Toàn bài chưa đến 500 chữ nhưng từ cách dùng chữ đến kết cấu thật sự “hẳn hoi” để dẫn đến kết luận thật chắc chắn: “Nhân định nhất định thắng thiên”.

Quan niệm của Bác rất rõ ràng, làm việc gì, từ nhỏ đến lớn, trước hết phải có tình yêu với công việc, có kế hoạch hẳn hoi, làm việc hẳn hoi thì có kết quả tốt đẹp. Đấy cũng là chân lý thường ngày, nhưng thật tiếc, có nhiều người lười biếng, lại không có kế hoạch, còn làm ẩu, nhận kết quả xấu thì lại đổ cho “nguyên nhân khách quan”. Chắc Bác thấu hiểu một thực tế như vậy mà khi về thăm Trường đại học sư phạm Hà Nội, Bác lấy tấm gương một giáo viên người Kinh lên công tác vùng cao: “Một cháu gái là giáo viên lên đây, không biết tiếng nói và chưa hiểu phong tục tập quán của địa phương. Không có trường và không có học trò. Xóm này cách xóm kia rất xa, đi lại khó khăn. Cháu gái ấy đã nói rằng: Đảng và nhà trường đã phái lên đây, thì mình quyết phải làm tròn nhiệm vụ. Cháu đó đã cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với đồng bào, do đấy mà tuyên truyền cho bố mẹ và các cháu bé, vừa học tiếng địa phương. Làm như thế dần dần từng bước, cháu ấy đã xây dựng nên nhà trường hẳn hoi. Đây là một cô giáo anh hùng”[18]. Với ai cũng vậy, tình yêu biến thành quyết tâm. Tình yêu người, yêu nghề giúp cô giáo ấy có ý chí “quyết phải làm tròn nhiệm vụ”. Thế là cô “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với đồng bào” tức rất có kế hoạch, để “tuyên truyền cho bố mẹ và các cháu bé, vừa học tiếng địa phương” tức rất bài bản, khoa học... Và thật kiên trì “dần dần từng bước”. Thế là cô gặt hái thành tựu “xây dựng nên nhà trường hẳn hoi”. Chúng ta hiểu để có cái “hẳn hoi” ấy thì ai cũng phải qua một quá trình suy ngẫm, lao động thật “hẳn hoi”!

Với ví dụ dưới đây thì Bác đã bổ sung thêm cho hai chữ “hẳn hoi” những nét nghĩa: việc làm gì cũng phải có đầu có cuối, tử tế, trang trọng để có sự thiết thực, hiệu quả. Trong Ý kiến về việc làm và xuất loại sách “Người tốt, việc tốt”, Người dặn: “Một số cán bộ ta hình như mải làm công tác hành chính, sự vụ hơn là để nhiều tâm sức xây dựng con người, xây dựng Đảng và các tổ chức cách mạng, cho nên không chịu theo dõi việc làm hằng ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Ai làm tốt không kịp thời nêu gương, ai làm xấu không kịp thời giúp đỡ sửa chữa. Có nơi khi nhận được huy hiệu của Bác gửi về, đã biết tổ chức trao tặng hẳn hoi và làm cho mọi người, ít nhất là trong tập thể của người đó, noi gương và làm theo. Nhưng có nơi lại làm theo lối hành chính, chuyển cho người được khen như chuyển một cái công văn. Hoặc cho vào ngăn kéo cất kỹ, quên không trao cho người được thưởng!”[19]. Là nhà giáo dục lớn, Bác thấu hiểu việc làm tốt cần được “nêu gương” để học tập, đồng thời phải phát hiện cái xấu để “giúp đỡ sửa chữa” nên càng phải làm một cách “hẳn hoi”. Bác vui khi có nơi “trao tặng hẳn hoi” huy hiệu của Bác, vì đó là cách coi trọng việc làm tốt sẽ nhân lên nhiều cái tốt. Chắc Bác buồn vì có nơi ngược lại... Bác đã gián tiếp phê phán cách làm “theo lối hành chính” như vậy là không tử tế, thiếu sự trang trọng trong việc lẽ ra cần sự trang trọng.

Như vậy hai chữ “hẳn hoi” Bác dùng đã đi vào đời sống văn hóa, chính trị, vượt lên trên một lời căn dặn hay nhắc nhở để trở thành một tiêu chuẩn chân lý khoa học cho cán bộ, đảng viên, rộng hơn cho tất cả mọi người học tập, tu dưỡng.

N.T.T

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 217

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 33

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 630

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 204

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 19

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 360

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 92

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr93

[9] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 525

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 119

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 487

[12] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 187

[13] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 191.

[14] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 363.

[15] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 288

[16] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 642

[17] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13 Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 145.

[18] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 402

[19] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 663

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)