Chống quan niệm phủ nhận thể loại trường ca sử thi

Thứ Bảy, 17/02/2024 07:57

. TRẦN MẠNH TIẾN


Hai cuộc kháng chiến vệ quốc thần thánh của dân tộc ta đã góp phần khẳng định một giá trị văn hóa vĩnh hằng trong lịch sử tư tưởng nhân loại: lòng yêu nước của những con người chính nghĩa sẽ làm nên sức mạnh thời đại. Mỗi giai đoạn lịch sử hào hùng đều có những tượng đài lịch sử tương ứng. Có thể coi mỗi tượng đài lịch sử giai đoạn 1945-1975 đã được điêu khắc bằng thứ ngôn ngữ trường ca vang vọng âm hưởng sử thi, lóng lánh sắc màu của cuộc sống một thời đuổi giặc. Trong trường ca sử thi hôm nay có một tượng đài được tạc vào lịch sử bằng ngôn ngữ biểu hiện mới: tượng đài người lính.

Thế nhưng với luận điệu phản động, một số tờ báo mạng nước ngoài (viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt), thời gian gần đây đang có xu hướng hạ thấp vai trò lịch sử của văn học nói chung và trường ca sử thi nói riêng. Ý đồ xấu của họ nằm trong mục đích đen tối chung là tiến tới phủ nhận 50 năm ngày Chiến thắng thống nhất đất nước (30/4/2025). Xin được chứng minh để góp phần làm rõ: trường ca sử thi 1975 đến nay đã góp phần làm sống lại một thời kỳ cả dân tộc đuổi giặc cực kỳ vẻ vang, anh dũng, kiên cường.

1. Không gian chiến trường là không gian quen thuộc của văn học về đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng trong trường ca hôm nay nó được làm mới bằng cách kéo không gian ấy trở về với sự thật vốn có. Trước 1975 vì nhiệm vụ chính trị mà các tác giả phải khoác cho không gian của cái chết những hình ảnh đầy thi vị. Chả thế mà Nguyễn Minh Châu tài năng trong truyện ngắn nổi tiếng Mảnh trăng cuối rừng, trước khi cho nhân vật đi vào không gian đạn bom ông đã bày sẵn một không gian bồng bềnh sương và thanh khiết trăng, đầy chất thơ, chất họa. Nhìn một cách tổng thể khu vực văn học sử thi chúng tôi thấy có một đặc điểm ngược này: thời chiến tranh thì văn học thường đậm chất thơ, thời hoà bình thì văn học lại đậm chất bi. Hình như đấy là một quy luật: người Việt Nam ta đánh giặc còn bằng cả chất lãng mạn bay bổng (Đường ra trận mùa này đẹp lắm!); nhưng có lẽ nguyên nhân chính là thời bình người ta mới có điều kiện nói ra sự thật khắc nghiệt của chiến tranh.

Tác giả tiêu biểu có ý thức trả không gian về với đích thực chính nó là Trần Anh Thái, cách đặt tên thi phẩm của anh cũng biểu hiện ý niệm về không gian: Đổ bóng xuống mặt trời, Ngày đang mở sáng… Theo b­ước chân người lính, Ngày đang mở sáng mở ra một tr­ường không gian chiến tranh căng thẳng, ác liệt đúng với tính chất của cuộc chiến một mất một còn “không có con đ­ường thứ ba”: “Xơ t­ước cánh rừng/ Dốc ngư­ời dựng ngư­ợc”, “Đại bác rít qua bầu trời lửa, những chùm mây ám khói đạn bom”, “Máu trộn đỏ cây rừng Quảng Ngãi”.

Thơ hay là hay ở những chi tiết nghệ thuật đến độ ám ảnh ngư­ời đọc. Viết về chiến tranh đã có quá nhiều, viết làm sao không giống với ng­ười đi trư­ớc mà vẫn làm mới cảm xúc ở độc giả là điều rất khó. Trần Anh Thái đã làm đ­ược điều này. “Xơ t­ước cánh rừng” ch­ưa có gì đặc sắc như­ng đến “Dốc ng­ười dựng ngư­ợc” thì đã có ý mới. Nói “Dốc ng­ười dựng đứng” thì câu thơ trơn tuột, như­ng nói “Dốc ng­ười dựng ng­ược” thì vừa nói đ­ược độ dốc ghê ngư­ời mà đoàn quân đang phải trèo qua, vừa nói đ­ược điểm nhìn trữ tình ở d­ưới chân dốc đang mệt mỏi nhìn ngược lên. “Những chùm mây ám khói đạn bom”. Mây th­ường ở trên cao, đạn bom nổ d­ưới mặt đất, nh­ưng vì quá nhiều mà khói đạn bom bay lên còn “ám” cả vào mây. Câu thơ “Máu trộn đỏ cây rừng Quảng Ngãi” đã lột tả đ­ược sự tàn bạo khốc liệt đến tận cùng. So sánh với ý thơ của Tố Hữu: “Máu trộn bùn non” nói về cuộc kháng chiến chống Pháp ta mới thấy cuộc kháng chiến chống Mỹ còn ác liệt hơn nhiều, mất mát hơn nhiều. Đến mức chiến tranh đi qua đã hàng chục năm mà ấn t­ượng kinh hoàng về nó vẫn ch­ưa thể dứt bỏ, luôn hiện về, ám ảnh, dằn vặt người trong cuộc: “In dấu những vùng rừng/ Ròng ròng máu chảy”.

2. Hầu như người Việt Nam có một đặc tính là ai cũng luôn lưu giữ một ngôi làng của mình trong ký ức, đi đâu cũng nhớ về ngôi làng, là nhà văn thì cũng có ngôi làng ấy hiện lên trong tác phẩm. Có rất nhiều những ngôi làng hiện lên trong nỗi nhớ tuổi thơ của người lính. Có thể gọi đó là không gian tâm lý vì ngôi làng hiện lên đã qua sự khúc xạ của tâm trạng nhân vật. Do vậy hình tượng làng mang tư cách lưỡng tính, làng anh cũng là làng tôi, vừa là khách thể vừa là chủ thể, xa lạ mà gần gũi, chung mà riêng, rất xa mà cũng rất gần...Các tác phẩm luôn có xu hướng phân tích lý giải coi làng như một mẫu số chung cội nguồn văn hoá sản sinh ra sức mạnh, tình yêu thương, sự cô kết cộng đồng…. Từ đó khái quát nên sức mạnh chiều sâu văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam.

Cảm hứng đậm đà nhất về không gian làng được thể hiện trong Âm vang Cự Nẫm của Trần Hải Sâm. Trường ca muốn đưa ra một định nghĩa riêng về làng: “Tụ nên làng là xóm, là thôn/ Xóm Sáp, Bầu, Côi, Mồ, Cổn/ Mỗi nhánh, mỗi chi tụ thành dòng họ lớn/ Hoàng, Lê, Trần, Nguyễn, Phan…/ Làng có chung dòng máu Việt Nam…”. Lê Anh Dũng trong Dòng sông di sản cùng bạn đọc trên “con đò chuyến ngược” để về với “ngọn nguồn” ngôi làng là “quê cha đất mẹ” mong tìm ở đó bóng dáng người mẹ “tạc vào cánh đồng lam lũ áo nâu” và dáng người “em gái ta trong ráng chiều thoăn thoắt hái dâu”. Ngọc Bái trong Con của phù sa lại trở về với ngôi làng vạn chài yên bình như bao ngôi làng khác: “Trai chèo đò/ Gái ra sông gánh nước/ Ai cũng có phần việc để làm/ Ai cũng có phần lo toan để sống…”.

3. Hình tượng thiên nhiên xuất hiện nhiều nhất là dòng sông thao thiết chảy trong Nhật ký dòng sông (Nguyễn Trọng Bính), Con của phù sa (Ngọc Bái), Dòng sông di sản (Lê Anh Dũng)… Có thể lý giải thế này chăng, một là đặc điểm trường ca phù hợp với cấu trúc hình tượng, sông thường dài, có âm hưởng của sóng của gió…gợi những liên tưởng về sự kỳ vĩ, trường tồn. Hai là, văn hóa Việt Nam thuộc văn minh sông nước, hầu như ở nơi đâu trên đất nước này đều có những dòng sông, không chỉ chảy trong tự nhiên mà còn chảy cả trong tâm thức của mỗi con dân đất Việt…Đặc điểm nổi bật của hình tượng này là luôn có xu hướng nhân hoá, luôn được thổi vào đó linh hồn, tính cách của con người. Ngay tên một trường ca đã có ý ấy: Nhật ký dòng sông. Có trường ca lại coi hình tượng như là sự tổng hoà các phẩm chất đáng quý: “Mẹ Thu Bồn/ dòng sông tâm linh/ dòng sông thi ca/ dòng sông nghệ sỹ/ dòng sông chiến sĩ/ dòng sông anh hùng/…” (Dòng sông di sản - Lê Anh Dũng)…

4. Nổi lên như một niềm tự hào thiết tha về văn hóa Việt là việc xuất hiện dày đặc tên các địa danh. Địa danh chỉ là tên một vùng đất nhưng nhắc đến cái tên ấy là gợi nhớ đến một sự kiện lịch sử - đó không còn là việc vô tình mà là một cách làm sống lại lịch sử, một cách ý thức về lịch sử. Không ngẫu nhiên các vùng đất ấy luôn gắn liền với các truyền thuyết dân gian. Thực ra điều này cũng không mới, trong trường ca Mặt đường khát vọng (1974) Nguyễn Khoa Điềm đã làm điều đó một cách xuất sắc. Khác chăng là ở Mặt đường khát vọng có ý nghĩa như một cách tự hào về lịch sử, còn trong trường ca hôm nay coi đó như một cách lý giải, cắt nghĩa lịch sử. Một cách lý giải bằng thơ: ngoài sự lãnh đạo của Đảng, của đường lối chiến tranh nhân dân, của ý chí, lòng quả cảm, sự thông minh… thì bề dày văn hoá cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh vô địch. Người Việt Nam đánh giặc không chỉ bằng những gì có trong hiện tại mà có trong cả hôm qua, quá khứ tiếp sức cho hiện tại. Từ “Vạm vỡ ngực trần Đam San/ Dịu dàng ánh mắt Hơ Nhí/ Mái nhà rông ngân nga tiếng chiêng…” (Trường ca Trường Sơn - Nguyễn Anh Nông) gắn liền với Tây Nguyên hùng vĩ đến sự tích nàng Vọng Phu hóa đá ở miền quê Lạng Sơn… là các biểu tượng về khát vọng chinh phục tự nhiên, khát vọng tự do…hay tình nghĩa vợ chồng, tình cảm anh em…đã được dân gian bất tử hóa để sống mãi trong tâm thức mỗi người dân. Bản thân truyền thuyết đã giàu chất thơ nên khi được đưa vào làm chất liệu nó càng phát huy giá trị, tăng cường thêm tính huyền thoại của trường ca. Được bắt nguồn từ văn hoá dân gian nên hình tượng thường dễ chinh phục người đọc hơn, lắng đọng, sâu xa, gợi nhớ và gợi nghĩ: “Đêm Trà Linh/ Không rượu mà say/ Chợt lòng thốt lên câu hát/ Trà Linh đất quê mình/ à ơi núi nghĩa sông tình mẹ cha…” (Dòng sông di sản - Lê Anh Dũng).

Không gian tâm linh luôn song hành với không gian văn hoá lịch sử cùng hướng tới một mục đích là thiêng liêng hoá, vĩnh cửu hoá những địa danh, những con người đã trở thành huyền thoại. Viết về Trường Sơn tâm linh các nhà thơ hay mượn hình tượng cây bồ đề tự mọc lên ở Nghĩa trang để neo vào đó chất bay bổng của thi pháp huyền thoại: “Sinh ra cùng ngày với tượng đài Tổ Quốc ghi công/ Cây bồ đề đã trở thành đại thụ/ Tán lá - bầu trời tròn che chở/ Vạn linh hồn phiêu diêu…”. Cây bồ đề đã được cách điệu hoá, vũ trụ hoá thành một “bầu trời tròn”, để vượt khỏi tư cách của chính mình mà vươn tới tư cách của lịch sử: “Cây nói rằng: /Họ vẫn sống như từng đã sống/ Trong đạn bom, mưa nắng Trường Sơn…” (Vạn lý Trường Sơn - Nguyễn Hữu Quý). Lời của cây hay lời của lịch sử văn hoá đã bất tử hoá những con người đã sống chết vì đất nước.

5. Trước năm 1975 trường ca của Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm…là sử thi gần như nguyên chất, nguyên khối; sau năm 1975 trong trường ca của Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu…chất sử thi có vơi nhạt đi chút ít để thay vào đó chất đời tư; đến trường ca hôm nay, vang cùng âm hưởng anh hùng ca là âm hưởng của bi ca tạo nên một hợp âm bi tráng khá đặc sắc mà trường ca trước năm 1975 không có. Chỉ đến hôm nay trường ca mới đủ độ lùi thời gian để nói đến những hy sinh mất mát mà chúng ta phải đánh đổi để giành độc lập tự do, mà trong chiến tranh người trực tiếp đón nhận những điều không mong muốn ấy là những người lính. Đặt vấn đề như vậy để chúng tôi đề cập đến hình tượng trung tâm của trường ca hôm nay: người lính. Hình tượng văn học này trước đây được miêu tả còn đơn giản thì nay được cải tạo, đổi mới cấu trúc bên trong để tạo ra sự phức tạp và đa chiều hơn nhiều. Trước năm 1975 người lính hiện lên với bút pháp lãng mạn bay bổng luôn tỏa hào quang chiến thắng, nay được miêu tả với bút pháp hiện thực tỉnh táo, nhân vật hiện ra sống động hơn. Một hình ảnh người lính hành quân mệt mỏi rã rời trong Ngày đang mở sáng của Trần Anh Thái: “Chân trời/Vực thẳm/Ba lô sập mắt/Gió lặng hành quân”. Những ai đã từng là lính thời đánh Mỹ sẽ gặp lại kỷ niệm qua “ba lô sập mắt”. Anh bộ đội thời nay có lẽ không có nhiều kỉ niệm này: bộ đội đi hàng dọc qua đèo cao vực thẳm, mồ hôi túa ra, nhìn về phía trước chỉ thấy ba lô người đi trước sập vào mắt mình. Hay một số chi tiết đến độ ám ảnh: “Hành quân/ Mắt người hấp hối/ Cơm sắn, canh rừng/ Sống chết dửng dưng”. Phải là một người trong cuộc từng trải nghiệm và từng chứng kiến những “mắt người hấp hối” vì đói khát, vì phải chiến đấu triền miên, có khi cả tuần không được chợp mắt đến nỗi mi mắt bị căng cứng, mới có cách dùng từ “đắt” như thế.

Nguyễn Anh Nông trong Trường ca Trường Sơn tái hiện bước hành quân khó nhọc của người lính qua câu thơ hai chữ nhiều thanh sắc với âm vực cao: “Gió thốc/ Nắng xém/ Tóc cứng/ Miệng khát/ Họng rát/ Mắt chói/ Bụng đói…”. Và cái chết, có cách nói đến gai người, táo bạo nhưng có cơ sở: “Nếu nấm mộ nối hàng thay cây cột số/ Đường Trường Sơn sẽ dài gấp bao lần” (Mở bàn tay gặp núi - Nguyễn Đức Mậu)…

Nét đổi mới rõ nhất trong cấu trúc hình tượng này là được đẩy cảm hứng phân tích khám phá đi sâu vào phía bên trong để tìm những tâm trạng, những nỗi niềm đầy khát khao trăn trở. Nhà thơ đặt nhân vật vào thời quá khứ ngay nơi chiến hào để xem họ nhớ nghĩ những gì: “Những người lính ngủ ngon ngáy pho pho như sấm/ Gương mặt giãn chùng thảnh thơi mãn nguyện nụ cười bí hiểm đậu khoé môi/ Bao bạn bè đồng đội chỉ vậy/ Rồi thôi mang theo đủ nỗi khát thèm xuống đất/ Hương vị trái Đào Tiên chỉ có trên trời!? Tình yêu tình dục/ Nghe kể rồi tưởng tượng/ Không sờ tay không nhìn tận mắt…” (Chiến tranh chín khúc tưởng niệm - Nguyễn Thái Sơn). Đấy đích thực là những vị thánh chưa hề nếm mùi trần tục, có muốn hưởng cái trần tục mùi đời thì cũng chỉ có cách qua tưởng tượng mà thôi.

Trường ca hôm nay có xu hướng khái quát tìm ra, chỉ ra những cái được, mất của lịch sử thông qua số phận con người, số phận nhân dân. Chân dung tinh thần của một thế hệ cầm súng hiện diện rõ qua thái độ lựa chọn và cống hiến. Từ cái cao cả, lớn lao của thời đại đến cái bình dị nhỏ bé của đời thường đều được thể hiện bằng cái nhìn chân thành, đầy đặn hơn. Đời sống nội tâm của người chiến sỹ ở chiến trường với những điều thầm kín, những tâm tư, tình cảm cá nhân được bộc lộ hết sức chân thực, đời thường “Mẹ ơi con người ta nhỏ bé lắm/ ba tháng trên Trường Sơn mới được húp bát canh rau muống đã đời mẹ ơi/ nhu cầu thường đơn giản/ bây giờ thỉnh thoảng/ con nghĩ không biết mình thèm cái gì/ hạnh phúc có khi/ là được thèm nhiều thứ vớ vẩn”(Metro - Thanh Thảo). Đó là những gian khổ trong chiến tranh, những hy sinh mất mát mà hàng ngày, hàng giờ họ phải đối mặt.. Đó là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng của người lính hướng về người thân nơi quê nhà: “Nhưng thử thách lớn nhất chưa phải là đói khát/ gương mặt người thân trong nỗi nhớ cồn cào. Đó là nỗi khát khao mãnh liệt tình yêu, hạnh phúc của người lính trẻ. Nhà thơ quan tâm đến số phận cá nhân và dường như thấu hiểu cả tâm tư, tình cảm, khát vọng của họ một cách chân thực nhất.

Hình tượng lại được đặt vào thời hiện tại để bạn đọc chứng kiến cái bi kịch mà người lính phải đối diện: “Mồ côi mẹ thuở rừng sâu/ Khói bom nghi ngút trắng màu khăn tang/ Bước chân về tận đầu làng/ Vợ mình đã hoá vợ chàng đẩu đâu/ Hai chồng một vợ gặp nhau/ Riêng anh xin nhận nỗi đau ba người…” (Nhật ký dòng sông - Nguyễn Trọng Bính). Chỉ vì chiến tranh mà người lính phải đón nhận bao cái mất: mất tuổi trẻ, mất mẹ, mất vợ…Anh giải quyết cái bi kịch ấy bằng lòng vị tha đáng quý trọng, xin nhận nỗi đau chung để vợ hạnh phúc với chồng mới… Và đó chỉ là một dạng nỗi đau hậu chiến. Còn một bi kịch đắng xót khác: “Người lính đi qua vùng bom hoá học/ Khói chiến tranh đen/ thấm vào máu anh hồng/ Con anh/ đứa chết tuổi lên ba/ đứa mang thương tật/ Màu da con anh màu khói bom trải dọc/ cánh rừng…” (Mở bàn tay gặp núi - Nguyễn Đức Mậu). Tưởng rằng tránh được cái chết trên chiến trường nhưng kẻ thù chiến tranh lại nhẫn tâm muốn giết chết anh trong thời bình, chết trong bi kịch bố mang mầm bệnh, con tàn tật, cả hai cứ chết dần, chết trong nỗi đau thân xác và giằng xé tinh thần. Bi kịch ấy cứ như muốn thét lên: Hỡi nhân loại tiến bộ, hãy cảnh giác! Còn chủ nghĩa đế quốc sẽ còn chiến tranh, còn tội phạm diệt chủng nghĩa là sẽ còn những đau khổ như thế này!!!

Còn một hình tượng “Người lính trở về đối mặt/ Quê nghèo còn lắm gian nan/ Biết bao thói đời đen bạc/ Len lỏi giữa nơi xóm làng/ Người lính trở về đối mặt/ Với ngay chính cả lòng mình/ Ngác ngơ chân trời góc biển/ Ngác ngơ giữa chốn quê hương” (Ru xanh áo lính – Tô Nhuần). Nhưng trở về mà được ngơ ngác thế là còn may mắn bởi vì rồi cuộc đời sẽ dạy cho anh khôn lên, “thói đời” sẽ dạy cho anh hoà nhập…

Kết luận:

Như vậy có một sự đa dạng hoá trong cấu trúc hình tượng người lính, không chỉ nơi chiến trường mà có cả nơi hậu phương, cả trong và sau trận chiến. Ở không gian nào thì người lính cũng phải đối mặt với những mâu thuẫn, ngoài chiến trường thì là sự sống chết. Ra khỏi chiến tranh thì đối mặt với cuộc sống bầm dập đời thường. Đó là những bi kịch tất yếu. Âm hưởng bi ca hoà vào âm hưởng tráng ca tạo ra một giọng bi tráng vừa thống thiết trữ tình vừa hào hùng sử thi, lắng gợi mà ngân vang, ... Đó là thành tựu nghệ thuật của trường ca sử thi Việt Nam hiện đại không thể phủ nhận hay xuyên tạc.

T.M.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)