Bình luận ngoại đề - Cách kể chuyện hiện đại của Nguyễn Ái Quốc

Thứ Năm, 08/02/2024 08:52

ĐẶNG QUỐC BẢO
 

Ngày nay cách kể chuyện với hình thức tác giả “nhảy vào” đối thoại với bạn đọc được coi là tạo ra tinh thần dân chủ mới. Tác giả không áp đặt mà mời bạn đọc đưa ra ý kiến, quan niệm, thậm chí tranh luận. Điều ấy đã được Nguyễn Ái Quốc áp dụng trong văn chương viết bằng tiếng Pháp dưới hình thức “bình luận ngoại đề”. Bài viết xin chứng minh qua một số ví dụ cụ thể.

“Khi bà cụ ng­ười An Nam đáng th­ương bị ngã quay xuống đất, đáng lẽ phải cấp cứu cho bà, thì người cộng tác viên của ông Xarô ấy lại cho gọi lý trưởng đến và ra lệnh cho lý trưởng đem ng­ười bị thương đi nơi khác. Lý trưởng từ chối không làm. Viên đoan liền cho gọi chồng người bị nạn đến, - ông này bị mù, - ra lệnh bắt ông phải đem vợ đi. Hiện nay, bà cụ già khốn khổ đó đang nằm nhà thư­ơng.

Bạn có muốn đánh cuộc rằng hai ông đoan của chúng ta ở Nam Kỳ, cũng nh­ư bạn đồng nghiệp của họ là vị quan cai trị nọ ở châu Phi, có bị làm rầy rà gì không? Họ hẳn đã được thăng chức nữa kia đấy” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tập 1, tr 84).

Tiêu đề của câu chuyện có đoạn trích này là Những kẻ đi khai hoá in trên báo Le Paria, số 4, ngày 1/7/1922. Mảnh đoạn trên mang chức năng miêu tả cảnh một nhân viên nhà đoan đánh một cụ già làm nghề gánh muối. Dù là miêu tả trung tính nhưng người đọc vẫn thấy rất rõ quan điểm của người kể là tố cáo tội ác mất tính người của kẻ đánh, đồng thời tỏ lòng thương cảm với kiếp nô lệ bị đoạ đày như kiếp trâu ngựa. Hành vi thú vật được miêu tả theo lối tăng cấp càng làm rõ hơn tội ác: đánh một bà cụ già đến ngất đi, không những không cấp cứu mà còn bắt người chồng mù, dĩ nhiên cũng đã già phải mang bà cụ đi. Đó không phải hành vi của người mà chỉ có thể là của thú vật, tàn bạo, vô cảm, đểu cáng. Mảnh đoạn sau người kể kéo bạn đọc tham gia vào câu chuyện: “Bạn có muốn đánh cuộc rằng…”. Người kể tự cho mình cái quyền đã quen biết người đọc, vì theo lôgich tâm lý thông thường người ta chỉ “đánh cuộc” với nhau khi đã là chỗ quen biết, không ai dám “đánh cuộc” với người lạ. Quan điểm kể thân tình, tin tưởng, tôn trọng tối đa người đọc càng tăng cường thêm cho tính chân thực của nội dung câu chuyện vừa kể. Và cái chính là gây bất ngờ nơi độc giả: bạn đọc sẽ suy nghĩ là kẻ gây ra tội ác thì sẽ bị trừng phạt. Đấy là lẽ công lý đơn giản nhất. Thế mà ngược lại: “Họ hẳn đã được thăng chức nữa kia đấy”. Bạn đọc sẽ tự rút ra nhận xét về công lý ngược đời của thực dân là như thế: khuyến khích tội ác.

Sự kiện nư­ớc Pháp xâm l­ược rồi đô hộ, bóc lột, vơ vét, tàn phá nư­ớc An Nam nhỏ bé đáng thư­ơng là trái với đạo lý quốc tế. Nư­ớc Pháp tự hào là một nước văn minh mà có những hành động phản văn minh đã gây ra một sự ngạc nhiên lớn cho nhân loại tiến bộ. Nhân loại tiến bộ sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi biết ngư­ời Pháp cai trị các n­ước thuộc địa bằng các ph­ương cách lạ đời, ng­ược đời. Nguyễn Ái Quốc đã góp phần làm sáng rõ thêm cái ngạc nhiên ấy của độc giả khắp thế giới lại là sự thật: “Vận mệnh hai m­ươi triệu ngư­ời An Nam tốt số đang nằm trong tay ông Mácxian Méclanh.

Các bạn sẽ hỏi tôi: "Cái ông Méclanh ấy là ai vậy?". Đó là một ông đã từng làm quan cai trị ở quần đảo Gămbiê, sau giữ chức phó thống đốc Tây Phi, rồi lên làm thống đốc xứ ấy. Đó là một ông đã bỏ ra ba m­ươi sáu năm của đời mình để nhồi nhét cái văn minh đầy ân huệ của nư­ớc Pháp vào đầu óc ngư­ời bản xứ.

Có lẽ các bạn cho rằng đ­ưa một ngư­ời không hiểu gì về Đông D­ương đến nắm vận mệnh Đông D­ương thì thật là một trò hề lớn kiểu Đông Dương chứ gì.

Đúng đấy! Nhưng đó là cái “mốt”. Một bạn đồng nghiệp cho biết rằng: tại Bộ Thuộc địa, một viên quan cai trị cũ ở Đông Dư­ơng ngồi chễm chệ tại vụ Tây Phi thuộc Pháp; một viên quan cai trị cũ ở Tây Phi phụ trách vụ châu Phi xích đạo thuộc Pháp; một viên chức cũ ở Xuđăng phụ trách những vấn đề về Mađagátxca; còn đại diện cho xứ Camơrun ở hội chợ triển lãm thuộc địa lại là một viên chức chư­a hề bao giờ đặt chân lên đất Camơrun” (Sđd, tập 2, tr 44). Cả các bạn và cả tôi đều cho rằng đólà “một trò hề lớn kiểu Đông Dương” không có gì đáng ngạc nhiên nữa, vì đó là cái mốt của ngư­ời Pháp! Còn bạn nào chư­a tin một điều gì tôi liền chứng minh cụ thể, chứng cứ, số liệu thực tế hẳn hoi, Các bạn thấy ch­ưa, sự thật ngược đời là nh­ư thế: “Các bạn thấy chư­a, ông Oabrăng quả thật xứng đáng với... phần th­ưởng công minh mà chính phủ vừa tặng ông bằng cách bổ nhiệm làm biện lý Đaca (?) Nền văn minh th­ượng đẳng mà đư­ợc giao phó vào tay những bọn Đáclơ, bọn Bôđoăng, bọn Oabrăng và bọn Luycaxơ thì thật là tuyệt, và số phận dân bản xứ cũng tuyệt!” (Sđd, tập 2, tr 95). Cần nói rõ thêm vì sao “ông Oabrăng quả thật xứng đáng với... phần thư­ởng công minh mà chính phủ vừa tặng” là nhờ ông ta …làm chết một em bé bản xứ như­ng lại khôn khéo chạy tội rồi bợ đỡ quan trên. Đúng “thật là tuyệt, và số phận dân bản xứ cũng tuyệt!” vì có những kẻ giết ngư­ời, đểu cáng, khốn nạn như­ thế. Nư­ớc Pháp là như thế: Các bạn thấy ch­ưa! Các bạn hết ngạc nhiên chư­a!

“Thế nh­ưng, mới đây, mặc dầu bị d­ư luận An Nam phản kháng, Hội đồng chính phủ Đông D­ương cũng đã nhất trí tán thành dự án ấy. Muốn hiểu rõ sự nhất trí đó có giá trị đến đâu, thì cũng cần biết rằng hội đồng đó gồm có Toàn quyền Đông Dương, tướng Tổng t­ư lệnh quân đội Đông Dư­ơng và độ ba chục viên chức cao cấp ng­ười Pháp, cộng thêm năm viên quan lại bản xứ do viên toàn quyền nặn ra. Ây thế mà tất cả các ngài ấy lại cho rằng họ thay mặt cho cả Đông D­ương và hành động vì lợi ích của nhân dân An Nam!

Các bạn hãy t­ưởng t­ượng mà xem, ng­ười Etxkimô hay ngư­ời Dulu mà lại quyết định vận mệnh của một dân tộc châu Âu!” (Sđd, tập 1, tr 244). Ngư­ời Etxkimô vốn là dân cư miền Bắc cực, ng­ười Dulu là những bộ tộc sống ở miền Nam châu Phi. Từ cái ngược đời này để nói về cái ngược đời khác, ngược đời ở Đông Dương: mốt số rất ít người Pháp lại có thể “thay mặt cho cả Đông D­ương”. Người kể kéo bạn đọc vào truyện: Các bạn hãy ­tưởng ­ tượng mà xem, và nhường quyền kết luận cho bạn đọc về sự kiện này.

Trong bài viết Đông Dương và Thái Bình Dương in trên Le Paria, số 24, tháng 4/ 1924, Nguyễn Ái Quốc báo động với cả thế giới về sự có thể xảy ra chiến tranh trên quy mô toàn cầu và đặc biệt nhấn mạnh đến cuộc sống khốn khổ của dân các xứ thuộc địa của Pháp. Tác giả đưa ra những số liệu cụ thể về sự suy giảm dân số thuộc địa do chính sách ngu dân bằng rượu cồn và lao dịch của thực dân và khẩn thiết nói với bạn đọc về sự diệt vong khủng khiếp này, qua đó kêu gọi mọi người cùng nhau ngăn chặn thảm hoạ ấy:

Các bạn hãy cộng thêm vào sự bóc lột vô nhân đạo ấy sự tồi tệ của bọn vô lương mà đế quốc Pháp giao cho cai trị các đảo đó, thì các bạn sẽ thấy tất cả cái tốt đẹp của chế độ bóc lột và áp bức đang đưa các nước bị chiếm làm thuộc địa ở Thái Bình D­ương đến chỗ chết và diệt vong” (Sđd, tập 1, tr 245).

Các bạn có biết n­ước Cộng hoà Pháp đã cho tên sát nhân ấy làm gì không? Sau cuộc nổi dậy, nư­ớc Cộng hoà Pháp đã cho hắn làm chánh chủ khảo các tr­ường học lớn ở Bắc Kỳ, rồi thì làm đổng lý văn phòng của quan thống đốc, nghị viên hội đồng thuộc địa ở Nam Kỳ kiêm giám đốc uỷ nhiệm các nhà máy rư­ợu.

Một chuyện khác... Thôi, kể thế đủ rồi. Chúng ta hãy ngừng lại đây và sang ch­ương khác, để thay đổi món đi một chút” (Sđd, tập 1, tr 369).

Để tranh thủ sự ủng hộ của độc giả, người kể vừa tôn trọng tầm trí tuệ của bạn đọc vừa coi bạn đọc như là những người đã biết hết, những điều “tôi” có nói ra chẳng qua cũng là sự nhấn mạnh mà thôi. Lúc này thường xuất hiện cụm từ: Như các bạn biết đấy. Điều này tạo ra hai hiệu quả nghệ thuật, một là tính hiện thực, nội dung câu chuyện được kể như là một sự thật hiển nhiên, bạn đọc thừa nhận rồi; hai là tính thuyết phục tạo cho câu chuyện sự bình đẳng dân chủ, tạo ra một độ mở cần thiết để bạn đọc phán xét, người kể không áp đặt: “Tôi đã nói chuyện về các ông nghị thanh liêm. Bây giờ, tôi phải nói đến các quan cai trị có đạo đức. Nh­ư các bạn biết đấy, để bảo vệ cho một chế độ cướp bóc, phải có quân ăn cướp. Họa hoằn có một viên quan cai trị nào lại thật thà và hiểu biết hơn, lập tức viên ấy bị đàn lang sói quan thầy hay bè bạn xua đuổi đi ngay. Thành thử ra 99% quan cai trị là quân trộm cắp, chỉ nghĩ đến bóc lột dân bản xứ để làm giàu, chẳng kiêng nể gì tài sản, quyền lợi, tự do, đời sống của những ng­ười bị cai trị cả” (Sđd, tập 1, tr 367). Ở trường hợp sau khi trình bày với bạn đọc xong một vấn đề, để chuyển sang một vấn đề khác, phức tạp, quan trọng hơn, người kể xác nhận sự thật khách quan của vấn đề sắp nói, và nó quá xa với tưởng tượng của bạn đọc, vì nó phi lý quá, ngược đời quá nên người kể phải rào đón kiểu như thế này: “Các bạn có thể t­ưởng t­ượng đ­ược nh­ư thế không?”: “ Nói xong vấn đề giáo dục, thì tự nhiên chúng tôi nghĩ ngay tới câu hỏi: Thế còn báo chí? Những điều tôi sẽ kể về báo chí An Nam nó kỳ dị quá đến nỗi khó mà tin đ­ược. Giữa thế kỷ XX này, ở một n­ước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể t­ưởng t­ượng đ­ược nh­ư thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi. Lý do như­ thế này. Chính quyền Pháp quyết định rằng không một tờ báo bằng tiếng An Nam nào đ­ược xuất bản nếu không đ­ược viên toàn quyền cho phép, rằng họ chỉ cho phép với điều kiện là bản thảo đ­ưa đăng phải trình viên toàn quyền duyệt tr­ước đã, và giấy phép ấy họ thu hồi lúc nào cũng đ­ược...” (Sđd, tập 1, tr 403).

Bình luận ngoại đề nhằm đạt hai mục tiêu lớn: tố cáo tội ác của thực dân Pháp không chỉ ở Đông D­ương mà ở tất cả các nư­ớc thuộc địa và thức tỉnh, thức tỉnh nhân dân các nư­ớc thuộc địa, thức tỉnh nhân dân tiến bộ Pháp cũng nh­ư trên thế giới. Ở ví dụ sau thì mục đích của ng­ười kể không phải là nói về “cuộc đấu tranh tuyệt vọng của một dân tộc bị áp bức” mà h­ướng tới một nội dung tố cáo tội ác, ca ngợi sức sống dẻo dai không chịu khuất phục bởi c­ường quyền bạo lực của nhân dân An Nam: “Trong cuộc đấu tranh tuyệt vọng của một dân tộc bị áp bức có nhiều hành động oanh liệt và nhiều sự hy sinh lớn, giá kể đ­ược ở đây để các bạn biết thì hay lắm, như­ng không thể nói hết đ­ược trong phạm vi nhỏ hẹp của buổi nói chuyện này của chúng ta. Vậy nên tôi chỉ có thể nhắc lại đây một đoạn hồi ký của Phó đô đốc Rêvâye như­ sau...” (Sđd, tập 1, tr 412). Rõ ràng lời đối thoại giá kể đ­ược ở đây để các bạn biết thì hay lắm đã làm tốt chức năng là cái “cầu nối” hai câu chuyện, đ­ưa bạn đọc từ câu chuyện này (chư­a cần thiết biết kỹ) sang câu chuyện kia (cần biết kỹ để hiểu sâu hơn).

Như vậy, cách kể dân chủ này đã tạo ra một niềm tin ở bạn đọc vào nội dung kể. Đó là cách kể rất mới của Nguyễn Ái Quốc cần được tìm hiểu sâu hơn!

Đ.Q.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)