. PGS.TS NGUYỄN THANH TÚ
Ngày 21-10-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1). Hôm nay, ở những ngày đầu của cuộc cách mạng 4.0, soi những quan niệm mới nhất về giáo dục, những hướng nghiên cứu mới nhất về văn hóa trên thế giới vào Bài nói chuyện của Người sắp kỷ niệm 80 năm ngày ra đời, càng thấy tư tưởng Hồ Chí Minh đi trước thời đại. Hai vấn đề nổi bật trong Bài nói của Bác là triết lý “trồng người” và “trồng cây”.
Từ quan niệm mang tính chân lý “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Bác rất quan tâm đến giáo dục. Chỉ sau hơn một tháng khai sinh ra nước Việt Nam mới, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa - tiền thân của Trường Đại học sư phạm Hà Nội khẳng định việc đào tạo giáo viên trung học là “rất nên cần thiết” để “xứng danh với một nước độc lập và để theo kịp bước các nước tiên tiến trên hoàn cầu”. Hiện thực Sắc lệnh này, Chính phủ ra Quyết định thành lập ngành Sư phạm (1946) và Trường Sư phạm Cao cấp (1951). Các năm 1957, 1960 Bác Hồ tới thăm Trường căn dặn về cách dạy dỗ phải xuất phát từ tình yêu thương, kiên nhẫn thuyết phục học trò, nhắc nhở giáo dục sinh viên phát huy tinh thần phấn đấu trong học tập và cống hiến. Năm 1964 Bác đến thăm trường cùng một vị Tổng thống nước ngoài, điều đó cho thấy Bác và Chính phủ coi trọng chính sách giáo dục trong quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế. Cuối Bài nói Bác nhắc “làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”. Lời nói ấy đã trở thành những chữ vàng nói về hướng đi, mục đích phấn đấu của nhà trường. Hai chữ “mô phạm” chỉ sự khuôn phép, mẫu mực, chuẩn mực để người khác noi theo, tức Bác mong nhà trường vừa là nơi đào tạo giáo viên, vừa là ngôi trường mẫu mực. Cán bộ giáo viên, sinh viên của trường phải trở thành những con người chuẩn mực. Điều này hoàn toàn thống nhất với quan niệm của Người về nêu gương: “Một tấm gương sống còn hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Đầu thế kỷ XXI giáo dục thế giới mới quan niệm người thầy thuyết phục trò bằng cả nhân cách mình, xét kỹ cũng gần gũi với quan niệm của Bác Hồ.
Về “trồng người”, trong Bài nói, Người đặt ra mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện cả về tài và đức: “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”. Trong câu đầu Người đặt chữ “tài” lên trước (chú trọng cả tài lẫn đức) để nhấn mạnh “tài” (chứ không hề coi nhẹ). Các câu sau nói về vai trò của “đức” trong mối quan hệ “tài”, “đức”. Khái niệm “đạo đức cách mạng” được Bác coi “là cái gốc, rất là quan trọng”. Cả mảnh đoạn bật toát ra một triết lý mới, hiện đại: xây dựng con người tài đức vẹn toàn phải lấy đạo đức cách mạng làm gốc, có nội dung cơ bản là “triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân”. Hôm nay khoa học phát triển vô cùng nhanh chóng, công nghệ có thể làm thay, làm giỏi hơn con người, giáo dục thế giới đang kêu gọi phải chú ý sâu sắc việc giáo dục tinh thần, tâm hồn cho người học, để “làm cân bằng” đời sống đang có nguy cơ bị “máy móc hóa”. Càng thấy quan niệm đạo đức “là cái gốc” của Bác sáng suốt vô cùng!
Bác lấy hai ví dụ, một giáo viên nữ lên vùng cao dạy học lúc đầu rất khó khăn “không biết tiếng nói và chưa hiểu phong tục tập quán”, “không có trường và không có học trò”. Cô đã “quyết phải làm tròn nhiệm vụ” và cụ thể hóa bằng “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với đồng bào”, rồi “dần dần từng bước”. Và một giáo viên nam trên tận “rẻo cao”, hàng ngày tới nhà cõng học trò đến trường. Bác gọi những thầy cô như thế là những “anh hùng”. Như vậy trong việc “trồng người”, thầy cô giáo cũng phải lấy đạo đức cách mạng “là cái gốc” để vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Về “trồng cây”, không phải đến Bài nói này Bác mới đặt ra, mà từ trước đó, ngày 23/5/1958 tại Đại hội chiến sỹ thi đua nông nghiệp lần thứ ba, trong bài phát biểu Bác có câu thơ nói về sự nguy hại của việc để làm mất rừng: “Núi trọc như đầu bình vôi/ Sông không có nước, nước hiếm hoi như vàng”. Không chỉ là nói, Bác còn hành động rất cụ thể, tháng 1/1959 Bác phát động “Tết trồng cây”. Trong Bài nói này Bác nhắc “nên trồng cây nhiều”. Xin phép được nói về ngày hôm nay, thế giới đang phát động “cuộc sống xanh” (green lifestyle/ green living/ going green) kêu gọi con người lựa chọn cách sống “xanh hóa” môi trường để có sự phát triển bền vững. Muốn vậy phải trồng cây, gây rừng, phải giảm thiểu tác động có hại đến môi trường... Như vậy Bác Hồ của chúng ta đã đi trước thế giới cả nửa thế kỷ. Là người phát động trồng cây, Bác cũng là người gương mẫu trồng, chăm sóc, quý mến cây như quý mến con người vậy.
Cũng trong Bài nói, sau khi phê bình “vệ sinh ở đây còn kém”, Bác yêu cầu “nên trồng cây nhiều”. Vạch ra nguyên nhân vì sao “cây sống ít”, Bác thẳng thắn: “là vì các cô, các chú tham trồng cây nhiều, nhưng không chăm bón cho tốt”. Như vậy Bác quan tâm tới cả quá trình “trồng cây” và “chăm bón” cho cây, coi đó là mối quan hệ hữu cơ, không tách rời, trồng cây nhiều mà không “chăm bón cho tốt” thì cũng chẳng ý nghĩa gì. Theo con đường “liên văn hóa” (intercultural), ngược về những quan niệm của cha ông, thì đó chính là quá trình giáo dục truyền thống. Xét về từ nguyên thì “giáo” nghĩa là dạy – truyền thụ tri thức, “dục” nghĩa là nuôi dưỡng (cả vật chất và tinh thần), “giáo dục” luôn đi liền với nhau là vậy. Bác Hồ từng nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” cũng là phát triển từ ý của cổ nhân. Đến đây ta hiểu thêm vì sao trong Bài nói Bác Hồ nói về cả “trồng người” và “trồng cây”, chính là một sự nhắc nhở, trồng cây cũng như trồng người và ngược lại, ngoài việc “trồng” ra, còn phải rất quan tâm đến “chăm bón cho tốt”.
Hai chữ “văn hóa” hiện thế giới đang dùng được bắt nguồn từ chữ Latin “Cultus” có nghĩa gốc là gieo trồng, “Cultus Agri” là “gieo trồng ruộng đất”, “Cultus Animi” là “gieo trồng tinh thần”. Như vậy triết lý của Bác chính là kế thừa, kết tinh những tinh hoa quan niệm phổ biến của nhân loại. Ngày nay, triết học văn hóa hiện đại cũng quan niệm không mới hơn, vẫn ví con người như cây xanh, phải trồng trọt, chăm bón… Từ lời phê bình “tham trồng cây nhiều, nhưng không chăm bón cho tốt” của Bác có thể hiểu rộng ra về quan điểm đào tạo con người: tham mở nhiều trường, nhiều lớp mà không đảm bảo chất lượng thì cũng uổng phí! Lời Bác dạy không chỉ về “trồng cây”, mà cho cả “trồng người”: “trồng cây nào thì phải chăm bón cho tốt cây đó. Như thế, hơn là tham trồng nhiều mà kết quả ít”. Đó là chân lý, đạo lý cũng là nguyên lý giáo dục!
Từ những phân tích trên cho phép ta hiểu lời nhắc của Bác “Các cô, các chú và các cháu phải làm cho vườn của trường thành một vườn hoa, vườn cây tươi đẹp”, không chỉ theo nghĩa đen mà có cả nghĩa bóng: phải làm cho nhà trường là “vườn hoa”, “vườn cây tươi đẹp”; tất cả cán bộ, giáo viên, sinh viên đều là những nhân cách cao đẹp. Điều này hoàn toàn thống nhất với quan niệm của Người: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”.
Cuối Bài nói Bác nói về giải pháp chung là “làm thì phải có tổ chức” và đưa ra 4 giải pháp cụ thể về việc “trồng người”. Xin không bàn cách “tổ chức” vì đó là nghiệp vụ của ngành sư phạm, chỉ xin nhấn mạnh tới 4 giải pháp. Một là, “phải đoàn kết” mà Bác nhấn mạnh “đoàn kết thật sự, giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân”. Đến nay, ngành giáo dục có bao điển hình trường tiên tiến, hầu như trường nào cũng khẳng định lời dạy trên của Bác là phương hướng chung để phấn đấu. Hai là, Bác nhắc nhở về phương pháp học. Bác dặn “không nên học gạo, không nên học vẹt” mà “học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Những phương pháp tiếp thu tri thức hiện đại thời Cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới cũng chưa vượt qua quan niệm trên của Bác Hồ, khác chăng chỉ là những yêu cầu về sự sâu sắc, cụ thể hơn mà thôi. Ba là, để dạy tốt, học tốt, Bác nêu giải pháp: “Cần phải giữ gìn kỷ luật cho tốt, phải sạch sẽ, gọn gàng. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chống lề mề, luộm thuộm”. Bốn là, Bác nhắc thầy trò “phải thật thà yêu nghề mình”. Về điểm này, bộ môn Giáo dục học hiện đại cũng khẳng định, vì con người là kết tinh cao nhất vẻ đẹp, trí tuệ của tạo hóa nên nghề dạy học là nghề khó khăn, về bản chất đó là công việc chinh phục con người. Do vậy, phẩm chất đầu tiên của ông thầy là yêu nghề, từ trái tim đến với trái tim là con đường ngắn nhất và cũng dễ thành công nhất. Ta lại hiểu thêm vì sao Bác dùng từ “thật thà” (thật thà yêu nghề). Chỉ mấy trăm chữ nhưng gói trong đó cả một tư tưởng lớn về chiến lược “trồng người’ với mục tiêu, biện pháp, giải pháp. Ngoài một tầm nhìn, một tấm lòng yêu thương, còn phải là một trí tuệ lớn với vốn sống giàu trải nghiệm, tinh tế, sâu sắc! Điều ấy chỉ có ở Bác Hồ!
N.T.T
---------
(1). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tr 329.
VNQD