. PGS.TS ĐẶNG QUỐC BẢO
Bác Hồ là người dành cả cuộc đời để giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách nô lệ bởi chủ nghĩa phong kiến, thực dân, đế quốc. Người nói “Tôi hiến đời tôi cho dân tộc tôi”. Cuộc đời Bác là tấm gương sáng nhất về cống hiến, thể hiện rõ nhất, sinh động nhất một định nghĩa thế nào là “cống hiến”.
Trước hết là phải học tập, theo lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi”, vì: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hóa, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”[1]. Bác Hồ là tấm gương tự học và bền bỉ học tập suốt đời, học trong mọi hoàn cảnh, học lý luận gắn liền với thực tế, khi tuổi cao sức yếu vẫn kiên trì học: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học...”[2]. Triết học văn hóa hiện đại rất đề cao tri thức, cho rằng nếu không được trang bị kiến thức cơ bản thì con người dễ sa vào tình trạng hoang dã, thú tính do không có những ứng xử tối thiểu trước sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của khoa học. Điều này Nguyễn Ái Quốc đã nói từ năm 1921 về trạng thái nô lệ của người An Nam: “Chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập”[3]. Có học thức sẽ là tiền đề cho con người có trách nhiệm vì họ hiểu được bổn phận và trách nhiệm của mình với bản thân, gia đình và cộng đồng. Câu thành ngữ cổ nói sâu sắc về ý này: “Nhân bất học bất tri lý”, nghĩa là người không được học thì không biết cái lý lẽ ở đời. Có trách nhiệm tức sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ. Một người chồng có trách nhiệm, ngoài nhiệm vụ chính còn biết san sẻ nghĩa vụ công việc nấu ăn, giặt giũ khi vợ bận hoặc biết chia vui hay tâm tình với người thân… Đó là gia đình hạnh phúc!
Bác Hồ cũng là tấm gương sáng nhất về bài học trách nhiệm và sự sẻ chia khi cả nước gặp buổi hoạn nạn, dân đói, dân rét thì Bác góp một vốc gạo, nhịn một bữa ăn, tặng một tấm áo,... Thậm chí giữa trời giá rét Người cởi tấm áo bông đang mặc khoác cho tù binh hay nhắc bộ đội phải cho tù binh đi giày vì họ không quen đi chân không... Đấy là biểu hiện của tình thương lớn chỉ có được từ tâm hồn vĩ đại bao la, sâu sắc một tình yêu con người, không chỉ thu phục nhân tâm mà còn thu phục cả lương tâm thời đại. Có được một người lãnh đạo như thế là hạnh phúc cho cả một dân tộc!
Bài học cho giáo dục hôm nay là dạy người phải đi từ những việc nhỏ nhất để khơi gợi ở trẻ lòng vị tha. L.Tônxtôi từng kể niềm vui được chia sẻ hồi ấu thơ khi cha ông yêu cầu con phải đưa bằng hai tay cho những đồng hào lẻ đến người ăn mày. Để rồi khi lớn lên, tình thương, sự trân trọng con người thấm sâu vào từng con chữ của nhà văn. Bác Hồ dạy cán bộ phải là “người đầy tớ” thật trung thành của nhân dân cũng là dạy họ tình thương, trách nhiệm, sự phục vụ nhân dân không điều kiện. Thì có nghĩa Bác Hồ cũng đã giáo dục họ hiểu về hạnh phúc!
Với Bác Hồ học tập gắn liền với lao động. Học tập để thành quả lao động tốt hơn mà phục vụ tốt hơn nữa cho dân cho nước thì lao động là hạnh phúc: “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta. Trong xã hội ta, không có nghề nào kém, chỉ những kẻ lười biếng, ỷ lại mới đáng xấu hổ. Người nấu bếp, người quét rác cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”[4]. Bác Hồ là người lao động thực thụ với 12 nghề khác nhau. Thời đi tìm đường cứu nước để có tiền sống và hoạt động Bác làm nghề nấu ăn, quét tuyết, chụp ảnh… Thời kháng chiến chống Pháp Bác làm bài văn vần để các đồng chí cận vệ chọn nơi ở trong rừng: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta chơi…”. Đến đâu Người cũng trồng rau, nuôi gà tự túc thực phẩm. Sau này làm Chủ tịch Nước Bác vẫn tự tay cuốc đất trồng rau, trồng cây.
Những lời Bác dạy đã kết tinh cao nhất vào 5 điều Bác Hồ dạy các cháu thiếu niên, nhi đồng:
- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
- Học tập tốt, lao động tốt
- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
- Giữ gìn vệ sinh thật tốt
- Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Đây chính là yêu cầu cơ bản của một nhân cách, nói khác đi, có thể hình dung Bác đã kiến tạo một nhân cách với các phẩm chất cơ bản: có nền móng là tình yêu thương. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào mang tính chất phổ quát rộng rãi cho tất cả: ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè… Có 4 cột chống vững chãi không thể thiếu một: Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. Có bức tường bảo vệ, che chắn: Vệ sinh thật tốt. Có mái che bền vững: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Như vậy 5 điều này không chỉ dành cho trẻ em mà cho cả người lớn. Vì giáo dục là quá trình rèn luyện liên tục, lâu dài, thường xuyên. Nhìn từ phương diện này thì Bác Hồ chính là nhà giáo dục vĩ đại nhất, hiện đại nhất!
Đ.Q.B
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 90.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 273.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. Sđd, tr 34, 35.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 69.
VNQD