. HOÀNG ĐÌNH BƯỜNG
Thiếu tướng Lê Huy Mai, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, là người lính ở chiến trường Trị - Thiên thời đánh Mĩ. Anh hơn tôi ba tuổi, nhập ngũ từ năm 1964 trên quê hương Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, định mệnh với Trinh sát - Đặc công ngót mười năm trời ở Sư đoàn 324. Còn tôi là lính bộ binh Trung đoàn 6 - Phú Xuân luôn chiến đấu bên cạnh đơn vị anh tại mặt trận được coi là khốc liệt nhất của chiến trường miền Nam.
Điều đặc biệt là rất nhiều địa danh ở Trị - Thiên và một loạt cao điểm, Sư đoàn 324 và Trung đoàn 6 - Phú Xuân cùng đặt chân tới đó đánh giặc và chốt giữ đất từ năm 1965 đến năm 1975. Từ chiến khu Ba Lòng (Đa Krông) đến các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; từ thành phố Huế đến các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên, chúng tôi đều có mặt, đánh địch và chốt giữ đất ở đó. Đồn Cầu Nhi ở huyện Hải Lăng, Quảng Trị án ngự Quốc lộ số 1, Sư đoàn 324 đánh, Trung đoàn 6 - Phú Xuân cũng đánh và giành chiến thắng vẻ vang, đương nhiên ở hai thời điểm khác nhau. Trên chiến trường, mỗi vùng đất, mỗi cao điểm ta và địch thường giành đi giật lại rất nhiều lần. Máu sông xương núi là vậy. Những vùng đất, những cao điểm quyết chiến ác liệt mà Sư đoàn 324 và Trung đoàn 6 - Phú Xuân cũng như tôi và anh Lê Huy Mai từng chiến đấu có thể kể đến: Động Tranh, Không Tên, 372, Sơn Na, Chúc Mao, Mỏ Tàu, Đá Đen, 303, Hạt Gạo, 310, 312, Yên Ngựa, Mỏm Đỏ, Đồi Nón, Đồi Loong, Bình Điền, Đường 12…
Đồng chí Lê Huy Mai (ngoài cùng bên phải) và đồng đội ở Sư đoàn 324 những năm kháng chiến chống Mĩ, cứu nước. Ảnh: NVCC
Đối thủ mà chúng tôi hay “gặp nhau” là Trung đoàn 54, Sư đoàn 1 bộ binh của Quân đội Sài Gòn. Là đơn vị trực thuộc Quân khu Trị - Thiên, Trung đoàn 6 - Phú Xuân ngoài đánh vận động tấn công phải chốt giữ đất nên thông thuộc địa hình vùng giáp ranh và đồng bằng, gánh chịu vô vàn khó khăn, ác liệt. Chúng tôi gọi đùa A Lưới là “thủ đô” và chưa bao giờ đặt chân tới đó để củng cố, đừng nói đến chuyện ra Bắc điều dưỡng. Ở chiến trường, Sư đoàn 324 là bạn thân của Trung đoàn 6 - Phú Xuân anh hùng. Như đã nói, Trung đoàn 6 là đơn vị vừa đánh vận động tấn công vừa chốt giữ đất (nên còn được gọi vui là “Trung đoàn… Chốt”) nhưng luôn có sự phối hợp tác chiến với quân chủ lực.
Điều kiện chiến đấu cùng một địa bàn như đã nói trên là mối tơ duyên cho tôi và anh Lê Huy Mai gặp nhau sau chiến tranh, thấu hiểu và chia sẻ tâm sự.
Năm 2018, Thiếu tướng Lê Huy Mai cho ra mắt tập hồi kí Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương - xứ Huế do Nxb Quân đội nhân dân ấn hành 1540 cuốn. Cùng năm đó Nxb Quân đội nhân dân cũng in tập bút kí Yên Ngựa sau cuộc chiến của tôi với số lượng 1040 cuốn. Hai cuốn sách của hai người lính hội tụ ở chiến trường Trị - Thiên một nỗi niềm chung.
Hai lần vào Quảng Bình trên cương vị Phó “Trưởng ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Quân khu Trị - Thiên”, anh Mai gặp tôi trao đổi tâm tình thời trận mạc rất tâm đắc. Trong lần gặp thứ hai, tôi tặng anh hai cuốn sách: Yên Ngựa sau cuộc chiến và Đất treo đầu súng. Về Hà Nội, anh đọc và gọi điện cho tôi, ghi nhận những điều trong hai cuốn sách viết về người lính chiến trường Trị - Thiên.
Ngày 25 tháng 4 năm 2021, tôi đi trong đoàn Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình ra gặp mặt kỉ niệm 55 năm thành lập Quân khu Trị - Thiên (1966 - 2021) tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (266 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) gặp lại anh Lê Huy Mai. Cả hai đều rất phấn khởi bởi cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa “ôn cố tri tân”, có đến mười tướng lĩnh từng ở chiến trường Trị - Thiên về dự. Đặc biệt có Trung tướng Lê Văn Hân, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 6 - Phú Xuân của tôi (1972 - 1973). Trước khi vào buổi lễ, anh Mai ra xe lấy tập hồi kí Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương - xứ Huế tặng tôi, rồi cùng chụp ảnh kỉ niệm ngoài tiền sảnh và trong hội trường.
Về Quảng Bình, tôi đọc cuốn hồi kí liên tục một tuần từ trang đầu đến trang 570, kết thúc và điện ra Hà Nội cho anh Lê Huy Mai. Hết sức ngạc nhiên, anh hỏi:
- Sao anh đọc nhanh vậy?
Tôi cười:
- Đọc là… nghề của tôi. Vả lại, cuốn hồi kí quá cuốn hút, nhìn chung là hay. Sự kiện ngồn ngộn, chân thật và rất sinh động. Ảnh nhiều và quý hiếm. Tên đất tên làng, tên các cao điểm quyết chiến đề cập trong đó hầu hết tôi biết, nhiều nơi đã từng đánh nhau và chốt giữ đất. Vậy là mê và đọc, không bỏ trang nào.
Nghe tôi nói thế, anh Mai cũng cười, cảm ơn và thêm mấy lời:
- Anh là nhà giáo, viết chỉn chu, bài bản. Tôi là lính có gì viết vậy, không tô, không bịa là được, còn hay thì có lẽ là chưa đâu.
Trong “Lời giới thiệu” cuốn hồi kí của Thiếu tướng Lê Huy Mai Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương - xứ Huế, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Lê Khả Phiêu viết: “Thông qua những trang viết được rút ra từ kí ức nguyên vẹn, chân thực, có chiều sâu với nhiều tư liệu quý, cuốn hồi kí của đồng chí Lê Huy Mai đã tái hiện sinh động về những năm tháng chiến đấu vô cùng cam go, quyết liệt của bộ đội và nhân dân ta trên chiến trường Trị - Thiên…”
Cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Lê Huy Mai kéo dài từ năm 1964 đến năm 2006 gắn với các sự kiện của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, rồi xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vững mạnh, phồn vinh… Tất cả đó, cuốn hồi kí đều đề cập ở nhiều mức độ khác nhau. Nhưng sâu đậm nhất là hình ảnh người lính trận mạc chiến đấu anh dũng quả cảm. Mặt nền của sự nghiệp anh Lê Huy Mai có lẽ bắt nguồn từ mười năm chiến đấu ở chiến trưởng Trị - Thiên, từ chiến sĩ trinh sát đến Trưởng ban Trinh sát - Đặc công Sư đoàn 324. Sau này anh được đào tạo, bồi dưỡng, đảm trách nhiều cương vị quan trọng trong quân đội: Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 341, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 327 và Sư đoàn 3 Sao Vàng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 2…, và cuối cùng là Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng với quân hàm Thiếu tướng.
Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương - xứ Huế không chỉ viết về người lính ở chiến trường mà còn nói về quê hương, gia đình và người thân trong nhiều mối quan hệ đan xen. Viết về khúc đoạn nào tôi cũng cảm thấy hay, cuốn hút. Nhưng tôi đặc biệt quan tâm hơn cả là quãng đời lính trinh sát trên chiến trường, nơi tôi cùng anh Lê Huy Mai chiến đấu với biết bao kỉ niệm “thời hoa lửa” đã đi qua.
Anh Lê Huy Mai kể về những năm tháng chiến đấu trong cảnh đói rét hoành hành, đạn bom khốc liệt ở vùng đất đầu nguồn sông Mỹ Chánh, sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương… Rồi xuôi về Rào Trăng (nơi mà gần đây Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng các cán bộ chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ chống lũ lụt) tiếp cận với các xã Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An… để đánh giặc. Các làng Cổ Bi, Hiền Sĩ, Phò Ninh, Thượng An, Tứ Chánh đã diễn ra các trận đánh, anh kể, tôi biết. Đó là mối giao cảm từ chiến trường xưa vọng về trong trí nhớ người lính như những thước phim thời sự chiến tranh cứ tuôn trào.
Gần mười năm ở chiến trường, từ chiến sĩ trinh sát đến Trưởng ban Trinh sát - Đặc công của Sư đoàn, anh Mai đã trải qua vô vàn những lần giáp mặt với địch, nhiều lần thực sự nổ súng đánh địch để tiếp tục thi hành nhiệm vụ đặc biệt. Ấn tượng hơn cả là phân đội trinh sát của anh xuyên rừng từ miền Tây Trị - Thiên về vùng đầm phá sát biển để giải cứu gần ba trăm thương binh mắc kẹt ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Đường sá xa xôi, địa bàn đồng bằng trống trải, không thông thuộc, địch bao vây tứ phía. Thế mà dưới sự chỉ huy trực tiếp của phân đội trưởng Lê Huy Mai, Phân đội Trinh sát đã bắt liên lạc với các địa phương, xác định được vị trí cụ thể của thương binh đang nằm trong dân và tổ chức giải cứu thành công, hầu hết thương binh lên rừng an toàn. Chỉ có Đội phẫu tiền phương của Trung đoàn 1 ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền bị địch phát hiện, đánh úp, anh em hầu hết hi sinh, còn lại hai người trong đó có đồng chí Nguyễn Xuân Kiều, sau này công tác ở Ban Cơ yếu Chính phủ.
Cũng cần nói thêm, xã Phong Chương - nằm bên sông Ô Lâu đổ ra phá Tam Giang gần huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - là vùng đất kẹt giữa vòng vây địch. Vậy mà Phân đội Trinh sát của anh Mai đã đến giải cứu gần ba trăm thương binh, cứu sống ba trăm mạng người. Chiến công này ai bảo không phải là lớn lao, không xứng đáng anh hùng? Tôi vô cùng khâm phục.
Sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xuân 1975, Sư đoàn 324 đứng chân ở ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Tuyên Đức. Cuối năm đó tổ chức phản động FULRÔ ngoi lên tập hợp lực lượng chống phá cách mạng. Ở Ninh Phước, một tiểu đoàn FULRÔ được thành lập do tên Dư cầm đầu. Lê Huy Mai với vai trò là Trưởng ban Trinh sát - Đặc công Sư đoàn 324 đã điều tra nghiên cứu và chỉ đạo phục kích diệt gọn tiểu đoàn lính FULRÔ vừa mới triển khai nhiệm vụ mấy ngày, bắt sống nhiều tên, thu hầu hết vũ khí. Dòng máu trinh sát thấm sâu trong công việc đánh giặc và cả những nhiệm vụ quan trọng sau này của Thiếu tướng Lê Huy Mai góp phần xây dựng tượng đài chiến công của lính Cụ Hồ cả trong thời chiến và thời bình.
Nhiều lần đối diện với cái chết nhưng chỉ bị thương vài lần, thoát chết diệu kì. Đó là hồng phúc của gia đình và sự may mắn hiếm hoi bên cạnh sự hi sinh, chia lửa, chia máu của đồng đội Lê Huy Mai. Anh nhận chân rất rõ điều này, có dịp là đến thăm viếng mộ đồng đội liệt sĩ và gia đình thân nhân của họ. Chiến đấu dũng cảm, sống nghĩa tình để rồi có được một gia đình hạnh phúc, ấm êm. Cô giáo Nguyễn Thị Bình, vợ anh, nết na tình cảm, đảm đang lo toan mọi việc, hậu phương vô cùng quan trọng và vững chắc của Thiếu tướng Lê Huy Mai. Các con đều thành đạt, các cháu chăm ngoan… Niềm vui hạnh phúc lan tỏa cuối đời người lính trận mạc như kết thúc có hậu của đất nước sau chiến tranh bừng sáng tương lai. Chung, riêng đều trọn vẹn.
Nhưng ấn tượng in đậm mãi mãi trong tôi vẫn là hình ảnh người chiến sĩ và cán bộ chỉ huy trinh sát Lê Huy Mai trên chiến trường Trị - Thiên gắn với các địa danh, cao điểm quyết chiến ác liệt mà cả anh và tôi từng trải qua. Và có lẽ đó cũng là linh hồn cuốn hồi kí Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương - xứ Huế mà tôi rất thích, đọc liền mạch một tuần và còn đọc lại để cảm nhận và suy ngẫm về lính chiến trường Trị - Thiên.
H.Đ.B
VNQD