. NGUYỄN THANH TÚ
Không cứ gì ở ta, mà trên thế giới vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về quan hệ giữa lịch sử và văn học. Nếu văn chương trùng khít với lịch sử thì sự sáng tạo - một thiên chức của văn chương, thể hiện ở điểm nào? Nếu viết xa với lịch sử, tức hư cấu quá đà, thì cái lõi lịch sử có giữ được bản chất không? Xu hướng chung hiện nay là văn chương (cụ thể là tiểu thuyết lịch sử) vẫn giữ nguyên những gì ổn định vốn có, sự hư cấu là cách tăng cường, củng cố cái ổn định kia mà thôi. Ở ta, một số nhà văn đang đi theo hướng này, trong đó có Phùng Văn Khai. Tiểu thuyết mới nhất của anh có tên Trưng Nữ Vương (Nxb Văn học, 2023) là một ví dụ.
Ngày 19/10/1966, phát biểu tại lễ kỉ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1946 - 20/10/1966), Bác Hồ khẳng định công trạng của Hai Bà Trưng: “Từ đầu thế kỉ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.” Một số chính khách, nhà khoa học trên thế giới đã có công trình nghiên cứu hoặc dành thời gian đến thăm viếng đền thờ Hai Bà Trưng. Gần đây nhất, phát biểu tại Hội nghị cấp cao APEC 2017, Tổng thống Mĩ Donald Trump đề cao Hai Bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm, thức tỉnh tinh thần độc lập: “Đó là khoảng năm 40 sau Công nguyên, khi Hai Bà Trưng khơi dậy tinh thần của những người dân đất nước này. Đó là lần đầu tiên dân tộc Việt Nam đứng lên vì nền độc lập và niềm tự hào dân tộc của các bạn. Những người yêu nước trong lịch sử nắm giữ những câu trả lời cho tương lai của chúng ta. Họ nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là ai, chúng ta cần phải làm gì.”
Hiện nay, khi phong trào bình đẳng giới ngày một lên cao thì thế giới càng chú ý đến sự kiện khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở ta. Cuộc khởi nghĩa có hàng chục nữ tướng tham gia được coi là một trong những tấm gương sớm nhất, tiêu biểu cho việc cổ vũ phụ nữ đứng lên đòi quyền làm chủ, quyền sống, tự mình giải phóng mình khỏi những tín điều, những thế lực cả hữu hình và vô hình đè nén. Một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa ở các nước lại tìm hiểu về “nguyên lí mẹ”, về chế độ mẫu quyền cổ đại cùng những nhận định mới, cho rằng bản thân sự kiện Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã cho thấy sự tiến bộ hơn hẳn thời trung đại (phương Đông) nhốt người phụ nữ trong căn buồng Nho giáo ngột ngạt, không có cả cửa sổ tư tưởng, thậm chí còn tiến bộ hơn cả phương Tây cùng thời... Tiểu thuyết lịch sử Trưng Nữ Vương xuất hiện trong bối cảnh ấy càng tăng cường thêm giá trị Việt Nam, văn hóa yêu nước Việt Nam.
Trong khi nhiều nhân vật lịch sử vì còn có điểm mờ nên vẫn gây tranh luận thì Trưng Nữ vương là trường hợp hiếm hoi có sự thống nhất cao trên những nét chung về cuộc đời và sự nghiệp. Hầu như ai cũng thuộc mấy câu thơ trong Đại Nam quốc sử diễn ca khái quát cao nhất sự kiện lịch sử này: Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân. Theo chính sử, Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) xuất thân từ làng dệt lụa truyền thống. Nghề nghiệp in dấu trong cái tên Trứng Chắc (tổ kén có trứng chắc), Trứng Nhì (tổ kén có trứng thứ nhì). Danh từ Trưng Trắc, Trưng Nhị có thể được gọi phiên theo âm tiếng Hán. Chính sử (cả ta và Trung Quốc) ghi ngày 30/1/41 (Tân Sửu), Trưng Trắc xưng vương dấy quân khởi nghĩa chiếm đánh các thành quách của quân Hán. Năm Quý Mão (43), trước thế giặc mạnh, Hai Bà Trưng lui quân về vùng Cấm Khê. Trong một trận quyết chiến, không chịu để sa vào tay kẻ xâm lược, Hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát tự vẫn.
Có thể nói, truyền thuyết về Hai Bà Trưng đã được dân gian kiến tạo, điêu khắc nên những vẻ đẹp huyền thoại mang tính anh hùng ca từ chính sử. Hình như với những nhân vật kì vĩ, lớn lao, khi bước vào huyền thoại sẽ không cần đến sự hư cấu, thêu dệt thêm những vòng hào quang. Họ cứ thế tỏa sáng, cứ thế vĩ đại, để hậu thế chiêm ngưỡng, bái vọng. Sự kiện Hai Bà Trưng khởi nghĩa như ngọn núi sừng sững, như thác nước thượng nguồn tuôn chảy để tạo ra dòng mạch của lòng yêu nước, bản lĩnh tự quyết, tự cường, của ý chí không chịu khuất phục ngoại bang. Vì thế, các thời đại sau đều tôn trọng, đề cao, coi đó là điểm tựa của tinh thần quật khởi, lòng quả cảm, tự tôn dân tộc. Ngày nay, hầu hết các địa phương trên dải đất Việt đều có địa danh, đường phố... mang tên Hai Bà Trưng như là một cách nhớ ơn, tôn vinh, học tập.
Điểm tựa nghệ thuật của tiểu thuyết Trưng Nữ Vương chính là câu đối về Hai Bà Trưng (ở đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh, Hà Nội): “Đồng trụ chiết hoàn, Giao Lĩnh trĩ/ Cẩm Khê doanh trạc, Hát giang trường” (Trụ đồng gãy tan, Giao Lĩnh vẫn sừng sững/ Cẩm Khê rực sáng, sông Hát vẫn tuôn chảy) đã thể hiện một bản lĩnh quật khởi, sự trường tồn của đất nước Đại Việt anh hùng. Nó “chọi” lại với câu đối ngang ngược của Mã Viện xưa trên cột đồng “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, Giao Chỉ diệt vong). Ngược lại với ý đồ của kẻ bá quyền, trụ đồng đã tan vào lịch sử nhưng đất Giao Lĩnh vẫn sừng sững muôn đời. Nhà văn rất có ý thức cắt nghĩa điều ấy ở ngay trong kết cấu tiểu thuyết này. Thay lời mở đầu, với giọng thơ hùng tráng, hào sảng, ngôn từ cổ kính là một Bài ca Trưng Nữ Vương khái quát cô đọng quá trình cuộc khởi nghĩa vĩ đại và khẳng định vị thế người anh hùng làm sáng ngời lịch sử: Người trung liệt danh thơm vạn thuở/ Bậc nữ lưu khí tiết đế vương. Tiểu thuyết cũng gián tiếp cắt nghĩa yếu tố chính khiến dân tộc ta đã nhất tề đứng dậy cùng Hai Bà khởi nghĩa đánh quân Hán xâm lược đó là cội nguồn văn hóa. Những trang văn tả các lễ hội, tập tục cổ truyền của người Việt như các hội vật, hội đua thuyền, hội đánh đu, hội đánh cờ, hội chọi trâu... rất sinh động. Những trang văn này không chỉ toát lên ý thức độc lập tự chủ, tự cường, giàu tinh thần thượng võ mà còn làm nổi bật niềm đam mê cái đẹp, tâm hồn nghệ sĩ, say mê cái mới đã sớm có trong tinh thần Việt. Một cảnh hội chọi trâu không chỉ là hội chọi trâu mà còn là cả một tâm hồn phóng khoáng đậm đà tình yêu thiên nhiên, yêu động vật: “…trong mỗi mùa vụ, một mình ông (trâu) đảm đương việc cày bừa cả một vùng đất bãi rộng hơn hai chục mẫu. Mỗi khi ông xuống dòng Nhĩ Hà đằm mình đều lặn một hơi thẳng tới bãi giữa mới trồi lên rồi cứ thế thỏa thuê vùng vẫy như giao long giỡn sóng. Dân làng đều gọi là ông trâu thần…”
Hai nhân vật chính (tập 1) đương nhiên là Thi Sách và Trưng Trắc. Thi Sách - chàng trai có nét hào hoa, phong nhã của bậc hiền trí lại thêm cái cường tráng dũng mãnh của bậc trượng phu - được miêu tả trong thế đối sánh: “Tám tráng đinh xúm vào cầm đầu tám cây tre phía bên kia hố đã được cột chắc hè nhau đồng loạt nâng lên. Phía đầu bên này, Thi Sách đứng tấn, hai chân như hai cột đình choãi thẳng, mặt không biến sắc…” Chân dung “ái nữ huyện lệnh đất Mê Linh” được miêu tả theo nguyên tắc “sử thi cổ điển”: “...trang phục gọn ghẽ, đầu đội chiếc khăn gấm đỏ thêu phượng hoàng trắng, lưng thắt đai ngọc xanh biếc, chân đi giày nhung đỏ, tướng mạo thanh thoát hướng cặp mắt tươi sáng như hoa cung kính thi lễ…” Thần thái của nàng không phải của người thường mà của người trời. Lời nói thì “thánh thót như chuông, âm sắc rõ ràng, ấm áp”. Khuôn mặt cũng rất “cổ điển” mẫu mực: “...khuôn trăng đầy đặn, mắt phụng mày tằm, cổ cao thanh thoát điểm chiếc vòng bạc lấp lóa, gương mặt như có thần khí sinh động, vẻ bên ngoài rạng rỡ mà ẩn tàng bên trong nét trầm hậu ung dung, thật sang quý không sao kể xiết…” Cũng tất nhiên cả hai nhân vật này có hành động của “người trời”. Nhà văn khéo léo đặt họ vào trong một tình huống đặc biệt để bộc lộ rõ nhất phẩm chất anh hùng mã thượng - một cuộc đi săn cọp trắng thật hấp dẫn có phần rùng rợn. Đi săn cọp thường sẵn bản lĩnh, trí tuệ, sức khỏe…, gặp cọp trắng thì những phẩm chất ấy phải gấp nhiều lần. Nhưng họ (Thi Sách và Trưng Trắc) đúng là “song kiếm hợp bích” hiểu nhau từ cái nhìn, thế đứng nên “chỉ bằng vào hai cây gậy đã đả bại cọp trắng khổng lồ to hơn trâu mộng”. Đúng như lời một hảo tướng: “Thật ghê thay thần lực và dũng khí…”
Một xứ sở hiền hòa nhưng đột nhiên bi kịch xảy đến. Giặc Hán xâm lăng. Tướng giặc Mã Tắc dùng mưu hèn kế bẩn giết Thi Sách. Trưng Vương phất cờ đại nghĩa đuổi giặc. Thế mạnh như nước tràn bờ. Nghĩa quân không chỉ đuổi giặc dữ bằng chính nghĩa “nợ nước thù nhà”, mà còn bằng lòng quân tử nghĩa hiệp của bậc đại phu coi đại cục hòa bình là trên hết. Trưng Vương không giết Mã Tắc mà cho về bẩm báo với Thái thú Tô Định hãy giữ mạng sống và sẽ được cấp lương ăn để cuốn gói về cố quốc . Những sự kiện gay cấn sẽ có ở tập 2 đầy hứa hẹn.
Tiểu thuyết Trưng Nữ Vương của Phùng Văn Khai đã tái hiện sinh động bức tranh lịch sử vùng đất Giao Chỉ tuy chỉ có mười huyện: Liên Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Uyên, Chu Diên, nhưng đều là đất đai của vua Hùng. Sự kiện khởi nghĩa Hai Bà Trưng như một nét son chói lọi tô đậm thêm tinh thần yêu nước nồng nàn, ý thức đoàn kết keo sơn máu thịt của các bộ lạc, nhất là ý chí quật khởi không chịu sống quỳ của bản lĩnh Việt. Đây là tiểu thuyết lịch sử thứ bảy của Phùng Văn Khai tiếp nối sự thành công của Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc. Những cuốn tiểu thuyết lịch sử này đã định hình nên phong cách tiểu thuyết Phùng Văn Khai - một nhà văn đam mê và có đóng góp nhất định cho tiểu thuyết lịch sử nước nhà.
N.T.T
VNQD