Cảnh quan, kí ức và tình yêu trong "Dưới bầu trời xa cách"

Thứ Tư, 25/10/2023 00:25

. TRẦN THỊ THỤC
 

Dưới bầu trời xa cách là bộ phim hợp tác sản xuất giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Ryukyu Asahi Nhật Bản, sau các phim hợp tác trước đó như Người cộng sự và Khúc hát mặt trời. Phim do các đạo diễn Vũ Trường Khoa, Đào Duy Phúc và Matsuda Ayato thực hiện. Bộ phim là câu chuyện tình cảm động và lãng mạn giữa Hải (Quang Sự thủ vai), một chàng trai người Việt Nam sang Okinawa du học và Eri (Miyagi Karin thủ vai), một cô phóng viên truyền hình tại Okinawa. Xuyên suốt bộ phim là những trải nghiệm, khám phá của nhân vật về hai nền văn hóa có khá nhiều điểm tương đồng và cùng có thời kì lịch sử trải qua cuộc chiến tranh. Ở đó, kí ức và hiện tại, những vết thương và sự chữa lành, chiến tranh và hòa bình như có một sợi dây kết nối để hai con người càng thấu hiểu, cảm thông và xích lại gần nhau hơn. Bộ phim cũng thể hiện một thông điệp mang tính nhân văn về khát vọng hòa bình, về niềm tin vào tương lai tươi sáng, bỏ lại những mảnh ghép kí ức của thế hệ trước về cuộc chiến tranh đã lùi xa.

Phim Dưới bầu trời xa cách bắt đầu từ cảnh quay về một lễ hội truyền thống thu hút rất nhiều người tham gia trên đường phố vùng Okinawa và cô phóng viên Eri của đài truyền hình địa phương đang trực tiếp đưa tin từ hiện trường của lễ hội. Trong khi cô đang thực hiện chương trình thì một nhóm thanh niên Việt Nam từ đâu chen lấn, xô đẩy cô và những người khác để cướp lấy sợi dây thừng may mắn trong trò chơi từ lễ hội. Eri rất bực tức trước hành động đó của họ và cô ngay lập tức cướp lại sợi dây thừng từ tay một thanh niên người Việt Nam. Bởi trực tiếp chứng kiến những hành động đó mà ngay từ đầu, ấn tượng của Eri về cách cư xử của người Việt Nam là không tốt. Không chỉ Eri mà đồng nghiệp của cô ở đài truyền hình cũng cho rằng lối sống của người Việt Nam chưa được văn minh như không tuân thủ trật tự, vứt rác bừa bãi ở khu dân cư… Dù vậy, một vài người thuộc thế hệ trước ở đài truyền hình nơi Eri làm việc lại có cái nhìn khác hẳn về người Việt Nam, về đất nước Việt Nam chứ không phải như một số biểu hiện mà những người Nhật trẻ chứng kiến. Họ xem Việt Nam là một nền văn hóa khá thú vị để có thể tìm hiểu sâu hơn. Khi nghe được những quan điểm đầy ưu ái đó, Eri bước đầu có một sự cảm kích và muốn tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam. Cô tìm gặp một vị giáo sư ở trường đại học và được giới thiệu tới gặp Hải, một học viên cao học chuyên ngành kĩ thuật nông nghiệp mà vị giáo sư trực tiếp hướng dẫn. Cũng với ấn tượng ban đầu không mấy tốt đẹp khi bất ngờ bị Eri cướp mất sợi dây thừng tại lễ hội, Hải đã từ chối phỏng vấn của Eri với lí do bận đi làm thêm. Cuối cùng, theo lời của Hải, cô phải bỏ tiền ra mua thời gian của Hải để được phỏng vấn Hải về người Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam, về cuộc sống của con người thời hiện đại. Hai người dần dần trở nên cảm mến nhau từ lúc nào không hay. Hải hết lòng giúp đỡ Eri thực hiện phóng sự về Việt Nam.

Từ lời kể và kí ức chiến tranh của thế hệ đi trước cùng với sự giúp đỡ của Hải, cô phóng viên Eri có một động lực mạnh mẽ để thực hiện chuyến đi sang Việt Nam để tìm hiểu về con người và văn hóa nơi đây. Cảnh quan Hà Nội hiện lên trong phim qua con mắt của Eri chính là biểu tượng văn hóa của thủ đô nước Việt. Hà Nội qua phim là một thực thể văn hóa sống động nhiều thú vị. Theo bước chân của Eri, ống kính máy quay di chuyển từ trên cao hướng xuống tháp Rùa thơ mộng giữa lòng hồ Gươm cổ kính, đền Ngọc Sơn thơ mộng giữa lòng hồ và máy quay hướng về cận cảnh nơi những tòa nhà, lối phố xung quanh khu vực hồ Gươm như cầu Thê Húc màu đỏ son, tượng đài Lý Thái Tổ, nhà hát Lớn, phố Nhà Thờ, các khu phố cổ với nhiều loại hàng quán được bày bán như thường thấy, mang nét đặc trưng của Hà Nội “ba sáu phố phường” xưa. Ống kính máy quay lướt rất nhanh qua từng địa điểm, ghi lại những kiến trúc cảnh quan nổi tiếng của Hà Nội mà có lẽ không vị khách du lịch nước ngoài nào khi đến nơi đây lại không đặt chân tới. Hà Nội còn đó với những nếp nhà cổ kính, rêu phong; với những công trình kiến trúc được xây dựng từ rất lâu đời; với những khu phố chuyên buôn bán một loại hàng hóa đặc trưng. Các góc máy quay di chuyển liên tục, khi thì quay thẳng cận cảnh, khi thì góc nghiêng, khi là ống quay từ trên cao xuống, khi lại từ xa đến gần rồi tập trung ở tiêu điểm… Bước chân của Eri là một cuộc hành trình khám phá văn hóa đô thị đặc trưng của khu phố trung tâm Hà Nội. Hà Nội trong mắt Eri là cả những món ăn ven đường, những sạp bán hàng rong với đủ loại quà bánh như cốm làng Vòng, món phở gia truyền, các đồ ăn vặt, thói quen ẩm thực của người dân Hà Nội... với người và xe tấp nập, những cô gái Việt Nam mặc áo dài thướt tha, duyên dáng, những dãy nhà cổ kính bao đời xen lẫn giữa những dãy nhà cao tầng nơi phố xá sầm uất. Hà Nội là tất cả những gì cổ kính và hiện đại, nét xưa và nay, với những yếu tố hòa trộn giữa phương Đông và phương Tây… đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Những trầm tích văn hóa ngàn đời vẫn lắng đọng lại, tạo nên một kiến trúc cảnh quan đô thị đặc trưng dưới con mắt nhìn của một người trẻ tuổi nước ngoài. Các nhà làm phim cũng đưa vào phim những cảnh sinh hoạt đời thường một cách tự nhiên như nó vốn có, với đường sá khu trung tâm tấp nập người và xe qua lại, những hình ảnh điển hình về giao thông của Việt Nam. Và một phương tiện không thể thiếu khi du khách nước ngoài đến Hà Nội là xe xích lô dạo quanh khu bờ hồ và phố cổ. Với người dân Hà Nội cũng như khách du lịch nước ngoài, hình ảnh những người cựu chiến binh đạp xe xích lô chở khách vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm đã trở nên vô cùng quen thuộc. Những hình ảnh đó hiện hữu trong phim khiến cho người xem thấy thân thương và quen thuộc, như đã hằn sâu trong hình dung của mỗi người dân Việt về cảnh sắc của thủ đô ngàn năm văn hiến. Hình dung về cảnh quan mang nét đặc trưng văn hóa đô thị cũng chi phối cách kiến tạo cảnh quan trong phim. Hà Nội qua con mắt của cô phóng viên người Nhật vừa thơ mộng vừa đậm tính hiện thực, vừa dịu dàng lại vừa tấp nập xô bồ, vừa cổ kính và vừa hiện đại, với đầy đủ những nét sinh hoạt thân quen và gần gũi.

Với người Nhật đã từng sống ở Việt Nam, họ cho rằng con người và văn hóa Việt Nam có những nét tương đồng với Okinawa. Người Việt Nam coi trọng truyền thống gia đình, những lễ nghi văn hóa… và sống rất lạc quan. Dư âm của chiến tranh vẫn còn lại, nhưng người Việt Nam không níu kéo quá khứ mà cố gắng vượt qua nỗi đau để hướng về tương lai tốt đẹp. Lựa chọn câu chuyện về kí ức chiến tranh Việt Nam cũng chính là ý đồ của nhà làm phim khi kết nối câu chuyện của hai dân tộc xa cách nhau, hai con người thuộc thế hệ trẻ của hai đất nước mà văn hóa có nhiều nét khác biệt.

Sợi dây kết nối một người thuộc thế hệ không trực tiếp trải nghiệm chiến tranh như cô phóng viên Eri là câu chuyện của người bà ở Okinawa đã từng trải qua bom đạn chiến tranh, và người bố còn mảnh bom trong cơ thể của Hải. Eri vô tình gặp một cựu chiến binh Việt Nam đang thắp hương trên mộ cho vợ và con ông khi cô vì mải ghi hình phong cảnh làng quê mà đi lạc lễ hội, trong khi túi xách cùng điện thoại của cô là do Mỹ Hương (Hương Giang thủ vai), bạn của Hải cầm giúp. Cô đã hỏi đường quay về địa điểm lễ hội, làm quen với người cựu chiến binh ấy và phỏng vấn ông về cuộc chiến tranh Việt Nam. Vô tình, đó chính là người bố nuôi của Hải, người vẫn còn mảnh bom găm trên cơ thể và phải chịu những cơn đau, những lần nhập viện phẫu thuật, người đã mất hết gia đình trong cuộc chiến và nhặt được Hải mang về nuôi nấng trưởng thành. Nhờ vậy, thế hệ như cô mới biết rằng, dù cuộc chiến tranh thực sự đã lùi xa, nhưng nỗi đau thì còn mãi trong lòng người lính ấy. Chiến tranh còn được soi chiếu qua cái nhìn của người Nhật thế hệ đi trước: nhân vật giám đốc đài truyền hình, hay người bà của Eri cũng đã kể lại kí ức về cuộc chiến tranh ở Okinawa khi bị bỏ bom. Chính người mẹ, chị gái và anh trai của bà cũng đã chết vì bom đạn. Hơn ai hết, bà thấu hiểu được nỗi đau mất mát người thân trong chiến tranh, nỗi đau mà biết bao người dân Việt Nam cũng như Okinawa phải chịu đựng và không bao giờ mong chiến tranh sẽ quay trở lại. Thế hệ trẻ của hai đất nước không thể hiểu đầy đủ về những nỗi đau ấy, nhưng những người thân của họ như bà của Eri, bố của Hải thì thấu triệt và trực tiếp phải gánh chịu nỗi đau mà chiến tranh để lại trên cả thể xác lẫn tinh thần. Chiến tranh ở bất cứ đất nước nào, thời đại nào cũng gây ra những nỗi đau của nhân loại, để lại những mất mát, đau thương không thể xóa nhòa. Kí ức về cuộc chiến tranh chính là sợi dây kết nối hiện tại với quá khứ, để thế hệ trẻ hiểu hơn về những “nỗi buồn chiến tranh” và hướng về một cuộc sống hòa bình tươi đẹp.

“Chiến tranh khiến cho người ta hiểu rõ hơn bao giờ hết giá trị của hòa bình, của yêu thương. Nó khiến người ta biết quý trọng hiện tại, tương lai và biết hướng về phía trước.” Đó là lời của nhân vật người bố cựu chiến binh của Hải nói khi được Eri phỏng vấn tại Hà Nội. Nhân vật Hải cũng đã nhắc lại ý đó khi đưa bố đi dạo như một lời khẳng định và thức tỉnh ý thức của anh về tình yêu với Eri dù xa cách: “Chiến tranh giúp cho người ta hiểu được giá trị của hòa bình, cũng như xa cách giúp cho người ta hiểu được giá trị của tình yêu.” Đó cũng chính là thông điệp nhân văn mà bộ phim mang tới cho khán giả. Hiểu về quá khứ để trân trọng tương lai, hiểu về chiến tranh để bảo vệ và gìn giữ hòa bình. Đây là điều mà bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng cần hướng tới và tranh đấu. Các nhà làm phim của Việt Nam và Nhật Bản khi lựa chọn câu chuyện về chiến tranh và coi đó là sợi dây kết nối giữa hai đất nước, hai nền văn hóa có lẽ đã thể hiện dụng ý riêng của mình. Okinawa là hòn đảo cực nam của Nhật Bản chịu nhiều bom đạn tang thương trong Chiến tranh thế giới thứ hai, và sau đó còn bị quân đội Mĩ chiếm đóng cho đến năm 1972. Bối cảnh lịch sử và chính trị đó có sự tương đồng với Việt Nam khi phải chịu ách đô hộ của thực dân Pháp suốt một quãng thời gian dài và biết bao người đã hi sinh, nhà tan cửa nát, mất đi những người thân yêu trong gia đình như chính nhân vật bố của Hải ở Việt Nam và gia đình ruột thịt của người bà của Eri ở Nhật. Những người thuộc thế hệ trẻ như Eri, như Hải đều xa lạ với cuộc chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, có chăng họ chỉ nghe những người thuộc thế hệ trước kể lại (như bà của Eri hay vị giám đốc đài truyền hình nơi Eri làm việc) hoặc có thể trực tiếp chứng kiến những cơn đau của người lính còn lại vết thương chiến tranh và mảnh bom trên cơ thể. Hải, Eri và biết bao người trẻ của hai dân tộc ngày nay được sống trong hòa bình và hạnh phúc chính bởi vì các thế hệ cha anh của họ đã hi sinh xương máu để giành lại và gìn giữ nền độc lập của dân tộc. Có lẽ từ sự trải nghiệm mất mát, đau thương trong chiến tranh đã qua đi mà người bà của Eri có cái nhìn cảm mến và đồng cảm hơn với người dân Việt Nam, với những nỗi đau mà họ đã trải qua trong quá khứ. Và cũng bởi vậy mà bà sẵn lòng ủng hộ mối tình giữa cô cháu gái Eri và chàng trai trẻ người Việt cho dù giữa hai người có nhiều điểm khác biệt và xa cách.

Có thể nói, lấy câu chuyện chiến tranh để gắn kết quá khứ và hiện tại, gắn kết hai dân tộc chính là sự lựa chọn có dụng ý của các nhà làm phim khi sản xuất bộ phim này: thế hệ trẻ cần phải hiểu về quá khứ và biết trân trọng hiện tại và tương lai. Thế hệ trẻ được sống dưới bầu trời hòa bình, nơi niềm hi vọng và tình yêu luôn được thắp sáng. Trên thực tế khi hình dung về đất nước Việt Nam, nhiều người nước ngoài thường liên tưởng đến chiến tranh bởi vì những kí ức về chiến tranh đã hằn sâu trong tâm trí của mọi người. Tuy vậy, những mảnh ghép về kí ức chiến tranh trong phim Dưới bầu trời xa cách chỉ được các nhà làm phim sử dụng với mục đích như là sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại để họ tạo dựng câu chuyện tình yêu cảm động và lãng mạn của hai người trẻ ở hai đất nước. Câu chuyện về tình yêu của Eri và Hải là mạch chảy xuyên suốt từ đầu đến cuối bộ phim, với đầy đủ những cung bậc yêu thương, hờn giận, nhớ nhung, xa cách, hi vọng. Nếu như máy quay phim đưa chúng ta đến với kiến trúc cảnh quan Việt Nam đặc trưng, thì những phân cảnh được quay ở Okinawa cũng mang đến cho khán giả những ấn tượng sâu sắc về thiên nhiên vừa hoang sơ vừa gần gụi, mang dấu ấn văn hóa của một miền đất với biển trời mênh mông xanh thẳm và tuyệt mĩ. Cảnh quan Okinawa hiện lên bằng các phân cảnh đường phố, công sở hay nét sinh hoạt đời thường của gia đình người Nhật. Có thể thấy, những nét đặc trưng nhất của cảnh quan vùng Okinawa đã được các nhà làm phim thể hiện một cách bao quát, cũng với lối quay phim lướt nhanh như các phân cảnh ở Việt Nam và tập trung ở một số điểm nhấn nổi bật. Tính chất hợp tác và quảng bá về văn hóa của bộ phim được thể hiện rõ ở điểm này. Bộ phim kết lại với niềm hi vọng vào tình yêu tốt đẹp giữa Hải và Eri khi Hải quay trở lại Okinawa để tiếp tục học tập. Lối kể chuyện trong phim tạo cho khán giả một ấn tượng nhẹ nhàng về một câu chuyện tình yêu lãng mạn và nhiều hứa hẹn. Ngay cả những kí ức về chiến tranh trong phim cũng được dàn dựng với dụng ý mờ hóa những nỗi đau đã qua, thể hiện một cái nhìn nhân văn, tích cực và lạc quan khi hướng về cuộc sống hiện tại và tương lai. Phim có đưa vào một số phân cảnh kịch tính như cảnh Hải đánh nhau với Cường, người bạn thân cùng du học với Hải; cảnh Hải trở về Việt Nam vì bố ốm mà không một lời từ biệt Eri khiến cho cô vô cùng đau khổ và tuyệt vọng; cảnh bố Hải phải phẫu thuật ở trong bệnh viện… Những chi tiết đó làm cho phim trở nên hấp dẫn và câu chuyện tình yêu có những lúc thăng trầm, đầy cảm xúc chứ không đơn giản, một chiều. Lối kể chuyện như vậy cũng góp phần làm nên thành công của bộ phim. Phim được thu âm trực tiếp và sử dụng ngôn ngữ thoại trực tiếp của các diễn viên, chính vì vậy việc nhân vật Hải nói tiếng Nhật từ đầu đến cuối phim là một nỗ lực lớn của diễn viên cũng như của các nhà làm phim, để xây dựng một câu chuyện sống động và chân thực nhất.

Bằng những thước phim sinh động, Dưới bầu trời xa cách đã tái hiện cảnh quan của Việt Nam và Nhật Bản với những dấu ấn văn hóa đặc trưng, với sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, truyền thống và hiện đại… Phim đã đoạt giải thưởng Phim truyền hình của đài địa phương xuất sắc nhất tại Liên hoan phim truyền hình quốc tế Tokyo năm 2017. Phim cũng đã được trao tặng giải Cánh diều vàng tại Liên hoan phim truyền hình Việt Nam năm 2018. Có thể nói Dưới bầu trời xa cách đã góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu văn hóa ngày càng bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

T.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)