Những khúc ca của yêu thương

Chủ Nhật, 15/10/2023 06:38

Mắt bà ở phía khơi xa là tập thơ của tác giả Thy Lan do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành tháng 5 năm 2023. Tập thơ mang một dấu ấn riêng với những câu chuyện thơ, hình ảnh thơ đẹp, lay thức tâm trí người đọc.

Hơn một trăm bài thơ, trong đó có hai phần ba là thơ thế sự, còn lại là thơ trữ tình. Cảm xúc dâng trào khiến tác giả viết những lời thơ thăng hoa như trên đôi cánh lãng mạn. Giọng thơ Thy Lan nồng nàn, da diết và nữ tính, thể hiện khát khao được vươn tới cái đẹp nhân ái, bao dung: Em cứ tưởng rằng xuân là tươi mãi/ Nhìn mỗi mùa đào thắm lại tàn phai/ Em cứ tưởng đời ấm như ngọn đuốc/ Ai nào hay giông bụi má hồng. Chất thi sĩ dẫn dắt những câu thơ, bài thơ cất cánh, cảm xúc chân thực, ngôn ngữ thơ giàu mĩ cảm, ám gợi. Thơ, trước hết cần phải đẹp. Đừng hỏi thơ đang chạy hay đang đi. Cũng không hẳn thơ đang múa. Thơ như lửa, như rượu, nhưng nó chỉ cháy lên khi có sự đồng điệu của tâm hồn nhà thơ và bạn tri âm… Có lẽ vì thế, thơ của Thy Lan ngôn ngữ luôn đa dạng, có tính sáng tạo và không ngừng đổi mới.

Cảm hứng về quê hương đất nước trong thơ chị luôn ắp tràn da diết: Tổ quốc ơi! Xin chào đất mẹ/ Nâng lên tay biết là ruột gan mình/ Đảo xa cách, đảo thành phên giậu/ Đảo thành cung nỏ cuộc trường sinh (Đảo Mê nơi ấy gọi về). Sự thông minh trong quan sát và sự tinh tế trong cảm nhận khiến chủ thể trữ tình khắc họa chân dung trong thơ Thy Lan sống động: Tổ quốc ơi, ta sinh ra có mẹ/ Núi biết cao lên, biển biết thẳm mình/ Tre biết truyền đời cho măng mọc thẳng/ Công lí quang minh bật gốc những mưu đồ (Nơi đầu sóng ngọn gió).

Nhà thơ lắng nghe những mạch ngầm của cuộc sống, chị thấu hiểu được sự sâu thẳm của thời gian, chị nghe thấy trong từng nhịp thở của cuộc sống trong quá khứ cũng như trong hiện tại sự trường tồn của sức mạnh dân tộc. Đồng thời, điều nhà thơ muốn gửi gắm ở đây là tư thế, trách nhiệm của người giữ biển đảo, khúc nhạc trái tim thơ vẫn vang khúc trầm hùng.

Tập thơ Mắt bà ở phía khơi xa do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. 

Thy Lan đem đến cho độc giả những âm thanh dịu nhẹ, cái nhìn tinh tế, sâu sắc. Sự đồng điệu của tâm hồn, lòng nhân ái đã đem đến cho thơ chị một sự bao dung, dâng hiến, sự thấu cảm đạt tới độ tri kỉ. Ngay từ lúc bắt đầu sáng tác chị đã chọn lối viết bình dị, gần gũi và thuần hậu. Dù là lục bát hay thất ngôn, thơ tự do… chị đều thể hiện sự phóng khoáng: Anh có nghe thu gõ nhịp sang ngày/ Em hồi hộp giữa sắc trời tím biếc/ Cô đơn, yếu mềm, đắm say, quyết liệt/ Em mận nồng như bông điệp đa đoan (Thu chín). Bằng cách ấy, Thy Lan đã chạm đến tâm cảm nhiều bạn đọc, đánh thức được những miền cảm xúc, khơi gợi sự chiêm nghiệm và đồng điệu.

Thy Lan đã đi đến tận cùng của cái đẹp mà mình nhìn thấy và tinh lọc, cô đọng nó trong một thể hiện giản dị nhất. Ngôn ngữ thơ giàu hình tượng, người đọc như trải nghiệm cùng nỗi cô đơn và đau cùng nỗi đau của nhân vật: Ông đen nhẻm với những ngày nhớ vợ/ Những đêm suông chỉ còn biển với người/ Trời quá rộng cho những gì thương nhớ/ Bão bất thường đỏng đảnh thói rong chơi (Mắt bà ở phía khơi xa). Một tứ thơ giản dị ngỡ khó giản dị hơn. Những câu thơ tưởng như chất phác ấy bỗng trở nên ám gợi, cuốn hút. Nếu không có khả năng tinh lọc và khái quát cao thì nhà thơ khó mà chinh phục người đọc: Bà thương ông đỏ quạch ngọn đèn dầu/ Xóm ven biển những đêm trời trở gió/ Sóng đánh vào vách đá/ Rát bỏng mắt bà phía xa khơi (Mắt bà ở phía khơi xa).

Sinh ra và lớn lên tại Nga Sơn, Thanh Hoá. quê hương luôn là nguồn cảm hứng bất tận để Thy Lan gửi đến bạn đọc lời tự tình quê hương, nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn. Lời thơ Thy Lan chân chất, nhẹ nhàng đi vào lòng người bằng tấm tình thủy chung với quê hương, đất nước. Chị cảm khái về quê hương với trái tim cộng cảm trẻ tuổi với chiều kích cuộc đời: Tôi sinh ra giữa đồng đất Nga Sơn/ Vị chiêm mặn xót trong từng thớ thịt/ Bát cơm độn chan mồ hôi quặn chát/ Tát cạn mùa lam lũ để nuôi nhau. Trong tâm thức của tác giả, hình ảnh “ông - bà”, những người thân yêu của chị, những người đã sống hết mình với một thời đại hùng vĩ đã sống trọn cuộc đời thảo thơm sau những cống hiến, khi là mồ hôi có khi là máu phải đổ xuống: Ông bà tôi một đời đi kháng chiến/ một đời theo Đảng vân vi/ Chân bật móng mấy lần, áo sờn vai cỏ úa/ Lòng khôn cùng thơm thảo nghĩa nhân! (Ông nội là nguồn sông). Hình ảnh ông bà trở đi, trở lại trong sáng tác của chị với một tình yêu vô bờ bến, như mạch nguồn trong cảm xúc văn chương của chị. Khiến cho đọc thơ chị người đọc như gặp lại tuổi thơ mình.

Nhà thơ Thy Lan với tác phẩm mới của mình. Ảnh: NVCC

Đời người có những điều đơn giản mà nếu ta bỏ qua ta sẽ làm nghèo đi tâm hồn của chính mình. Như là tình mẹ. Tình mẹ con ở thời nào cũng vậy, đều hiện lên như một vẻ đẹp vĩnh cửu với những vất vả, hi sinh, bao dung, nhẫn nại… Cách tiếp cận của Thy Lan cứ tự nhiên như hạt mưa xuân thấm vào đất để tích nhựa cho cây nảy lộc đâm chồi: Khi làm mẹ, cây như thêm vòm lá/ Lúc mưa rơi, nắng dội lửa xuống đầu (Làm mẹ). Trong thơ làm sao có thể thiếu chuyện lứa đôi, Thy Lan cũng không là ngoại lệ: Vòng trầm đan thêm/ Vui buồn nếm trải/ Khúc ca xưa/ Lời yêu còn mãi/ Bùa ngải nào cho em nhận lại/ Mùa đông không lạnh đến hai người (Về Sầm Sơn đi anh); Anh bảo đưa em tới tận trời xa/ Nơi chỉ hai con tim, chúng mình là tất cả!/ Nơi con sóng buổi đầu xô hối hả/ Nơi gieo gặt tình yêu ở phía không lời (Nơi bắt đầu). Thơ Thy Lan đa sắc, đa thanh nhưng nhất quán trong phong cách, luôn có sự trải nghiệm, hồn hậu, nhân ái được chắt lọc những gì đẹp nhất từ cuộc đời

Mỗi tác phẩm ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đựng tâm huyết của tác giả, đó là nơi để nhà thơ gửi gắm những tình cảm sâu lắng nhất, những cảm xúc, khát vọng mãnh liệt nhất về con người và về cuộc đời. Dưới con chữ sáng tạo của nhà thơ là biết bao xúc động, biết bao tình yêu trong tâm hồn nhạy cảm của người cầm bút. Bởi cái đích hướng tới của văn chương là đưa đến những miền mĩ cảm của riêng mình.

Thy Lan đến với bạn bè văn chương bằng sự sẻ chia, động viên. Chị luôn cho đi bằng tấm chân tình nên nhận về thật nhiều ấm áp, mến yêu. Đây cũng chính là nguồn năng lượng đẹp cho tâm hồn thi ca cất cánh. Sự sáng tạo không ngừng nghỉ của chị chính là điểm tựa chắc chắn để chúng ta có quyền hi vọng nhiều hơn nữa để thơ chị đạt tới độ nhuần nhị của cảm xúc, tạo nên miền mĩ cảm Thy Lan trong những sinh thể văn chương mới.

VƯƠNG GIA

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)