Qua bể trầm thấu cam lai

Thứ Sáu, 08/09/2023 00:07

. TỐNG PHƯỚC BẢO
 

So với thế hệ cầm bút 9x, Huỳnh Trọng Khang mang một màu sắc cá biệt. Văn chương của Huỳnh Trọng Khang luôn ẩn chứa triết luận nhân sinh và sự đau đáu của một người trẻ về thân phận, quê hương. Cây bút trẻ này cũng chọn cho mình một lối sống ẩn trước những liến xáo đời thường. Từ Mộ phần tuổi trẻ (Nxb Hội Nhà văn, 2016) cất tiếng nói day dứt về sự chênh vênh của thế hệ mình cho đến Những vọng âm nằm ngủ (Nxb Hội Nhà văn, 2018) bàng bạc một tiếng kêu thân phận hữu hạn và Phật trong hẻm nhỏ (Nxb Phụ nữ Việt Nam, 2021) đầy chiêm nghiệm về hoan lạc ái nộ, độc giả bắt gặp một sự thay đổi theo chiều sâu đi vào bản ngã của con người. Ở đó sự hạnh ngộ với niềm đau bắt đầu mở ra những thấu thị để quán chiếu cho hành trình chữa lành.

Bể trăng côi là tập truyện dài mới nhất của Huỳnh Trọng Khang do Nxb Trẻ ấn hành vào đầu năm 2023. Thế nhưng, mãi đến tháng 5, chàng trai trẻ sống và viết thầm lặng này mới ra mắt bạn đọc bằng một cuộc giao lưu ấm áp. Khang ngồi đấy, giữa vòng vây độc giả và chỉ xin nói về văn chương, về những điều gì đó đem đến một tâm thế an nhiên giữa xô bồ thị thành này. Chỉ vậy thôi, còn Bể trăng côi, tự khắc câu chữ sẽ dẫn độc giả đi đến những cảm xúc khác nhau. Với Khang, chỉ cần độc giả đến, cùng mình trong một buổi sáng Sài Gòn lất phất mưa và ngồi thật gần với nhau, vậy đã là vui.

Khang vốn dĩ ít nói. Có lần tôi làm một bài báo về Khang, đưa câu hỏi và nhận về câu trả lời còn ít chữ hơn câu hỏi. Khang hay cười. Nụ cười Khang rất tươi. Bạn bè làng văn hay nói Khang sống giản đơn, không cầu kì phức tạp và chỉ cần thắc mắc gì đó với văn chương đông tây kim cổ thì đi kiếm Khang, chắc chắn câu trả lời sẽ khiến mình thích thú. Phải chăng vì thế, hầu hết các tác phẩm của Khang đều đa chiều kích; ở một mức độ nào đó, nó kén người đọc phổ thông. Nếu tìm một câu chuyện buồn thương rưng rức, hay kiếm những cảm xúc trôi và nổi trên bề mặt chữ thì Khang không có. Nhưng, tìm Khang ở những vỉa tầng nghĩa ẩn sâu bên trong tình tiết, câu chuyện hoặc nhân vật thì sẽ thấy thông điệp Khang gởi vào đó, có rất nhiều thứ để chiêm nghiệm. Như chính tập truyện dài lần này: Bể trăng côi, hay bể trầm luân của những phần số côi cút lang thang đi tìm hành trình chính mình? Huỳnh Trọng Khang không trả lời, mọi thứ độc giả phải tự lật từng trang sách ra và tìm lấy cho mình một niệm ý. Giản đơn của người viết là viết. Thấu cảm của người đọc là đọc. Có lần Khang nói thế với tôi, trong một buổi cà phê lóc cóc ở Sài Gòn, một buổi Sài Gòn bạt gió. Chúng tôi hay ngồi ở những quán liêu xiêu ven mấy con đường để nghe thị thành kể chuyện. Những câu chuyện không bao giờ có cái kết dưới lăng kính của người viết.

Nếu với các tác phẩm trước, Khang có một sự chuẩn bị trong tâm thế viết, thì Bể trăng côi là một tác phẩm tự đến, không hề có sự chuẩn bị, như chính lời Khang chia sẻ. Câu chuyện bắt đầu nảy lên trong Khang quãng thời gian Sài Gòn phong tỏa. Quẩn quanh với bốn bức tường, Khang nghĩ đến viết lách như sự cứu rỗi cho tâm hồn bình an trước tiếng còi hụ xao xác hằng ngày vọng vang. Bể trăng côi mở ra câu chuyện nhà sư trẻ - nhân vật với lối xưng hô là “chú” - rời nơi tu tập đi tìm Sa Mạo Sơn và gặp trận đại dịch với những câu chuyện xảy ra dẫn dắt “chú” đi từ hạnh ngộ chuyện đời đến giác ngộ chuyện đạo. Khơi nguồn là cảm xúc bản năng, nhưng khi viết, chữ sanh chữ, tình tiết đẻ tình tiết, và câu chuyện tự dẫn dắt câu chuyện, nhân vật tự liên kết nhân vật. Khang bảo, tự khắc sau khi viết vài chương thì nhân vật Pháp sư Tam tạng Huyền Trang với câu chuyện thỉnh kinh ở Tây Trúc đời Đường bắt đầu bật lên trong mình. Cứ vậy mà Khang viết, hai câu chuyện song hành mở ra những chiêm nghiệm mênh mông về thế thái nhân tình. Ở tập truyện dài lần này, nét mới của bút pháp đồng hiện chính là chìa khóa để Khang tung tẩy câu chuyện, thỏa sức thể hiện những thông điệp truyền tải. Tuyến tính và mạch truyện vì thế tương quan và ánh xạ lên nhau. Độc giả cứ vậy mà có những ẩn ý để khám phá. Cây bút 9x đã khéo léo vận dụng linh hoạt sự co giãn của biên độ thời gian và không gian để độc giả liên tưởng giữa tích xưa và chuyện nay. Dõi theo hai hành trình ấy, độc giả thấy có sự tương quan lẫn phản chiếu nhau. Tình tiết đan cài khéo léo để toát lên nghĩa ẩn khiến độc giả thích thú bởi sự thông tưởng giữa quá khứ với vị lai. Những gian hàng bằng dây thể như những cuộc giao hàng không tiếp xúc mùa dịch; tờ giấy thông chốt có thể ví von với chính cuốn sổ thông hành thầy Huyền Trang trình ra khi đi các nước... Hay như hành trình của các thầy trò Pháp sư Huyền Trang được Khang lồng vào Bể trăng côi cũng mới lạ và sáng tạo hơn. Nếu độc giả quen thuộc với một phiên bản Tây du kí của Ngô Thừa Ân, thì ở Bể trăng côi, khỉ, heo kiên nhẫn và thủy thần Kadu được sáng tạo với vị trí, vai trò và nhận thức hơn trong hành trình gian nan nguy hiểm rình rập. Tạo ra góc nhìn mới mẻ, Khang chứng tỏ mình đã tinh tế trong cách kể chuyện xưa tích cũ mà không khiến độc giả nhàm chán vì sự quen thuộc. Chính sự tinh tế này khiến người đọc thích thú bởi mượn ý nói tình trong một truyện dài ngồn ngộn chi tiết, trùng điệp ẩn nghĩa mà không nhàm chán, khó hiểu; bộc trực mà vẫn giữ được tính chất hư cấu của một tác phẩm văn học.

Con người luôn phải chấp nhận và ứng biến với sự thay đổi nhưng trên hết là một niềm tin vào cuộc sống này. Chính niềm tin ấy mới là thứ khiến chúng ta mạnh mẽ chống chọi với biến thiên thời cuộc. Hai cuộc hành hương ở hai miền không gian và thời gian khác nhau mà Huỳnh Trọng Khang tạo ra khiến chính người đọc như đi vào cuộc hành hương sâu thẳm bản thể để quán chiếu vào hai phần con và người tồn tại trong chúng ta. Vượt qua phần con sẽ gặp phần người. Nhưng sự vượt qua ấy đầy đau đớn. Mười vạn tám ngàn dặm là bao xa? Ba ngàn thế giới liệu đã to? Những câu hỏi này tin chắc độc giả sẽ tự tìm câu trả lời cho riêng mình. Phần kết truyện không có. Tôi cho rằng đây chính là cái hay của nhà văn trẻ này, bởi như mọi lần, những gì cần nói Khang đã bày trên chữ. Xác chữ in hằn lên trang giấy, nhưng hồn thương in hằn trong tâm khảm độc giả.

Khi đọc tập truyện dài Bể trăng côi tôi thấy một Huỳnh Trọng Khang đối diện nỗi đau bằng tâm thế an nhiên, thể như Khang đang hướng đến một dòng văn học chữa lành đậm chất thiền. Triết luận sống của Khang cứ thong dong nên tác phẩm cũng hằn sâu tư duy ấy. Bạn đọc theo dõi Khang sẽ dễ nhận ra Khang viết báo nhiều, phần lớn là bình sách, phỏng vấn tác giả, hay luận bàn về văn chương. Thỉnh thoảng sẽ đọc truyện ngắn của Khang, nhưng rất ít. Khang thuộc tạng viết dài. Những tiểu thuyết, truyện dài luôn là môi trường để Khang bày biện câu chuyện thỏa chí nhất.

Hai năm trở lại đây, những từ ngữ Khang dùng bắt đầu có sự dụng công hơn. Dễ thấy nhất là ngay trong tên các chương của truyện dài lần này, Khang đã dùng: Tuyết băng vô tận xứ, Tòng địa dõng xuất, Trên mái địa ngục, Cổ sư kỉ độ tác kim sư… Chính những câu chữ này gợi nên sự tò mò bởi âm tiết nhịp nhàng, thi vị và nghĩa ẩn. Có chương Khang mạnh dạn dùng câu kinh trong Bát Nhã Tâm Kinh như Yết Đế Yết Đế Ba La Yết Đế làm tựa chương. Yết đế trong tiếng Hán nghĩa là độ, chữ Phạn vốn đọc là gate, có nghĩa là đi qua, vượt qua. Yết đế lặp lại hai lần có nghĩa là độ cho mình và độ cho người. Ba la yết đế, do chữ pàragate, có nghĩa là đi qua bờ bên kia. Ba la tăng yết đế, là do phiên âm chữ pàrasamgate, nghĩa là đi qua bờ bên kia hoàn toàn. Phải chăng cậu bé An Giang ngày nào mang trong mình huyền sử của vùng Bảy Núi thấm đẫm sự vô vi lượng kiếp của đạo mà ngồi đây viết lại chuyện đời? Mọi câu chuyện đời đều khởi nguồn từ kí ức. Vùng kí ức của Khang may mắn vọng vang thanh âm của tuệ căn. Cho đến khi gấp trang sách cuối tôi tin ở Khang có sự giác ngộ nào đó với bể trầm luân của phận người trong nhân gian này.

Truyện dài Bể trăng côi với các nhân vật xưa - nay, xấu - đẹp, thiện - ác, đang trầm mình giữa bể đời gieo neo đầy biến cố, giữa cơn đại dịch khoét sâu vào bản ngã chính mình, giữa cuộc tao tác vì lẽ sống còn, lặng im chấp nhận hay vẫy vùng bứt thoát, tất thảy đều đang xoay vần với thân và tâm; với bản chất của hiện hữu; với lối đi chỉ mình độc bước và có chăng là ánh trăng soi thấu. Thứ ánh sáng thiện lành này liệu có quán chiếu chính mình qua trầm luân hữu hạn? Trong cuộc đời mình, ai cũng có một Sa Mạo Sơn, ai cũng có một hành trình để đi. Nhưng, chỉ những ai biết sống tử tế mới qua được bên kia bờ, có nghĩa là thấu tận cam lai những hoan, bi, hỉ, lạc, nộ, ái, ố như chính thông điệp Khang khéo léo hàm ẩn trong câu kinh gởi đến độc giả: Yết Đế Yết Đế Ba La Yết Đế.

T.P.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)