Suy nghĩ nhỏ từ việc trồng cây đến việc trồng người

Thứ Sáu, 18/08/2023 08:53

. TRẦN MẠNH TIẾN


Ngày nay việc hưởng ứng phong trào Tết trồng cây mỗi dịp Xuân về của nhân dân ta đã thành nền nếp, phong tục tốt đẹp. Sinh viên, học sinh tham gia tích cực vào các phong trào Giờ Trái đất (Earth Hour) - một sự kiện quốc tế hằng năm do Quỹ bảo vệ thiên nhiên (World Wildlife Fund) tổ chức; trồng cây xanh và nhặt rác trên bờ biển; Cuộc thi sáng tác phim ngắn về Biến đổi khí hậu do Báo Sinh Viên Việt Nam và Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam tổ chức… Đó là những việc làm thiết thực Hưởng ứng Cuộc vận động lớn Học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh. Bài viết xin có một suy nghĩ nhỏ từ việc trồng cây đến việc trồng người hôm nay.

Hai chữ “văn hóa” hiện thế giới đang dùng được bắt nguồn từ chữ Latin “Cultus” có nghĩa gốc là gieo trồng, “Cultus Agri” là “gieo trồng ruộng đất”, “Cultus Animi” là “gieo trồng tinh thần”. Như vậy việc trồng cây rất gần gũi với việc trồng người nên ngày nay triết học văn hóa vẫn ví von con người như cây xanh, phải trồng trọt, chăm bón… Điều này triết học phương Đông xưa đã nói từ rất lâu: “Thập niên chi kế mạc như thụ mộc. Chung thân chi kế mạc như thụ nhân” nghĩa là kế cho mười năm, không chi bằng trồng cây, kế suốt đời là trồng người. Bác Hồ đã kế thừa và phát triển thành câu ai cũng hiểu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, không chỉ là nguyên lý, chân lý, còn là đạo lý.

Ngày nay do môi sinh ngày càng bị tàn phá, môi trường ô nhiễm nặng nề nên việc trồng cây trở nên cấp bách, do vậy nói “đạo trồng cây” cũng không có gì là quá vì gắn liền với sự sinh tồn của con người. Ngôi nhà phải có mái che con người mới ở được. Ngôi nhà trái đất được “lợp” bằng cây cối thì loài người mới tồn tại và phát triển được!

Trồng cây vào đất đai, trồng người vào mảnh đất văn hóa (tức môi trường giáo dục) là gia đình, nhà trường và xã hội. Đất tốt thì cây tốt, người tốt như là một sự đương nhiên vậy. Thế giới đang hướng theo khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”, tức là sự cụ thể hóa triết lý học để làm người. Phải tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản. Vì mỗi cá nhân từ ấu thơ đến lúc trư­ởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hoá truyền thống từ gia đình. Hầu hết các nhân cách lớn đều sinh ra từ nếp nhà tốt đẹp. Cách giáo dục tốt nhất là nêu gương. Nhân cách đứa con chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, tiêm nhiễm thói xấu nếu có bố mẹ tham nhũng, ăn của đút lót, lười biếng,... Hạt nhân hợp lý của câu tục ngữ “Con hư tại mẹ cháu hư tại bà” chính là nhắc nhở người lớn phải là tấm gương cho trẻ. Ở nhà ông bà cha mẹ anh chị làm gương. Đến trường thầy cô làm gương. Ngoài xã hội người lớn làm gương thì trẻ em nhất định sẽ phát triển nhân cách tốt. Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân, bởi bản thân mỗi người vừa là chủ thể vừa là khách thể trong quá trình tự giáo dục, điều chỉnh lẽ sống, hành vi. Giáo dục một ý thức văn hóa tự làm chủ bản thân mỗi người là rất quan trọng. Cần quan tâm hơn nữa đến việc dạy người trước rồi mới dạy chữ. “Không thầy đố mày làm nên”. Thời nào thì nhà trường và người Thầy cũng quyết định chất lượng giáo dục. Muốn có nhiều tài năng thì phải có những người thầy tài năng. Đầu tư cho giáo dục thì trọng điểm là đầu tư cho việc giáo dục người thầy, tức nâng cấp hệ thống các trường sư phạm một cách căn bản. Khuyến khích người tài vào ngành giáo dục. Từng bước nâng cao đời sống giáo viên để họ có cuộc sống tạm ổn định để yên tâm với nghề. Đạo đức là gốc của nhân cách. Đạo đức cũng là gốc của pháp luật. Một ng­ười có đạo đức tốt có thể thiếu kiến thức luật pháp như­ng sẽ có nhận thức đúng về cái thiện, cái ác và sẽ ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức. Do vậy nâng cao kiến thức pháp luật cũng là cách bồi dưỡng, giáo dục đạo đức. Trong thời toàn cầu hóa hôm nay đạo đức và pháp luật được coi là những nhánh rễ chính của cây nhân cách người!

Quan điểm của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, khoa học “đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội” [1], để xây dựng nên “những con người Việt Nam có nhân cách, có lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lòng tự tôn dân tộc” [2]. Muốn vậy phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục lý tưởng cho thanh niên theo tư tưởng của Bác Hồ. Tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19-1-1955, Người nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay muốn vươn ra biển lớn thanh niên phải phấn đấu hết mình, cống hiến hết mình vì sự phồn vinh của đất nước, phải chống tâm lý chỉ lo lợi ích riêng của mình, chống tâm lý ham hưởng thụ, xem khinh coi thường lao động, chống thói lười biếng, chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang...

Quan tâm đến vấn đề giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ nói chung và sinh viên tại các nhà trường chuyên nghiệp nói riêng là rất quan trọng, vì tương lai đất nước, về cơ bản là nhìn vào lực lượng này!

T.M.T

-------------

[1] [2] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H, 2011, tr. 216, 126.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)