TRIỆU PHONG
Khi em nói yêu anh, vườn cây đầy hoa trái
Khi anh nắm tay em, mây giăng giăng bay chỉ còn ánh trăng mờ
Và khi chúng ta yêu nhau, chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm
Ôi Việt Nam! Đất nước tình yêu!
Bên lũy tre xanh xây nhiều công trình
Giọng hò thiết tha, tình yêu đất nước chan hòa...
Có một thời, ở nơi nào người ta cũng nghe vang lên bài hát Đất nước tình yêu. Trong tiếng hát những người chiến sĩ lên phía Bắc, trong tiếng hát những trái tim thiếu nữ nơi quê nhà, trên sân khấu rực rỡ ánh đèn với những ca sĩ xuất sắc nhất, những đôi song ca lừng danh nhất, trên khắp các sân khấu hội diễn quần chúng, và cả trong những lễ hội đình đám, những lễ cưới giản dị nơi chốn quê nhà…, giai điệu và ca từ tuyệt đẹp cùng cảm hứng đắm say này vẫn vang lên tha thiết.
Tác giả của bài hát là Trần Lệ Giang. Tôi đã có dịp được nghe chị bồi hồi tâm sự về bài hát và về con đường sáng tác âm nhạc của mình. Giọng chị nhẹ nhàng, truyền cảm và rất chân thành: “Thật ra Đất nước tình yêu là bài hát thứ hai của tôi, bởi trước đó, tôi đã có sáng tác đầu tay là bài hát Ước mơ xanh. Khi đó tôi vừa tốt nghiệp sư phạm, được phân công về dạy học tại trường Trung học cơ sở Đông Dư (Gia Lâm). Trường ở vùng ngoại ô, các em học sinh rất thương mến. Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi lên lớp dạy học, ánh mắt của các em khiến tôi vô cùng xúc động. Đó là những “đôi mắt tròn xinh” như trong ca khúc. Kết thúc buổi học tôi đạp xe một mạch về nhà, cảm xúc dâng trào đến nỗi tôi không kịp dựng chiếc xe đạp cho ngay ngắn, và lao vào phòng ngồi viết, quên cả bữa trưa, trong sự ngạc nhiên của bố mẹ tôi. Bài hát Ước mơ xanh của một cô giáo trẻ đã ra đời như thế.”
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang
Lại nhớ câu chuyện chung quanh Trần Lệ Giang và những bài hát của chị. Nhạc sĩ Dân Huyền, biên tập viên âm nhạc lão luyện của Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả của bài hát Bên lăng Bác Hồ nổi tiếng, kể: “Thật sự bài hát Ước mơ xanh đã đem đến cho người nghe nỗi xúc động trong tình yêu chân thành, đằm thắm và đôn hậu của một người yêu nghề dạy học và yêu âm nhạc. Nói thật cứ mỗi lần nghe bài hát này, tôi lại nhớ đến một “sự cố” xảy ra cách đây đã 30 năm. Hôm đó tôi ngồi nghe duyệt các bài hát mới thu thanh, trong phiếu ghi là “Bài hát Ước mơ xanh - sáng tác của Lê Giang”. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ là của nhà thơ Lê Giang, vợ nhạc sĩ Lư Nhất Vũ ở thành phố Hồ Chí Minh. Thế rồi một lát sau nhạc sĩ Vũ Thanh đến, tôi hỏi lại mới biết bài đó của cô giáo Lệ Giang, ở bên Gia Lâm. Lập tức phải thêm vào tờ phiếu một dấu nặng để đúng tên tác giả là Lệ Giang. Nghe tên Lệ Giang, tôi lại bỗng nhớ đến những lần cùng các anh ở Sở Văn hoá Hà Nội sang làm giám khảo vài kì hội diễn văn nghệ của huyện Gia Lâm. Đó là một cô gái trẻ, giọng hát chưa hay, mới dừng ở điểm trừ, nhưng thể hiện tình cảm và phong cách của bài hát thì đạt điểm cộng. Sau hôm giải quyết “sự cố” ấy khoảng một tuần, nhạc sĩ Vũ Thanh rủ tôi và mấy người bạn sang Bát Tràng thăm nhà Lệ Giang để thông báo giờ phát sóng bài hát này trên đài Tiếng nói Việt Nam. Lệ Giang và mẹ niềm nở tiếp chúng tôi. Vui nhất là gian nhà biến thành sân khấu để cô giáo Lệ Giang thoải mái thể hiện lại bài hát mà mình sáng tác: “Kìa đôi mắt tròn xinh, kìa đàn em thơ ngây. Hôm nay em đứng đây trong niềm mơ ước lớn…” Tôi mới hay sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm 10 + 2 ở Thanh Trì, Giang về dạy học ở trường Phổ thông cấp 1 - 2 Đông Dư (Gia Lâm), sau chuyển về dạy ở trường Kim Lan cùng huyện. Ở đâu Giang cũng được các em nhỏ quấn quýt, thương yêu, vì cô giáo Giang còn biết viết bài hát cho các em hát nữa. Niềm say mê âm nhạc luôn tiếp thêm nghị lực cho Giang. Chẳng quản “thân gái dặm trường”, không nề “đêm khuya đường vắng”, ngoài giờ dạy học và phụ giúp gia đình, Giang đạp xe sang nội thành, cách nhà hơn chục cây số để học nhạc. Nhiều ngày tháng, cô học trò chăm chỉ ấy không chịu bỏ buổi học nhạc nào. Nhạc sĩ Hồng Đăng - thầy dạy của Lệ Giang - đã từng nhận xét: “Chỉ riêng tinh thần học tập của Giang cũng đã khiến cho âm nhạc phải mở rộng cửa rồi.” Giang viết Ước mơ xanh năm 23 tuổi đầy triển vọng. Qua giọng hát mượt mà đầy tình cảm của nghệ sĩ Phương Nhung - vợ nhạc sĩ Vũ Thanh - bài hát Ước mơ xanh đã làm biết bao người nghe xúc động. Trong số thư thính giả gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam, có rất nhiều thư đề nghị được nghe lại bài hát này. Nó còn được nằm trong sổ tay của nhiều cô gái đang nung nấu những “ước mơ xanh” làm nghề sư phạm. Năm 1980, nhân 35 năm Quốc khánh 2/9, Lệ Giang lại cho ra đời bài hát Đất nước tình yêu. Đây là một trong những bài hát hay về đất nước mà cho đến nay nhiều thế hệ ca sĩ vẫn hát. Từ Ước mơ xanh đến Đất nước tình yêu chỉ trong vòng 3 năm. Lệ Giang viết không nhiều nhưng tác phẩm của chị đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người nghe. Nó thể hiện tâm hồn nghệ sĩ từ một cô giáo luôn vươn lên, với lòng yêu nghề, yêu trẻ cùng những “ước mơ xanh” trong lao động, đã sáng tạo nên những giai điệu đẹp, những lời ca hay. Đây là bài hát mà có người đã nói: “Không có một giáo viên nào không thấy yêu mến bài hát này, nó giúp cho họ yêu nghề, yêu học trò hơn khi nghe bài hát.” Điều đặc biệt là bài hát do chính một cô giáo ở Hà Nội sáng tác”.
Nghe tâm sự của nhạc sĩ Dân Huyền, tôi lại nhớ buổi Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh lần đầu bài hát Ước mơ xanh do ca sĩ Phương Nhung (tác giả của Bài ca Hà Nội) trình bày. Ngay khi thu xong, những bạn thân của chị Phương Nhung là các ca sĩ Lê Dung, Vân Khánh đã ôm hoa đến chúc mừng, vì bài hát quá xúc cảm và người hát quá thành công…
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang tiếp dòng tự sự: “Khi viết Ước mơ xanh tôi có biết chút ít nhạc lí từ khi còn học trường sư phạm, rồi tôi theo học một lớp sáng tác âm nhạc không chuyên ở Hàng Buồm, của Nhà nghệ thuật quần chúng Hà Nội dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Hồng Đăng. Lúc viết ca khúc Đất nước tình yêu thì tôi đã vào học Nhạc viện Hà Nội. Thời điểm đó Đài Tiếng nói Việt Nam có tổ chức đợt phát động sáng tác ca khúc trữ tình về tình yêu quê hương đất nước chào mừng 35 năm Quốc khánh. Tôi nhớ lại chuyện tình yêu đầu tiên của chính mình với một người lính trẻ và đã viết Đất nước tình yêu trong một cảm xúc tự nhiên, rất chân thật. Ca khúc được phát sóng trên đài Tiếng nói Việt Nam, sự nổi tiếng của nó sau đó cũng nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi.”
Giờ đây nữ nhạc sĩ Trần Lệ Giang định cư tại Scotland. Ở đây chị cũng có một gallery - coffee, như một Việt Nam thu nhỏ với nhiều tranh nghệ thuật, đồ mĩ nghệ và cà phê Việt Nam. Những vị khách Tây đã từng tới Việt Nam, yêu và hiểu về văn hóa Việt Nam thường đến cửa hàng thưởng thức, trao đổi về văn hóa. Đương nhiên, có nhiều vị khách, nhất là Việt kiều, đến đây còn để nghe lại Ước mơ xanh, Đất nước tình yêu và những ca khúc mới thơm hương những cánh đồng mùa thu của người chủ quán: “Sống xa quê hương mới hiểu, lòng mình luôn nhớ lắm, thương lắm. Cội nguồn chính là ca khúc đầu tiên tôi quay lại với âm nhạc. Sau khi ca khúc được phát sóng, được đồng nghiệp động viên và khán giả vẫn nhớ mình, tôi viết luôn một chùm ca khúc mới. Nó luôn là mạch nguồn cảm xúc từ nỗi nhớ quê nhà. Tôi thường vừa viết vừa rơi lệ vì nỗi nhớ đầy ắp trong tâm hồn mình bấy lâu...” Nhà báo, nhà thơ Bình Nguyên Trang cho hay: Khán giả bất ngờ khi Trần Lệ Giang của năm 2021 “tái xuất” bằng một loạt ca khúc. Trong tinh thần của chị, mạch nguồn nhớ thương tiếp tục tuôn chảy, như là cách “trả nợ” cho những nghĩa tình sâu nặng bao năm chị vẫn gói ghém trong lòng. Cảm xúc dâng trào đến mức, nữ nhạc sĩ “đầu tư” hẳn một cây đàn piano mới thay cây đàn cũ để sáng tác. Những nỗi niềm dồn nén suốt một chặng đường đời đã hóa thành giai điệu trong những ca khúc mới. Đầu tiên là Cội nguồn được phát trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát của NSND Thái Bảo. Nắng gió quê nhà của chị gây thương nhớ qua giọng hát tình cảm, ấm áp của ca sĩ Lương Huy, Tạ Minh Tâm. Rồi Ngân khúc tơ vàng - ca khúc viết cho người em, người nghệ sĩ mà chị Trần Lệ Giang rất thương quý là NSND Thái Bảo - được ví như một đoản khúc tri ân những người mang nghệ thuật đến làm đẹp cuộc đời. Nhưng với riêng tôi - Bình Nguyên Trang viết - cảm động nhất có lẽ là ca khúc Sài Gòn của tôi vừa được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng qua giọng hát của ca sĩ trẻ Ngọc Quy. Đây là ca khúc viết về Sài Gòn, với chủ đề chính là các em nhỏ mồ côi sau đại dịch. Nói về sự ra đời của ca khúc này, nhạc sĩ Trần Lệ Giang cho biết, trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị không ngừng trông ngóng về quê hương, xót xa về những thiệt hại mất mát không gì có thể bù đắp của đồng bào trong vùng dịch. Con số 1.500 trẻ em mất cha, mẹ, người thân sau cơn bão dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam khiến lòng chị se sắt, nhói đau. Chị đã viết Sài Gòn của tôi trong nước mắt buồn thương, trong tinh thần sẻ chia cùng “bao em thơ nay phận bơ vơ tuổi đời còn thơ lá thắm trên cành”. Và mới đây nhất, chị lại có ca khúc Thầy tôi. Không còn là những run rẩy đầu đời của một cô giáo trẻ bước chân vào nghề như thời Ước mơ xanh, Thầy tôi giống như lời cảm tạ sâu sắc từ trái tim một người học trò khi nhớ về thầy giáo cũ của mình. Có một cảm nhận rõ ràng trong loạt ca khúc mới của nhạc sĩ Trần Lệ Giang, là tâm trạng hoài niệm. Dường như ở một quãng nào đó trong cuộc đời, nhạc sĩ muốn quay về với quá khứ đã xa, cảm nghiệm và tri ân những ngày tháng đã làm nên mình của hôm nay: “Những năm tháng sống xa Tổ quốc tôi càng thấm thía hai chữ quê nhà. Có một tình yêu rất thật mang tên đất nước. Tôi hay bất cứ một người con đất Việt Nam khi sống ở nơi xa cũng sẽ luôn luôn hướng về quê nhà trong ưu tư trĩu nặng. Dù bàn chân có đi xa tới đâu, vẫn có một nỗi nhớ thường trực trong tâm hồn. Nhìn cái nắng xứ người mà tôi nhớ tha thiết cái nắng mùa hè miền Bắc. Nghe tiếng gió đập ngoài vườn tôi nhớ nao lòng cơn gió mùa đông bắc tràn về Hà Nội những ngày rét mướt.” Nhạc sĩ cũng thừa nhận, mỗi khi ngồi vào bàn viết một ca khúc về quê hương, chị thường hay “khóc nhè” như thời còn trẻ. Sâu trong trái tim chị vẫn mãi thầm thì một tiếng gọi. Rất đồng cảm với những nỗi niềm, những thương nhớ, những hoài niệm… trong những sáng tác mới của Trần Lệ Giang. Nhưng thú thật, tôi vẫn chờ một buổi cà phê nghe chị kể về mối tình đầu của chị với người lính trẻ, để rồi có ca khúc nổi tiếng Đất nước tình yêu năm xưa…
Người lính ấy, giờ anh ở đâu? Xin cảm ơn anh với một tình yêu đẹp để một cô giáo trẻ có một khúc hát tuyệt vời, một bài ca đi cùng năm tháng hào hùng và lãng mạn của đất nước, mà rồi giờ đây, vẫn không một đôi song ca lừng danh nào, không một trái tim thiếu nữ hay chiến sĩ nào không hát.
T.P
VNQD