Đi tìm Dora “ta rất muốn hiểu tại sao lại thế”

Thứ Bảy, 29/07/2023 00:01

. VÕ NGUYỄN BÍCH DUYÊN
 

Là một người “sở hữu năng lực dị thường” trong việc “cảm nhận những rung động từ quá khứ và cả những tiên đoán từ tương lai” (Debarati Sanyal, Public Books), Patrick Modiano - giải Nobel văn học năm 2014 - đã làm những chuyến thám hiểm vào sương mù quá khứ, phục dựng một cách xuất sắc bầu khí quyển Paris và những phận người thời Đức chiếm đóng từ những mảnh vỡ kí ức và dấu vết hết sức rời rạc, từ đó gợi dẫn đến những dự phóng về tương lai không chỉ riêng của Paris hay nước Pháp cách đây hơn nửa thế kỉ.

Hơn 40 tiểu thuyết của ông, với sự trở đi trở lại của những nỗi ám ảnh về kí ức và sự quên lãng, về sự tái thiết một căn tính đã thất lạc, về cách mà thời cuộc đã hư vô hóa những con người lưu vong trên cái nền Paris ấy, đã không ngừng phản tỉnh người đọc về sự “xong xuôi” của quá khứ. Mỗi tác phẩm của Modiano, vì thế, luôn luôn là một hành trình tìm kiếm kí ức, khi thì của chính “tôi”, khi thì của một người hoàn toàn xa lạ. Đi tìm Dora (tên tiếng Pháp: Dora Bruder, vừa được dịch và ấn hành ở Việt Nam), được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1997, cũng là sự triển khai motif và chủ đề quen thuộc của Modiano. Và nó đã trở thành một trong những tác phẩm quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp văn chương của ông, bởi nỗi ám ảnh, day dứt không nguôi về sự biến mất của một con người mà những gì còn lại về người đó ít ỏi và mơ hồ đến độ sau những vất vả kiếm tìm thì nó lại chỉ gợi lên một nỗi nghi ngờ: nỗi nghi ngờ về sự tồn tại.

 

Ba lần bị hư vô hóa và bí mật của Dora

Năm 1988, nhân vật “tôi” (cũng có thể là chính tác giả) bắt gặp một mẩu tin tìm người trên tờ nhật báo cũ ra ngày 31 tháng mười hai năm 1941:

“PARIS

Tìm một thiếu nữ, Dora Bruder, 15 tuổi, cao 1 mét 55, mặt trái xoan, mắt màu ghi ánh vàng, áo măng tô thể thao màu ghi, áo len màu đỏ đô, chân váy và mũ màu xanh nước biển, giày thể thao màu hạt dẻ. Xin gửi mọi thông tin chỉ dẫn cho ông bà Bruder, số 41, đại lộ Ornano, Paris.”

Nhân vật nữ, đặc biệt là những nhân vật trẻ tuổi, trong tiểu thuyết của Patrick Modiano thường xuất hiện và chiếm lấy phần lớn kí ức của các nhân vật nam chính trong hành trình tìm về quá khứ. Dẫu vậy, chân dung và lai lịch của nhân vật nữ vẫn hiện ra như những bóng hình mờ ảo của một thời đã xa: không rõ tên, không rõ tuổi, không nhân thân, không lai lịch, không nghề nghiệp và không ngừng dịch chuyển. Nói cách khác, sự hiện hữu của họ luôn bị chìm khuất trong hai lớp mù sương: sương mù quá khứ và sương mù thời cuộc. Dora Bruder cũng không ngoại lệ.

Đó là một cô gái hoàn toàn xa lạ, nhưng lại nhanh chóng cuốn hút “tôi” vào một cuộc truy tìm các chỉ dấu xa xôi nhất trong thời gian. Thế nhưng, bất chấp mọi nỗ lực của “tôi”, những gì còn lại về một Dora Bruder chỉ là những mảnh vỡ rời rạc mà khi ghép lại chỉ có thể cung cấp cho người ta một hồ sơ đầy thiếu khuyết: một vài tấm ảnh Dora chụp với gia đình trước khi mất tích, một vài thông tin về cha mẹ Dora, một chút kí ức của người em họ về tính cách của Dora, và một vài dòng ghi chú ngắn gọn trong các sổ đăng kí ở khách sạn tạm trú, ở trường nội trú và ở đồn cảnh sát. Làm cách nào, sự hiện diện của một con người, vốn dĩ rất khó nhọc, lại có thể bị hư vô hóa đến mức mọi cuộc tìm kiếm đều trở nên vô vọng đến vậy?

Paris thời chiếm đóng là nỗi ám ảnh của Patrick Modiano. Bầu không khí chính trị ngột ngạt, căng thẳng bởi những vụ bắt bớ, vây ráp bất ngờ khiến người ta phải không ngừng lẩn trốn. Với người Do Thái, tình cảnh càng trở nên khủng khiếp hơn, khi đạo luật dành cho người Do Thái bắt đầu có hiệu lực. Gia đình Dora là một gia đình Do Thái lưu vong. Nhưng dẫu ở xa nước Đức, họ vẫn phải chịu chung số phận. Từ đây, sự hủy diệt bắt đầu tấn công vào Dora.

Trong hồ sơ Do Thái, cha của Dora đã không khai báo cô con gái của mình. Song đó là cách cha cô bảo vệ cô thoát khỏi sự giám sát của cảnh sát. Dora, về mặt pháp lí, là hoàn toàn không tồn tại. Cha mẹ cô bị số hóa thành 49091. Những người Do Thái khác cũng vậy. Không lâu sau, họ bị vật hóa, thành những ngôi sao vàng. Còn Dora, cô thậm chí còn không có số. Dora bị hư vô hóa lần thứ nhất.

Sự kiện Dora bị mất tích đã buộc cha cô khai báo bổ sung và đăng tin tìm Dora. Lần này, cô đã hiện hữu, nhưng là sự hiện hữu để chính thức bị hư vô hóa lần thứ hai, khi cô bị bắt vào những trại tập trung. Cũng như biết bao nhân vật khác trong thế giới tiểu thuyết Modiano, Dora và những người Do Thái chỉ mang trong mình hi vọng được tồn tại. Các vấn đề về căn tính, bản sắc, tương lai, hiện tại… đều trở nên xa xỉ cực độ. Thế nhưng, hi vọng sinh tồn đó thường chỉ là ảo vọng. Số người may mắn (một cách kì diệu) sống sót sau Holocaust là rất ít. Hai lần bị hư vô hóa, Dora có phải đã từng tồn tại không?

Hành trình Đi tìm Dora của “tôi” đã khai quật được từng mảnh vụn cuộc đời của cô gái ấy theo nhiều cách khác nhau, song những dấu vết rõ ràng nhất chỉ là một hai địa chỉ mà cô đã từng ở, những ngày tháng năm đánh dấu cô sinh ra, bỏ trốn, bị bắt, chuyển trại. Cuộc đời một con người còn lưu lại trên thế gian chỉ có vậy. Có lẽ vì thế mà “tôi” không ngừng đưa ra những phỏng đoán, bằng năng lực “thấu thị” (được nhắc đến trong tác phẩm như là một năng lực kích hoạt những trực giác ngắn ngủi liên quan tới các sự kiện đã qua hoặc trong tương lai), để làm đầy những vùng trũng của quá khứ. Sự trống rỗng của quá khứ khiến “tôi” choáng ngợp. “Tôi” buộc mình không ngừng neo chặt vào những chỉ dấu, thậm chí viết hẳn một cuốn tiểu thuyết về Dora. Một nỗ lực kháng cự lại sự quên lãng và để tái hiện hữu hóa một con người! Thế nhưng, đó vẫn chỉ là những phỏng đoán của “tôi”. Nó là những mảnh ghép mãi mãi không thể nào chính xác và tương thích hoàn toàn với những phần bị mất đi của Dora. Đó là sự gán ghép cuộc đời “tôi” với Dora, là sự chỉnh sửa đầy nguy cơ. Vì ở một góc độ nhất định, sự lấp đầy đó có thể làm biến dạng, sai lệch chân dung lẫn số phận của Dora. Dora không còn đúng với Dora nữa. Và khi đó, nỗ lực tái hiện hữu hóa lại trở thành một lần hư vô hóa Dora, lần thứ ba!

Đến cuối cùng, Dora không hiểu tại sao cả thế giới mà cô đang sống, thành phố Paris, những năm 1941 - 1942, lệnh giới nghiêm, lính tráng, cảnh sát, toàn bộ đều trở nên thù địch và muốn cô tiêu đời - ở tuổi 16. Dora và bao nhiêu người Do Thái cùng chung số phận với cô, có lẽ, cho đến tận thời khắc cuối cùng của đời mình, trong những trại tập trung, trong những phòng hơi ngạt, cũng không hiểu tại sao.

Nhìn lại những nỗ lực vô vọng của “tôi” trong việc Đi tìm Dora từ màn sương mù kí ức, có thể nói, cuộc đời Dora đã bị đánh cắp gần như toàn bộ. Những gì còn lại quá ít ỏi, những phần thiếu khuyết giờ mãi mãi bị vùi lấp trong đám bụi mờ thời gian và trở thành một bí mật. Một bí mật của riêng Dora, như chính “tôi” cảm nhận: “Tôi vẫn sẽ không biết được cô từng làm những gì để qua ngày, cô đã lẩn trốn ở đâu, cô sống cùng ai trong những tháng mùa đông lần đầu bỏ trốn và trong vòng vài tuần mùa xuân, khi cô lại trốn đi lần nữa. Đó là bí mật của cô. Một bí mật nghèo nàn và quý giá mà đám đao phủ, các đạo luật, chính quyền với danh chiếm đóng, Dépôt, các trại lính, các trại, lịch sử, thời gian - toàn bộ những gì vấy bẩn ta và hủy diệt ta - hẳn chẳng bao giờ đánh cắp được của cô.”

Đó là một bí mật không ai đánh cắp được, nhưng cũng không có cơ hội lưu dấu hay trao truyền được. Bí mật cũng đã hóa hư vô.

 

Một nỗ lực phục hồi kí ức

Theo dấu hành trình “đi tìm thời gian đã mất” của những nhân vật nam chính trong tiểu thuyết của Patrick Modiano, người đọc có thể cảm nhận rõ họ luôn bị thu hút bởi hình ảnh và hành trạng của một người phụ nữ dẫu rằng những cuộc gặp gỡ của họ hầu hết là tình cờ giữa những phận người trôi dạt. Trong Đi tìm Dora, giữa “tôi” và Dora không có bất cứ mối quan hệ huyết thống hay xã hội nào, “tôi” còn chưa từng biết đến sự tồn tại của cô gái Do Thái ấy, và phải gần 50 năm sau, khi biết thì người đó đã hoàn toàn thuộc về quá khứ và gần như bị chìm lấp. Vì sao “tôi” lại bị cuốn hút và dấn bước vào hành trình tìm kiếm quá khứ của một cô gái xa lạ và cách xa mình đến thế?

Những điểm tương đồng tình cờ giữa Dora và “tôi” không chỉ giúp “tôi” có được sự “thấu thị” và dấn sâu vào công việc tìm kiếm lại những năm tháng bị khuất lấp của Dora, mà còn trở thành chất dẫn cháy làm bùng lên những điểm rời rạc nhưng rõ ràng trong vùng kí ức của mình. Ông không biết gì về Dora vào năm 1965, khi ông 20 tuổi và bà đã chết hơn 20 năm, ông nhận ra rằng tất cả những kí ức không trọn vẹn đáng lo ngại này từ năm 1965 “không chỉ đơn giản là do tình cờ”. Việc Dora bỏ trốn khỏi trường nội trú cũng làm “tôi” nhớ lại ấn tượng mạnh mẽ trong lần bỏ trốn năm 16 tuổi. Địa chỉ 41, đại lộ Ornano, ngay lập tức đánh thức những kí ức của “tôi” về nó. Cái số 41 ông chưa bao giờ chú ý, giờ đây neo chặt vào tâm trí ông. Như vậy, kí ức của “tôi”, sau mấy mươi năm, lại bất ngờ được làm đầy theo cái cách như thế.

Như hầu hết tiểu thuyết của Modiano, thời gian tuyến tính hoàn toàn bị phá vỡ, tự sự mang tính vụn mảnh khi các khoảng thời gian có thể chia lưới, thâm nhập vào nhau, xếp lớp, pha trộn và làm mờ một cách tự nhiên trong tâm trí. Nỗ lực khôi phục kí ức tuy kiên nhẫn và kiên quyết, nhưng lại mang đến một bức tranh mà tổng thể là vô cùng lồi lõm. Tại một số điểm không - thời gian, kí ức hoàn toàn trống rỗng, là một vùng trũng sâu xuống như vùng bí mật của Dora; nhưng cũng có một số điểm, những lớp kí ức chồng lên nhau, phồng lên bởi kí ức về Dora chồng lên kí ức của “tôi”, kí ức về những những người phụ nữ và những người Do Thái khác cùng thời với Dora… và có một số điểm được lấp đầy bằng tưởng tượng của “tôi”. Khả năng gợi lại những kí ức vừa mơ hồ vừa rõ ràng về Paris đầu những năm 40 của thế kỉ trước có thể nhắc nhớ về hành trình “đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust, song không phải làm sống lại một cách chi tiết và sinh động thời quá vãng, mà là làm mờ hóa mọi đường nét để người đọc chỉ còn bị ấn tượng đến ám ảnh bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng khi đó. Mức độ hư vô hóa của nó đối với những phận người lưu vong, những người Do Thái luôn ở mức cao nhất: “Những bố mẹ mất dấu con của họ, và một trong số họ đến lượt mình cũng biến mất, vào ngày 19 tháng ba, như thể mùa đông năm ấy chia tách mọi người, làm rối tinh và xóa mất lộ trình của họ, tới nỗi ném một nỗi nghi ngờ lên sự tồn tại của họ. Và chẳng hề có sự trợ giúp nào. Chính những người có trách nhiệm đi tìm ta lại lập các tờ phiếu nhằm làm ta biến mất sau đó - vĩnh viễn.”

Những sáng tác của Modiano về quá khứ của Paris, của người Do Thái, của những người lưu vong có thể xem như là một hoạt động địa bàn hóa kí ức bằng văn học. Khi nguy cơ những kí ức về những năm tháng đó bị mờ dần do sự biến mất các khuôn xã hội của nó - những tòa nhà ngày nào đã bị san phẳng hoặc thay thế bằng những công trình khác, những người cùng thời nay cũng không còn hoặc phần nhiều bị chứng lãng quên làm mờ đi kí ức, bối cảnh lịch sử xã hội cũng đã đổi khác hoàn toàn… - thì nỗ lực phục hồi kí ức trở nên vô cùng quan trọng, dẫu đó chỉ là những kí ức cá nhân rời rạc, để chống lại sự quên lãng của thời gian.

Annette Kuhn từng viết trong Family Secrets (tạm dịch: Những bí mật gia đình) rằng: “Quá khứ như hiện trường vụ án: Nếu không thể nào khôi phục được động cơ, thì dấu vết vẫn còn đó.” Dấu vết của một Holocaust trong quá khứ sẽ không thể mờ nhòe, bất chấp mọi nỗ lực hòng xóa bỏ nó. Với Đi tìm Dora, Patrick Modiano, người nhạy cảm với những vấn đề kí ức, rõ ràng đã biết cách lưu cữu những dấu vết ấy như là những bằng chứng minh định khả dĩ nhất cho những kí ức, dù cá nhân hay tập thể, về một thảm họa mà nhân loại không thể quên và không nên quên. Không quên, không phải để chia rẽ hay thù hằn, mà là để nỗi băn khoăn day dứt “ta rất muốn hiểu tại sao lại thế” không bao giờ được phép tái lặp thêm một lần nào nữa, dù là với bất kì ai và ở bất kì đâu.

V.N.B.D

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)