Toại kì sinh một hoài niệm an nhiên

Thứ Hai, 24/07/2023 00:40

. THẢO THƯ
 

Xuân sang, tại một không gian nhỏ xinh nằm khuất nẻo giữa những xô bồ của phố phường Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Trần Cường đã tái dựng một thế giới, một giấc mơ, một hoài niệm trong cuộc triển lãm cá nhân mang tên Toại kì sinh - Wholly Living tại ART30 Gallery (số 30, Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Gần hai mươi bức tranh gói trọn hai mươi năm cặm cụi, đau đáu với sơn mài, họa sĩ đã đưa đến cho công chúng một không gian nghệ thuật thể hiện độ chín của kĩ thuật, độ tinh trong cái nhìn và cả những ngẫm ngợi về sự an nhiên, phúc lành ẩn giấu trong mỗi nhành cây ngọn cỏ, mỗi con vật, đồ vật - những sinh/ vật thể vẫn âm thầm sống trải và hiện diện mình trên thế gian.

Họa sĩ Nguyễn Trần Cường

Toại kì sinh chối bỏ những đại tự sự, những câu chuyện trọng đại hay những chủ đề lớn để đi sâu vào thế giới tế vi của những điều nhỏ bé, những sinh hoạt bình thường. Mỗi bức tranh là một câu chuyện về đời sống, nhỏ mà tinh như thế.

Hoa rụng trước sân nhà. Đó là một ý thơ, một câu hát quen thuộc, chẳng cần cố công lục tìm trong trí nhớ thì những câu thơ, những câu hát vẫn cứ hiện ra. Nếu như với thơ và nhạc, nhịp gợi cho ta giai điệu, ngôn từ gợi cho ta tưởng tượng, thì với tranh, chúng mời gọi một cái nhìn. Một cái nhìn có thể dửng dưng, nhưng một cái nhìn cũng có thể chạm sâu vào đáy tâm hồn, làm rung lên những xúc cảm mãnh liệt. Trong tổng thể Toại kì sinh, bức họa về một bông hoa đại rụng trước sân gạch vừa đủ mong manh, vừa đủ sâu thẳm, vừa đủ tinh tế để níu một cái nhìn. Bức tranh lấy phối cảnh hẹp, nơi tận cùng là một góc tường hoen rỉ, một cánh cửa nâu thẫm loang lổ vết thời gian, chiếm không gian trung tâm là góc sân gạch rêu phủ, cuối cùng nổi bật trong lớp cận cảnh, một bông hoa đại trắng muốt khoe sắc giữa rêu phong. Kĩ thuật đặc tả của sơn mài cùng cách phối màu tinh tế giúp cho họa sĩ vừa làm nổi bật màu trắng đang không ngừng ánh lên, sáng lên của cánh hoa, cũng lại vừa tiết lộ những phai tàn sắp sửa. Dùng hai gam màu sáng (vàng, trắng) để đặc tả bông hoa giữa khoảng cặn tối lâu ngày của rêu trên nền gạch cũ, họa sĩ đã gợi lên cái đẹp lấp lánh từ chính những rơi rụng, phôi phai.

Nguyễn Trần Cường dường như có nhạy cảm đặc biệt với những vẻ đẹp ở trong thế tương phản. Trong một bức tranh về mai, anh tận dụng triệt để ấn tượng thị giác từ hai màu đen, trắng: dùng nhiều lớp sơn đen để gợi cái sâu thẳm hun hút của màn đêm, dùng sắc trắng và ánh đỏ để đặc tả sự bung nở viên mãn của hoa. Trong sơn mài, màu đen vốn có ma lực hút tất cả những sắc màu khác vào nó. Để chiến thắng lực hút đó, họa sĩ đã phải dụng công mài giũa sắc trắng ở mức độ cao nhất, nhằm tạo những ấn tượng thị giác mạnh mẽ. Chính vì vậy, người xem ngay lập tức bị hút mắt vào sắc trắng đến mức phát sáng của mai. Bức tranh bởi thế, vừa gợi thú vui tao nhã, có phần cổ điển của những bậc tao nhân mặc khách xưa: “Nghêu ngao vui thú yên hà/ Mai là bạn cũ/ Hạc là người quen” (Nguyễn Du), lại vừa là một bài thơ trữ tình về cái đẹp bất tận, bình thản, cái đẹp tự nó viên mãn, không phụ thuộc vào việc được nhìn hay không.

Giếng tập thể

Bên cạnh đó, người xem còn bị hút hồn vào thế giới loài vật trong tranh Nguyễn Trần Cường. Anh dành sự ưu ái đến những sinh vật nho nhỏ vốn sống khuất lấp, ẩn mình. Trong tranh anh, chúng là tâm điểm, hiện hữu một cách trọn vẹn, đường hoàng. Đó là một chú thạch sùng nghênh cổ trên tường gạch cũ, một chú châu chấu xanh non thảnh thơi trên nhành cỏ biếc, phía sau và xung quanh tràn ngập sắc xanh bất tận. Đó là chú ếch ung dung trong căn bếp cũ giữa những vật dụng thân quen. Đó cũng là chú ve sầu khỏe mạnh, vươn dài tấm thân và đôi cánh bên cạnh lớp vỏ khô cứng vừa thoát ra. Ở mỗi bức tranh, thủ pháp đặc tả cận cảnh nhưng vẫn chừa một khoảng rộng cho không gian khiến những loài vật hiện lên với tất cả sự an nhiên, tự tại, như thể chúng là một phần không thể thiếu của không gian.

Cũng trong tổng thể Toại kì sinh, Nguyễn Trần Cường đã dành số lượng lớn cho những bức tranh về đồ vật, về cuộc sống sinh hoạt của con người. Đồ vật trong tranh anh đều là những hình ảnh xưa cũ, gắn bó mật thiết với cuộc sống thường ngày. Ta bắt gặp một góc hiên nhà quen thuộc, nơi một khóm hoa xanh tốt đang kì bung nở, xòa lên cả những bậc tam cấp vẹt mòn thời gian. Ta gặp cánh cửa gỗ hoen ố, chiếc thảm chùi chân ngay ngắn, cái bếp tổ ong rừng rực than hồng, trên đó, một siêu nước đang sôi. Bức tranh là một tổng thể phối trộn giữa cỏ cây và đồ vật, giữa thiên nhiên và cuộc sống sinh tồn. Tất cả đều nói lên sự sống trong trạng thái thường nhật nhất, bình thản và lặng lẽ nhất.

Trong một bức tranh khác, họa sĩ gợi lên cuộc sống sinh hoạt của một thời xa vắng, nơi xóm làng quây quần bên chiếc giếng tập thể. Được đặt ở vị trí trang trọng của bức tranh, chiếc giếng được khắc tả với những viên gạch dày dặn, đỏ ối. Kế đó và cũng là trung tâm của bức tranh, những chồng bát cũ xếp chồng lên nhau, được tô điểm bởi sắc vàng của men rạn. Kết hợp giữa màu đỏ sẫm của gạch, màu nâu trầm, xanh rêu của khung nền với mảng sáng ánh lên của chồng bát, bức tranh tạo nên một ấn tượng thị giác đặc biệt, gợi cho người xem cảm giác về sự ấm nóng, không khí sum vầy đặc trưng của một thời đã xa: “Cùng chung gánh nước giếng đầu làng/ Sớm tối chào nhau kháo chuyện vang” (Nguyễn Chữ).

Vẫn bút pháp tạo hình như thế, Nguyễn Trần Cường làm sống dậy một căn buồng, một gian bếp, một chiếc cổng làng, một chiếu chơi tam cúc… Trong tất cả những bức tranh sinh hoạt ấy, con người không hiện diện, ngược lại, đồ vật lên ngôi và chiếm trung tâm của bức tranh. Bằng kĩ thuật đặc tả điêu luyện, anh đã thổi hồn vào từng đồ vật, khiến chúng hiện diện như một sinh thể có linh hồn, có đời sống, có kí ức, có sứ mệnh của mình như bất kì sinh vật sống nào trong vũ trụ. Bởi thế, chúng đủ đầy, tự tại, đẹp đẽ. Chúng tự cất tiếng kể chuyện đời mình, cũng là kể câu chuyện của đời sống, của nhân sinh.

Chạn bát

Như vậy, dù là một con ếch ngồi tư lự bên chum lớn, chú ve sầu vừa thoát xác, một con châu chấu cưỡi trên ngọn cỏ xanh, nhành hoa bung nở trong đêm, những trái bí bầu căng mọng, vài quả hồng đỏ thẫm, hay đơn giản là siêu nước đang sôi trước hiên nhà, tranh của Nguyễn Trần Cường đưa người đọc về với thiên nhiên, cây cỏ, với những đồ vật vốn gắn bó thiết thân với cuộc sống của con người. Chúng góp phần làm nên sự phong phú và đa dạng của cuộc sống, làm nên sự đủ đầy của nhân sinh. Bằng kĩ thuật sơn mài điêu luyện, họa sĩ đã thổi hồn vào từng con vật, từng chiếc lá, nhành hoa, khiến chúng hiện lên sống động, căng tràn hơi thở của đời. Và, điều quan trọng nhất, những tạo vật trong tranh Nguyễn Trần Cường hiện diện như thể bản thân chúng là một phúc lành, một thư thái, một an nhiên. Đó cũng chính là ý nghĩa tên gọi của cuộc triển lãm, như lời giới thiệu đã tiết lộ: “Toại kì sinh là cảnh giới ung dung thoải mái mà sinh trưởng của chúng sinh trong vũ trụ là phúc lành mà vạn vật hiển nhiên thâu nhận từ trời đất bao la. Tự nhiên phú cho muôn vật dưới gầm trời một đức hiếu sinh, một vòng kiếp. Được ung dung mà sống trọn vòng kiếp, được thuận theo tự nhiên mà sinh trưởng, ấy là Toại kì sinh.”

Điều đáng nói là tất cả những bức tranh trong triển lãm đều gợi lên màu hoài niệm. Đó phải chăng là nhờ hiệu ứng của sơn mài - loại hình nghệ thuật thoát thai từ truyền thống sơn ta, sau được định hình bởi hội họa Đông Dương? Sơn mài gợi nhắc đến những vàng son chói lọi, những chạm trổ tinh tế, những tượng gỗ phù điêu nơi cửa khám võng thờ, đình chùa đền miếu… Nhưng không chỉ thế, theo tôi, điều quan trọng nhất là kĩ thuật vẽ tranh tài tình, đạt đến độ chín của nghề ở Nguyễn Trần Cường. Những bức tranh cho thấy anh rất thành công trong việc phối trộn các mảng màu khiến chúng mất đi tính nguyên vẹn, thuần nhất, làm mờ nhòe ranh giới của nét vẽ, tạo nên sự hư ảo, lan loãng của không gian, khiến cảnh vật, sinh thể hay đồ vật như bước ra từ trong kí ức. Bên cạnh đó, cách xử lí nhiều lớp màu, các lớp chồng lên nhau kĩ lưỡng (có lẽ ảnh hưởng từ kĩ thuật vẽ sơn dầu) đã tạo chiều sâu cho mỗi bức tranh, khiến cây cỏ, tạo vật không chỉ hiện lên ở bề mặt mà còn ở bề sâu xuyên thấu của thời gian.

Lựa chọn và chắt chiu hình ảnh, từ chú ve sầu an nhiên chuyển mình trong bóng tối, chú cóc chẳng cần phải náu mình, chiếc cổng làng rêu phủ, chồng bát đũa men rạn, một đôi dép tổ ong… tất cả đều gợi nên đời sống và không gian của những năm xưa cũ, khi công cuộc đô thị hóa còn chưa phủ khắp. Tạo vật, thiên nhiên, hay ẩn sau đó là bóng dáng con người, nhờ đó được sống một cuộc đời nguyên vẹn, đủ đầy, trong bầu không khí an lành, tự tại. Toại kì sinh, bởi thế, không chỉ là bài ca về những tạo vật đẹp đẽ mà chính là một hoài niệm về phúc lành và an nhiên.

T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)