. THANH NGUYÊN
Ngụ ngôn thường mượn loài vật làm nhân vật để gửi gắm ý tưởng giáo huấn, răn dạy. Là một nhà giáo dục lớn Bác Hồ lấy ngay ngụ ngôn để giáo dục nhưng vẫn thể hiện một phong cách riêng. Bài viết xin chứng minh qua một vài ví dụ cụ thể,
Bản chất của tính đố kỵ là sự ghen ghét người có tài hơn mình nên tìm cách vùi dập và tự nâng mình lên. Dân gian có truyện “Lục súc tranh công” thâm thuý minh hoạ cho nét tính cách đáng ghét này. Sáu con vật Ngưu (trâu), Khuyển (chó), Mã (ngựa), Dương (dê); Kê (gà); Heo (lợn) cùng nhau tranh công… Muốn tranh công thì phải kể công. Thế là con nào cũng kể ra nhiều công lao, Trâu thì “Trâu mỏi nhọc, trâu liền năn nỉ/ Một mình Trâu nghe nỗi gian nan”. Vừa trong bộ dạng khổ sở vừa phải kéo cày: “Trước cổ đã mang hai cái niệt/ Sau đuôi thêm kéo một cái cày/ Miệng đã giàm, mũi lại dòng dây…”. Chó thì “Ăn thì ăn cơm thừa canh cặn/ Ăn thì ăn môn sượng khoai sùng”… Kể công cho mình nhưng phải đồng thời so bì với kẻ khác để công mình nổi lên mà hạ công người khác xuống. Nên Chó “tủi” cho mình mà ghen ghét Trâu: “Trâu rằng trâu ăn rơm với cỏ/ Mà còn có một thằng chăn…”. Ngựa tự khen mình: “Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa” và chê Chó: “Các chú những nằm trong xó bếp/ Tài các ngươi ở chốn quê mùa/ Nếu tao chẳng lo trong việc nước/ Giặc đến nhà ai để chúng bay…”. Cứ thế câu chuyện là sự miêu tả đặc trưng những con vật và những “phát ngôn” của chúng theo nguyên tắc đối lập: đề cao, khen ngợi và hạ thấp, chê bai. Đây là một “định nghĩa” sinh động về những tính cách mà ngày hôm nay nói tắt là “Gato” (ghen ăn tức ở), không muốn ai bằng mình, “giỏi” như mình. Thì ra ở đời, thời nào cũng có những con người như vậy!
Mượn cốt truyện dân gian Nguyễn Ái Quốc có Truyện ngụ ngôn được Người viết tại Quảng Châu năm 1925[1] thì tinh thần giáo dục, cụ thể là ý nghĩa phê phán rõ ràng dành cho đối tượng là “dân An Nam”. Truyện có lời mở đầu mang tính mời gọi, hấp dẫn:
“Hãy nghe câu chuyện ngụ ngôn này. Tất cả các bạn, hãy im lặng và lắng nghe!
Loài vật đang tranh nhau công trạng…”.
Có thể tóm tắt truyện thế này, con rồng tự hào là thủy tổ của người An Nam có nhiều bậc anh hùng cứu nước. Con tôm “phản biện” lại, nói tôm sướng hơn người An Nam vì thân nó cong là do ý trời còn người An Nam lưng còng là chịu sưu cao thuế nặng. Con cừu đồng tình nói, người An Nam giống loài thỏ, cừu bị cắt lông một năm một lần nhưng người An Nam bị Pháp bóc lột tứ thời. Rắn nói người Pháp “khẩu Phật tâm xà” mà người An Nam lại rước họ vào nước mình. Voi buồn cho người An Nam “rước voi về giày mả tổ”. Lươn chê người An Nam dễ để cho đồng tiền cám dỗ. Chuột mỉa mai người An Nam không nghĩ gì đến đất nước. Gà trống khinh người An Nam vì tiền mà bội bạc. Cá chép sung sướng bởi mình sẽ có ngày hóa rồng mà buồn thay cho dân An Nam suốt đời nô lệ mà không dám vùng lên… Kết lại câu chuyện là lời bình luận của người kể: “Ôi, những người An Nam, các anh phải luôn nhớ rằng đoàn kết làm nên sức mạnh”.
Đúng là một sự học tập hình thức truyện Lục súc tranh công trong ngụ ngôn dân gian để châm biếm sự ươn hèn, yếu đuối, bạc nhược cam chịu nô lệ nhục nhã của “dân An Nam”. Câu chuyện không chỉ đáng đọc ở cái thời đất nước ta đắm chìm trong nô lệ mà cũng rất đáng đọc ở cái thời nay, đọc để tự ý thức về tinh thần vươn lên, về cởi bỏ những tâm lý xấu, tính cách xấu… Hôm nay người ta nói nhiều đến phản biện, phản biện xã hội, coi phản biện như là một hình thức tư duy mới mẻ, tiến bộ. Thực ra phản biện, phản biện xã hội luôn là một thuộc tính tư duy của con người, càng có tinh thần khoa học, dân chủ, càng có khát vọng đổi thay xã hội, làm mới, làm tốt cho con người thì càng giàu ý thức phản biện. Không phải ai cũng có ý thức phản biện và năng lực phản biện, phải là người có trách nhiệm sâu sắc với xã hội, có tình yêu con người, có năng lực phát hiện vấn đề… mới có thể phản biện được. Trên tinh thần ấy Bác Hồ là một người luôn có tinh thần phản biện mà hôm nay chúng ta rất nên học tập về mọi phương diện, ý thức, cách thức, đề tài, nội dung.
Sau này Bác Hồ có những ý kiến hết sức khoa học về cách dạy và học, điểm đặc biệt là diễn đạt điều ấy qua biểu tượng con voi: “Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Nhưng hiểu thấu cũng có nhiều cách: có cách hiểu thấu thật tỉ mỉ, nhưng dạy theo cách đó thì phải tốn nhiều thì giờ. Trái lại cũng có cách dạy bao quát mà vẫn làm cho người học hiểu thấu được. Ví dụ: muốn dạy cho người ta biết con voi là thế nào thì có thể nói tỉ mỉ bộ xương của nó ra sao, nó có mấy cái răng, nó sống thế nào, sống được mấy năm, v.v... Nhưng nếu chưa thể dạy kỹ như thế được thì cũng có thể nói cho người ta biết bao quát hình thù của con voi như: mình nó to bằng ba bốn con trâu, nó có chân lớn như cột nhà, hai tai to như hai cái quạt, một cái vòi và hai cái ngà ở đầu, v.v... Như thế, người học không thể lầm con voi với con tôm, con mèo hay con bò được. Hơn nữa, khi nói đến chuyện săn voi hay bắt voi, người ta cũng không nghĩ lầm được rằng có thể dùng lưỡi câu mà móc hay dùng roi, dùng gậy mà đánh. Như thế là người học dùng được sự hiểu biết của mình vào việc làm một phần nào. Trái lại, nếu thì giờ ít, trình độ còn kém, mà cứ cặm cụi lo nghiên cứu tỉ mỉ cái ngà voi không chẳng hạn, thì khi trở về lại tưởng lầm con voi là cái ngà, không ích lợi gì cả”[2].
Đây là những ý kiến quý báu cho các nhà phương pháp dạy học nghiên cứu tiếp thu để đổi mới cách truyền thụ. Dĩ nhiên phải căn cứ vào hoàn cảnh mới, khác với thời của Bác là ít thời gian, trình độ giáo viên có hạn. Nhưng hạt nhân hợp lý trong quan niệm của Bác Hồ là phối hợp nhiều cách dạy khác nhau như cụ thể hoặc khái quát, vấn đề lớn chia ra thành những vấn đề nhỏ… Có một điều tuyệt đối đúng với mọi thời, mọi phương pháp là “Việc cốt yếu là phải làm cho người học hiểu thấu vấn đề”.
Bác không lấy con vật khác mà lại lấy con voi? Như trong nội dung đã là một phần giải thích, Bác dựa vào câu chuyện ngụ ngôn dân gian Thầy bói xem voi. Thầy bói nào nói về voi cũng đúng cả (con voi như cái đòn càn, cái chổi xể, cái cột đình...), nhưng chỉ là đúng ở cấp độ bộ phận còn xét ở phương diện tổng thể, hệ thống thì sai hoàn toàn. Đây là câu chuyện ngụ ngôn giáo dục về cách dạy, cách học rất thâm thuý: phải nhìn nhận vấn đề ở cấp độ hệ thống, chỉnh thể. Nếu tách rời một cách cơ giới các bộ phận vấn đề sẽ sai về bản chất.
Về cách viết, bài học Bác dạy dành cho mọi người chứ không riêng một nghề viết vẫn nóng hổi, mới mẻ: “Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận. Phải nhớ câu tục ngữ: “Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”[3]. Và “Tục ngữ nói: “Đo bò làm chuồng, đo người may áo”. Bất kỳ làm việc gì cũng phải có chừng mực. Viết và nói cũng vậy”[4]. Người phê bình những người nói mà không chuẩn bị chu đáo thì “Lúng túng như gà mắc tóc. Thôi đi thì trẽn. Nói nữa thì chán tai”[5]. Người dạy cán bộ nói và viết hay tuyên truyền đường lối chính sách phải thật hiểu, thật rõ hãy nói, hãy viết: “Tục ngữ nói “gẩy đờn tai trâu” là có ý chế người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là “trâu”[6].
Đời sống văn chương, báo chí hôm nay còn nhiều “gà”, nhiều “trâu” như Bác châm biếm từ hơn nửa thế kỷ nay mà chúng ta đang cố gắng giáo dục, chữa trị. Bài học Bác dùng ngụ ngôn để giáo dục cho thấy bài học cần đào sâu hơn nữa vào truyền thống, lấy đó làm điểm tựa để làm mới hôm nay, đó là khoa học, đó cũng là đạo lý kế thừa thành quả ông cha!
T.N
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập. Nxb Chính trị quốc gia 2002, tập 2, tr 444.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, tập 6. Sđd, tr 358.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, tập 5. Sđd, tr 346.
[4]Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, tập 5. Sđd, tr 340.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, tập 5. Sđd, tr 341.
[6]Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, tập 5. Sđd, tr 340.
VNQD