Đối thoại với những thực dân đầu sỏ - một phương pháp hoạt động cách mạng trên đất Pháp của Nguyễn Ái Quốc

Thứ Năm, 15/06/2023 09:47

. NGUYỄN THANH TÚ

 

Panhlơvê vốn là Thủ tướng Pháp từ 1917 đến 1925, Anbe Xarô - toàn quyền Đông Dương 1922 -1924; Varen - vốn là luật sư, nhà báo, đảng viên đảng Xã hội Pháp làm Toàn quyền Đông Dương 1925. Những nhân vật chính trị này rất hay bị Nguyễn Ái Quốc đưa lên mặt báo tiếng Pháp để chỉ trích, lên án. Đơn giản vì họ là những thực dân cáo già trực tiếp chỉ đạo công cuộc bóc lột ở Đông Dương.

Nguyễn Ái Quốc dành nhiều thời gian nhất “đối thoại” với ông Anbe Xarô.

Bằng giọng mỉa mai đả kích vỗ thẳng vào mặt đối phương, ngày 25/7/1922 trên báo L’Humanité Nguyễn Ái Quốc có Thư ngỏ gửi ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, và “Ngài Bộ trưởng” đã nhận được những ngôn từ nghịch nghĩa đích đáng nhất từ một công dân ở một xứ thuộc địa: “Dưới quyền cai trị của ngài, dân An Nam đã được hưởng phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự, hạnh phúc được thấy nhan nhản khắp trong nước, những ty rượu và ty thuốc phiện, những thứ đó song song với những sự bắn giết hàng loạt, nhà tù, nền dân chủ và tất cả bộ máy tinh vi của nền văn minh hiện đại, đã làm cho người An Nam tiến bộ nhất châu Á và sung sướng nhất trần đời.

Hành động nhân ái ấy đủ để chúng tôi không cần nhắc lại tất cả những hành động khác như: bắt lính và bắt mua công trái, đàn áp đẫm máu, truất ngôi và đày biệt xứ một ông vua, xâm phạm và làm ô uế những nơi linh thiêng, v.v…” (Tập 1, tr 91)[1]. Thì ra “phồn vinh thật sự và hạnh phúc thật sự” và “tiến bộ nhất châu Á và sung sướng nhất trần đời” không phải là giàu có, hoà bình, được no cơm ấm áo, học hành, vui chơi… mà là “được” uống rượu và hút thuốc phiện và “được”… “bắn giết hàng loạt”. Đúng là, đối với chế độ thực dân, “thanh liêm, đạo đức” là cướp bóc, là ăn cướp, là vơ vét, là những hành vi lang sói; quan cai trị là quân trộm cắp, là kẻ cướp…

Sau khi Nguyễn Ái Quốc gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam tới trưởng đoàn các nước dự Hội nghị Vécxây thì trên tờ Courier Colonial ra ngày 27/6/1919 xuất hiện bài viết Giờ phút nghiêm trọng của tác giả Camilơ Đơvila. Bài viết sặc mùi thực dân này có đoạn hết sức trịch thượng, trắng trợn: “Làm sao một người dân thuộc địa lại có thể dùng bản yêu sách của nhân dân để công kích chính phủ Pháp. Thật là qúa quắt. Cứ theo đà này thì bọn dân thuộc địa sẽ lên ngang hàng với người Pháp chúng ta và sớm trở thành ông chủ của chúng ta. Không được, phải kìm giữ chúng mãi mãi trong vòng nô lệ” (Tập 1, tr 484). Nguyễn Ái Quốc có ngay bài viết Tâm địa thực dân tranh luận gay gắt với ông này: “Cảm tưởng của chúng tôi tóm lại là: một chàng thực dân đã muốn dùng bản Yêu sách của nhân dân An Nam để mở một cuộc tấn công gián tiếp vào chính sách của ông Anbe Xarô, toàn quyền Đông Dương, một cuộc tấn công mà anh ta đã chú ý tô điểm bằng những lời phản đối có tính chất yêu nước, bằng lòng yêu chuộng chân lý, bằng tinh thần hy sinh và tận tuỵ vì lợi ích chung, vân vân, vân vân...

Chúng tôi không dám giải thích cho ông Đơvila rằng, thế nào là một nước cộng hoà, vì môn sư phạm không phải là sở trường của chúng tôi, nhưng vì ông tìm cách bẻ quẹo một câu minh bạch như vậy, nên chúng tôi tự hỏi không biết có phải ông đã có danh dự được làm bồi bếp trong một nhà bếp nhà vua nào đó chăng” (Tập 1, tr 2,3,4). Trả lời một người nhưng cái đích châm biếm thì nhắm vào cả chế độ thực dân Pháp. Giọng điệu châm biếm suồng sã của tác giả thể hiện ở cách gọi tên trêu cợt: “một chàng thực dân”, “anh ta”, “chàng ta”. Lúc này lời văn hướng tới độc giả. Nhưng khi quyết liệt để vạch mặt chỉ tên thì lời văn là sự đối thoại căng thẳng giữa người viết và đối tượng đích danh cần phê phán: “chúng tôi tự hỏi không biết có phải ông đã có danh dự được làm bồi bếp trong một nhà bếp nhà vua nào đó chăng”. Một sự mỉa mai đích đáng về tính chất “bồi bút” của ông ta- ông Camilơ Đơvila.

Phẩm chất của nhà trào phúng, chưa nói tới tài năng, năng khiếu trời phú thì trước hết phải là sâu nặng một tình yêu thương con người, sau đó là phẩm chất dũng cảm, có thế mới dám phanh phui những cái xấu xa, dám vạch ra những mặt trái được che đậy bằng vẻ bề ngoài cao đạo, sang trọng. Nguyễn Ái Quốc là một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này. Thời Người sống ở Pháp, hình như các đối tượng đáng cười càng ở vị trí “tai to mặt lớn” càng bị tiếng cười của Người hạ bệ một cách thảm hại nhất: “Panhlơvê cử Varen sang Đông Dương vì sao? Vì trước nguy cơ một sự chia rẽ trong Cácten, Panhlơvê tìm cách (thật khổ cho tôi phải nói ra) lấy lòng đảng viên xã hội, qua cá nhân Varen, kẻ được chọn trong số những kẻ độc ác nhất. Còn Varen, trước và sau đều có đối thủ ganh đua, không mong gì hơn là được ngoạm, miễn là miếng đáng ngoạm mà miếng này thì đáng ngoạm thật!

Có nghĩa là 20 triệu dân Đông Dương, một lần nữa sẽ phải trả giá cho sự tha hóa của Nhà nước chính quốc và tham vọng của bọn hãnh tiến ở chính quốc” (Tập 2, tr 145). Panhlơvê vốn là Thủ tướng Pháp từ 1917 đến 1925, còn Varen, vốn là luật sư, nhà báo, đảng viên đảng Xã hội Pháp làm Toàn quyền Đông Dương 1925. Dẫn chứng trên được Nguyễn Ái Quốc viết trong bài báo Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Đông - Varen và Đông Dương in trên báo Le Paria số 35, tháng 2/1925. Như vậy ý trào phúng của tác giả bài báo đã rõ: Thủ tướng Pháp muốn lấy lòng đảng viên xã hội nên đã chọn Varen sang làm Toàn quyền Đông Dương. Thủ tướng không cần biết đạo đức và năng lực của Varen, cái mà ông ta cần là sự “lấy lòng đảng viên xã hội”. Chỉ là tiếng cười của một công dân một xứ thuộc địa mà hướng tới các đối tượng “cao cả” của nước Mẹ Đại Pháp: một là “sự tha hóa của Nhà nước chính quốc” hai là “tham vọng của bọn hãnh tiến ở chính quốc”, trong số “bọn hãnh tiến” này thì Varen bị mỉa đau nhất, ông ta chẳng khác gì một động vật bốn chân háu đói: “không mong gì hơn là được ngoạm, miễn là miếng đáng ngoạm mà miếng này thì đáng ngoạm thật!”. Người ta chỉ dùng động từ “ngoạm” cho con hổ con chó… Chỉ bằng một động từ này nhà trào phúng đã làm lộn nhào đối tượng từ địa vị tưởng là sang trọng xuống vị trí thấp hèn đúng với bản chất! Dĩ nhiên Panhlơvê là ông chủ của Varen, “tớ” thế thì “chủ” cũng không hơn gì! Hơn nữa, chúng ta hãy chú ý tới cách dùng chữ nửa kín nửa hở: “Vì trước nguy cơ một sự chia rẽ trong Cácten”, Cácten là gì? Đó là một hình thức tổ chức độc quyền, tập hợp những chủ doanh nghiệp của một ngành để độc chiếm thị trường và thu lợi nhuận nhiều nhất. Ở đây tác giả dùng để ám chỉ sự liên minh giữa Đảng Xã hội và Đảng Xã hội cấp tiến lúc bấy giờ. Lại càng rõ chân dung “ông chủ” Panhlơvê, ông ta làm Thủ tướng cũng chỉ quan tâm tới “độc quyền”, “độc chiếm” và “thu lợi nhuận nhiều nhất”. Người kể chuyện tự cho mình “bằng vai phải lứa” với các vị Thủ tướng, Toàn quyền kia, và đã biết hết, biết tuốt mọi việc, đi vào tận gan ruột các vị kia, bây giờ bất đắc dĩ phải kể ra, do vậy mới có lời “tự thú” rất “chân thành” như thế này: (thật khổ cho tôi phải nói ra)!

Trong tiểu phẩm Động vật học tác giả cũng mỉa mai những kẻ bóc lột cũng chỉ là một loại động vật vì chỉ biết đến tiền và bóc lột kẻ khác. Điển hình là “ông Giôdép Caiô, cựu Thủ tướng, nhà lý tài ngoại ngạch, một nhà văn không phải tồi, không phải tương đối tồi như Anhxtanh nói, sau khi đã cai trị 40 triệu dân Pháp, đã nắm trong tay hàng triệu, hàng tỷ bạc, ông viết sách vở, rồi một buổi sang nọ, ông vò đầu và gãi điên cuồng- không phải là gãi tóc, vì ông ta không có sợi tóc nào cả- mà gãi tai, đồng thời tự hỏi và hỏi người khác: Châu Âu sẽ đi tới đâu nhỉ? Nước Pháp sẽ đi tới đâu nhỉ? Câu hỏi tuy có vẻ rất giản đơn, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải đáp được , trừ phi…

Này Ngài Thủ tướng, xin ngài cho tôi biết chân của châu Âu và nước Pháp ở chỗ nào, tôi sẽ nói cho ngài biết châu Âu và nước Pháp sẽ đi tới đâu!” (Tập 1, tr 58). Chất mỉa mai bật ra ở câu nói kháy “… chân của châu Âu và nước Pháp…”. Nước Pháp và hầu như cả châu Âu lúc này đang sống bằng cách bóc lột thuộc địa, do vậy muốn biết họ “sẽ đi tới đâu” thì phải xem họ đang bóc lột ở những nơi nào. Một cách nói kháy mát mẻ, đầy ẩn ý không thể hiểu ngay. Nhưng đến câu này thì thật dễ hiểu: “Loài động vật này ăn thịt, ăn gạo, ăn cỏ và ăn cả ngân sách nữa. Cần chú ý rằng khi đã có thể tiến đến trình độ ăn ngân sách thì thường bị coi là thoái hóa, vì nó đã mất hết tinh thần của nòi giống rồi”. Chúng tôi cho rằng những câu nói này ở ngày hôm nay - trên đất nước ta vẫn nguyên tính thời sự, phải coi những kẻ tham nhũng “ăn cả ngân sách” cũng là loài động vật bị thoái hóa, tức là không còn cả tư cách của loài động vật thông thường nữa.

Đối thoại với kẻ đầu sỏ, ngoài lòng dũng cảm còn phải trí tuệ, bản lĩnh. Mà những điều ấy Nguyễn Ái Quốc có thừa!

N.T.T


[1] Các ví dụ trong bài viết đều lấy từ bộ Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập, 2002, Nxb Chính trị Quốc gia.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)