. PHÙNG THỊ HƯƠNG LY
Tôi nghĩ, dù là người viết chuyên nghiệp hay không chuyên, hoặc không phải người làm thơ cũng đều có sẵn “chất thơ” như là bản năng. Chất thơ ấy chính là tinh thần, cảm xúc, sự rung động, cách nhìn, cách cảm và thái độ ứng xử thật đẹp, thật hài hòa với cuộc sống này. Trong mỗi tác phẩm, “chất thơ” đặc biệt ấy tạo nên cá tính sáng tạo khiến đứa con tinh thần của mỗi bản thể không bị nhòa lẫn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn và Thiếu tướng Lê Xuân Sang, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn trao giải Nhì cho các tác giả
trong cuộc thi thơ của VNQĐ 2021 - 2022. Ảnh: Thành Duy
Dấn thân và sáng tạo
Tuổi thơ tôi gắn liền với đồng rừng. Thế hệ 9x ở miền núi hồi đó điều kiện vật chất còn nhiều hạn chế nhưng tôi lúc nào cũng cảm thấy vui. Kí ức tinh thần đẹp đẽ ấy là những khát khao, háo hức trước mỗi quyển sách hay tờ báo Thiếu niên tiền phong, Thiếu nhi dân tộc ở thư viện nhà trường; là giọng nói ấm áp từ chương trình phát thanh “Văn nghệ thiếu nhi” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ một đứa trẻ chẳng có quyển sách văn học nào, tôi may mắn được biết đến tên tuổi các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng; được nghe đọc thơ, truyện vừa, tiểu thuyết dành cho thiếu nhi qua giọng đọc diễn cảm, cuốn hút của các anh chị phát thanh viên. Tôi thật sự ấn tượng chuyên mục “Tác phẩm đầu tay” của những cây bút nhỏ do nhà thơ Hoàng Cát và nhà thơ Trần Đăng Khoa trực tiếp đọc tác phẩm và đọc lời bình, nhận xét, khen ngợi cũng như động viên khích lệ các tác giả nhí. Tôi lắng nghe say sưa và thích thú. Cũng từ đó, tôi biết giấu những ước mơ thầm kín vào những bài thơ non nớt, vụng về. Ước mơ ấy mở ra cho tôi một lối nhỏ đi vào văn chương. Hẳn nhiên, tôi đã đi và đi rất chậm.
Tôi sáng tác thơ bằng niềm say sưa bất tận về những điều gần gụi xung quanh, viết về tình yêu Tổ quốc, quê hương, tình yêu lứa đôi, viết về đề tài miền núi…, tất cả được gói gọn trong tập thơ đầu tay Đi qua tôi thật chậm (Nxb Hội Nhà văn, 2013). Dẫu luôn đau đáu với niềm đam mê và có lúc viết dào dạt nhưng cũng có những giai đoạn đầy thử thách khiến tôi bị chững lại. Tuổi trẻ phải lăn xả vào đời với cuộc mưu sinh, với những lo toan về công việc, cơm áo gạo tiền, chăm sóc gia đình, con cái buộc phải gác việc làm thơ sang một bên. Tuy nhiên, những va vấp, trải nghiệm cuộc đời lại là chất liệu sinh động, là sự vẫy gọi để tôi hình thành tác phẩm. Có những giai đoạn vài tháng trời tôi không thể viết nổi một bài thơ. Cảm xúc thơ biến mất hay vốn sống chưa dày dặn để viết? Những phân vân, bế tắc tôi chưa tìm ra câu trả lời. Tôi chỉ còn cách đọc sách và quan sát cuộc sống, lắng nghe bản thân chậm rãi hơn. Tôi nhận ra rằng, thơ không đơn thuần là những kí tự được dàn ra trên giấy bằng ngôn ngữ, kĩ thuật nào đó mà thơ chính là tâm hồn, là ý niệm, tình cảm, là sự đau đáu về không gian, thời gian, về con người, vạn vật mà người đọc cảm nhận được từ trái tim ấm nóng của người viết. Khi thơ được viết ra tức là một bản thể của mình được sinh ra và mang một số phận khác, đời sống khác, cũng có nghĩa tác phẩm ấy không chỉ viết cho riêng mình nữa. Đó là giá trị của thơ.
Thơ hiện diện trong đời sống này với vai trò là giá trị tinh thần không thể thiếu. Trong cuộc sống hôm nay, khi mà người ta mải để tâm đến mật khẩu của những đám mây công nghệ, số tài khoản ngân hàng, những âu lo thường nhật và được lựa chọn hưởng thụ vô vàn loại hình dịch vụ giải trí hấp dẫn khác, liệu còn nhiều người thưởng thức thơ và nhớ những câu thơ hay không? Thật khó để trả lời vì không ai thống kê được cụ thể. Nhưng tôi luôn tin là có vì bạn đọc vẫn dành riêng cho thơ sự quan tâm đặc biệt, điều đó được thể hiện rõ nhất trong những sự kiện như các cuộc thi thơ lớn, nhỏ do các báo, tạp chí tổ chức hoặc Ngày thơ Việt Nam được tổ chức hằng năm đều nhận được sự hưởng ứng và tham dự của đông đảo khán giả, người yêu thơ. Họ đến để thưởng thức thơ, mua sách thơ và hòa vào không gian đậm đà chất thơ. Như vậy để thấy rằng, thơ luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa văn nghệ cả nước nói chung và trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân nói riêng.
Điều tôi băn khoăn nhất là phải làm sao để tác phẩm của mình chạm đến một lượng độc giả, để người đọc thấy đồng cảm, thích thú hoặc ít nhất là mang đến giá trị tinh thần tốt đẹp nào đó. Để làm được trước hết người viết phải có các yếu tố thấu hiểu, rung động trước những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Sở hữu cảm xúc, sự va chạm, trải nghiệm thì mới có thể tạo được mối liên hệ giữa tác phẩm và người đọc. Khi tác phẩm hay về cả ngôn ngữ và tinh thần, cảm xúc thì khi ấy thể loại thơ tự do hay thơ vần cũng không phải là điều quan trọng nữa.
Thơ cho cảm xúc phong phú và cuộc sống thú vị hơn, có góc nhìn đa chiều, đó là những giá trị mà tôi cảm thấy thơ đem lại cho mình rõ ràng nhất. Thơ cũng là cơ duyên để tôi có thêm nhiều người bạn thú vị trong cuộc sống.
Thơ ngân lên từ cảm xúc
Tôi có thơ in tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 2011, tức năm thứ hai đại học. Mỗi khi được in bài ở tạp chí uy tín như thế tôi thấy mình rất “oách” và tự tin chia sẻ cùng các bạn viết. Dù biết, tiêu chí để chọn bài in ở Văn nghệ Quân đội rất khắt khe nhưng mỗi khi có sáng tác mới tôi lại mạnh dạn gửi bài vì cảm thấy đội ngũ ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội rất tâm huyết, ân cần, chu đáo với từng cộng tác viên. Với những bài thơ “viết chưa tới” hoặc “chưa đầy đặn” sẽ được các anh, chị biên tập viên góp ý thật tinh tế, chân thành. Điều đó khiến tôi thêm trân trọng hơn tờ tạp chí và những “bà đỡ” mát tay. Những chùm thơ của tôi thi thoảng xuất hiện trên Văn nghệ Quân đội như để khẳng định, chứng minh niềm đam mê với thơ, với tờ tạp chí quen thuộc. Nhưng chỉ khi cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội 2021 - 2022 diễn ra mới giúp một bản thể khác của tôi được bung ra, đây không chỉ là cuộc thi với các tác giả khác mà tôi thấy rằng, mình đang thi với chính mình và cần vượt qua chính mình.
Cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội là cuộc thi lớn, có uy tín, thu hút đông đảo người viết tham gia dự thi. Theo thống kê của ban tổ chức cuộc thi, trong gần hai năm (2021 - 2022), tạp chí đã nhận được hơn 10 nghìn tác phẩm từ khắp mọi miền của Tổ quốc gửi về, trong đó có 830 bài thơ của hơn 200 lượt tác giả được giới thiệu tới đông đảo bạn đọc. Điều đó đủ để thấy đây là một cuộc thi có tầm vóc và đầy sức hấp dẫn. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo bạn viết với nhiều lứa tuổi, nhiều đề tài khác nhau. Những bài thơ dự thi thể hiện niềm tin lạc quan trước đại dịch Covid-19, vẻ đẹp quê hương, đất nước và của con người trong sinh hoạt và lao động, đặc biệt là những tri ân của thế hệ trẻ hôm nay đối với cha ông và hình tượng đẹp đẽ, cao cả của người lính. Mỗi người có một góc nhìn và cách khai thác nhưng đều chung niềm say mê với thơ ca, khẳng định sự lao động chữ nghĩa nghiêm túc, bền bỉ giữa bầu khí quyển văn chương rộng lớn này.
Tôi rất vui và đặc biệt vinh dự khi nhận được giải thưởng trong cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội lần này. Giải thưởng là sự khích lệ to lớn cho hành trình sáng tác của tôi, để tôi trân trọng thêm những chuyến đi, những cảm xúc sáng tạo có được về mỗi vùng đất, con người, và nhất là đề tài chiến tranh cách mạng, người lính hôm nay.
Trong thời gian cuộc thi diễn ra tôi may mắn được tham dự trại viết với đề tài “chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay” do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức tại địa bàn Quân khu 9. Chuyến đi ấy đã đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc về mảnh đất, con người và văn hóa miền Tây Nam Bộ. Tại lễ khai mạc trại sáng tác tôi ấn tượng đặc biệt với phát biểu của nhà văn Nguyễn Bình Phương (Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội): “Thật khó mà đong đếm được lượng phù sa mà dòng Cửu Long giang mang đến cho miền Tây Nam Bộ, tương tự như thế thật khó đong đếm được những gì mà người lính đã cống hiến cho miền Tây Nam Bộ và quan trọng nhất là từ tướng lĩnh đến người lính, họ không tính đến việc đong đếm ấy bởi vì trong đó không chỉ có mồ hôi, không chỉ có trí tuệ, có tình cảm, có máu, thậm chí cả sinh mạng người lính không đong đếm được. Tuy nhiên tôi nghĩ văn học với thiên chức của mình phải có nghĩa vụ làm tỏa sáng những hạt phù sa im lặng và cao cả ấy.” Từ những lời nói sâu sắc và đầy động lực đó tôi đã viết Thổ Sơn, Viết ở Tiểu đoàn 804 (hai trong ba bài thơ đoạt giải Nhì cuộc thi thơ Văn nghệ Quân đội năm 2021 - 2022). Tôi tham gia dự thi với những bài thơ được chắt chiu từ những cảm xúc chân thành nhất của lòng mình.
Trong những đề tài được tôi lựa chọn sáng tác, đề tài chiến tranh cách mạng và người lính luôn là niềm đau đáu trong tôi. Tôi nghĩ đề tài này dẫu ở thời nào cũng vẫn giữ nguyên vẹn giá trị trong các tác phẩm văn học bởi nó thể hiện thái độ của người cầm bút cũng như giá trị yêu nước, nhân văn luôn được gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Còn đâu đó những góc khuất mà người cầm bút chưa biết đến, còn những câu chuyện, những tình huống, thân phận chưa được người viết khai thác hết mà tôi nghĩ những vỉa cạnh đó rất cần được ghi lại bằng cảm xúc thơ. Đề tài người lính, chiến tranh cách mạng là thách thức không nhỏ đối với người viết đặc biệt là người viết trẻ như tôi. Tôi cảm thấy mình cần phải viết như là trách nhiệm của người cầm bút. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau hậu chiến vẫn còn tồn tại, vẫn còn đó những người cựu binh mang trên mình vết thương không gì bù đắp nổi, còn những số phận màu da cam nhức nhối… Tôi từng được xem những thước phim về chiến tranh và ám ảnh khôn nguôi với câu chuyện về cuộc sống của người cựu binh mang trên mình vết sẹo đạn bom, ngày vui vầy bên con cháu nhưng đêm đến lại không chợp mắt nổi vì giấc mơ hành quân cùng đồng đội. Cả hình ảnh của những người lính thời bình luôn chắc tay súng giữ gìn non sông gấm vóc đã thắp lên trong tôi niềm đau đáu và tôi đã viết lên bằng sự thấm thía, tri ân, tưởng nhớ về những thế hệ cha ông đã hi sinh cho hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.
Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính hôm nay, tôi mới chỉ chạm đến được một góc nhỏ trong đề tài rộng lớn ấy, nhưng tôi hi vọng rằng tác phẩm sẽ nhận được sự yêu mến và đồng cảm từ bạn đọc, cũng như khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người. Cuộc thi thơ đã khép lại nhưng mở ra nguồn cảm hứng sáng tạo mới, chúng ta lại đón đợi và cùng nhau vun đầy lên những mùa chữ xanh tươi.
P.T.H.L
VNQD