Thơ hiện nay với hôm nay - một phác thảo ngắn

Thứ Sáu, 12/05/2023 00:20

. NGUYỄN THANH TÂM
 

“Thơ hiện nay với hôm nay” là tên cuộc tọa đàm do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức nhân dịp Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21. Chủ đề này gợi cho tôi một ý tưởng sẽ nhìn lại và đánh giá thơ Việt Nam trong khoảng thời gian từ 2020 đến hết 2022 và kéo dài đến Nguyên tiêu Quý Mão (2023). Chắc hẳn bạn đọc sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao lại viết về những chuyển động của thơ Việt Nam từ 2020 - 2022? Dĩ nhiên, lựa chọn này đặt trên những lí do nhất định, cho phép chúng ta khu biệt một quãng ngắn trong tiến trình thi ca, với những biến cố cùng dấu ấn cụ thể của nó. Đây là quãng thời gian nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với Covid-19 (bắt đầu từ cuối 2019, đầu 2020 và tạm thời kiểm soát, thích ứng an toàn vào nửa cuối năm 2022). Đại dịch này là sự kiện có tính toàn cầu và đặc biệt nguy hiểm, tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống, trong đó có văn chương nghệ thuật. Lí do thứ hai liên quan đến đời sống văn học đương đại chính là sau Đại hội lần thứ X của Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 11/2020), một Ban chấp hành mới được bầu lên với những hi vọng mới cho đời sống văn học. Có thể nói, với hai sự kiện này, văn học đã có những chuyển động rất đáng được bàn luận. Cùng với đó, trong thời gian từ 2020 - 2022, Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội cùng nhiều diễn đàn văn chương khác, từ Trung ương đến địa phương, đã tổ chức các cuộc thi thơ - thi viết khác, nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tạo thi ca, tìm kiếm các gương mặt nổi bật, xác lập rõ hơn các giá trị để văn chương ngày càng thiết cốt hơn đối với đời sống (trong bối cảnh Covid - hậu Covid). Không chỉ thế, nhịp điệu của đời sống thơ Việt Nam đương đại vẫn diễn ra một cách khá sôi nổi khi các tác phẩm thơ vẫn được in ấn, xuất bản, đăng tải trên nhiều diễn đàn, bằng nhiều hình thức. Đó là nơi ta có thể nhận ra những chuyển động của thơ một cách rõ rệt nhất.

Đại dịch Covid-19 thực sự đã đặt nhân loại vào một thảm họa khốc liệt. Đó là biến cố khiến cho con người nhận ra một cách đau đớn và rõ rệt nhất giá trị của sự sống. Văn chương nghệ thuật một lần nữa được kiểm nghiệm lại chức năng, giá trị, ý nghĩa, tiếng nói của mình đối với sự tồn vong của con người. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đã ra đời trong bối cảnh dịch bệnh với cảm hứng về sự sinh tồn, an ninh con người, sức sống con người, những âu lo và hi vọng, khả năng đối đầu và vượt lên thảm họa của nhân loại. Ở Việt Nam, trong những thời khắc ngặt nghèo nhất, từ tâm dịch hay vùng cách li, giữa những chập chờn của biểu đồ các vùng xanh - đỏ - vàng cam, nhiều bài thơ đã được ra đời. Thơ đã cho thấy khả năng và ý nghĩa của mình trong việc tiếp cận đời sống bằng những rung động tinh vi, thầm kín: Tháng sáu buồn/ thành phố ôm vết thương rỉ máu/ đau đớn nào trong những tiếng còi xe kêu vang ầm/ trái tim nào nhói đau trong những ngôi nhà khép cửa/ chờ tháng ngày đi qua (Mùa hạ buồn - Phạm Thị Ngọc Liên); Thành phố này/ những lần mình nhìn xuống lòng bàn tay…/ thấy đường chỉ nằm lặng im như góc phố ngoài kia nhiều hôm vắng vẻ/ lá rơi trong lòng người/ còn nhịp thở thì chao nhẹ/ những mộng ước núi đồi hóa mong manh… (Thành phố này - Nguyễn Phong Việt)… Có thể nói, từ chuyên nghiệp đến không chuyên, người viết đã nhận ra một nguồn cảm hứng mãnh liệt trước sự sống và cái chết, để gửi gắm vào thơ niềm tin và khát vọng về cuộc sống an lành.

Sự kiện Ban chấp hành mới của Hội Nhà văn ra đời sau Đại hội lần thứ X có thể xem là điểm nhấn đầy hi vọng. Việc cải tổ báo Văn nghệ ngay sau đó cùng với những động thái tích cực, linh hoạt, trẻ trung, năng động hơn đã cho thấy nỗ lực của những người lãnh đạo Hội Nhà văn. Đối với thơ, việc luân phiên trao quyền tổ chức (tuyển chọn, giới thiệu) trang thơ cho nhiều tác giả danh tiếng có thể xem là ý hướng khá táo bạo nhằm kích hoạt tinh thần dân chủ trên diễn đàn văn chương số một ở Việt Nam. Cùng với việc phát huy tính dân chủ như một động thái thuộc về thiết chế hành chính, ý nghĩa sâu hơn của quy trình này chính là các tác giả có cơ hội tuyển lựa và giới thiệu những gương mặt, những tác phẩm mà bản thân mình xem là giá trị, tránh được tình trạng nhất nguyên từ phía tòa soạn - ban biên tập. Cách làm này theo tôi là khá thông minh, tuy nhiên cũng không phải không có những tiềm ẩn mang màu sắc thân hữu vốn vẫn tồn tại trong đời sống thơ ca Việt Nam.

Nhìn lại một quãng ngắn của thơ Việt Nam, dẫu các sự kiện là điểm nhấn quan trọng, nhưng cốt yếu nhất vẫn là những tác phẩm thơ cụ thể, cho thấy thơ đang có những bước đi đáng ghi nhận. Năm 2020, tập thơ Bên trời của Trần Kim Hoa đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Tập thơ này ghi dấu những xao động thầm kín về những tháng năm, những nơi chốn (nhất là Hà Nội) mà Trần Kim Hoa đã sống, đã yêu thương và nhung nhớ. Thơ Trần Kim Hoa có nét duyên dáng, phảng phất dư hương và dáng hình thanh lịch của Hà thành trong hoài niệm. Cùng năm này, tập thơ Em là nơi anh tị nạn của Trương Đăng Dung cũng ra đời sau 10 năm kể từ tập thơ thứ nhất (Những kỉ niệm tưởng tượng - 2011, đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội). Có thể nói, đó là một nỗi khắc khoải triền miên, không chỉ sau 10 năm, ở giữa hai tập thơ, mà cả một đời suy tư về tình thế tồn tại của con người đã chung đúc, lặn đọng vào thơ Trương Đăng Dung. Chuyển động bằng nhịp điệu của biểu tượng và tư tưởng, thơ Trương Đăng Dung thuộc vào dòng thơ “khó”, vốn khá thưa vắng các đại diện trong thi đàn Việt Nam đương đại. Năm 2020, cũng có thể nhắc đến tập Cô độc nên thơ của Nam Thi, một tác giả trẻ. Cô độc nên thơ mở ra một cõi sống. Đó là cõi sống của chữ-thơ-người, tần ngần lựa chọn một vị thế để tồn tại. Không sa ngã vào đám đông, chối từ những thói quen, nhịp điệu cũ mòn, mỏi mệt, Cô độc nên thơ là thơ của miền cô độc. Dẫu vậy, nó lại khẩn khoản đợi chờ một sự thông hiểu và chia sẻ. Cô độc lưỡng lự và hoang mang bởi những trượt trôi vô nghĩa của đời sống. Cô độc dấy lên những dự cảm trống rỗng, mất căn cước, mất hiện hữu nhưng đồng thời cũng tha thiết một cội rễ, một xác quyết, một bến bờ.

Năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam không có giải thưởng ở hạng mục thơ, nhưng tập Văn học vết thâm của Nguyễn Thị Thúy Hạnh là rất đáng ghi nhận. Tập thơ với nhiều thể nghiệm mang đến khoái cảm mới cho việc đọc và trải nghiệm thi ca. Không những thế, lặng im giữa không gian thơ Nguyễn Thị Thúy Hạnh, người ta còn nhận ra những vọng âm của lịch sử, văn hóa từ sâu thẳm của quá khứ Việt Nam và phương Đông trong dòng chảy từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây. Năm 2021 này cũng cần phải nhắc đến tập thơ YAO của Lý Hữu Lương đoạt Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, Giấc mơ của bàn tay của Đinh Trần Phương, Tiếng Việt của Quỳnh Iris de Prelle…

Năm 2022, tập thơ Ngàn bài thơ khác (Trần Lê Khánh), Bóng của ý nghĩ (Nguyễn Bảo Chân) được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Có thể nói, trong mặt bằng chung của thơ năm 2022, việc trao giải cho hai tập thơ này là khá thỏa đáng. Thơ Trần Lê Khánh có những khoảnh khắc rất đáng để chúng ta lặng im, suy ngẫm và chiêm nghiệm. Sau những tập đã giới thiệu trước đây, ấn phẩm lần này của Trần Lê Khánh là sự tuyển lựa kĩ lưỡng hơn, nghiêng dần về phía tối giản nhằm đánh thức những rung cảm tinh vi trong lòng người vốn dễ bị át đi giữa bộn bề đời sống. Với Nguyễn Bảo Chân, Bóng của ý nghĩ lại là những suy tư soi mình vào kí ức, gợi lại nhịp điệu của hoài niệm. Thơ Nguyễn Bảo Chân có nét trữ tình sang trọng mà dịu dàng, phảng phất nét buồn Á Đông - xứ Việt dẫu không gian thơ dịch chuyển qua miền Đông - Tây với bao khác biệt. Cũng trong năm 2022 (đầu năm), Nguyễn Như Huy xuất bản tập thơ Sự thật chính là sự vui, ghi dấu ấn bởi chất suy tưởng và cảm thức mới mẻ mang tính triết học về thi ca. Ở bộ phận sáng tác trẻ, các tác giả Lê Đình Tiến (Giấc mơ phía làng), Khét - Trần Đức Tín (Chín nhánh da vàng) cũng là những cái tên đáng được nhắc đến trong nhịp chuyển động của thơ trẻ Việt Nam.

Thơ Việt Nam từ 2020 đến 2022, dẫu chỉ là quãng ngắn, nhưng không phải chỉ hiện diện với những tên tuổi, tác phẩm đã được nhắc đến ở trên. Nhiều diễn đàn văn nghệ vẫn đăng tải thơ đều đặn, những cuộc thi viết vẫn diễn ra sôi nổi, và đương nhiên, thơ (trên) mạng vẫn là một kênh rất đáng quan tâm. Hầu như các tác giả làm thơ đều có tài khoản mạng xã hội, vì thế, song hành cùng việc đăng thơ trên báo - tạp chí in là việc công bố trên facebook, instagram, blog cá nhân... Lê Vĩnh Tài, Pháp Hoan, Trần Hạ Vi, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Phúc Lộc Thành, Trần Bạch Diệp, PN Thường Đoan, Trương Xuân Thiên, Lê Đình Tiến và rất nhiều người khác nữa, dẫu không hoàn toàn thể hiện đúng đặc tính văn học mạng (sáng tác - công bố hoàn toàn trên mạng) nhưng đã tạo nên đời sống thơ ca trên mạng khá phong phú. Trong số rất nhiều tên tuổi ấy, Lê Vĩnh Tài là một địa chỉ thơ đáng tìm đọc bởi nguồn cảm hứng - suy tư mới về thơ và cuộc sống con người hôm nay trong thơ.

Như đã nói, thơ ca, nghệ thuật và mọi mặt của đời sống đã chịu ảnh hưởng to lớn từ đại dịch Covid. Ngày thơ Việt Nam sau mấy năm bị hoãn, năm 2022 chỉ tổ chức trực tuyến, đã ít nhiều tạo ra bầu không khí trầm lắng cho các sinh hoạt thơ ca từ Trung ương tới địa phương. Năm 2023, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 mang chủ đề “Nhịp điệu mới” được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long sau 18 năm tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một bước thay đổi với nhiều hi vọng khởi sắc về hành trình thi ca phía trước. Trong nhiều hoạt động tôn vinh thơ nhân dịp Nguyên tiêu này, tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” có lẽ đã thể hiện được rõ nhất mối bận tâm của công chúng văn học về tác giả, tác phẩm, chất lượng, ý nghĩa của thơ đối với đời sống đương đại. Bên cạnh những luận giải có tính giáo khoa về vai trò, sứ mệnh, giá trị mĩ học của loại hình thơ, câu hỏi cần được đặt ra nhất lúc này là thơ có ý nghĩa, ích dụng gì đối với đời sống hôm nay. Khi câu hỏi này được nêu lên, nghĩa là đâu đó trong đời sống văn học, người ta bắt đầu hoài nghi về ích dụng - ý nghĩa của thơ. Giải trừ những bình tán vuốt ve sáo rỗng, đặt thơ trước các thử thách của vận mệnh con người, của giá trị nhân tính, của những tình thế tồn tại, của lịch sử - văn hóa - mĩ học và môi sinh…, thơ đã tỏ bày sự hiện diện của mình như thế nào? Theo tôi, thơ hiện nay lâm vào một số vấn đề sau đây, là căn nguyên của sự hoài nghi về ích dụng của nó.

Thứ nhất, thơ bị suy về tư tưởng. Tại sao có thể đưa ra nhận định này? Theo dõi nhiều diễn đàn thơ, đọc thơ của nhiều tác giả, điều mà người viết nhận ra chính là sự thiếu vắng tư tưởng nghệ thuật như là yếu tố cốt lõi để tổ chức văn bản nghệ thuật - thi phẩm như một chỉnh thể. Thơ nông cạn và hời hợt (ngay trong dáng vẻ tỏ ra cầu kì bí hiểm của nó). Tư tưởng nghệ thuật không phải là thứ dễ dàng có được, lại càng không phải dễ dàng thể hiện thành công dưới một hình thức thể loại nghệ thuật nào đó. Những miêu tả, kể lể rườm rà, những vặn vẹo tháo lắp chữ nghĩa câu cú... nhiều lúc làm tổn hại đến vẻ đẹp sang trọng của tư tưởng nghệ thuật. Một bài thơ, một tập thơ có tư tưởng là khi mọi biểu hiện của nó đều tập trung vào cái lõi duy nhất khiến thi nhân khắc khoải, dằn vặt triền miên và không thể không thốt nên lời. Nó nhanh chóng rời xa những xúc cảm chợt đến, những xôn xao thoáng qua, những suy tư vừa mới nhen lên, những băn khoăn nhức nhói chưa đọng lại thành lệ ngọc. Tôi không hoàn toàn tán thành với quan điểm tư tưởng nghệ thuật là trái quả hái lúc về già, nhưng rõ ràng, đó là sản phẩm của một quá trình cảm - niệm bền bỉ, sâu sắc đến mức khổ ải. Thơ ca đang thiếu đi sự nhẫn nại cần thiết để lắng mình vào trong sự tĩnh lặng của ưu tư.

Thứ hai, nhiều người làm thơ nhưng dường như rất ít người đọc nhau, hoặc đọc hời hợt, dễ bỏ qua, thậm chí là dễ dàng phê phán, phủ nhận, xem thường thơ và xem thường lẫn nhau. Căn nguyên này lại có động cơ từ một bối cảnh suy văn hóa thơ. Thế nào là văn hóa thơ? Đó là trạng thái tinh thần của con người và xã hội trong việc ứng xử với quá trình sáng tạo và tiếp nhận giá trị mĩ học của thi ca. Văn hóa thì không có cao thấp, chỉ có khác biệt. Tuy nhiên, sự khác biệt lại có nền tảng từ nhu cầu, thị hiếu và quan niệm giá trị. Xem ra, trong cái khác đã hàm chứa cái cao thấp mà để giữ lấy hòa khí người ta không tiện nói ra. Đến giờ, những ai còn say sưa đắm đuối với những vỗ về, chải chuốt của tinh thần lãng mạn trong Thơ mới, rất có thể bị xem là đang vận hoạt trong một trường văn hóa thơ tương đối thấp. Người có nền tảng văn hóa thơ cao là người bước ra khỏi vòng tỏa bóng của Thơ mới, xác lập một dạng thức mĩ cảm khác, phù hợp hơn với tinh thần đương đại. Ở tầm mức rộng hơn, văn hóa thơ đòi hỏi một tinh thần thi sĩ như là kẻ đồng hành sánh ngang với triết gia trong việc canh giữ ngôi đền ngôn ngữ - hiện thân của thế giới, nhân loại. Tương tự như vậy, ở phía người đọc và các thiết chế, lựa chọn, cổ súy hay bài bác phủ nhận một loại hình thơ ca nào đó cũng cần một thái độ văn hóa xứng đáng với vị trí tượng trưng rất cao của thơ. Vậy thì, làm sao có thể tùy tiện, dễ dãi hoặc xem thường thi ca được?

Thứ ba, nhiều người làm thơ, mượn thơ như một hình thức bày tỏ cái tôi cá nhân riêng biệt của mình, bất kể nó có chạm gặp hay giao tiếp được với cộng đồng hay không, điều đó nói lên sự suy thoái của tính cộng đồng và các giá trị phổ quát trong lòng xã hội đương đại. Nói cách khác, thi nhân của chúng ta ít có những mối bận tâm lớn, những khắc khoải triền miên về các vấn đề cốt lõi của tồn tại người. Những biện hộ dựa trên nhu cầu biểu tỏ cái tôi riêng biệt, sâu kín không làm thỏa mãn chúng ta về một hệ giá trị có thể đánh động con người nói chung trước vận mệnh của chính mình. Điều đó làm cho thơ trở nên xa lạ, trong khi lẽ ra nó phải khiến con người nhận ra non cao vực thẳm của lòng mình trong nhịp điệu tâm hồn kẻ khác. Chẳng phải như vậy là thơ đã tự rời bỏ mảnh đất mà mình sinh ra cùng khát vọng nhân văn vĩnh hằng mà loài người luôn ước mơ, tìm kiếm hay sao?

Thứ tư, sự lên ngôi của các hệ giá trị đại chúng đã lôi cuốn, cho phép hoặc vô tình dung dưỡng những thực hành thơ có phần dễ dãi, thậm chí tùy tiện với lí do lắm khi là “ngụy biện” về tinh thần dân chủ trong sáng tạo nghệ thuật. Trong một tiểu luận trước đây, tôi đã nhấn mạnh đến ba trụ cột để hình thành nên bản sắc chủ thể thi sĩ trong sáng tạo thi ca. Đó là: luân lí tự thân - luân lí xã hội - luân lí mĩ học. Nghĩa là, một thi sĩ, khi sáng tác, cần ý thức trách nhiệm của mình trong việc kiến tạo chính mình, kiến tạo giá trị mĩ học và đóng góp vào giá trị văn hóa - lịch sử - xã hội bằng chính giá trị nghệ thuật mà mình tạo ra. Nó không chỉ là cuộc chơi, cũng không đơn thuần là cá nhân - bản thể, cũng không dừng lại ở việc cảm xúc thăng hoa hay suy tư chợt đến. Sự chiều chuộng theo thị hiếu dễ dãi của đại chúng thực sự là “kẻ thù” của thơ. Và như thế, chúng ta đang phản bội lại thơ trong khi vẫn mơ về một thứ thơ đáng để thờ tự. Tình trạng đó tỏa vào lòng đời sống thi ca một năng lượng có phần tiêu cực, rằng thơ là thơ... thẩn, là mông lung, là lãng mạn theo kiểu “ru với gió/ mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”… Sự sống không bao giờ đơn giản, bởi vậy, trước các tình thế của tồn tại người, trước những khắc khoải về nhân tính, những đổi thay của giá trị, những khủng hoảng môi trường, quá khứ - hiện tại - tương lai của thế giới…, nếu thi ca tỏ ra hời hợt thì dễ bị quy là vô tích sự. Đáng tiếc là không ít nhà thơ đã không nhìn nhận thỏa đáng mối tương quan này, đồng thời tự mãn với những loay hoay tạo tác của mình bằng cái cớ thơ là “tiếng lòng” của con người cá nhân bản thể. Phản ứng của cộng đồng, nhất là cộng đồng tinh hoa có khả năng nhận ra giá trị của thơ, là chán nản, hoang mang, không ít người tỏ ra bất lực trước tình trạng lạm phát thơ như hiện nay.

Nhân loại bước sang giai đoạn hậu Covid với bước thích ứng, phục hồi và phát triển nhanh chóng. Ở Việt Nam, cuộc sống đã trở lại bình thường (mới), nhưng chắc hẳn kí ức về 3 năm đầy biến động khi đại dịch tràn qua vẫn làm chúng ta không khỏi giật mình. Dẫu vậy, con người vẫn đi về phía trước, thơ ca vẫn là một hình thái nghệ thuật tinh túy, sang trọng/ đáng trọng mà chúng ta có để đánh dấu sự hiện diện có ý nghĩa, sự giao tiếp giữa cá nhân, thế hệ, thời đại và lịch sử - văn hóa.

N.T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)