Vài phác họa về một số loại hình nghệ thuật sân khấu Nhật Bản

Thứ Sáu, 21/04/2023 00:54

CHI ANH
 

Bằng khả năng vừa phục dựng, bảo tồn những nét tinh hoa cổ điển, vừa tìm tòi và kết hợp sáng tạo những cách tân phù hợp với thời đại, Nhật Bản đã có thể giữ được cho mình một diện mạo nghệ thuật truyền thống hết sức phong phú, độc đáo. Như nhiều quốc gia có lịch sử tồn tại lâu đời khác, nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nhật Bản đã phát triển từ sớm và đa dạng về nguồn gốc, đặc điểm riêng biệt, có thể kể đến như: kịch noh, hài kịch kyogen, kịch kabuki, kịch rối joruri (bunraku), hay độc tấu hài rakugo... Theo các nhà nghiên cứu bản địa, nghệ thuật sân khấu truyền thống Nhật Bản thường hướng đến việc hình thành tâm trạng, cảm giác mĩ học thu hút được phản ứng tức thời của khán giả. Mục tiêu này cùng nguồn gốc hình thành của mỗi loại hình đều có ảnh hưởng nhất định đến đặc trưng quy cách biểu diễn, tạo dựng sân khấu, đạo cụ và trang phục, diễn viên cùng các loại vai diễn của chúng. Bài viết này sẽ phác họa bức tranh nghệ thuật sân khấu truyền thống Nhật Bản bằng việc giới thiệu ba loại hình được nhiều người yêu mến xứ sở hoa anh đào biết đến hơn cả là kịch noh, kịch kabuki và độc tấu hài rakugo với những “đường nét” đó.

Biểu diễn kịch noh Nhật Bản. Ảnh: TL

Kịch noh - loại hình sân khấu lâu đời bậc nhất xứ Phù Tang

Kịch noh ra đời vào thế kỉ XIV, đây có thể xem là sân khấu chuyên nghiệp tồn tại lâu đời bậc nhất tại Nhật Bản. Noh là sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc, vũ điệu và ngôn ngữ sử dụng chủ đạo là thơ ca. Nguồn gốc hình thành kịch noh có liên quan đến Phật giáo và Thần đạo khi dung nạp trong nó âm nhạc thuộc về vũ điệu nghi thức Thần đạo (Kagura) và nghi thức tế lễ Phật giáo (Shomyo); ngoài ra còn chịu ảnh hưởng từ nhiều loại hình ca múa, âm khúc truyền thống khác đã xuất hiện từ trước thế kỉ XIV. Sự phối kết đó góp phần làm nên cách thức trình diễn thể hiện cao độ tính chất trang trọng như đang thực hành một nghi lễ linh thiêng, đồng thời đề cao khả năng tưởng tượng khi khán giả hòa mình vào những kĩ thuật sân khấu giàu ẩn dụ, ước lệ tượng trưng của noh.

Không chỉ về mặt kĩ thuật, tư tưởng được truyền tải trong các vở kịch noh cũng thể hiện rõ dấu vết ảnh hưởng của tôn giáo đương thời. Các vở kịch sẽ phỏng theo, vay mượn tình tiết từ những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết, văn học và cả sự kiện đương đại, qua đó phản ánh nhiều quan điểm, tư tưởng Phật giáo, một nguyên nhân để kịch noh được lựa chọn biểu diễn ở các lễ hội tôn giáo như một hình thức phổ biến giáo điều và giải trí trong thời kì đầu xuất hiện. Nếu Phật giáo mang đến nhiều ảnh hưởng về giá trị nội dung thì Thần đạo lại khẳng định dấu ấn riêng trên chính cách tạo tác kiến trúc sân khấu biểu diễn.

Đến nay, sân khấu biểu diễn kịch noh vẫn giữ nguyên dáng vẻ truyền thống khi được làm toàn bộ từ gỗ cây bách Nhật, phần mái che được chạm khắc công phu, phủ vỏ cây bách mô phỏng phần mái đền thờ Thần đạo. Việc tạo tác sân khấu mang dáng dấp điện thờ Thần giáo vừa minh chứng cho nguồn gốc ra đời của noh, vừa phù hợp với cảm thức linh thiêng, trang trọng mà loại hình này đem lại. Sân khấu chính (butai) nối liền với phòng gương (kami no ma) bằng cầu nối (hashigakari) theo một góc xiên, đây là lối ra sân khấu của các diễn viên. Phòng gương, nơi các diễn viên trang điểm, chuẩn bị trước khi diễn, lại ngăn cách với cầu nối bằng một tấm màn, sự ngăn cách ấy tượng trưng cho hai thế giới riêng biệt và cây cầu được xem như một trung gian kết nối giữa hai thế giới.

Về diễn viên, trước kia chỉ có nam giới được đào tạo và biểu diễn kịch noh, nhưng ngày nay nhờ sự thay đổi quan điểm xã hội, thời đại mà các nữ diễn viên đã có thể tham gia biểu diễn. Các vai diễn được phân chia thành diễn viên chính (shite), bạn cùng diễn (tsure), diễn viên phụ (waki), diễn viên thiếu nhi (kokata), ngoài ra còn có trợ lí sân khấu và ban nhạc. Trang phục biểu diễn (shozoku) được thiết kế tỉ mỉ, tinh xảo, toát lên vẻ sang trọng, cổ điển, thanh lịch và mức độ cầu kì của phục sức giảm dần từ diễn viên chính cho đến bạn cùng diễn, diễn viên phụ... Diễn viên chính cần mang trên mình ít nhất năm lớp trang phục và không được để lộ lớp bên trong, tạo thành hình ảnh to lớn, nổi bật trên sân khấu. Các mẫu trang phục hiện nay vốn có từ thế kỉ XVIII, XIX và đã được hệ thống hóa về mẫu mã, màu sắc, chất liệu cho riêng mỗi nhân vật. Ngoài trang phục, các diễn viên còn có thể sử dụng khăn đội, nón, tóc giả.

Trong kĩ thuật trình diễn kịch noh, từng nhóm động tác, bao gồm cả cách bước không nhấc gót chân khỏi sàn, được gọi là lớp (kata). Cùng với các nhóm động tác này, diễn viên chính và diễn viên phụ sử dụng đạo cụ cầm tay nhằm tăng tính ước lệ, tượng trưng chẳng hạn sử dụng chiếc quạt khép kín, mở, hay mở một phần nhằm gợi đến hình ảnh con dao, trăng mọc, đèn lồng... hoặc có khi biểu đạt cho hành động như nghe, ngắm trăng... Một đạo cụ khác đặc biệt quan trọng, được biết đến như một biểu tượng đại diện cho loại hình nghệ thuật này đó là mặt nạ noh, chúng thường được chạm khắc từ gỗ bách và sơn bột màu tự nhiên. Trong vở kịch, chỉ có diễn viên chính và bạn cùng diễn được mang mặt nạ để thể hiện kiểu nhân vật mình đảm nhận, đó có thể là người đàn ông, đàn bà ở nhiều lứa tuổi, thần thánh hay ma quỷ... Đặc biệt, diễn viên chính có thể thay đổi mặt nạ trong lúc diễn để tiết lộ nhân vật mới.

Theo nhiều tài liệu, sân khấu noh chuyên nghiệp đầu tiên hình thành vào giữa thế kỉ XIV tại Kyoto và Nara. Cho đến nay, kịch noh có tất cả năm trường phái bao gồm kanze, konparu, hosho, kongo và kita. Các vở kịch trình diễn được chia làm năm nhóm tác phẩm tương ứng với năm hồi trong buổi biểu diễn noh. Xuyên suốt giai đoạn phát triển song hành cùng biến động lịch sử nước Nhật, loại hình nghệ thuật này đã nhận được sự bảo trợ của nhiều giai tầng khác nhau, từ đền thờ Thần đạo, chùa Phật giáo đến chính quyền, giới quý tộc và ngày nay là công chúng - dù số lượng không nhiều và tập trung chủ yếu trong các nhóm nghiên cứu noh nhưng nhờ vậy mà bộ môn kịch nghệ này vẫn có những nghệ nhân theo đuổi luyện tập và trình diễn bền bỉ.

Kịch kabuki - loại hình sân khấu phổ biến, khơi nguồn từ đại chúng

Kabuki cùng với noh và bunraku được đánh giá là ba loại hình sân khấu cổ điển quan trọng của Nhật Bản, nhưng sự ra đời của nó lại có điểm gắn với yếu tố “mới lạ”. Kịch kabuki được cho là có nguồn gốc hình thành từ các vở ca vũ, hài kịch ngắn biểu diễn trên sông Kamogawa (Kyoto) vào năm 1603 bởi một nhóm phụ nữ do người hầu nữ Okuni trong đền Izumo lãnh đạo. Kabuki là cụm từ xuất phát từ cách gọi “bọn kabuki” hình thành trước đó dùng để ám chỉ những người trẻ tuổi xuất hiện trên đường phố trong bộ trang phục kì dị, làm những hành vi kì quặc hoặc quá mới lạ khiến người lớn tuổi khó lòng tiếp nhận.

Phù hợp với nguồn gốc tên gọi đó, khán giả khi thưởng thức loại hình nghệ thuật này sẽ dễ ấn tượng với cách thức thể hiện, phục sức kì lạ và có phần cường điệu so với bình thường của các diễn viên. Điều này liên quan đến quy định hình thức diễn xuất của kabuki. Tương tự noh và các loại hình biểu diễn ca vũ kịch truyền thống khác, kabuki chú trọng đến những động tác, biểu cảm, cử chỉ và âm điệu phải gây được ấn tượng tức thời đối với khán giả. Vì vậy, các diễn viên kabuki đã thể hiện dấu ấn nổi bật qua những động tác, điệu bộ, biểu cảm được cách điệu hóa, phóng đại đặc trưng, trong đó có các kiểu loại như: chiến đấu cách điệu (tate), xuất phát kịch tính cùng điệu bộ phóng đại (roppo), thái độ nổi bật (mie), cảnh im lặng (danmari)...

Kể từ thời kì Genroku (1688 - 1704), sân khấu kabuki chuyên nghiệp đã hình thành và dần đi vào ổn định, phát triển thành ba loại hình kabuki khác nhau gồm: kịch lịch sử (jidaimono), kịch gia đình (sewamono), và tiết mục múa (shosagoto). Trong khi kịch lịch sử gắn với những sự kiện lịch sử, hình tượng người anh hùng võ sĩ đạo, thì kịch gia đình lại tập trung mô tả cuộc sống thị dân, nông dân, mang tính hiện thực cao hơn. Tiết mục múa như tên gọi sẽ bao gồm các màn diễn múa, kịch câm. Về mặt nội dung, các vở kịch kabuki thường thể hiện quan điểm đạo đức thịnh hành trong xã hội Mạc phủ. Điều này ảnh hưởng đến các tình tiết, chẳng hạn quan niệm nhân quả của Phật giáo sẽ tác động đến kết cục nhân vật; vấn đề đạo đức truyền thống Nho giáo lại dẫn đến mâu thuẫn giữa bổn phận, trách nhiệm với khát vọng, đam mê cá nhân của các nhân vật, thêm phần kịch tính cho vở diễn. Lời thoại trong kabuki thường có âm tiết tương tự thơ Nhật cổ điển. Trong kịch lịch sử, lời thoại dùng ngôn từ trang trọng, lối nói cách điệu hơn có khi được ngân dài. Ở kịch gia đình vì hướng đến phản ánh đời sống hiện thực của thị dân, nông dân đương thời nên ngôn ngữ có phần thông tục, thực tế hơn.

Các diễn viên của kabuki đều là nam giới, xuất phát từ lệnh cấm của chính quyền Mạc phủ nhằm loại bỏ một số yếu tố không lành mạnh trong thời kì đầu loại hình này phát triển. Điều này dẫn đến việc các nhân vật nữ (onnagata) cũng do các diễn viên nam thủ vai. Họ phải học theo những động tác, cử chỉ, giọng điệu của phái nữ để tái hiện sinh động, chuẩn xác hình ảnh nhân vật nữ khác nhau trên sân khấu. Chịu ảnh hưởng của tinh thần võ sĩ đạo khi đó, kiểu nhân vật nam trung tâm (tachiyaku) trong các vở kịch lịch sử đại diện cho hình tượng người anh hùng, samurai lí tưởng luôn coi trọng nghĩa vụ, khắc kỉ, đạo đức tốt, cao thượng và thường giành chiến thắng trong các cuộc chiến. Ngoài các diễn viên, sân khấu kịch kabuki còn xuất hiện những trợ lí sân khấu (koken) luôn mặc đồ màu đen đóng vai trò hỗ trợ diễn viên, phối hợp giúp họ thay đồ trên sân khấu.

Các diễn viên thường khoác trên mình những bộ kimono khá cồng kềnh cùng tóc giả, lớp trang điểm công phu tương ứng với kiểu nhân vật họ thể hiện và thể loại, bối cảnh thời đại của vở kịch. Chẳng hạn, nhân vật quý tộc trong kịch lịch sử sẽ ăn mặc thanh lịch, cách điệu hơn so với trang phục trong kịch gia đình hướng đến hiện thực và tái hiện thời trang thịnh hành thời Edo. Các diễn viên thường bôi một lớp sơn trắng và vẽ màu trên mặt như một lớp mặt nạ làm tăng thêm vẻ nổi bật, thể hiện tính chất từng kiểu nhân vật. Kabuki sử dụng sân khấu có màn kéo, phông nền dùng trong các cảnh ngắn trước hồi kịch chính. Lối đi (hanamichi) dẫn thẳng từ sân khấu chính đến cuối nhà hát vừa là nơi các diễn viên ra vào sân khấu, vừa là nơi biểu diễn một số cảnh quan trọng. Bệ xoay tròn (mawaributai) trên sân khấu giúp các diễn viên có thể thực hiện cảnh sau cùng lúc với cảnh đang diễn, tăng thêm phần kịch tính.

Ra đời từ đầu thế kỉ XVII, kabuki chính thức có sân khấu chuyên nghiệp và phát triển mạnh mẽ, thịnh hành nhất vào thời kì Genroku ở Osaka và Edo (Tokyo ngày nay). Qua bốn thế kỉ phát triển, dù có thời điểm sức hút của kabuki giảm sút do sự lên ngôi của kịch rối joruri (bunraku), nhưng sau đó các nghệ nhân kabuki đã tiếp thu một số ảnh hưởng từ loại hình này, viết ra các vở kịch dựa trên việc phóng tác một số vở kịch rối và tiếp tục lưu truyền đến nay.

Một tiết mục rakugo. Ảnh: TL

Độc tấu hài rakugo - loại hình sân khấu giải trí giản dị, độc đáo

Khác với hai loại hình trước đó có sân khấu và trang phục cầu kì, rakugo lại là loại hình nghệ thuật nổi bật của sự giản dị nhưng vô cùng thú vị, độc đáo. Độc tấu hài rakugo được ghi nhận ra đời vào thời kì Genroku, khởi đầu từ Kyoto. Chất liệu chính của loại hình nghệ thuật này là ngôn từ, hình thức trình diễn là kể chuyện vậy nên cấu trúc một vở diễn cũng có điểm gần gũi với tự sự văn học. Một vở diễn rakugo là một câu chuyện trọn vẹn gồm ba phần chính là phần dẫn (makura), nội dung chính (hondai), phần kết (ochi). Phần dẫn đóng vai trò giới thiệu chủ đề chính của vở diễn, nội dung chính là phần nội dung chuyện kể, phần kết kết thúc vở diễn thường có lời thoại chơi chữ ở cuối mang lại tiếng cười cho khán giả.

Nếu như nohkabuki có nhiều diễn viên cùng trình diễn trong một vở kịch thì rakugo chỉ có một diễn viên duy nhất trên sâu khấu, đúng với cách gọi “độc tấu hài” hay “độc thoại hài” của nó. Trong mỗi vở diễn, diễn viên chuyên nghiệp (hanashika) vừa đảm nhận vai trò người kể chuyện vừa diễn nhiều nhân vật khác nhau xuất hiện trong câu chuyện được kể. Bởi đặc thù độc diễn, sự tương tác giữa diễn viên và khán giả là rất quan trọng, đòi hỏi các nghệ nhân rakugo phải làm sao để kể được một câu chuyện thu hút và tạo ra tiếng cười vui vẻ nhưng không kém phần sâu sắc. Trong trường hợp khán giả đã nghe câu chuyện nhiều lần (vì số lượng cốt truyện rakugo không nhiều), yêu cầu đối với người kể chuyện càng tăng lên khi phải tạo được một phiên bản kể độc đáo của riêng mình thông qua việc xử lí, sắp xếp tình tiết, thêm vào những mô tả gợi hình, gợi thanh khi thể hiện tính cách nhân vật - đây cũng là một yếu tố thu hút, gây cười. Điều này đòi hỏi các diễn viên chuyên nghiệp phải có khả năng chơi chữ và nhanh nhạy, nắm bắt tốt tâm lí khán giả để biết được điểm nào có thể tạo ra tiếng cười nhẹ nhàng, giải trí.

Đạo cụ và phục trang biểu diễn cũng là một điểm cho thấy sự giản dị của loại hình nghệ thuật này. Các nghệ nhân rakugo trong buổi trình diễn chỉ mặc kimono thông thường, nhã nhặn. Nhạc cụ được sử dụng khi diễn viên ra vào sân khấu, chỉ có một loại trống đệm ngắn, sáo trúc và đàn shamisen. Khi kể chuyện, người kể sẽ ngồi trên một chiếc đệm trước mắt khán giả, đạo cụ được dùng phối diễn chỉ gồm quạt và khăn tay. Chiếc quạt có thể dùng để gợi đến hình ảnh chiếc bút, đôi đũa, tẩu thuốc, cần câu... Khăn tay cũng được biến tấu đa dạng không kém khi được thể hiện như một cuốn sách, tập sổ, bức thư... Tuy số lượng đạo cụ ít ỏi nhưng điều này giúp khẳng định được tài năng sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân rakugo khi sử dụng chúng để minh họa cho chuyện kể.

Trước khi được trình diễn cố định ở các sân khấu tạp kĩ kiểu Nhật (yose), các vở rakugo từng diễn ra ở ven đường, trong các buổi tiệc tại nhà riêng hoặc ở những sân khấu tạm dựng lên trong các nhà hàng. Điều này có thể liên quan đến việc rakugo có tính chất giải trí cao, ít đạo cụ và chỉ có diễn viên độc tấu, sân khấu không có cảnh nền, giúp nó dễ dàng thích nghi với nhiều địa điểm, hoàn cảnh biểu diễn hơn so với các loại hình nghệ thuật khác. Dù thời điểm điện ảnh xuất hiện khiến lượng khán giả rakugo giảm sút nhưng nhờ đặc trưng dễ thích nghi đó nên hiện nay nó có thể kết hợp với các phương tiện giải trí hiện đại như truyền hình, phát thanh để quảng bá rộng rãi, tiếp cận được nhiều đối tượng khán thính giả. Ngay trên mạng internet chúng ta cũng có thể tìm thấy nhiều video ghi hình các buổi biểu diễn rakugo được đăng tải, thậm chí có cả bản phụ đề tiếng Anh. Chính các nghệ nhân rakugo cũng nỗ lực giới thiệu đến bạn bè quốc tế khi thực hiện những buổi kể chuyện bằng tiếng Anh và đã có những người nước ngoài yêu thích, học tập và trình diễn loại hình nghệ thuật này. Hiện nay tại Nhật Bản vẫn tồn tại một số sân khấu tạp kĩ truyền thống và có các rạp rakugo lớn hơn để các diễn viên biểu diễn phục vụ những khán giả yêu thích bộ môn này. Các trường đại học của Nhật Bản cũng thể hiện sự quan tâm, đóng vai trò bảo trợ cho những câu lạc bộ rakugo trong trường để các thành viên có thể tìm hiểu và biểu diễn, vừa như một hoạt động giải trí, vừa giữ gìn đặc sắc nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Ngoài ba loại hình kể trên, bức tranh diện mạo nghệ thuật sân khấu truyền thống Nhật Bản còn nhiều nhân tố đặc sắc khác đã và đang tiếp tục được biểu diễn cho đến nay. Để bảo tồn và giới thiệu rộng rãi tới nhiều thế hệ người Nhật và bạn bè quốc tế, các loại hình nghệ thuật sân khấu Nhật Bản không chỉ được biểu diễn đều đặn mà còn được giới thiệu kết hợp với hoạt động du lịch, các chương trình truyền hình, phim ảnh, phát thanh, truyện tranh và hoạt hình... Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại ấy cho thấy tinh thần hội nhập với thời đại và khơi gợi được niềm thích thú, mong muốn khám phá nơi khán thính giả, độc giả. Mô hình này rất phù hợp để duy trì, bảo tồn các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống và cũng là mô hình mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, có thể tham khảo để gìn giữ, phát huy vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống riêng của dân tộc mình.

C.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)