. HOÀNG MINH ĐỨC
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đất nước ta khác khá nhiều so với một số nước láng giềng. Đầu thế kỉ XX, cuộc đấu tranh giai cấp đã kéo lịch sử Việt Nam đi vào quỹ đạo đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới thời kì cận hiện đại. Các tầng lớp vô sản Việt Nam vừa bị nô dịch giai cấp vừa bị nô dịch dân tộc. Chủ nghĩa thực dân đã thúc đẩy nhanh sự đối kháng giai cấp ngàn đời sẵn có. Một tầng lớp đại địa chủ xuất hiện trong lòng chế độ thực dân từ những quan lại biến chất hoặc tay chân của thực dân Pháp. Hàng trăm thứ thuế vô lí, nghiệt ngã giáng lên đầu người nông dân Việt Nam. Chính trong hoàn cảnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời, lãnh đạo toàn dân đi theo một con đường cách mạng triệt để và duy nhất để xây dựng nên một xã hội văn minh hiện đại.
Trong cuộc đấu tranh gian khổ nhưng rất đỗi tự hào, có một người con Quảng Bình, miền gió Lào cát trắng, đã trọn đời đi theo Đảng, con đường mà Bác Hồ đã chọn. Cuộc đời ông gắn liền với con đường Trường Sơn, con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, gắn liền với đường đi của cả dân tộc Việt Nam. Đó là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên.
Gần 80 năm, khi nhìn lại cuộc đời mình, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã cho ra mắt cuốn hồi kí Trọn một con đường(1). Đây là cuốn sách thứ ba tiếp theo hai cuốn Đường xuyên Trường Sơn và Với cả cuộc đời của ông. Bộ ba cuốn sách của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã được Nhà xuất bản Thế giới dịch in bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha.
Cuốn hồi kí Trọn một con đường dày gần 700 trang với 18 chương, kể lại hành trình cuộc đời của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên từ những năm tháng tuổi thơ, những ngày đầu đi theo cách mạng cho đến khi ông đến với những cánh rừng và con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mở đầu, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên viết: “Cám ơn Đảng quang vinh, Bác Hồ muôn vàn kính yêu, Nhân dân vĩ đại, Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Xin dành những dòng hồi kí này tặng đồng chí, đồng đội, đồng bào… đã góp sức làm nên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, con đường Độc lập - Tự do - Thống nhất và tương lai giàu đẹp của Tổ quốc Việt Nam.”
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên sinh ngày 1 tháng 3 năm 1923 (Quý Hợi) tại thôn Trung, xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay thuộc thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Quảng Trung là một dải đất hẹp nằm ven bờ sông Gianh, một dòng sông đầy máu và nước mắt trong suốt hơn 250 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh. Nơi đây truyền thống đấu tranh bất khuất từ thời Hùng Vương đến phong trào Cần Vương đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng trong lòng cậu bé mới hơn 10 tuổi. Hai ông nội, ngoại của Nguyễn Hữu Vũ (tức Nguyễn Văn Đồng và sau này là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên) là những sĩ phu yêu nước. Cũng như con cái của những gia đình dòng dõi thời bấy giờ, ông đi học chữ Hán để theo “cửa Khổng sân Trình” nhưng sau chuyển sang học chữ quốc ngữ. Gặp đồng chí Nguyễn Văn Huyên (tức đồng chí Tế), một đảng viên cộng sản bị tù đày trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), ông được tiếp thu ánh sáng của Đảng, Cách mạng, Bác Hồ.
Năm 1938, khi mới 15 tuổi, Nguyễn Hữu Vũ (lấy bí danh là Nguyễn Văn Đồng) đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 17 tuổi đã là Bí thư Chi bộ thôn Trung (mật danh là Chi bộ Bình). Tôi cũng xin nói thêm một chút về chi tiết này. Ngày 26/2/2010, Đảng ủy Văn phòng Chính phủ đã tổ chức trọng thể lễ trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng đợt 3/2 cho Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ngày hôm sau, tôi gọi điện cho ông: “Thưa bác, hôm qua cháu thấy trên tivi, Thủ tướng có trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng cho bác. Có phải bác bị trao trễ mất 2 năm không ạ?” Ông cười: “Do bên tổ chức cán bộ ghi sai cháu ạ. Thực chất năm nay bác đã 72 tuổi Đảng.” Thời gian sau, tôi có gặp ông Nguyễn Hữu Thanh, người anh trai của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ông Thanh nói: “Cả hai anh em bác đều tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936. Các bác đã từng đi vận động nhân dân trong vùng bầu cử cho ông Nguyễn Xuân Các, ông Nguyễn Tuynh, hai đại biểu của Quảng Bình vào Viện Dân biểu Trung Kì và đã được kết nạp vào Đảng năm 1938.”
Đọc hồi kí Trọn một con đường, ta thấy đến năm 1942, cả tỉnh Quảng Bình mới có 9 chi bộ, riêng phủ Quảng Trạch đã có 4 chi bộ. Tháng 5/1942, Phủ ủy Quảng Trạch được thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Huyên làm Bí thư và đồng chí Nguyễn Văn Đồng làm Phó Bí thư. Cả tỉnh Quảng Bình đã có một tờ báo chung, phát hành mỗi tháng một số. Tòa soạn đặt tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Đồng, lấy tên là Hồng Lạc. Từ năm 1942, Phủ ủy nhận được một số tài liệu Việt Minh và lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Như buồm được gió, các cơ sở Đảng, cơ sở Việt Minh phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh.
Nhật hất cẳng Pháp, đánh chiếm Đông Dương, tình hình chuyển biến mau lẹ. Hội nghị chuẩn bị thành lập Đảng bộ tỉnh và Mặt trận Việt Minh ngày 2/7/1945 được tổ chức tại An Xá, Lệ Thủy, có 13 đại biểu các phủ, huyện, thị về dự. Đồng chí Nguyễn Văn Đồng được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh, chuẩn bị kế hoạch tổng khởi nghĩa. Ngày 23/8/1945, Phủ Quảng Trạch cướp chính quyền, cùng các huyện, thị trong tỉnh. Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại vườn hoa Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 5/9, đồng chí Nguyễn Văn Đồng cùng Ủy ban khởi nghĩa về Quảng Trạch tổ chức mít tinh tại sân bóng gần phủ đường. Gần ba vạn đồng bào hô vang như sấm dậy: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Nước Việt Nam độc lập tự do muôn năm!”
Một tuần sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 14/SL quyết định tổ chức tổng tuyển cử. Ở Quảng Bình, nhân dân vận động bầu cử đọc thuộc lòng hai câu: Thuần Nho, Võ Quyết, Văn Đồng/ Trần Hường, Hoàng Diệm chớ quên người nào. Sự lựa chọn của nhân dân thật là sáng suốt. Trong 9 năm kháng chiến, những đại biểu mà được nhân dân bầu chọn đã đóng góp một phần không nhỏ. Võ Thuần Nho là một chính trị gia, một nhà cách mạng của Việt Nam, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng chục năm trời. Hoàng Văn Diệm từng là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Liên khu 4.
Hồi kí Trọn một con đường là một tác phẩm văn học có giá trị, thật sự cộng hưởng với cuộc sống. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã cho người đọc xem lại những thước phim quay chậm của lịch sử, để thấy bóng dáng của bản thân, người thân, quê hương mình trong đó. Các sự kiện được tái hiện qua lời người kể chuyện, những câu chuyện người thật việc thật. Sau khi ông trở lại huyện nhà với cương vị Bí thư Huyện ủy, kiêm Huyện đội trưởng, cả huyện chỉ được 15 khẩu súng Mousqueton và vài chục quả lựu đạn. Tháng 4/1947, giặc Pháp đánh Quảng Trạch và ngày 15/6 đánh chiếm làng Minh Lệ, quê tôi. Lúc đó du kích trong làng chỉ có một vài khẩu súng trường, lựu đạn với mác Lào, mã tấu. Trong chương 5 Trưởng thành trong chiến tranh du kích, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên viết khá chi tiết về trận đánh này: “Ngày 15 tháng 6, Pháp cho một đại đội, trang bị đủ đại liên, súng cối, chia thành hai mũi tiến đánh Minh Lệ; một trung đội ngược sông Gianh, vừa càn quét, đốt phá làng Minh Lệ, vừa có nhiệm vụ đón cánh quân ở Cao Mại về... Du kích các xã ven sông Gianh và sông Rào Nan đã chủ động chặn đánh, nhưng vì không có súng nên ca nô địch cứ đàng hoàng tiến theo kế hoạch của chúng. Sau đó, anh em du kích các xã gặp tôi có nói: Ca nô của địch chạy ngon ăn quá mà đành bấm bụng chịu, để chúng đi. Lúc đó đại đội đi cùng tôi lại bố trí phục kích ở hướng Hòa Ninh lên, nên không gặp địch. Ở Minh Lệ một trung đội du kích bám địa bàn chiến đấu chống càn, nhưng do thiếu kiến thức quân sự, bố trí trận địa phục kích dưới chân đồi, địch phát hiện được, chúng lại có đại liên đặt trên cao khống chế, nên du kích bị thương vong khá nặng, rất đáng tiếc.” Ngày nay, xã Quảng Minh có một nghĩa trang liệt sĩ nằm trên đồi Ông Tri, mang tính tượng trưng vì không quy tập được hài cốt liệt sĩ. Và một điều đặc biệt nữa là ngày trước giặc Pháp tuy chiếm đóng được hầu hết các xã trong huyện nhưng riêng xã Quảng Trung quê Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên vẫn nằm trong vùng tự do, là khu du kích.
Sau Tết Canh Dần (1950), đồng chí Đồng Sĩ Nguyên cùng đồng chí Nguyễn Hòa, người làng Hòa Ninh (sau là Trung tướng Nguyễn Hòa) ra chiến khu Việt Bắc để học “khóa chuẩn bị tổng phản công”. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm Hiệu trưởng và Thiếu tướng Trần Tử Bình làm Chính ủy giới thiệu đồng chí Đồng Sĩ Nguyên ứng cử Bí thư Chi bộ. Chi ủy có 7 người và ông được bầu làm Bí thư. Khóa học một năm, thời gian rút ngắn, những học viên được điều động tức tốc ra chiến trường. Ông được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh giao cho nhiệm vụ phụ trách công tác cán bộ của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ đó bước sang một giai đoạn mới, phòng ngự chuyển sang cầm cự và bấy giờ là tổng phản công.
Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát. Trong đoàn quân chiến thắng về lại thủ đô, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gặp một tốp tù binh, dù không hỏi nhưng viên Trung úy người Pháp thú nhận: “Nay thì tôi hiểu chúng tôi thất bại là tất yếu. Vì chúng tôi chiến đấu không có mục đích lí tưởng và không có sức mạnh dân tộc như các ông.”
Năm 1961, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên được cử đi học ở Học viện Quân sự cao cấp ở Trung Quốc. Về nước, ông tiếp tục làm Cục trưởng Cục Động viên dân quân. Giặc Mĩ điên cuồng mang bom ra miền Bắc. Bước ngoặt lịch sử chiến tranh cũng tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Ông làm Chính ủy Quân khu 4, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận Trung - Hạ Lào. Ông làm Tư lệnh Chiến trường Trường Sơn, người tìm lời giải cho việc tổ chức vận tải quy mô lớn. Câu nói nổi tiếng của ông “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” đã trở thành mệnh lệnh của bộ đội Trường Sơn. Trong chương viết về “Trường Sơn với Tết Mậu Thân, những ngày vượt lũ, thế cờ đảo ngược”, ông cho biết, tháng 1/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị, chỉ rõ: “Cuộc kháng chiến của ta lúc này cần phải và có thể tạo một chuyển biến lớn giữa lúc đế quốc Mĩ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mĩ đang dao động… Muốn vậy, không thể tiến từng bước tuần tự như những năm trước đây, không đánh kiểu cũ như đông xuân trước. Phải tạo một bước nhảy vọt bằng chọn hướng chiến lược hiểm và cách đánh mới, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mĩ.”
Tết Mậu Thân, lời thơ chúc Tết của Bác Hồ làm hiệu lệnh cho toàn miền Nam nổi dậy tiến công vào sào huyệt Mĩ - ngụy. Hàng vạn khối óc, con tim của những người lính Trường Sơn hướng về chiến trường, hết mình vì chiến trường. Hồi kí của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên có đoạn: “Lời chúc Tết của Bác Hồ là tiếng kèn xung trận vang vọng tới các chiến trường, tới từng cánh rừng, nẻo đường mang tên Bác… Gần một tháng, núi rừng Trường Sơn thưa vắng tiếng gầm thét của máy bay Mĩ, vì đã bị hút bởi các cuộc tiến công của quân giải phóng vào sân nhà của chúng. Chớp thời cơ, chúng tôi đã tung hết đầu xe có thể sử dụng, tổ chức chạy cả ban ngày, rút ngắn cung độ, đi về gọn, bảo đảm kịp thời binh lực và vật chất cho chiến trường.”
Có thể nói, trong cuộc đấu tranh sinh tử, kẻ thù mạnh hơn ta rất nhiều lần về khoa học kĩ thuật quân sự, vũ khí chiến tranh hiện đại, nhưng chúng yếu hơn ta nhiều lần về sức mạnh văn hóa, nghệ thuật quân sự, bốn ngàn năm lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh. Với nghệ thuật nghi binh tài tình, tướng Đồng Sĩ Nguyên đã nhiều lần đánh lừa được không quân địch. Ông cho làm những trận địa giả, hút máy bay địch về đó để bộ đội cao xạ tiêu diệt. Ông lấy những đầu máy của những chiếc xe ô tô bị hỏng cho nổ máy ở các “mỏ đá” lộ thiên, dụ máy bay B52 đến thả bom để ta “đá hóa mặt đường”.
Sau 20 năm can thiệp và trực tiếp tham chiến, năm 1973, khi đã “thanh bại danh liệt”, giặc Mĩ phải ôm đầu máu, cuốn cờ về nước. Thế và lực đã thay đổi hẳn, năm 1974, ta hoàn toàn làm chủ được bầu trời, hai sư đoàn vận tải 471 và 571 chạy giữa ban ngày, vận chuyển binh lực, vũ khí vào miền Nam. Hai trục Đông - Tây Trường Sơn xe pháo vẫn nối đuôi nhau đi không sợ tắc đường. Cùng với cả nước, bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh dốc hết lực lượng và quyết tâm cho chiến dịch mang tên Bác.
Trong 16 năm, toàn tuyến đã chuyển được hơn 1 triệu tấn vật chất, vũ khí vào chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào ra; vận chuyển cơ động hơn 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn vào chiến trường để làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Sau này, khi làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đề nghị với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giảm bớt quân số, chuyển một bộ phận sang làm kinh tế. Nhiệm vụ chính của bộ đội Trường Sơn vẫn là nông nghiệp, xây dựng cơ bản. Khi đã là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông đề nghị với Chính phủ xây dựng chương trình phát triển kinh tế ở miền núi, cải thiện đời sống của đồng bào sống trên dải Trường Sơn. Một lần tôi gửi bài Nghệ thuật quân sự của Tư lệnh chiến trường Trường Sơn ra Hà Nội cho ông. Đọc xong bản thảo, ông liền gọi điện về cho tôi: “Cháu phải viết thêm về bà con dân tộc thiểu số sống trên dãy Trường Sơn. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đặc biệt là trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, sự hi sinh của bà con dân tộc mình to lớn lắm.” Ông cũng nhắc nhở thế hệ con cháu phải giữ lấy Trường Sơn, đó là địa huyệt chiến lược quân sự quan trọng, là sống lưng của cuộc chiến tranh giữ nước.
Với sự thể hiện của Đại tá Nguyễn Duy Tường, nay là Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến binh Việt Nam, cuốn hồi kí Trọn một con đường đã tái hiện một chặng đường đấu tranh oanh liệt của dân tộc Việt Nam và là một lát cắt của lịch sử chiến tranh cách mạng. Cuốn sách đã tạo dựng lại một không gian sinh động, không khí của một thời đại mà cả dân tộc Việt Nam các thế hệ nối tiếp nhau lên đường ra trận. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã truyền hơi ấm, hơi thở của cuộc sống, những tình cảm yêu thương chan chứa tình đời, tình yêu gia đình, đồng đội, đồng bào, đồng chí, những người đồng cam cộng khổ với ông trong suốt cả cuộc đời. Là một người học trò xuất sắc của Bác Hồ, ông cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm rạng danh quê hương Quảng Bình “hai giỏi”. Gia đình, anh em, con cháu ông, ai cũng đóng góp cho cuộc chiến tranh vệ quốc và dựng xây đất nước; nhiều người được trưởng thành trong quân đội và có những người là sĩ quan cấp tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên như sau: “Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một học trò ưu tú của Bác Hồ. Toàn bộ cuộc đời của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và của Quân đội.
Đồng chí đã có công lao to lớn trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt đồng chí có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh”.
H.M.Đ
--------
1. Trọn một con đường, hồi kí của Đồng Sĩ Nguyên (Duy Tường chấp bút), Nxb Quân đội nhân dân, 2012.
VNQD