Phim “Hà Nội 12 ngày đêm”: bi tráng vừa tầm

Thứ Sáu, 07/04/2023 00:20

. MAI ANH TUẤN
 

Trong hồi ức của mình, nhà quay phim nổi tiếng và nhiều thành tựu Nguyễn Hữu Tuấn đã kể lại cảm giác bàng hoàng của mình khi chứng kiến khung cảnh khu phố Khâm Thiên đổ nát sau trận bom B52 Mĩ ném xuống vào đêm 26/12/1972: “Sao nhiều quan tài đến thế. Xếp chồng lên nhau thành mấy hàng.” Dù chụp để làm tư liệu, Nguyễn Hữu Tuấn vẫn không thể nào vượt qua áy náy trong lòng, nhất là khi thấy những chiếc quan tài “nằm chồng chất lên nhau, hòm một nơi, nắp một nẻo, vương vãi”. Ông giơ máy định chụp rồi lại hạ xuống. Về nhà, ông lọc nước tráng phim. Song, vào thời điểm chiến tranh ác liệt cần đến sự động viên tinh thần chiến đấu, không cho phép những hình ảnh nói lên mất mát và tổn thất, Nguyễn Hữu Tuấn đành phá hủy hai cuộn phim, “nhả phim từ từ, thái thành từng sợi nhỏ, như sợi miến để làm nộm” (Những thước phim trong suốt, Nxb Trẻ, tr.49-54).

Những mất mát, đau thương của phố Khâm Thiên, tuy thế, đã được tái dựng khá chi tiết và xác thực trong một trường đoạn dài ở phim Hà Nội 12 ngày đêm (2002, Bùi Đình Hạc). Ở trường đoạn gần kết phim này, đạo diễn đã không ngần ngại đặc tả những bức tường, ngôi nhà đổ nát, tan hoang, những chiếc quan tài nằm liền kề nhau trên đống gạch đá chưa kịp dọn. Tiếng khóc thảm thiết, khói hương. Nhiều cái chết tức tưởi và đau đớn, trong khi, cùng lúc, bộ đội, dân phòng cố sức đào bới tìm kiếm những người bị vùi lấp. Một trường đoạn dài (longtake), dựa trên dàn cảnh công phu và sự đa dạng trong góc máy, từ toàn đến trung, cận cảnh, rất phù hợp để diễn tả tình trạng bi thương xảy ra với nhiều gia đình, cá nhân khác nhau. 30 năm sau bi kịch của phố Khâm Thiên, những khán giả Thủ đô lúc đó, vào năm 2002, có lẽ sẽ bật khóc vì thước phim chân thực như thế. Bùi Đình Hạc không tìm cách giảm nhẹ tổn thất, ngược lại, ông giúp khán giả nhận thấy, cuộc thảm sát B52 do Mĩ tiến hành trong 12 ngày đêm tại Hà Nội (từ 18 đến 30 tháng 12 năm 1972), rõ ràng, rất cần được soi chiếu và cảm nhận tường tận những nỗi đau riêng. Bởi đạn bom dội xuống trong khoảng thời gian khốc liệt ấy đã khiến Hà Nội tang thương theo những cách không thể hình dung mường tượng hết.

Trong trường đoạn nói trên, cái chết của nhà báo Ngân Hà, một trong nhiều nhân vật chính của phim, là bi thảm nhất. Ngân Hà bị kẹt trong hầm tránh bom, rồi chết ngạt do nước từ đường ống vỡ tràn vào. Cô kêu cứu nhưng chính những người trên mặt đất cũng đang lâm vào thương vong. Khi dân quân kéo xác Ngân Hà lên, cơ thể cô nguyên vẹn, không bị mảnh bom nào, nhưng sũng nước và tím tái. Cái chết của cô gái trẻ mà vài giây trước đó vừa mới biên thư cho người yêu ở chiến trường miền Nam đã nói lên tính chất khủng khiếp của bom đạn dưới bầu trời. Người bạn thân của Ngân Hà, bác sĩ Thủy Tiên, thì chết khi bom dội vào bệnh viện Bạch Mai. Cùng lúc, Đặng Nhân, Tiểu đoàn trưởng tên lửa, người cũng trẻ trung như Ngân Hà, Thủy Tiên, đã hi sinh ngay tại trận địa vào đêm Giáng sinh. Còn trước đó mấy ngày, phi công Trần Đại, bạn của tất cả họ, quyết định cảm tử bằng cách lao thẳng chiếc tiêm kích MiG-21 xé toang B52. Những người trẻ, dù công việc và tính cách khác nhau, đều tham gia vào trận “Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội với ý chí, quyết tâm cao độ. Họ gác lại nhiều việc riêng, kể cả đêm tân hôn như trường hợp Đặng Nhân hay tang lễ người cha như anh lính trẻ tên Đức. Họ khao khát tình yêu, đám cưới nhưng vẫn sẵn lòng xung phong đến các trận địa bảo vệ Thủ đô. Họ thường ngày hồn nhiên, thư sinh, yêu đời, nhưng rốt cuộc, chỉ còn Nguyễn Thắng (người yêu của Thủy Tiên) và cô giáo Hiền (vợ của Đặng Nhân) là sống sót trở về với cuộc sống Hà Nội bình yên sau Hiệp định Paris được kí kết đầu năm 1973. Cô giáo Hiền đi giữa cánh đồng lúa non mùa mới, và cô cũng mang trong mình giọt máu đang lớn dần của Đặng Nhân. Một kết thúc phim tươi tắn, lạc quan như vốn dĩ luôn xuất hiện ở dòng phim về chiến tranh cách mạng. Người xem có thể cũng thích thú với phần kết có hình ảnh dòng người thư thả đi mua đào, mua quất, chuẩn bị đón xuân Quý Sửu. Hà Nội, sau 12 ngày đêm bi thương, lại trở về thanh lịch, hào hoa như muôn thuở.

Tính cách Hà Nội này cũng được đạo diễn nhấn mạnh ngay trong những khuôn hình phim đầu tiên. Dù vào thời chiến, Hà Nội vẫn duy trì nếp sống tao nhã, nhẹ nhàng, vẫn không hề nhuốm màu nghèo khó, túng thiếu. Vẫn có cà phê Lân, nơi gặp gỡ của bộ “tam đa” là họa sĩ Bùi, nhà văn Phan và nhạc sĩ Trọng. Vẫn có cụ lang Tâm đạo mạo thưởng trà, trồng hoa hồng, mặc cổ phục đi lễ đền. Cặp đôi Nguyễn Thắng và Thủy Tiên vẫn dạo Bờ Hồ, ngắm trăng và tỏ tình. Trong nhà Ngân Hà, cành lan rừng Trường Sơn mà người yêu cô gửi về vừa nở những cánh hoa đầu tiên. Khung cảnh thơ mộng, yên ả của Hà Nội như là phong cách sống, cốt cách của mỗi khu phố, mỗi con người. Đạo diễn biểu đạt chúng trong nhiều khuôn hình trau chuốt, thi vị, trái ngược với cảnh tượng đổ nát, tan hoang về sau. Như thế, bom đạn B52 có thể tàn phá nhà cửa, phố xá nhưng thần thái, nếp sống Hà Nội thì không dễ bị biến mất, thậm chí, càng được củng cố và sáng rõ hơn bao giờ hết. Từ đây, khán giả nhận ra Hà Nội chiến thắng B52 không phải do phép màu vũ khí hiện đại, mà như bộ phim hàm ý, bắt nguồn sâu xa từ những người Hà Nội dốc lòng dốc sức gìn giữ, bảo vệ cuộc sống thường ngày của mình.

Một cảnh ở trong quán cà phê Lân đậm chất thanh lịch, hào hoa của Hà Nội
dù đang thời chiến trong phim Hà Nội 12 ngày đêm

Là bộ phim mang âm hưởng sử thi, Hà Nội 12 ngày đêm có nhiều đại cảnh đặc tả số đông quần chúng nhân dân tham gia chiến đấu cùng bộ đội, dân phòng. Những cảnh đoàn người vội vã, lo âu đi sơ tán, đồ đạc lỉnh kỉnh, có cả trẻ sơ sinh còn nằm trong vòng tay mẹ... được đạo diễn chú ý tái hiện như thước phim tài liệu. Không ai giống ai nhưng tất cả cùng chung tình thế ngặt nghèo, cùng biến cố lịch sử. Họ gợi nhớ hình ảnh từng đoàn người Do Thái bị dồn về các trại tập trung mà S.Spielberg hay R.Polanski đã từng tái hiện thành công trong kiệt tác Schindler’s List (1993), The Pianist (2002). Nghĩa là, với dòng phim gắn bối cảnh chiến tranh, lịch sử, các nhà làm phim thường dùng thủ pháp dàn cảnh số đông quần chúng, kết hợp cảnh cá nhân riêng lẻ, để tạo thành chuỗi hình ảnh bao quát, trọn vẹn. Có thể nói thủ pháp dàn cảnh sơ tán của Bùi Đình Hạc là tính toán nghệ thuật hiệu quả, không chỉ cho thấy sự đồng tâm nhất trí của người dân, mà còn, một lần nữa, kéo khán giả hôm nay hồi cố tường tận hơn thời đoạn mỗi gia đình Hà Nội đều có cuộc chia tay thành phố theo nỗi niềm, tình cảnh khó thốt thành lời.

Hà Nội 12 ngày đêm cũng phần nào thỏa mãn công chúng ở những cảnh chiến đấu trên không, những khoảnh khắc trận địa tên lửa, pháo phòng không tiêu diệt B52. Sử dụng kĩ xảo vi tính, âm thanh vòm lập thể, bộ phim nỗ lực biểu đạt một trận đánh lớn, khốc liệt, cam go. Cảnh xuất kích của MiG-21 hay cảnh những tên lửa xé toang màn đêm đều gây ấn tượng mạnh. Hiệu ứng âm thanh, khói lửa “ra dáng” một phim chiến tranh “bom tấn”, ít nhất, trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam đầu thập niên 2000. So với mức độ chân thực của trận chiến trong thực tế, có thể Hà Nội 12 ngày đêm chưa vươn tới, nhưng dấu ấn kĩ xảo điện ảnh đã làm vơi đi tình trạng sơ giản, minh họa “lèo tèo” vài trận đánh như thường thấy ở một số phim chiến trận như Kí ức Điện Biên (2004, Đỗ Minh Tuấn), Sống cùng lịch sử (2014, Nguyễn Thanh Vân), Mùi cỏ cháy (2012, Nguyễn Hữu Mười)… Dĩ nhiên, Hà Nội 12 ngày đêm vẫn còn đó tính chất dài dòng, bày biện nhiều chi tiết, tình huống để khẳng định tình quân dân, vai trò của các lực lượng, hoặc sự tương trợ trong đạn bom. Những chi tiết như rùa nổi, anh phóng viên chạy lăng xăng quay phim, cô nhà báo Lily không thôi ngạc nhiên trước Hà Nội thời chiến, hay cảnh đám tù binh phi công ở nhà tù Hỏa Lò reo mừng vì được trao trả tự do, thậm chí, có cả cảnh người đàn ông bế con tè lên xác máy bay B52 cho hả giận… theo tôi, chỉ làm cho các đại cảnh dễ bị trôi tuột, không được khán giả nhớ lâu. Trong khi đó, những cảnh khắc họa sở chỉ huy chiến dịch thì có phần đơn điệu, lặp lại các mệnh lệnh, điện đàm hoặc không khí căng thẳng. Những nhân vật trong sở chỉ huy không có nhiều tình huống để diễn xuất nội tâm, hoặc thể hiện được sự phức tạp về mặt cảm xúc khi đưa nhiều quyết định tức thời, quan trọng. Trận chiến ngoài thực địa của những Đặng Nhân, Nguyễn Thắng, Trần Đại, vì vậy, đôi khi chỉ là kết quả của những mệnh lệnh, chỉ đạo và là sự kiện quá nhanh chóng, chưa có sự phức tạp, gay cấn, kịch tính cao.

Nhưng điểm khiến Hà Nội 12 ngày đêm ghi rõ dấu ấn nghề nghiệp của đạo diễn Bùi Đình Hạc, vốn thành công và thành danh nhờ làm phim tài liệu, là các trường đoạn tài liệu đan xen vào lời dẫn chuyện, bình luận trong chiều dài phim. Cách làm này khiến bộ phim tồn tại như một tác phẩm bán hư cấu (docu-fiction), dù không mới so với lịch sử điện ảnh thế giới nhưng vẫn được xem là phù hợp với nội dung ca ngợi, khẳng định chiến công trận “Điện Biên Phủ trên không”. Tuy thế, Hà Nội 12 ngày đêm không thể đạt chất hiện thực, tài liệu như Em bé Hà Nội (1974, Hải Ninh), bộ phim được thực hiện ngay sau sự kiện 1972 với những bối cảnh, không gian thực vẫn còn nguyên đổ nát. Hơn nữa, Em bé Hà Nội sử dụng màu phim đen trắng, nhiều trường đoạn tiết chế lời thoại nên mỗi khuôn hình đều có khả năng bám sát hiện trạng thành phố Hà Nội dưới đạn bom của Mĩ.

“Điện Biên Phủ trên không”, 12 ngày đêm chiến đấu chống lại cơn cuồng kích B52, chắc chắn, vẫn cần đến những thước phim mới, tương xứng với chiến công và cả tổn thất, mất mát của những năm tháng Hà Nội đau thương. Hà Nội 12 ngày đêm đã có tuổi đời 20 năm, và nếu tái chiếu bộ phim cho những thế hệ trẻ hôm nay tìm hiểu, thì có lẽ, nó mới chỉ gợi chất bi tráng vừa tầm.

M.A.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)