Thơ Hoàng Cầm trên chốt

Thứ Năm, 13/04/2023 00:05

. HOÀNG ĐÌNH BƯỜNG
 

Huế se lạnh, mưa nghiêng mái phố, trắng đường. Ở xứ sở “thừa trời thiếu đất” này, mưa là “đặc sản” mà tôi đã nếm trải qua những năm chiến tranh. Nhớ xưa, chốt giữ các cao điểm trên rừng gió mưa tơi tả, đạn bom ngút trời, đói lạnh tái tê. Mùa đông năm 1972 đã đánh cắp của tôi gần năm cân thịt ròng, da xương teo tóp… Thôi, chuyện cũ bỏ qua, mấy ai còn để ý, nửa thế kỉ rồi mà. Có người cảnh báo vậy nên tôi cũng dè chừng, cảnh giác.

Ngồi trong nhà khách Siêu thị Nông sản hữu cơ ở 101 Phan Đình Phùng lo gì mưa gió. Nhà cửa kết dựng hoàn toàn bằng tre, nứa, song, mây. Bàn ghế bày biện trong phòng cũng vậy, rất mát mắt. Ăn sáng xong, nhâm nhi li cà phê ngắm hoa, cây cảnh với đàn cá đủ màu bơi lượn ngay quanh bàn ăn, dưới chân. Tôi ngơ ngác như người rừng xuống phố dù đã trở lại Huế nhiều lần. Những bóng hồng xinh đẹp, vui vẻ, nhiệt tình phục vụ trên cả tuyệt vời, khách mê tít mắt. Biến thiên chuyển dời đổi thay ghê gớm thật!

Tại chỗ này, đêm về giải phóng Huế cơ man là quân trang, súng đạn, rác và phân người “chạy giặc” tràn ngập bãi bờ. Cháy cổ khô họng, tôi cùng đồng đội nhảy ào xuống sông vục nước súc miệng và uống một ngụm cho đỡ khát. Nhiều chiến sĩ nôn ngay lập tức. Trời ơi! Sặc sụa váng dầu lẫn phân người. Thế mà nơi đây bây giờ là… chốn thiên đường. Và tôi là một khách mời đã có mặt trong siêu thị. Khách đa thành phần, nhiều nơi tới, có cả Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các nhà khoa học từ Hà Nội vào. Chỉ có tôi là giáo viên hưu trí hiện diện. Chuyện râm ran, ai cũng hứng khởi góp vui. Ăn - uống - ngủ - nghỉ vui vẻ đều là… hữu cơ, sạch từ A đến Z không vui sao được, có chỗ đâu mà buồn.

Chủ cơ sở này là một doanh nhân cựu chiến binh nổi tiếng về sự táo bạo, quyết liệt, tinh nhạy, sáng tạo và hiệu quả trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Thuật ngữ kinh tế LOGISTICS gắn cho ông ta không sai chút nào. Ông là Nguyễn Hồng Lâm, hơn tôi một tuổi và luôn gọi tôi bằng thầy. Không rõ vì tôn sư trọng đạo hay gọi thay cho con. Gì cũng được. Về hưu mà được mời tới đây và còn được gọi là thầy trước mọi người, vậy là quá sướng. Nhưng sướng - vui ngắn chẳng tày gang. Mưa gọi hồn tôi rẽ lối rừng xanh. Chuyện cũ vọng về. Tôi nhớ lại mấy câu thơ viết cách nay chừng mươi năm khi trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Nguyễn Ngọc Thiện - đồng hương với đồng đội tôi là liệt sĩ Nguyễn Đình Bách hi sinh trước Tết Quý Sửu:

Huế chiều nức nở mưa hay lệ
Hồn lê lướt dọc những cánh rừng
Đồi Mồ Côi nhớ người nằm lại
Mưa giăng dầm kí ức rưng rưng…

Đất không đủ để phủ lên thi thể anh Bách. Mưa như trút nước xỉa xói. Tết cận kề. Xót xa quá, buồn thật rồi. Sắc mặt tôi không bình thường nữa. Con mắt tinh đời, nhạy cảm của doanh nhân Nguyễn Hồng Lâm nhận ra ngay. Ông qua bàn tôi ngồi vỗ vai thân mật:

- Thầy Bường với Huế như quê hương chắc có o nào lọt vào mắt xanh sao mà tương tư vậy? Hay nhớ đồng đội cũ, chiến trường xưa? Mời thầy qua bàn bên trò chuyện với anh “quản gia” của tôi cho vui. Sĩ quan Việt Nam Cộng hòa (VNCH) chính hãng nhưng công việc thì không chê vào đâu, hợp với tôi lắm, cùng lứa với chúng ta cả.

Quá bất ngờ nhưng không hiểu sao tôi bật dậy đi ngay và rồi bị cuốn hút. “Quản gia” kiệm lời, tỏ ra khiêm nhường, không để lộ gì nhiều thông tin về công ti và đời tư. Mãi đến khi tôi chủ động tâm sự về mình và mối quan hệ với “ông chủ” anh ta mới cởi mở tâm tình.

Ối chà! Quả đất tròn. Viên trung úy VNCH trước mắt tôi cùng thời, cùng tuổi Kỷ Sửu với nhau. “Quản gia” đã có những ngày tháng đóng quân đối diện Mỏm Xanh 502, nơi tôi làm công tác binh vận - địch vận. Chuyện tranh cãi trên bàn “Hòa hợp dân tộc” về “Nhân văn - Giai phẩm” và “bình thơ” Lá Diêu Bông của thi sĩ Hoàng Cầm, anh ta biết hết, nhưng chỉ thừa nhận nghe chiến hữu kể lại, không giáp mặt với quân Giải phóng. Tôi chưa tin anh ta nói thật nhưng chẳng sao cả. Sĩ quan VNCH và tôi - “Cộng quân Bắc Việt” - đang ngồi cùng bàn trong siêu thị mà anh ta được một “Cộng quân” giao nhiệm vụ “quản gia”. Bàn ăn, uống cà phê hôm nay phải chăng là linh hồn bàn “Hòa hợp dân tộc” năm xưa giữa hai chiến tuyến?

Đầu mùa hè năm 1973, đang tham gia tập hợp số liệu và viết thành tích cho Trung đoàn 6, chuẩn bị phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, tôi được điều động về Tiểu đoàn 1 làm công tác binh vận - địch vận và lên chốt.

Nắng, gió Lào quất rát mặt thiêu cháy những tấm lưng trần chiến sĩ trên chốt Mỏm Xanh 502. Mồ hôi quyện đất đỏ “mạ” một lớp dày trên da. Tiếng cuốc xẻng bổ vào đất va phải đá bật lên âm thanh nhói nhức tai, khó chịu suốt cả ngày và đêm. Một bộ phận khác xuống sườn núi gần khe bí mật cưa cắt gỗ chuyển lên đỉnh, ì ạch kéo lê như đàn kiến tha mồi, thở hổn hển…

Tranh thủ thời gian nhập nhoạng sau khi kí Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ta và địch ráo riết đào hầm hào, xây dựng công sự trong lòng đất ở vùng rừng núi giáp ranh, tạm thời phân chia chiến tuyến đóng quân của hai bên.

Tôi lên chốt gần một tháng nhưng không đào hầm hào công sự như các chiến sĩ khác. Tổ Binh vận - Địch vận do tôi làm Tổ trưởng (cùng với Quang và Trung) làm nhiệm vụ chuyên biệt do Chính trị viên Tiểu đoàn 1 Lê Văn Hân (sau này là Trung tướng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) và sĩ quan quân báo Nguyễn Văn Trà điều hành. Việc cụ thể tôi đã có dịp kể trong tập bút kí Yên Ngựa sau cuộc chiến do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Nhà xuất bản Hội Nhà văn in, không nhắc lại nữa.

Bàn “Hòa hợp dân tộc” được ghép bện bằng cây rừng có bốn que chống chéo cắm xuống đất làm ghế, đặt chính giữa hai chốt của ta và địch. Khi ra gặp nhau mỗi bên có ba người, không mang vũ khí, ngồi hai phía đối diện. Đi từ Mỏm Xanh 502 ra, ta ngồi bên phải. Đường rừng len lỏi trong những tán cây che kín, cảm giác rờn rợn, bí ẩn như báo trước điều gì bất ổn.

Sau vài phút chào hỏi xã giao, mời nhau ăn kẹo, hút thuốc, chuyện thường ngày là “khẩu chiến” về thi hành Hiệp định Paris, thể chế chính trị hai miền, chiến tranh chính nghĩa, phi nghĩa… Cuộc chiến xem ra khó phân thắng bại, mà cũng chẳng có ai trọng tài ở nơi hiểm nguy luôn rình rập. Binh sĩ hai phía luôn sẵn sàng nã đạn vào nhau. Trên bàn “Hòa hợp dân tộc” lúc nào cũng giằng co căng thẳng. Phải giữ cho cái đầu lạnh, nóng là đổ máu.

Sáng hôm ấy, cũng như những buổi sáng trước đó, khoảng bảy giờ, ta và địch đã đủ mặt trên bàn “Hòa hợp dân tộc”. Quân Sài Gòn trình độ văn hóa thấp nhưng sĩ quan chỉ huy và sĩ quan tâm lí chiến thì được đào tạo khá cơ bản, chuyên sâu. Đối mặt với chúng tôi bao giờ cũng có sĩ quan tâm lí chiến. Ngồi chưa ấm chỗ, có người chưa châm thuốc (gặp nhau lệ thường ta và địch đều hút thuốc lá), người lính Sài Gòn trạc tuổi ngoài hai mươi bất ngờ lấy ra một cuốn sổ đặt xuống bàn. Gió thổi lật trang đầu, lộ rõ dòng chữ to, đậm, đủ cho người ngồi đối diện nhìn thấy:

Lấy xác Cộng làm đường lên núi
Bàn tay này phá dãy Trường Sơn

Ái chà, ghê thật! Quân Sài Gòn lấy đâu ra “câu thơ” đầy thách thức, khát máu đến vậy. Cảm giác bực tức chạy ran trong người nhưng rồi tôi bình tĩnh: Chắc địch sẽ bày chiêu trò gì mới, chuẩn bị đối phó. Sáu cặp mắt lính chiến nhìn nhau trừng trừng, câm lặng, đợi chờ điều bất ngờ xảy ra. Nhưng không, người lính kia tỏ vẻ thân tình, không có biểu hiện gì đối kháng căng thẳng như mọi hôm. Anh ta hạ giọng:

- Hôm qua các bạn nghe ngâm bài thơ Màu tím hoa sim, có thích không?

Đài Sài Gòn hay ngâm bài thơ này “gửi các cán binh Bắc Việt” bằng một giọng nam trầm, buồn vào sau chín giờ đêm. Tôi đã đọc thuộc Màu tím hoa sim ở ngoài Bắc, chỉ cần nhẩm lại là ổn, nội dung thì đã nắm chắc, chẳng cần bàn. Nghĩ thầm trong bụng: Trúng tủ rồi, hên rồi! Với thế chủ động, hứng khởi, tôi đáp lời quân Sài Gòn khá trôi chảy, mạch lạc như một diễn giả trúng mạch nguồn chủ đề, diễn thuyết giữa chiến tuyến mà như ở hội trường:

- Chúng tôi không những thích mà còn thuộc bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Đó là một bài thơ tình hay, đầy xúc cảm, cuốn hút mọi người. Tại thời điểm này nó lại càng có ý nghĩa: Chúng ta đang bàn chuyện chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chiến tranh đầu rơi máu chảy, đất nước tan hoang, tình yêu đôi lứa chia lìa, đứt gãy xót xa… không ai muốn. Là những người lính, chúng ta chia sẻ cảm xúc mất mát riêng tư của nhà thơ. Tất cả do chiến tranh gây ra và giờ đất nước vẫn còn chiến tranh, ta càng thấm thía điều đó phải không các bạn?

Tôi mạnh dạn tuyên truyền nội dung địch vận. Nhưng rồi mạch diễn giảng bị cắt ngang bởi một ý kiến khác trong nhóm binh sĩ VNCH:

- Đồng ý với những gì bạn vừa nói, nhưng tại sao miền Bắc lại cấm kị, ngăn cản thơ tình và các tác giả? Các bạn nói sao về số phận ngắn ngủi của “Nhân văn - Giai phẩm”?

Quân Sài Gòn đào đúng chỗ hiểm cân não, không dễ gì trả lời ngay được. Lê Đình Quang, trong tổ địch vận hích vào chân tôi, có ý ám chỉ gặp khó khăn, lo lắng hiện rõ trên nét mặt. Tôi biết nhưng tỏ ra bình tĩnh, xem như không có chuyện gì xảy ra. Lần này hơi rắc rối phức tạp. Tôi tìm cách câu giờ để đối phó. Thực tình mà nói, tôi biết “Nhân văn - Giai phẩm” không nhiều, chủ yếu qua kênh nhà trường, mơ hồ lắm. Tác giả và tác phẩm đều không được nghiên cứu kĩ. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Lá Diêu Bông, trường hợp hi hữu.

Những ngày chuyển thư viện trường Đại học Sư phạm Vinh từ Thanh Hóa về Quỳnh Lưu, Nghệ An, sinh viên chúng tôi đã “cuỗm” được tập thơ Hoàng Cầm, tranh nhau đọc, chép. Lá Diêu Bông đến với tôi từ đó và đã theo tôi vào chiến trường, nằm gọn trong cuốn sổ bìa nilon màu nâu. Nhưng nó đã bị thiêu cháy cùng mấy quả đạn B41 hồi đánh nhau ở Yên Ngựa chiều 13/8/1972. Bị thương, vào Viện 94, tôi sao chép lại những dòng nhật kí - thơ vào cuốn sổ khác, “của nợ” kia thì không vì sợ sau này lôi thôi, vả lại cơ bản tôi đã thuộc. Tôi cố né tránh những điều không biết rõ về “Nhân văn - Giai phẩm”, quyết định “xài” độc vị Lá Diêu Bông. Biết đâu… biết đâu đấy, lại nảy cái hay, điểm sáng trong lúc khó khăn. Nhẩm đọc lại bài thơ và nắm nội dung chính, tỏ ra vui vẻ, bình tĩnh, hai bàn tay đan ken các ngón với nhau đặt xuống bàn, tôi trịnh trọng:

- Các bạn quan tâm đến văn học nghệ thuật miền Bắc, nhất là thơ tình, chúng tôi rất trân trọng. Lính tráng mà đọc thơ, thưởng thức thơ là quá quý. Chúng tôi cũng như các bạn - đều là lính, học hành không nhiều, hiểu biết hạn chế. Đất nước lại chia cắt, chiến tranh liên miên, thông tin sai lệch là không tránh khỏi. Người Việt Nam ta, dù ở đâu cũng thích thơ ca, hò vè, hát xướng. Ca vọng cổ, hò Đồng Tháp, hát dân ca quan họ Bắc Ninh… ai không mê.

“Nhân văn - Giai phẩm” tồn tại không lâu trên miền Bắc do nhiều yếu tố chi phối. Còn nói cấm kị, phong tỏa thì không. Những người lính bình thường như tôi vẫn đọc và thuộc thơ các tác giả đó, tuy không nhiều…

Để thăm dò và “nắn gân” phía bên kia, tôi chuyển hướng bằng câu hỏi:

- Trong các bạn ở đây có ai thuộc, đọc hoặc ngâm một bài thơ của “Nhân văn - Giai phẩm” cho vui.

Tất cả lặng im, khói thuốc lá vằn vào bay lên nhuộm lam tán lá rừng rợp trên đầu. Nắng phất phơ loang lổ như hình hoa lạ trên bàn “Hòa hợp dân tộc”. Tôi đảo mắt về phía những người lính Sài Gòn, ba cái đầu đều “lắc”. Té ra, kẻ chủ động tấn công không phải lúc nào cũng mạnh, cái gì cũng biết. Lính sinh viên văn khoa năm thứ ba như tôi, giờ cũng đang bối rối đối phó. Sĩ quan tâm lí chiến “cưỡi ngựa xem hoa” văn chương để hù dọa chính trị, bí là phải. Gót chân Asin đã lộ rõ. Tôi dấn tiếp giữa lúc địch đang lúng túng:

- Trong lúc chờ đợi các bạn, tôi xin góp vui bằng bài thơ tình Lá Diêu Bông của thi sĩ “Nhân văn - Giai phẩm” Hoàng Cầm.

Những cặp mắt phía bên kia mở to, chằm chằm nhìn về tôi, tỏ vẻ thăm dò: Lính Bắc Việt mà lại thuộc thơ “Nhân văn - Giai phẩm”.

Đọc thong thả, diễn tả theo đúng cách phân câu, ngắt nhịp độc đáo của tác giả đã hút hồn lính Sài Gòn. Các vị há hốc nghe, ngẩn tò te, không phản ứng gì. Từ thế bị động chuyển sang tấn công luôn, “khẩu chiến” mà:

- So với Màu tím hoa sim, các bạn thấy bài thơ này thế nào, có hay không?

- Hay nhưng khó hiểu - phía lính Sài Gòn đáp.

- Ồ, đúng rồi. Thơ hay, có nhiều điều mới lạ, sâu kín, phải đọc kĩ mới nhận ra. Cánh lính chúng ta biết được nội dung cơ bản là tốt rồi. Hết chiến tranh, có điều kiện nghiên cứu thơ, hấp dẫn lắm. Biết đâu trong số chúng ta sẽ có người mê thơ, làm thơ.

Để có thời gian suy nghĩ, thiết lập “giáo án”, tôi tính cách đánh bẫy địch, gây cho chúng bị động, lúng túng hơn:

- Theo các bạn, bài thơ này có cái gì mới lạ nhất, ấn tượng nhất?

Không thuộc thơ, không nắm chắc nội dung, không thể nào trả lời được. Mấy anh lính Sài Gòn “trúng tên”, hơi đỏ mặt, không có hồi đáp. Để tạo không khí “hòa hợp” bình thường, tôi hạ giọng:

- Cũng như các bạn cả thôi, tôi là lính thuộc bài thơ này nhưng hiểu tường tận thì chưa. Biết gì nói nấy cho vui là chính, không tính chuyện đúng, sai.

Cái mới lạ ở Lá Diêu Bông theo tôi nằm ở tiêu đề bài thơ. Lá Diêu Bông là lá gì? Tại sao ai tìm được lá diêu bông, được gọi là chồng? Thi sĩ Hoàng Cầm đánh đố chúng ta đó. Trong bài thơ, tất cả các từ Lá, Em và Chị đều viết hoa. Tại sao vậy? Rõ ràng Lá là sợi tỏ tình đặc biệt gắn kết giữa Em và Chị. Một mối tình nồng cháy mãnh liệt nhưng đơn phương, lệch chuẩn được tác giả thể hiện qua hình tượng lá diêu bông, đúng không các bạn?

Quan sát phía bên kia đang gật gù, chăm chú lắng nghe, tỏ vẻ say sưa, hớn hở, háo hức, tôi tung luôn nội dung:

- Bài thơ có ba phần liên kết bởi “Lá Diêu Bông”. Phần mở đầu là hình ảnh cô gái Kinh Bắc xinh đẹp đang trong tâm trạng “thẩn thơ” ở độ xuân thì, đi tìm “đồng chiều… cuống rạ”, tìm cái… vẩn vơ. Và cuối cùng đánh đố: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông/ từ nay ta gọi là chồng. Cô gái đi tìm gì, đến đây ta biết rồi. Về Kinh Bắc nhanh chân lên thôi! Lẽ nào không tìm được lá diêu bông? Lẽ nào chúng ta cầm súng mãi mãi! Lá diêu bông thì mông lung, mờ ảo nhưng “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” thì hoàn toàn có thật, đẹp lắm. Có dịp mời các bạn về Kinh Bắc nghe hát quan họ, ngắm những cô nàng lúng liếng mắt đưa tình. Hẹn ngày thống nhất nhé!

Thơ văn có cánh. Thơ Hoàng Cầm cũng “làm chính trị” được đấy chứ. Tôi thầm nghĩ vậy và thấy vui, hứng khởi bởi những gì diễn ra trên bàn “Hòa hợp dân tộc” hôm ấy.

Trao qua đổi lại khá dài, tôi quay sang hỏi người lính đeo đồng hồ mấy giờ rồi. Anh ta bảo tám rưỡi. Chậm nhất là chín giờ phải chia tay theo quy định lâu nay. Tôi biết, địch đang muốn nghe tiếp, nhưng cũng phải nói câu ỡm ờ vừa thăm dò vừa níu kéo lính Sài Gòn ở lại:

- Thời gian cũng đã gần hết, có lẽ hôm nay ta nghỉ sớm. Nếu chỉ huy hai bên cho phép, ngày mai chúng ta lại gặp nhau.

Phía bên kia liền đề nghị ngay:

- Trời không nắng lắm, ta cứ nói chuyện, trao đổi với nhau đúng chín giờ thì nghỉ như thường lệ. Ngày mai chưa chắc chỉ huy đã cho ra gặp.

- Được rồi, không còn nhiều thời gian, hai phần còn lại của bài thơ chỉ nêu khái lược nội dung, có gì hôm sau gặp nhau đối thoại, ưu tiên các bạn trước.

Ta biết rằng khi Chị ra điều kiện không lâu, Em đã nhanh nhảu hồi đáp ngay, không chần chừ do dự. Nhưng cả bốn lần đều bị Chị từ chối và tỏ thái độ, tâm trạng khác nhau: Hai ngày/ Em tìm thấy Lá/ Chị chau mày/ đâu phải Lá Diêu Bông/ Mùa đông sau/ Em tìm thấy Lá/ Chị lắc đầu/ trông nắng vãn bên sông/ Ngày cưới Chị/ Em tìm thấy Lá/ Chị cười/ xe chỉ ấm tròn kim/ Chị ba con/ Em tìm thấy Lá/ Xòe tay phủ mặt/ Chị không nhìn.

Em tỏ tình Chị và chỉ nhận về lá vàng úa tàn, vô cảm lạnh lùng, không mảy may hi vọng. Đó là nội dung phần hai ta đã điểm qua.

Gió quạt nắng xuống bàn “Hòa hợp dân tộc” xuyên qua tán lá rừng phất phơ như bông đùa trêu ghẹo mấy anh lính nghe thơ tình giữa hai trận tuyến. Khoảng lặng lãng mạn hiếm hoi trên chiến trường tưởng như không bao giờ có. Kể ra cũng thật thú vị.

- Buồn, hụt hẫng nhưng Em vẫn cố bám lấy mối tình non tơ, ngây ngô, dai dẳng là những gì tác giả đề cập ở phần ba, kết thúc bài thơ:
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc Lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
… Diêu Bông hời…
… Ơi Diêu Bông…!

“Xòe tay phủ mặt/ Chị không nhìn”. “Em cầm chiếc Lá” đi suốt chiều dài thời gian với không gian rộng lớn gọi hoài Lá Diêu Bông nhưng đều biệt tăm… Kết cục mối tình đơn phương, lệch chuẩn và tâm trạng của Em như thế nào chắc tất cả chúng ta đã rõ. Bài thơ tình có chút lạ lùng và vô cùng lãng mạn kết thúc đúng chỗ. Tình yêu là thế, muôn hình vạn vẻ, không phải lúc nào cũng đi tới đích. Thôi nhé, chưa trọn vẹn nhưng đã hết giờ. Tạm biệt và hẹn gặp lại. Ai chưa yêu thì hãy tìm “em” mà yêu, yêu “chị” chẳng được gì đâu, chỉ có sầu thảm. Con đường hòa bình mở ra cho chúng ta bao mộng đẹp cùng với tình yêu đôi lứa, hãy tin và yêu.

Tôi đùa, tất cả cùng cười, bắt tay nhau, hướng về hai chốt. Lòng vui như sau tiết dạy văn thành công được học sinh cảm nhận yêu mến, bâng khuâng chia tay những người lính bên kia chiến tuyến. Ước ao có được nhiều ngày như thế này, tốt nhất là sớm thống nhất đất nước, loại bỏ chiến tranh vĩnh viễn. Hoà bình với người lính chiến giữa mặt trận không gì trân quý bằng.

Thơ Hoàng Cầm một thời bị coi là thơ ngoài luồng. Ấy vậy mà thơ ông đã “leo lên chốt” cùng các chiến sĩ trong những năm chống Mĩ, cứu nước bên cạnh thơ ca cách mạng. Chuyện thật như bịa.

Cuộc đời - thơ Hoàng Cầm thăng trầm, lận đận, nhất là sau vụ “Nhân văn - Giai phẩm”, mấy lần “nhảy vào nhảy ra” khỏi sách giáo khoa. Và rồi cuối cùng ông cũng được đánh giá là một thi sĩ tài danh của Việt Nam.

Thơ Hoàng Cầm kiệm lời, đa nghĩa, tầng tầng lớp lớp ý tứ. Đến nay có bài vẫn còn nhiều tranh cãi, bàn luận. Tôi không có ý định và cũng không dám làm cái việc to tát của nhà nghiên cứu phê bình về thơ ông. Chuyện thơ trên đây là chuyện chiến tranh thật người thật việc.

Dù viên sĩ quan VNCH, vị “quản gia” của doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Lâm hôm nay có thừa nhận những gì đã diễn ra trên bàn “Hòa hợp dân tộc” hay không thì thực tế vẫn vậy. Từ bàn “Hòa hợp dân tộc” ngày ấy đến bàn ăn sáng, uống cà phê hôm nay là nửa thế kỉ biết bao thăng trầm. Súng đạn, trí tuệ, xương máu và có cả thơ tình Hoàng Cầm tham chiến trên chặng đường máu lửa - hoa hồng.

H.Đ.B

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)