Lửa từ những cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội

Chủ Nhật, 02/04/2023 00:07

. HOÀI NAM
 

Tạp chí Văn nghệ Quân đội - nhà số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội, hay đơn giản là “nhà số 4”, như cách gọi đã trở nên rất quen thuộc - là một địa chỉ tỏa ra quầng sáng đặc biệt trong văn học Việt Nam kể từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954) đến nay. Bản thân Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tự kiến tạo một thiết chế văn chương có lịch sử riêng, có tôn chỉ mục đích riêng, có niềm tự hào riêng, trong sự hòa chung vào dòng chảy của văn chương cả nước. Sức mạnh nội tại của nhà số 4 nằm ở đội ngũ các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học mặc áo lính tài năng thuộc nhiều thế hệ liên tục kế tiếp. Sức mạnh nội tại ấy góp phần chủ yếu để làm thành sức mạnh vẫy gọi, thể hiện qua lượng độc giả gắn bó trung thành với tờ tạp chí, thể hiện qua sự góp chữ lâu dài và tâm huyết của các tác giả cộng tác viên ở khắp mọi miền đất nước. Nhất là, thể hiện qua những cuộc thi sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Ở đây tôi chỉ xin đề cập những cuộc thi truyện ngắn: những cuộc thi đã thổi bùng lên, và cháy bền bỉ, tình yêu với con chữ tiếng Việt, niềm đam mê văn chương, và cả nỗi khát khao được gọi tên trong một giải thưởng uy tín của rất nhiều người viết.

Thành lập năm 1957, năm 1959 Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức thành công cuộc thi Viết về đời sống bộ đội trong hòa bình, chia thành hai đợt. Trong số các tác giả đoạt giải - cả hai đợt đều không có giải nhất - đã xuất hiện những cái tên đáng chú ý: Xuân Khánh, Phù Thăng, Lương Sĩ Cầm, Hồng Nhu, Xuân Cang, Xuân Thiều, Nguyễn Quang Sáng... Hai năm sau, năm 1961, từ cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội lại có thêm hai tên tuổi sáng giá: Dũng Hà và Nguyễn Minh Châu. Nhưng, bẵng đi hai mươi năm, đến năm 1981 Tạp chí Văn nghệ Quân đội mới tổ chức lại được các cuộc thi truyện ngắn và thực sự biến nó thành một truyền thống của mình: truyền thống phát hiện, “ngắm bắn” những cây bút giàu tiềm năng và cá tính sáng tạo, những cây bút hứa hẹn sẽ đi bền, đi xa trên con đường văn chương thiên lí. “Ngắm bắn” là để, bằng các giải thưởng của mình, Tạp chí Văn nghệ Quân đội xác lập cho họ một vị thế, thổi vào họ một nguồn nhiệt hứng mạnh mẽ, như lửa, để tiếp tục viết và tiếp tục tỏa sáng, cho dẫu đời chữ nghĩa có vất vả nhọc nhằn đến đâu chăng nữa. Hiện tượng này, theo quan sát của cá nhân tôi, thể hiện rõ nhất qua các cuộc thi truyện ngắn tính từ năm 1987, một năm sau Đổi mới. Số lượng những tác giả truyện ngắn được/ bị “ngắm bắn” thành công là khá nhiều: Trần Quốc Huấn, Trần Đức Tiến, Dạ Ngân, Nguyễn Thế Tường, Nguyễn Văn Thọ, Phùng Khắc Bắc, Y Ban, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến, Lý Lan, Dương Hướng, Tạ Duy Anh, Phạm Thanh Khương, Hữu Phương, Vũ Xuân Tửu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Thùy Linh, Trần Thanh Hà, Lê Hoài Lương, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Anh Vũ, Doãn Dũng, Niê Thanh Mai, Nguyễn Thị Kim Hòa, Nguyễn Phú, Đinh Phương, Vũ Thanh Lịch, Trần Hoài, Lê Vũ Trường Giang... Chỉ cần đọc lại các tác giả trên qua những tác phẩm đoạt giải cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội của họ, ta có thể nhận ra một cái khung văn xuôi nghệ thuật, tuy khiêm tốn, nhưng đồng dạng với cái khung văn xuôi nghệ thuật đã góp phần quan trọng định hình nên diện mạo của văn học Việt Nam kể từ Đổi mới đến nay. Nghĩa là, nếu như các nhà nghiên cứu lịch sử văn học và các nhà phê bình văn học vạch được ra tiến trình và những đặc điểm của văn xuôi nghệ thuật Việt Nam kể từ Đổi mới đến nay, thì chính những khái quát hóa ấy, ta hoàn toàn có thể tìm thấy dẫn chứng cho nó bằng những tác phẩm tham dự các cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, nhất là những tác phẩm hay và đoạt giải cao.

Hãy thử bắt đầu bằng một dòng chủ lưu: “viết chiến tranh”. Văn chương Việt Nam kể từ Đổi mới “viết chiến tranh” đương nhiên là viết từ điểm nhìn hậu chiến, mà ở đó, vừa có những kí ức hoặc những trải nghiệm chiến tranh bằng xương máu của chính những tác giả cựu binh, lại có thêm những tưởng tượng chiến tranh của các tác giả lớn lên hoặc chào đời khi chiến cuộc đã tàn. Cũng đương nhiên, họ không nói nhiều về chiến tranh bằng những kinh hoàng ùng oàng bom đạn, những điêu tàn nhà cháy đồng hoang, những chất chồng thịt nát xương tan nữa, mà họ kể cuộc chiến bằng những dư chấn của nó, hoặc dữ dội hoặc âm ỉ, nhưng tàn bạo theo nhiều cách, và gây ám ảnh như một thứ định mệnh khắc nghiệt trên cuộc đời của những người lính còn sống trở về, những người chưa bị tử thần chiến tranh điểm danh nói chung, một thứ định mệnh khiến không ai có cách nào thoát ra khỏi nó. Tác phẩm để đời của Bảo Ninh, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, rất tiêu biểu cho cách “viết chiến tranh” như vậy. Và nó tiêu biểu đến mức gần như thu hết mọi sự chú ý vào mình, khiến nhiều tác phẩm khác, dù xuất sắc, vẫn ít nhiều bị rơi vào những quầng lặng nào đó. Tôi muốn nói đến một số truyện ngắn “viết chiến tranh” - chính xác là “viết hậu chiến” - xuất hiện trong các cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội kể từ năm 1987, như: Vùng biển thẳm của Trần Quốc Huấn, Trên mái nhà người phụ nữ của Dạ Ngân, Chạy trốn của Phạm Ngọc Tiến, Bí mật cuốn gia phả của Vũ Xuân Tửu, Tiếng chuông trôi trên sông của Vũ Hồng, Âm thanh của kí ức của Doãn Dũng... Lấy ví dụ truyện ngắn Vùng biển thẳm của Trần Quốc Huấn. Đây là tác phẩm thể hiện tay nghề cao cường của người viết: một chiến lược viết khôn khéo và một khả năng làm chủ hoàn toàn chiến lược viết đặt ra. Thoạt đầu là truyện kể về anh Phái, cán bộ một viện nghiên cứu ở Hà Nội, người hiền lành tốt tính, được vợ nuôi, cả việc cơ quan lẫn việc nhà đều không phải chịu thúc ép bận bịu gì nên lúc nào cũng nhàn nhã rong chơi mơ mộng, mặc kệ thiên hạ chật vật bấn loạn với những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Lối kể nhẩn nha thoáng chút hài hước giễu cợt vừa dựng lên được chân dung một anh “Phái mải chơi”, vừa phác họa nhanh được khuôn mặt đời sống xã hội đầy khó khăn và cũng lắm bi hài trong những năm sau chiến tranh. Nhưng truyện kể không dừng lại ở đấy, tác giả để cho Phái gặp lại Nghị, bạn chiến đấu cũ, nghe đủ loại chuyện đời từ một anh nhà báo tinh nhanh, trong đó có chuyện về một người phụ nữ “giống hệt Ngàn”, cô dân quân mà Phái từng nắm tay một lần trong đêm ở cái vùng biển thẳm, nơi đơn vị pháo binh của anh đóng quân, sau đêm đó thì anh bị thương nặng, phải chuyển đi. Lời nói vô tình của bạn đã làm dội về cả một quá khứ chiến trận, khiến anh “Phái mải chơi” chấn động, nhức nhối, âm thầm bỏ nhà ra đi với chiếc áo bộ đội lâu nay vẫn nhét kĩ trong ba lô con cóc, đến vùng biển thẳm năm nào. Hành động tưởng như bất thường ấy thực ra đã được tác giả gián tiếp cắt nghĩa từ trước, qua câu chuyện “huyên thuyên” mà Nghị kể với Phái, về loài hải âu chết trong lồng tại các vườn bách thú chỉ vì thiếu chất muối trong thức ăn. Cho dẫu ở cuối truyện, khi nhà văn cố tình lập lờ nước đôi bằng cách để Nghị coi nhẹ câu chuyện “huyên thuyên” này, thì cái sức mạnh cắt nghĩa vẫn được kết nối, và ý nghĩa của nó vẫn bừng lên, kì lạ: Kí ức chiến tranh chính là chất muối với những người lính đã trải mình trong trận mạc. Nó ngấm vào họ, không tẩy được, nhưng nó cần cho cuộc đời còn lại của họ như là một chất sống, như là thứ mà họ sẽ đờ đẫn không còn là mình nếu lỡ lãng quên.

Truyện ngắn Chạy trốn của Phạm Ngọc Tiến cũng nói về chất muối kí ức chiến tranh trong những người cựu binh, nhưng lại không phải một chất muối sống, mà là chất muối cường toan có sức ăn mòn tất cả ý nghĩ tốt đẹp và thái độ hòa nhập tích cực của họ với đồng loại, với cuộc đời. Truyện mở ra bằng những trang miêu tả con lợn đực khỏe mạnh, chuyên nhận sứ mạng vinh quang là đi lai tạo giống nòi khắp nơi để nuôi người chủ của nó: Hoán, bộ đội phục viên, bị vợ phản bội, thất chí bỏ quê ra thành phố. Hoán sống cô độc, khắc khổ, lạnh lùng, chỉ lấy con lợn chuyên đi gây giống làm bạn, chính là bởi cái sang chấn tâm lí khi xuất ngũ về làng và biết mình bị vợ bỏ - lúc anh vừa hết chiến tranh giải phóng miền Nam đã ngay lập tức cùng đơn vị tiếp tục chiến đấu ở biên giới Tây Nam - để đi theo một gã đàn ông giàu có ở thành phố. Chuyện ấy cũng là chuyện thường gặp ở đời, nhưng Hoán không thể chịu đựng nổi, vì Lài, vợ anh, chính là nữ chiến sĩ giao liên anh gặp ở chiến trường B2 lúc bị lạc đơn vị và bị cơn sốt rừng quật xuống sau ba ngày lặn lội nhịn đói nhịn khát. Hai người đã trao thân giao ước với nhau trong cái hoàn cảnh sinh tử thách thức tột độ như vậy, một hoàn cảnh anh hùng tưởng không gì có thể làm xây xước được, rốt cuộc lại bị tan tành bởi một lí do rất tầm thường của hoàn cảnh đời thường. Nhưng bi kịch chưa hết, khi nhận lời về làm công cho gã chủ trại lợn giàu có và khôn ngoan tên Lanh, Hoán đã gặp lại vợ cũ của mình, nay là vợ của Lanh. Hai người ăn ngủ với nhau, sáng dậy bị Lanh bắt gặp và nhận lấy một từ cụt lủn phào ra từ cuống họng của hắn: “Súc vật!” Cái từ “súc vật” mang nghĩa nhục mạ nặng nề này cũng chính là từ khóa khiến Hoán bừng tỉnh: “Súc vật. Hoán đã từng nhiều năm ở chiến trường oanh liệt. Hoán đã từng được sống đẹp đẽ. Vậy mà mất hết. Vì cái gì? Hoán trân mắt hết nhìn Lanh lại nhìn Lài. Không một mảy may căm giận, không một mảy may xót xa. Hoán có cảm giác như người vừa trả xong món nợ.” Và rồi: “Hoán chạy thục mạng ngược lại hành trình đôi bạn vẫn đi vào thành phố kiếm ăn. Từ hôm ấy mọi người không ai còn thấy Hoán nữa.” Sự trừng phạt đã tìm được đúng tội lỗi mà nó phải trừng phạt, thứ tội lỗi sinh ra từ định kiến thù hận giữa con người với con người, mà xét cho cùng, cũng là sinh ra từ một tình huống ngẫu nhiên trong chiến tranh, do chiến tranh mà có. Truyện ngắn buốt lạnh, đầy những chi tiết dữ dội và không khoan nhượng của Phạm Ngọc Tiến đã khiến người đọc thêm một lần nữa thấy được cái dư chấn chiến tranh vẫn âm ỉ khủng khiếp đến thế nào trong dài dặc thời gian.

Nhưng không phải toàn bộ các tác phẩm “viết chiến tranh” dự thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội kể từ năm 1987 đều theo cùng một “tông” giọng như vậy. Kí ức chiến tranh có thể sống lại với người viết bằng những câu chuyện cảm động về tình thương, tình yêu, lòng nhân ái và sự đùm bọc giữa con người với con người, những câu chuyện gây lửa ấm như Thời gian lặng lẽ của Dương Tử Giang, những câu chuyện tràn đầy sự lãng mạn lính trẻ như Hồi ức của một binh nhì của Nguyễn Thế Tường... Tuy nhiên điều cần phải nhấn mạnh ở đây là, “viết chiến tranh” chỉ là một trong những dòng chủ lưu của các tác phẩm dự thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội mà thôi. Tờ tạp chí văn nghệ của “nhà binh” trên thực tế đã dành một dư địa rộng không kém cho các truyện ngắn khai thác đời sống xã hội dân sự ở thời bình, thời “kinh tế thị trường và hội nhập” đương đại với sục sôi bộn bề những tầng vỉa, những giao diện, những ngóc ngách, những chuyển mình trong các quan hệ người và trong thế giới tình cảm, tư tưởng, tâm linh của mỗi người. Nhiều truyện ngắn vào loại “dữ dội” nhất - cái dữ dội của đời thường muôn mặt - đã xuất hiện lần đầu tiên ở đây, gây chấn động và mang đến danh vị văn chương rất đáng kể cho người viết: Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều, Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban, Gió mưa gửi lại của Thùy Linh, Mười lăm năm mưa xói của Trần Đức Tiến, Sau những mùa trăng của Đỗ Bích Thúy, Giữa cơn mưa trắng xóa của Niê Thanh Mai... là những ví dụ tiêu biểu. Đọc liền mạch những truyện ngắn này trong một khoảng thời gian tập trung nhất có thể, cá nhân tôi thấy “ngợp”. “Ngợp” bởi sự phong nhiêu kì lạ về các chủ đề được khai thác, các giọng điệu được cất lên, các kiểu loại nhân vật được xây dựng, các không gian nghệ thuật được kiến tạo, các ý nghĩa nội dung có thể được diễn giải. Mỗi truyện ngắn ở đây là một thế giới tự trị. Nhưng khi gộp lại trong tổng thể, chúng như vỡ ra, liên kết với nhau để tạo thành một thế giới chung vô cùng đa sắc, một thế giới mà các hướng nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn nói chung và phê bình văn chương nói riêng đều có thể dự phần để lấy tài liệu cho mình: sinh thái học, nữ quyền luận, tâm lí học hành vi, cá nhân và các cấm kị đạo đức xã hội, toàn cầu hóa và vấn đề bản sắc của các nền văn hóa dân tộc/ tộc người... Và ở cái tổng thể tác phẩm ấy, trên hết, vẫn là câu chuyện về cuộc đấu tranh dai dẳng, đầy những bi kịch - cả với tha nhân và với tự ngã - để bảo vệ và khẳng định phẩm tính người trong một thế giới luôn luôn biến động, luôn luôn giương sẵn những cái bẫy để vồ chụp và thủ tiêu phẩm tính người.

Tất cả những hiệu quả trên sự đọc nói trên - có lẽ tôi còn chưa nhận ra để phân tích cho thật đầy đủ - theo thời gian, là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của những cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức. Lửa từ những cuộc thi ấy đã và vẫn đang tiếp tục cháy, tiếp tục mới trên dòng vận động không ngừng của văn chương Việt Nam đương đại...

H.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)