Nghệ thuật đứng về phía nước mắt

Thứ Bảy, 29/04/2023 00:14

. LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
 

Họa sĩ Bửu Chỉ (1948 - 2002) sinh trưởng trong một gia đình hoàng tộc, trí thức. Ông có tài năng thiên phú về hội họa, mặc dù tự học vẽ là chính nhưng sức sáng tạo khiến người ta phải kinh ngạc. Người trai trẻ Bửu Chỉ đã dấn thân vào cuộc đấu tranh trong phong trào sinh viên Huế (từ 1968) khi còn là sinh viên Khoa Luật của Đại học Huế. Ông đã tạo dựng slogan sáng tác với tiêu chí nghệ thuật đứng về phía nước mắt. Trong vai trò Tổng Thư kí Hội Sinh viên sáng tác Huế, họa sĩ Bửu Chỉ đã vẽ bộ tranh Tiếng thét từ lòng đất gây rúng động tinh thần đấu tranh của thanh niên sinh viên. Bộ tranh này và những tác phẩm trong tù của Bửu Chỉ trở thành di sản nghệ thuật cách mạng quý báu mang khí phách Huế mãnh liệt và bất khuất.

Với lí tưởng “nghệ thuật đứng về phía nước mắt”, tranh của Bửu Chỉ gây sự phẫn nộ, căm thù giặc Mĩ và cuộc chiến tranh phi nghĩa rất sâu sắc trong cộng đồng. Tranh của Bửu Chỉ đã cùng với âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn có sức cộng hưởng âm vang. Bửu Chỉ bị bắt trong chiến dịch Bình minh năm 1972 của chế độ cũ cùng với nhiều thủ lĩnh phong trào đô thị, các cán bộ chủ chốt của các đoàn thể nhân dân và học sinh sinh viên Huế. Ông bị kết tội chống quân lệnh, nhận án 5 năm tù giam.

Vừa mới vào trại giam, một tên mật vụ đã lân lê trò chuyện cùng Bửu Chỉ hòng thực hiện mưu đồ riêng. Ông chửi vào mặt hắn:

- Tau chỉ nói chuyện với nhân dân tau, tau không nói chuyện với mi!

Tranh sáng tác năm 1973 của hoạ sĩ Bửu Chỉ tại trại giam Chí Hoà

Khí phách Bửu Chỉ được trả giá bằng một trận đòn nhừ tử. Sau đó, việc họa sĩ bị giam ở đâu thì không một ai rõ. Các bạn bè trong phong trào sinh viên đã nghĩ ra một kế hay. Nhờ những mối quan hệ, họ đưa bản cáo phó về Bửu Chỉ và một đồng đội nữa bị hại chết trong nhà giam và được hàng chục hội đoàn yêu nước ở miền Nam đồng loạt đăng phân ưu trên nhiều tờ báo. Sự việc ngày càng lớn hơn khi cả đài Tiếng nói Việt Nam, đài Phát thanh Giải phóng đều có bài bình luận về cái chết của hai người. Gia đình tưởng hoạ sĩ Bửu Chỉ chết thật nên đã để tang. Giới sinh viên bàng hoàng xúc động, nhiều nơi tổ chức truy điệu ông. Dư luận ngày càng phẫn nộ, buộc chính quyền cũ phải lên đài Phát thanh Huế đính chính và công bố nơi giam giữ. Từ đó, việc thăm nuôi diễn ra dễ dàng hơn.

Nhà tù như một lò tôi luyện ý chí sáng tạo nghệ thuật cách mạng của Bửu Chỉ ngày càng thêm mãnh liệt. Với mọi phương tiện trong tay, Bửu Chỉ vẽ tranh rồi gửi ra ngoài. Những bức tranh bút sắt và mực nho của Bửu Chỉ thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất và kiên cường của các chiến sĩ Huế. Hàng chục tác phẩm được đưa lên tranh cổ động tuyên truyền cách mạng và in trên báo Mặt trận giải phóng. Ông để lại một tập tranh vẽ dữ dội trên các mảnh giấy tố cáo chế độ lao tù, những cánh cửa ngục tù, những bàn tay bị xiềng xích cùng nhau đoàn kết hay những bàn tay bẻ gãy xiềng xích, cùng nhân dân kêu đòi cơm áo, tự do, hòa bình. Những tác phẩm gây tiếng vang có thể kể: Ta phải thấy mặt trời, Một tuổi thơ chưa kịp lớn, Mẹ hòa bình, Hãy cùng bay lên với khát vọng, Bầy quạ chiến tranh, Người nữ tù ... Tranh của Bửu Chỉ tạo nên sự phấn khích mạnh mẽ. Bọn cai ngục được lệnh tra tấn họa sĩ rất dã man, hiểm nhất là đánh vào hai bàn tay khiến một thời gian dài ông không vẽ tranh được. Bửu Chỉ ở đâu cũng khuấy động phong trào đấu tranh và gây náo loạn trong tù. Chính quyền cũ đã phải di chuyển ông qua nhiều nhà giam và cuối cùng ông bị biệt giam tại Tiền Giang (Mỹ Tho) cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975). Sau này, Bửu Chỉ trở thành họa sĩ nổi tiếng, được các nhà sưu tập tranh từ khắp nơi trên thế giới biết đến. Ông cũng thường xuyên được chủ nhân các gallery tầm cỡ ở Hong Kong, Singapore, Paris… liên hệ để sưu tầm tranh.

Tranh của hoạ sĩ Bửu Chỉ trên bìa một tài liệu tranh đấu cho từ chính trị tạih miền Nam vào đầu thập niện 1970

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - một người bạn của Bửu Chỉ - đánh giá rằng: “Họa sĩ Bửu Chỉ gần như là người duy nhất vẽ rất nhiều về đề tài chiến tranh và hòa bình. Anh nổi tiếng vào thời ấy với những tranh nhỏ trên giấy vẽ bằng bút sắt với mực đen. Tranh anh được in trên các tạp chí nước ngoài và gây được một dư luận rộng rãi.” Sinh thời, Bửu Chỉ cho rằng thời điểm trước 1975 ông sáng tác rất nhiều tranh bút sắt với mực nho. Đó là những bức tranh của khát vọng và kêu đòi, nhằm tác động tức thời vào xã hội. Sau 1975, ông sáng tác nhiều tranh sơn dầu chứa đựng những khát vọng, khắc khoải, dằn vặt của ông về cuộc sống, nhưng trong trầm lặng và tĩnh mịch. Ông cũng lựa chọn sự tự do, tập trung vào lao động nghệ thuật, không màng chức tước, danh lợi. Như ông từng bộc bạch là “tìm một cách sống nghiêm túc, bằng chính cây cọ của mình”.

L.V.T.G

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)