Sự tái tạo “xứ Đoài mây trắng” trong ca khúc Đôi mắt người Sơn Tây của Phạm Đình Chương

Thứ Hai, 17/04/2023 00:23

. NGUYỄN THỊ KIM NHẠN
 

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?

Đó là những câu thơ nổi tiếng trong thi phẩm Mắt người Sơn Tây của nhà thơ Quang Dũng, sáng tác năm 1949. Từ bài thơ này và rất nhiều vần thơ viết trong niềm hoài nhớ vùng đất Sơn Tây, quê hương của tác giả, “xứ Đoài mây trắng” đã trở thành một biểu tượng nghệ thuật quan trọng, làm nên nét riêng biệt của thơ Quang Dũng.

Phạm Đình Chương (14/11/1929 - 22/8/1991) là một trong những nhạc sĩ nổi bật của nền tân nhạc Việt Nam. Ông sinh ra tại phố Bạch Mai, Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống văn chương nghệ thuật. Sinh ra tại Hà Nội, nhưng Phạm Đình Chương luôn tự nhận mình là người Sơn Tây bởi Sơn Tây chính là quê mẹ của ông. Trong những năm tháng tuổi thơ, mỗi dịp hè, nhà thơ thường về quê ngoại, tận hưởng không khí thôn dã đặc trưng của xứ Đoài. Như thế, tình đồng hương và sự chia sẻ kí ức chung về xứ Đoài mơ mộng chính là xuất phát điểm cho mối đồng điệu giữa những người đồng hương, đồng lứa.

Đôi mắt người Sơn Tây được phổ nhạc từ hai bài thơ Đôi bờ Mắt người Sơn Tây của Quang Dũng. Bản thân hai bài thơ có sự kết nối rất sâu sắc với nhau: âm hưởng buồn bã, u uẩn của nỗi lòng người li hương. Cặp đôi “em” - “tôi” trong hai tác phẩm đều là những cánh chim bé nhỏ trên bầu trời lưu lạc, gặp nhau vội vã trên bước đường rồi lại chia xa. Bối cảnh đó gợi những cảm xúc chất ngất về “xứ Đoài mây trắng” - vùng kí ức chung vời vợi xa xôi của hai người, nhưng cũng gợi ra cái mong manh của thân phận con người trong vòng xoáy chiến tranh. Bởi vậy, cả hai bài thơ đều toát ra ý vị vừa lãng mạn, vừa thê lương, u uẩn của mối tình riêng hòa trong nỗi bi thương chung của dân tộc. Đó có lẽ là lí do khiến Phạm Đình Chương kết hợp lời của hai bài thơ để tạo nên Đôi mắt người Sơn Tây.

Khi chuyển thể thành nhạc phẩm, Phạm Đình Chương bảo tồn gần như nguyên vẹn tinh thần của cả hai bài thơ. Âm điệu sầu khôn khuây trong thi phẩm đã được tái tạo trong giai điệu da diết chung của bản nhạc với cung đô thứ - tức cung nhạc buồn, u uẩn; nhịp chậm rãi, tha thiết. Ông giữ lại nguyên vẹn những câu thơ hay nhất của Quang Dũng, nhất là những câu thơ gợi ra cái hồn xứ Đoài trong cảm thức li hương, đồng thời biến đổi, đảo thứ tự một số chỗ để phù hợp với nhạc điệu và thể hiện sự sáng tạo của mình.

Trước hết, bài hát đã đẩy lùi “xứ Đoài” về quá khứ xa xưa, không gian xa xăm. Điều này thể hiện rõ nhất trong đoạn đầu tiên, Phạm Đình Chương phổ từ 4 câu thơ đầu của Đôi bờ: Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai/ Sông xa từng lớp lớp mưa dài/ Mắt em, ôi mắt em xưa có sầu cô quạnh/ Khi chớm thu về, khi chớm thu về một sớm mai. Theo Quỳnh Giao, một ca sĩ đã từng hát thành công Đôi mắt người Sơn Tây, đoạn đầu tiên được hát với giọng luyến lento và cách thể hiện ad libitum, tức là hát tự do, không cần nhịp. Hai câu thơ đầu, Phạm Đình Chương giữ nguyên câu thơ của Quang Dũng. Bản thân câu thơ “Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai” đã đầy ắp tính nhạc khi mô phỏng tiếng lòng ngân nga, tha thiết. Khi chuyển thành câu hát, ca sĩ sẽ hát bằng giọng ngân ở quãng cao để truyền tải nỗi nhớ vang vọng nhưng quạnh quẽ, xa xôi, nhất là cái xa xôi ấy lại bị ngăn cách bởi không gian bát ngát muôn trùng “Sông xa từng lớp lớp mưa dài”. Chính giọng ad libitum tự do đã giúp cho người nghệ sĩ thể hiện hết âm vực của mình khi diễn tả nỗi nhớ triền miên, vang vọng, thấu động của người li hương, do đó lay động tâm can thính giả ngay từ phút giây đầu tiên. Cái vang vọng, xa vời ở hai câu đầu cũng rất phù hợp với việc diễn tả nỗi buồn quá vãng mà bài hát sẽ gợi ra ở những câu sau: Mắt em, ôi mắt em xưa có sầu cô quạnh/ Khi chớm thu về, khi chớm thu về một sớm mai. Đây chính là chỗ Phạm Đình Chương biến đổi câu thơ Quang Dũng. Để tạo giọng điệu tha thiết, nhạc sĩ đã sử dụng phép điệp ngữ để tạo độ ngân nga, da diết cho câu hát. Sự láy đi láy lại của hình ảnh “mắt em”, “chớm thu” khiến con người xứ Đoài hiện lên với một vẻ vừa khắc khoải vừa da diết. Đằng sau đó chính là nỗi lòng đắm đuối của người ra đi.

Nhưng đáng chú ý nhất của câu hát có lẽ là chữ “xưa”, điểm sáng tạo của Phạm Đình Chương: “Mắt em, ôi mắt em xưa có sầu cô quạnh”. Chữ “xưa” đã đẩy tất cả niềm nhớ trở về thời quá vãng xa xôi bất định. Trong bài thơ Đôi bờ, Quang Dũng cũng gợi cái xa xưa ở khổ thơ thứ 3: Khói thuốc xanh dòng xanh lối xưa/ Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ/ Thoáng hiện em về trong đáy cốc/ Nói cười như chuyện một đêm mơ. Cái “lối xưa” trong thơ Quang Dũng là quá vãng tươi đẹp, khi chiến tranh chưa xảy đến, khi đôi lứa chưa bị cắt lìa. Còn ở khổ thơ thứ nhất, đó vẫn là tiếng gọi thương nhớ của hiện tại. Trong thơ Quang Dũng, những chia xa, những lưu lạc là của hiện tại, những hoang tàn đổ nát cũng là của hiện tại. Nhưng với Phạm Đình Chương, một người đã đi xa đất Bắc 18 năm cho đến thời điểm phổ nhạc, bằng cái nhìn của một người lưu lạc lâu năm, ông đã đẩy những cắt lìa hiện tại của thơ Quang Dũng vào quá khứ không cùng, khiến cho “mắt em” cùng với cố hương đều trở nên hun hút, diệu vợi.

Cùng với việc xa xưa hóa những gì của quá khứ, Phạm Đình Chương còn làm mờ nhòa không gian cảnh quan, khiến tất cả những gì thuộc về xứ Đoài đều trở nên xa xăm, mịt mờ: Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều luân lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây/ Buồn viễn xứ khôn khuây. Trong bài thơ của Quang Dũng, tiếp nối Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều luân lạc là Thương vườn ruộng khôn khuây. Niềm “thương” của Quang Dũng gắn với cái cụ thể “vườn ruộng”, cái ngày xưa hiền hòa, êm ấm nay bị chiến tranh vùi dập không tiếc thương. Khi chuyển vào bài hát, Phạm Đình Chương có lẽ do sinh ra tại phố thị (Hà Nội) nên những ấn tượng về “ruộng vườn” không thể máu thịt như với Quang Dũng. Thay vào đó, cái nhìn của người ra đi trong tình thế không thể trở về khiến nhạc sĩ hình dung về một xứ Đoài xa xăm, đăm đắm Buồn viễn xứ khôn khuây/ Buồn viễn xứ khôn khuây. Bằng cách láy đi láy lại nỗi “buồn viễn xứ” trong trạng thái thường trực da diết “khôn khuây”, nhạc sĩ đã hóa giải tính cụ thể, có thể đo đếm, cảm nhận bằng các giác quan thông thường, để một lần nữa, đưa một xứ Đoài cụ thể, vẫn có thể cảm nhận bằng tri giác, trong thơ Quang Dũng thành một phương trời không xác thực, một ý niệm mơ hồ, một nơi chốn vĩnh viễn của trí tưởng, nơi kẻ tha hương không có cơ hội trở về.

Xa xôi hóa, xa xưa hóa những hiện hữu của quá khứ, đó phải chăng trở thành phức cảm tâm lí phổ biến của những người li hương. Chúng ta bắt gặp rất nhiều trong văn chương và âm nhạc của lớp người nghệ sĩ gốc Bắc di cư vào Nam cùng thời với Phạm Đình Chương. Đó là một giấc mơ hư huyễn nay đã thành quá vãng “Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi” của Cung Tiến (Hương xưa), là nỗi hoài vọng Ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi/ Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ của Anh Bằng (Nỗi lòng người ra đi), hay những não nùng tê tái khi Hướng về thành phố xa xưa/ Mắt buồn lồng những đêm mưa/ Não nùng mây gió đong đưa của nhạc sĩ Hoàng Dương (Hướng về Hà Nội)…

Vậy điều gì làm nên cảm giác về sự xa xưa ấy, từ Cung Tiến, Anh Bằng, Hoàng Dương hay Phạm Đình Chương? Theo tôi, chính hoàn cảnh lưu lạc, sự chia cắt Bắc - Nam, tình thế không thể trở về đã khiến người ra đi có cái nhìn xa xưa hóa, mờ nhòe hóa không gian, cảnh quan, con người của quá khứ. “Em” của “thành Sơn”, “cung đàn êm ái”, “Thăng Long”, “Hà Nội” hay những mơ mộng đã qua đều được đẩy đến tận cùng trục thời gian, khiến những đối tượng thương nhớ như ở một cõi nào đó xa xôi, ở một thời nào đó xa lắc, không thể chạm tay, không thể với tới được nữa. Sự ngăn cách ở đây không đơn thuần là ngăn cách không gian như hiện thực biệt li trong thơ Quang Dũng mà đã trở thành “nghìn trùng xa cách” (Tình hoài hương - Phạm Duy) trong một tình thế không thể hàn gắn.

Trở lại với bài hát Đôi mắt người Sơn Tây của Phạm Đình Chương, khi phổ thơ Quang Dũng, ông không chỉ kéo dài, xa xưa hóa, mờ nhòa hóa cái quá khứ mà còn mở rộng hóa phạm vi của không gian xứ Đoài, nâng lên thành biểu tượng về “quê hương”, “đất mẹ”. Một mặt, Phạm Đình Chương giữ nguyên những hình ảnh gợi nên không gian xứ Đoài mà Quang Dũng đã khắc họa rất thành công trong thơ, chẳng hạn: Tôi từ chinh chiến đã ra đi/ Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì/ Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc, Sài Sơn, Bương Cấn mãi u buồn, Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm… Nhờ việc giữ lại gần như vẹn nguyên những câu thơ miêu tả xứ Đoài, bài hát đã truyền tải được cái hồn cốt của vùng đất. Giữ lại những địa danh cụ thể (Sơn Tây, Sài Sơn, Bương Cấn, Ba Vì, sông Đáy) tức là giữ lại những nơi chốn cụ thể, vừa là vùng kí ức chung của “em” và “tôi” trong thơ Quang Dũng, vừa là vùng gặp gỡ của Quang Dũng và Phạm Đình Chương. Nhưng điều đáng lưu ý là, sau khi điểm lại tất cả những địa danh cụ thể ấy, Phạm Đình Chương nâng chúng lên thành không gian mang tính khái quát: Em hãy cùng ta mơ/ Mơ một ngày đất mẹ/ Ngày bóng dáng quê hương/ Đường hoa khô dấu lệ. “Đất mẹ” vừa chỉ nơi chôn rau cắt rốn, nơi gắn bó với tuổi thơ, với những kí ức về người thân máu mủ ruột rà nhưng đồng thời lại mang ý nghĩa rộng hơn để chỉ quê hương, đất nước nói chung. Trong đoạn tiếp theo, Phạm Đình Chương sử dụng một biểu tượng khác - “non nước”: Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Non nước u hoài, non nước hao gầy, ngày chia tay. Từ việc giữ nguyên những từ chỉ địa danh đến chỗ dùng các từ ngữ thay thế mang ý nghĩa rộng lớn hơn, khái quát hơn như “đất mẹ”, “quê hương”, “non nước”, Phạm Đình Chương đã coi xứ Đoài là biểu tượng của dân tộc. Và vì thế, tình cảnh đau thương, u buồn của xứ Đoài cũng chính là tình cảnh u buồn của quê hương xứ sở; nỗi biệt li, xa cách của những người đồng hương xứ Đoài cũng chính là nỗi biệt li, xa cách của hàng triệu người con trên đất nước Việt Nam. Khi Phạm Đình Chương phổ nhạc cho bài hát, đất nước vẫn còn trong khói lửa, Bắc - Nam vẫn chìm trong đao binh, hàng triệu người vẫn phải xa xứ không thể hẹn ngày trở về. Những đôi mắt “u uẩn chiều luân lạc”, vầng trán “dìu dịu buồn Tây Phương”, những “xác già nua ngập cánh đồng”, những “xác trẻ trôi sông”, những “điêu tàn thôi lại nối điêu tàn” trong thơ Quang Dũng những ngày đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn là thực tại đang diễn ra, hàng ngày hàng giờ trên đất nước, khiến cho “non nước” thêm “u hoài”, thêm “hao gầy” bởi cuộc trường chinh đằng đẵng ấy. Bằng cách dùng biểu tượng “đất mẹ”, “non nước”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã nối dài hiện thực, mở rộng không gian, phổ quát hóa trong cái nhìn quê hương xứ sở, đưa một bài thơ thời kháng chiến chống Pháp (của Quang Dũng) tiệm cận với nỗi đau của con người thời đất nước phân chia Nam - Bắc những năm 1960, 1970. Đằng sau những biểu tượng về non nước đó còn là khát vọng về một Việt Nam thống nhất, thanh bình.

Không chỉ tái tạo không gian, thời gian tâm tưởng về xứ Đoài, Phạm Đình Chương còn nhấn mạnh cảm giác thiếu vắng quê hương của con người xứ Đoài. Trong bài thơ Mắt người Sơn Tây, cả “em” và “tôi” đều ở trong tình thế li biệt với quê nhà, nhưng cái li biệt ấy là li biệt về địa lí: Em ở thành Sơn chạy giặc về/ Tôi từ chinh chiến cũng ra đi. Chuyển vào trong bài hát, Phạm Đình Chương đã đẩy những xa cách thành vấn đề của thân phận: Em vì chinh chiến thiếu quê hương/ Sài Sơn, Bương Cấn mãi u buồn. “Thiếu quê hương” (hay “tha hương” mà ông sử dụng trong bài hát Xuân tha hương) là không được sống đủ đầy với quê hương, là bị dứt khỏi nơi chôn rau cắt rốn, là không thể xác lập sự kết nối bền chặt với quê nhà. Câu hát này khắc sâu hơn nữa tình thế lưu lạc, vất vưởng, côi cút, thiếu thốn tình quê của người xa xứ, và do đó, đi rất xa so với câu thơ Quang Dũng. Có lẽ phải ở trong bối cảnh vĩnh viễn rời xa quê hương như Phạm Đình Chương, người ta mới có thể thấm thía được nỗi đau xót vì “thiếu quê hương” ấy.

Lưu lạc, hoang tàn vì chiến tranh, đó là xuất phát điểm cho một giấc mơ hoan ca mà chúng ta thấy cả ở trong thơ và nhạc. Trong bài thơ của Quang Dũng, khổ cuối cùng là một ước nguyện: Bao giờ tôi gặp em lần nữa/ Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca/ Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ/ Còn có bao giờ em nhớ ta? Nếu những câu thơ kết của bài thơ là một phỏng đoán, một giả định “chắc đã thanh bình rộn tiếng ca” thể hện niềm tin về ngày cuộc kháng chiến thắng lợi thì Phạm Đình Chương lại để nhân vật vẽ ra một giấc mơ: Em hãy cùng ta mơ/ Mơ một ngày đất mẹ/ Ngày bóng dáng quê hương/ Đường hoa khô ráo lệ. Phạm Đình Chương mượn ý thơ của Quang Dũng “đá ong khô nhiều suối lệ” để nói lên khát vọng hòa bình “đường hoa khô ráo lệ”. Dùng giấc mơ để nói lên khát vọng sum vầy, đó cũng là tín hiệu thường thấy trong âm nhạc của lớp người li hương: Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ/ Dù đã quên lời hẹn hò/ Thời hoàng kim xa quá chìm trong phôi pha/ Chờ đến bao giờ tái sinh cho người (Hương xưa - Cung Tiến); Sài Gòn ơi, mộng với tay cao hơn trời/ Tôi hái hoa tiên cho đời để giấc mơ vẫn đẹp tươi (Nỗi lòng người ra đi - Anh Bằng)… Nhưng mặt khác, dùng giấc mơ để nói đến tương lai cũng ngầm cho thấy thanh bình chỉ là một viễn cảnh, không biết đến khi nào thành sự thật. Chính bởi thế, thay vì khép lại tác phẩm ở một giả định vào tương lai thanh bình, ở nỗi khắc khoải trong tình yêu “còn có bao giờ em nhớ ta” như Quang Dũng, bài hát Đôi mắt người Sơn Tây khép lại bằng nỗi buồn viễn xứ: Đôi mắt người Sơn Tây/ Đôi mắt người Sơn Tây/ Buồn viễn xứ khôn khuây… Ba câu kết của bài hát có âm điệu cao vút. Chữ “khuây” được ngân trên bốn ô nhịp, khi hát lên sẽ tạo âm vang vọng không dứt, cũng giống như nỗi buồn viễn xứ luôn nhức nhối, dai dẳng, không bao giờ lắng dịu. Bài hát, do vậy, vừa là bài tình ca, vừa mang âm hưởng của bi ca.

Như vậy, thông qua bài hát Đôi mắt người Sơn Tây, Phạm Đình Chương trước hết thể hiện mối đồng cảm sâu sắc của mình đối với Quang Dũng trong nỗi niềm li hương. Nhạc sĩ đã làm sống lại một tình thế, một bối cảnh, một tâm tình, một ước nguyện trong thơ qua âm nhạc. Phổ nhạc trong tình thế lưu lạc không hẹn ngày trở về, Phạm Đình Chương đã tái tạo hình ảnh xứ Đoài với độ mờ nhòe của không - thời gian, khắc sâu hơn nỗi sầu xa xứ so với câu thơ Quang Dũng. Bằng cách đó, ông không chỉ góp phần khiến tên tuổi Quang Dũng phổ biến hơn với công chúng miền Nam, mà điều quan trọng là đã khiến tác phẩm thấu động tâm can con người, ở nhiều thế hệ xa xứ khác nhau, ở những nguyên do và bối cảnh li hương khác nhau.

N.T.K.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)