Văn hoá đối ngoại Hồ Chí Minh – Tư tưởng đi trước thời đại

Thứ Năm, 04/05/2023 08:17

. Trần Minh Tuyết

 

Truyền thống văn chương người Việt về ngoại giao thể hiện ở mảng thơ đi sứ và các câu đối đáp với vua quan hoặc sứ thần nước ngoài. Những câu Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng tới nay rêu đã xanh) đầy ý đồ bành trướng được đối lại, khảng khái, tự hào là Đằng giang tự cổ huyết do hồng (Sông Đằng từ x­ưa máu còn đỏ) (1) sẽ sống mãi cùng lịch sử nhắc nhở mọi người ý thức sâu sắc hơn về tinh thần tự chủ, bản lĩnh, quyết tâm giữ vững chủ quyền dân tộc. Bài viết xin đề cập tới một biểu hiện sinh động về kế thừa di sản văn hoá ngoại giao của cha ông ta trong văn thơ Hồ Chí Minh. Cũng giới hạn đối tượng nghiên cứu là do văn thơ của Người về ngoại giao rất nhiều, do vậy mà bài viết chỉ đi sâu vào công tác đối ngoại.

Trước hết cần xác định quan điểm tư tưởng chi phối văn hoá đối ngoại của Hồ Chí Minh là gì. Có thể coi đây là vấn đề mục tiêu đối ngoại trong tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao.

Sinh thời Người có một ham muốn, ham muốn tột bậc là tự do, hạnh phúc cho đồng bào ta, độc lập cho Tổ quốc ta. Năm 21 tuổi Người đi tìm đường cứu nước với khát vọng cháy bỏng đó, vư­ợt qua ba đại d­ương, bốn châu lục, đặt chân tới khoảng ba m­ươi nước người đã đến được với chủ nghĩa Lê-nin. Trong quá trình tìm đến Quốc tế cộng sản chân chính, điều quan tâm nhất của Người là "quốc tế nào bênh vực nhân dân các nước thuộc địa?". Hồi Bác còn ở nước Pháp, vị quan thượng thư­ Bộ thuộc địa gặp Bác đe doạ, dụ dỗ nhưng Bác đã khảng khái: "Cái mà tôi cần nhất trên đời là: đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập…"(2). Sau này ở cương vị Chủ tịch nước Người thay mặt toàn dân ta tuyên bố với thế giới: "Nhân dân Việt Nam vĩnh viễn không để cho kẻ thù nào xâm lược nước mình, đồng thời cũng vĩnh viễn không xâm lược nước khác"(3). Người quan niệm hoà bình của một đất nước nằm trong hoà bình quốc tế: "…giữ­ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta. Vì lợi ích của nhân dân lao động khắp thế giới là nhất trí… Tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế liên hệ khăng khít với nhau. Vì lẽ đó, ta vừa ra sức kháng chiến, vừa tham gia phong trào ủng hộ hoà bình thế giới"(4). Mục đích đối ngoại của Bác Hồ có thể tóm lại trong một câu nói của chính Bác khi người lên đường sang thăm hai nước ấn Độ và Miến Điện (Myanma) vào tháng 2-1958: "Mục đích cuộc đi thăm này là thắt chặt thêm nữa tình anh em giữa nước ta với hai nước bạn ấn Độ và Miến Điện, do đó củng cố và phát triển thêm nữa mối đoàn kết giữa các dân tộc á - Phi và bảo vệ hoà bình thế giới"(5).

Đối với kẻ thù thì quan niệm của Hồ Chí Minh là "hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta phải cố gắng quét sạch nó đi", là phải quyết tâm đến cùng để bảo vệ Tổ quốc, dù có phải "đốt cháy cả dãy Trư­ờng Sơn" đi chăng nữa. Thế cho nên Người luôn chăm lo đội quân cách mạng thật sự vững mạnh: Nghĩa binh tráng khí thốn Ng­ưu Đẩu/Thệ diệt sài lang xâm lược quân (Quân ta khí mạnh nuốt Ng­ưu Đẩu/ Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy). Đấy là cách thức đối ngoại quan trọng nhất, vì một lẽ giản dị là ta có thế lực thì địch mới nể sợ ta, các bạn bè mới phục ta. Muốn mình mạnh thì phải biết kết hợp giữ vững độc lập tự chủ, tự cường với đoàn kết quốc tế. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền 1945, Người luôn chủ trương "tự giải phóng", "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Sự giúp đỡ của bạn bè là rất quan trọng nhưng điều quyết định phải là tự chúng ta, Người đã nêu ra một chân lý của thời đại: "…sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập" (6). Một chân lý cho tất cả, cho mọi người, cho mọi dân tộc, mọi thời đại.

Đối ngoại của Hồ Chí Minh thực sự nhân văn, giúp người tức là giúp mình. Tôi xin trích dẫn một bài thơ hơi dài, vì chư­a phổ biến nên xin chép lại cả bài. Bài thơ mang tên Cứu Trung Quốc thị cứu tự kỷ, được dịch là Cứu Trung Quốc là tự cứu mình. Bản dịch của Phan Văn Các:

Nhật Bản phát xít ở phương Đông/ Dã man cuồng bạo lại hung tàn/ Vào Trung Hoa gây chiến xâm l­ược/ Nhân dân Trung Quốc khổ vô cùng/ Người thì bị giết, nhà bị thiêu/ Núi đầy x­ương, đất đầy máu đỏ/ Tàu bay bom đạn tránh làm sao?/ Đói rét ốm đau, sống thật khó/ Họ đang đấu tranh rất gian khổ/ Giữ gìn dân chủ và hoà bình/ Họ đang cần có người viện trợ/ Họ đang cần được sự đồng tình/ Giặc Nhật tấn công cả thế giới/ Là kẻ thù chung cả nhân loại/ Mau đứng lên mà giúp Trung Hoa/ Anh chị em Việt Nam ta hỡi/ Ra sức giúp cho người Trung Quốc/ Trung - Việt khác nào môi với răng/ Nhớ rằng môi hở thì răng buốt/ Cứu Trung Quốc là tự cứu mình.

Xin không phân tích bài thơ vì tự nó đã toát lên tinh thần Bốn phương vô sản đều là anh em, hơn nữa nước ta và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông. Đặt nước ta trong bối cảnh lúc bấy giờ (1940) còn là nước nô lệ lầm than, ta càng thấy tấm lòng hữu ái của Bác rộng lớn, sâu sắc đến nh­ường nào. Có thể nói Bác Hồ là người đặt nền móng cho tình hữu nghị Việt - Lào đời đời bền chặt: Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt- Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. Đây là mấy câu thơ rút ra từ Lời phát biểu trong buổi lễ tiễn vua Lào ngày 13- 3- 1963 (Báo Nhân dân - số 3274, ngày 14-3-1963) thật chân tình, nó tựa vững chắc vào một bài ca dao về tình yêu của người Việt: Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu đèo cũng qua, nâng tình hữu nghị anh em Việt - Lào lên tầm biểu tượng vĩnh cửu qua cách sử dụng hình ảnh hai con sông Hồng Hà, Cửu Long muôn đời vẫn chảy qua hai nước Lào - Việt. Quan niệm giúp bạn tức là giúp mình, quan niệm tình nghĩa thuỷ chung với bạn vốn đậm đà trong tính cách người Việt Thương người như­ thể thương thân và tinh thần nhân ái trong triết lý Khổng giáo phương Đông được Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển lên một đỉnh cao mới. Tình bạn sâu sắc sẽ càng sâu sắc thêm nếu có cùng một điểm chung, một cơ sở vững chắc, một niềm tin không bao giờ thay đổi là chủ nghĩa Mác - Lênin: Tiễn đ­ưa, chẳng muốn chia tay/ Bạn về cố quốc nước mây nghìn trùng/ Cầm tay, lòng lại dặn lòng/ Cùng nhau gi­ương ngọn cờ hồng Mác -Lê (Lời phát biểu trong buổi tiễn Chủ tịch Lư­u Thiếu Kỳ, ngày 16-5-1963, Báo Nhân dân số 3337, ngày 17-5-1963). Hai câu thơ đầu mặn nồng tình cảm anh em, hai câu sau thắm tình đồng chí.

Chân thành mà đãi người, vui với niềm vui của người, lo cùng nỗi lo của người, là hiểu bạn, yêu bạn, tin bạn, hết lòng vì bạn, đấy là một trong những đặc điểm cơ bản trong đối ngoại của Bác Hồ. Tháng 1 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Nam đi Bắc Kinh, sau đó rời Bắc Kinh đi Mátxcơva, dịp này Người có bài thơ Rời Bắc Kinh (Ly Bắc Kinh): Trời Ký Bắc theo vầng trăng rọi/ Lòng theo trăng vời vợi sáng ngời/ Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa theo bạn cũ, nửa soi lữ hành (Phan Văn Các dịch). Có lẽ ai cũng thấy Bác đã tập Kiều ở hai câu cuối: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường, nhờ thủ pháp này mà ý thơ về tình bạn hữu càng thêm sâu sắc hơn, da diết hơn. Khi qua Hồ Bắc, Người có bài thơ đầy niềm vui, đầy lạc quan về nông dân Trung Quốc: Đồng ruộng khi đi đầy tuyết trắng/ Nay về lúa mạch đã xanh xanh/ Ngày mai cày máy thay cày gỗ/ức triệu nhà nông h­ưởng thái bình (Qua Hồ Bắc - Phan Văn Các dịch). Bài thơ có kết cấu đối lập, về thời gian, về màu sắc, về công cụ sản xuất để làm bật lên tràn trề một niềm tin tưởng vào hạnh phúc của con người.

Văn hoá đối ngoại Hồ Chí Minh là văn hoá vì hoà bình, phát triển, tiến bộ chung của cả nhân loại, xét đến cùng là vì con người, vì hạnh phúc của các dân tộc. Chính vì thế mà tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là di sản riêng của chúng ta mà còn là của chung cho cả thế giới này.

T.M.T

(1) Câu đối này chư­a rõ cụ thể tác giả, người thì cho là của Nguyễn Tuấn, ng­ười thì cho là của Giang Văn Minh, lại có người khẳng định là của Phùng Khắc Khoan… Chỉ biết những người này đều đi sứ sang nhà Minh, vế đối đ­ưa ra là của vua nhà Minh.

(2) Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008, tr.304.

(3) Nguyễn Duy Niên - Tư­ tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tr.3.

(4) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7. Nxb Chính trị Quốc gia 2002, tr.228.

(5) Tuyển tập văn thơ Hồ Chí Minh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2008, tr.229.

(6) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6. Sđd, tr.522.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)