Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Huỳnh Văn Nghệ

Thứ Ba, 25/04/2023 00:12

. TRẦN THỊ HỒNG HOA
 

Do yếu tố địa chính trị cùng nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, lịch sử Việt Nam là lịch sử của chiến trận và văn chương. Người Việt mưu trí, dũng cảm, anh dũng vô song trong chiến đấu với quân thù xâm lược và rất mực yêu văn chương nghệ thuật. Luôn có một sự đồng hành tương đối giữa lịch sử dựng nước và giữ nước với nền văn học dân tộc. Mỗi khi Tổ quốc gặp cơn tao loạn, khí linh sông núi, hồn thiêng dân tộc lại sản sinh ra những bậc danh tướng văn võ song toàn vừa đánh giặc cứu nước vừa để lại cho đời những áng thơ văn có giá trị như Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung... Ở thế kỉ XX, lịch sử quân sự và thơ ca Việt lại xuất hiện một nhà hoạt động cách mạng, một vị chỉ huy quân sự vừa đánh giặc vừa làm thơ: “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ. Nhắc đến Huỳnh Văn Nghệ là nhắc đến bài Nhớ Bắc nổi tiếng với những câu thơ đã đi vào tâm khảm nhiều thế hệ bạn đọc yêu thơ trên cả nước: Ai đi về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long. Tuy nhiên trong gia tài thơ đồ sộ của mình, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ không chỉ có bài Nhớ Bắc. Là một nhà thơ - chiến sĩ giác ngộ lí tưởng cách mạng từ rất sớm, Huỳnh Văn Nghệ - cũng như nhiều văn nghệ sĩ - đến với đề tài Bác Hồ một cách tự nhiên. Với ông và người dân Nam Bộ, Bác là biểu tượng của cách mạng, của niềm tin, của chiến thắng. Trong những ngày cách mạng miền Nam bùng nổ, ông cùng những chiến sĩ miền Nam luôn tự nhủ phải thực hiện nghiêm những lời Bác dạy, coi đây là kim chỉ nam hành động của mình. Và ở giữa lán trại đơn sơ, ông và các chiến sĩ hăng hái tiến hành một trong những lời Bác dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”: Thi đua là lệnh Bác/ Để kháng chiến thành công/ Muốn thi đua giết giặc/ Đại đội phải bình công (Hội nghị bình công). Cuộc bình công thi đua giết giặc theo lời Bác của các chiến sĩ chiến khu Đ anh hùng đã diễn ra một cách vui vẻ, hào hứng. Ai cũng mong chờ khi bình minh ló rạng để giết giặc lập công: Chuyện trước, sau sẽ hay/ Kể từ trận ngày mai/ Có bình công khen thưởng/ Anh em mình ráng ghi/ Cả công mình, công bạn/ Đèn tắt, lệnh giải tán/ Anh em cười vang rừng/ Mò mắc võng, giăng màn/ Vừa thách thi chiến đấu (Hội nghị bình công). Cũng được sáng tác trong giai đoạn chiến đấu ở chiến khu Đ, bài Tiếng hát quốc ca phản ánh niềm tin thiêng liêng, tuyệt đối với Bác của chiến sĩ miền Nam. Bị thương, phải phẫu thuật trong hoàn cảnh thiếu thốn trang thiết bị y tế, đặc biệt là thuốc gây mê, nhưng người chiến sĩ vẫn như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, cảm thấy đỡ đau đớn hơn khi nhìn ảnh Bác: Bác sĩ vừa cưa vừa khóc/ Chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe/ Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre/ Người chiến sĩ vẫn mê mải hát. Rõ ràng, với người thương binh ấy, tấm ảnh Bác treo trên lán quân y không phải là tấm ảnh bình thường mà ở đó chứa đựng niềm tin, tình yêu thương bao la vô bờ bến của Bác dành cho mình. Nguồn sức mạnh ấy đã giúp anh vượt qua ca phẫu thuật một cách kì diệu. Vừa xong băng bó/ Anh lịm đi/ Hồi hộp cả núi rừng/ Tiếng hát mới chịu ngưng/ Ảnh Bác Hồ như rưng rưng nước mắt.

Không chỉ đối với những người thương binh mà với toàn thể người dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng bất tử, tượng trưng cho tâm hồn, tình cảm, khí phách của dân tộc Việt Nam. Trong những năm tháng đấu tranh rực lửa, từ người già đến trẻ em, từ người tù cách mạng đến những người tự do, tất cả cùng hô vang khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm”, biến khẩu hiệu đó thành sức mạnh, dùng khẩu hiệu đó làm lời hiệu triệu tập hợp khối đoàn kết dân tộc miền Nam: Hồ Chí Minh muôn năm/ Khẩu hiệu thành tiếng sét/ Kết thúc những mít tinh/ Cũng thành lời tập hát/ Của em bé sơ sinh/ Hồ Chí Minh muôn năm/ Lời nói đi nói lại/ Khi bị giặc khảo tra/ Cũng thành trăn trối/ Khi sắp sửa lìa đời. Huỳnh Văn Nghệ đã nói lên mong muốn của mình cũng như hàng triệu đồng bào miền Nam: được gặp Bác, đón Bác vào thăm miền Nam: Chín năm trời khói lửa/ Chỉ mong có một ngày/ Bác vào thăm Nam Bộ/ Nước reo vui Đồng Nai. Trực giác mẫn cảm của một nhà thơ đã giúp ông có lời “tiên tri” chính xác đến lạ kì về việc Sài Gòn hoa lệ một ngày sẽ giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và sẽ có vinh dự lớn lao được mang tên người anh hùng vĩ đại của dân tộc: Chỉ mong có một ngày/ Thành Sài Gòn rực rỡ/ Cờ đỏ sao vàng bay/ Trên cổng thành tô lại/ Lời thề đỏ chưa phai/ Giữa lòng người Nam Bộ/ “Thành phố Hồ Chí Minh” (Hình ảnh Bác Hồ trong lòng Nam Bộ).

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn đại biểu Nam Bộ từ chiến trường miền Nam ra chiến khu Việt Bắc báo cáo với Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ về quyết định kháng chiến của đồng bào và chiến sĩ miền Nam (10/1949) Ảnh: hochiminh.vn.

Khi phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp, bảo đảm cho đất nước luôn có những “lá phổi xanh” khỏe mạnh, tươi tốt, Huỳnh Văn Nghệ đã viết bài thơ Cây thông già và anh thợ rừng, phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của người thợ rừng đang chặt phá cây xanh khi gặp một “ông già râu bạc” trong giấc mộng. Rừng Việt Nam đẹp và giàu, nhưng đã bị tàn phá nghiêm trọng trong chiến tranh: Quân thù đã phá hủy/ Hai triệu mẫu rừng xanh/ Mối thù này phải trả/ Hỡi loài người văn minh/ Đất rừng còn nhức nhối/ Hố bom khoét thân mình/ Cây dầu còn rỉ máu/ Vết đạn vẫn chưa lành. Và ngày nay rừng lại đang tiếp tục bị con người khai thác quá mức đến tận diệt, buộc phải cất lời khẩn cầu tha thiết: Rừng đang kêu cấp cứu/ Ú ớ chẳng nên lời/ Tiếng rừng nào ai hiểu/ Chỉ gió thổi, thông reo. Nhưng lời khẩn cầu ấy không làm người thợ rừng rung động, anh vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Khi mệt mỏi, thiếp đi, trong cơn mơ anh gặp một cụ ông ân cần khuyên nhủ: Lời Bác Hồ căn dặn/ Phải trồng cây, gây rừng/ Khó khăn cùng ráng chịu/ Tiêu diệt rừng sao đang. Cụ ông phân tích cho người thợ rừng tác hại của việc chặt phá rừng bừa bãi, không còn rừng: Thương đời không bóng mát/ Ai che đất, che trời/ Chim thú không chỗ sống/ Bước lưu vong ngậm ngùi/ Mất rừng tan tổ ấm/ Của tổ tiên loài người, và căn dặn: Dân mình còn gian khổ/ Hòa bình chưa ăn mừng/ Lo thiếu gạo, thiếu gỗ/ Nhưng phải bảo vệ rừng. Tỉnh giấc mộng, người thợ rừng đã “giác ngộ”, quyết tâm bảo vệ rừng như lời Bác dạy. Có thể nói, bài thơ đã làm toát lên sức ảnh hưởng, cảm hóa con người lớn lao của Bác đối với mọi tầng lớp nhân dân lao động.

Mặc dù số lượng sáng tác về đề tài Bác Hồ không nhiều, nhưng bằng tài năng, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã xây dựng được hình tượng Bác Hồ của riêng mình và của đồng bào Nam Bộ nói chung.

T.T.H.H.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)