. ĐỖ DUY HƯNG - PHẠM VĂN DŨNG
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.” Thực tế, hiếm có ở đâu trên thế giới, nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình để đặt cho quân đội như Quân đội nhân dân Việt Nam. Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là sự hòa quyện giữa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam với bản chất cách mạng ở quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân do Đảng lãnh đạo; là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được hình thành, phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta.
Hội thảo khoa học Phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kì mới do Trường Sĩ quan chính trị phối hợp với Trung tâm PT-TH Quân đội tổ chức ngày 11/12/2020 tại Hà Nội
Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện sâu sắc bản chất cách mạng của quân đội kiểu mới - quân đội do Đảng của giai cấp công nhân tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; sự cưu mang, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân; đồng thời là giá trị độc đáo của văn hóa giữ nước gắn với mục tiêu, lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà thời đại Hồ Chí Minh đúc kết. Qua thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành biểu trưng đặc sắc của nét đẹp văn hóa quân sự Việt Nam. Điều đó thể hiện “mối quan hệ máu thịt”, tình quân dân như “cá với nước” của cán bộ, chiến sĩ quân đội với nhân dân ta; viết nên thiên anh hùng ca bất hủ của quân đội “bách chiến bách thắng”, “đi dân nhớ, ở dân thương” là “Bộ đội Cụ Hồ”.
Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” chứa đựng trong lòng mình một hệ thống những giá trị chính trị, văn hóa, đạo đức, xã hội được hình thành và phát triển gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân. Giá trị của một thực thể không tự nhiên xuất hiện, bao giờ cũng là sự kết tinh lao động của con người. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là một hệ giá trị - kết quả của quá trình chủ động, tích cực giáo dục và rèn luyện lâu dài của quân đội ta qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc; đồng thời cũng là quá trình giải quyết đúng đắn một loạt các quan hệ xã hội mà trong đó quân đội khẳng định vai trò, chức năng và giá trị xã hội của mình.
Như vậy, phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” là hệ thống giá trị văn hóa - chính trị - đạo đức tốt đẹp, bền vững, phản ánh bản chất, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” ra đời từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được củng cố, phát triển qua cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước; được gìn giữ, phát huy và hoàn thiện trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng to lớn của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đối với sự nghiệp cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới của đất nước ta, Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng từ khi ra đời đến nay đã rất quan tâm chăm lo bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân. Trong môi trường quân đội, việc bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho mọi cán bộ, chiến sĩ là việc làm rất quan trọng góp phần xây dựng nên yếu tố chính trị tinh thần, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, sự phát triển của đời sống kinh tế, sự biến động về chính trị - xã hội rất nhanh chóng, phức tạp trên thế giới và trong nước; chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hoà bình” đã và đang hàng ngày, hàng giờ chống phá nước ta trên mọi bình diện của đời sống xã hội trong đó chống phá cả về những giá trị của truyền thống mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã xây đắp nên qua bao thế hệ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và quần chúng, trong đó có cả một số cán bộ, chiến sĩ trong quân đội có những biểu hiện lệch lạc như: phủ nhận truyền thống, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng và của đất nước, có người đã quay lưng lại với phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc, phê phán những giá trị của truyền thống của nhân dân ta để chạy theo lối sống thực dụng; nhận thức lệch lạc về lí tưởng, nhiệm vụ cách mạng, về vinh dự, trách nhiệm của người quân nhân cách mạng, về trách nhiệm trong giữ gìn phát huy truyền thống quân đội; giảm sút niềm tin, đua đòi, thích hưởng thụ, ngại học tập, rèn luyện; một số ít còn lúng túng, dao động trước những vấn đề chính trị - xã hội phức tạp, thể hiện còn mơ hồ chính trị, bản lĩnh chính trị chưa thực sự vững vàng, cá biệt có trường hợp thoái hóa về phẩm chất đạo đức, lối sống, dẫn đến vi phạm điều lệnh Quân đội, pháp luật của Nhà nước.
Chính vì lẽ đó, bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân hiện nay có ý nghĩa thiết thực, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các cấp trong quân đội cần phải tổ chức các giải pháp để bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho quân nhân như sau:
Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho quân nhân. Các cấp ủy, tổ chức đảng, phải thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở đơn vị cơ sở, là vấn đề chủ đạo, xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội trong 78 năm qua, đó cũng là bài học cơ bản bảo đảm giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Trong đó, hạt nhân của các cấp ủy, tổ chức Đảng đó là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong toàn quân là những người được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao trách nhiệm, quyền hạn lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, giáo dục, quản lí rèn luyện bộ đội theo phạm vi, chức năng; là người trực tiếp cụ thể hóa và tổ chức đơn vị thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội ở các đơn vị. Vì vậy, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có vai trò là người trực tiếp giáo dục, quản lí, rèn luyện quân nhân hàng ngày. Mọi hành động của người chỉ huy đều trực tiếp tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm và hành động của quân nhân.
Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, vận dụng nhiều hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho quân nhân. Bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho quân nhân phải phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng cụ thể, bám sát đặc điểm của từng nhóm quân nhân; phải kết hợp giữa giáo dục giác ngộ xã hội chủ nghĩa với giáo dục chủ nghĩa yêu nước, gắn liền với giáo dục bản chất, truyền thống của dân tộc, của quân đội, truyền thống đơn vị; cần hướng vào mục đích hoàn thiện, phát triển, làm phong phú thêm những tình cảm cách mạng trong sáng, rèn luyện ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho quân nhân, bảo đảm tính hiệu quả thiết thực của từng hình thức, phương pháp; tăng cường các hình thức, phương pháp thuyết phục bằng chân lí, lẽ phải và bằng thực tiễn hoạt động hàng ngày, bằng phương pháp nêu gương.
Ba là, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động tu dưỡng, rèn luyện bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kì mới của quân nhân. Những tác động của việc bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho quân nhân chỉ thật sự phát huy tác dụng và mang lại chất lượng, hiệu quả khi thông qua tính tích cực, tự giác cá nhân của đối tượng giáo dục. Tính chủ động, ý thức tự giác trong tự giáo dục, tự rèn luyện là giai đoạn phát triển cao của quá trình nhận thức, thể hiện trình độ phát triển cao của mỗi cá nhân nói chung, đội ngũ quân nhân nói riêng. Tính tích cực, tự giác là quá trình hoạt động có mục đích, mang tính chủ động cao, hướng vào sự phát triển và xây dựng phẩm chất, nhân cách người quân nhân. Đó là quá trình tự tổ chức, tự điều chỉnh về nhận thức và hành vi nhằm loại bỏ những quan điểm, tư tưởng lạc hậu, những hành vi, thói quen xấu không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động quân sự và tiêu chí xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Tính tích cực, tự giác trong bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” của quân nhân là một quá trình khó khăn, gian khổ, đòi hỏi phải phát huy cao độ tính chủ động, ý thức trách nhiệm, vượt lên khó khăn của quân nhân. Mọi biểu hiện thỏa mãn, dừng lại trong học tập, thiếu nghiêm túc trong rèn luyện có thể sẽ dẫn đến sự thoái hóa về tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh tạo điều kiện thuận lợi để bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho quân nhân trong giai đoạn hiện nay. Môi trường văn hóa ở đơn vị quân đội là tổng hợp những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đang hình thành, phát triển trong môi trường tự nhiên, môi trường xã hội đặc thù của quân đội, thường xuyên tác động đến quá trình hình thành, nuôi dưỡng và hoàn thiện phẩm chất văn hóa của các quân nhân đang công tác, học tập và là sự dung hợp giữa môi trường văn hóa và môi trường quân sự. Để xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi nhằm bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho quân nhân, cấp uỷ, chỉ huy các cấp cần làm tốt một số nội dung như xây dựng nếp sống chính quy gắn với rèn luyện kỉ luật; thường xuyên xây dựng, củng cố, phát triển quan hệ văn hóa giữa các quân nhân và tập thể quân nhân; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa và hướng mọi hoạt động văn hóa vào bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho quân nhân; xây dựng môi trường học tập, rèn luyện tích cực và lành mạnh cho quân nhân ở các đơn vị.
Trong giai đoạn mới của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trước những tác động của tình hình quốc tế và trong nước, việc bồi dưỡng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho quân nhân phải đảm bảo giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội trong mọi điều kiện và hoàn cảnh, đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, công tác và sản xuất; tinh nhuệ trong đấu tranh vũ trang và trong đấu tranh chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, để hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” xứng đáng là một mẫu hình con người mới tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Đ.D.H – P.V.D
VNQD