Bác Hồ và chiến thắng Điện Biên Phủ!

Thứ Tư, 03/05/2023 16:21

. NGUYỄN THÀNH
 

Là người “thiết kế” cả một tình thế chủ động của quân dân ta trong chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Bác Hồ cũng là người quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ mang tính quyết chiến chiến lược. Suốt thời gian chiến dịch (từ 13/3 đến 7/5/1954) Bác tham dự và chủ tọa nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị để nhận định, đánh giá tình hình kịp thời đưa ra những chỉ đạo đúng đắn. Ngày 6/12/1953, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh, Bác chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được…” (1). Ngày 01/01/1954, giao nhiệm vụ cho Đại tướng, Người nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền quyết định… Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” (2). Đây là tư tưởng chỉ đạo giúp Đại tướng chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”!

Theo lời kể của nhà báo Úc U.Bớcsét, đầu tháng 3 năm 1954, nói chuyện về Điện Biên Phủ, Bác Hồ mượn cái mũ làm hình tượng ngụ ngôn: “Khi đó tên Điện Biên Phủ mới bắt đầu được nói tới trong cuộc chiến tranh... Hồ Chủ tịch đặt ngửa chiếc mũ lên bàn, chỉ vào đáy mũ và nói: “Đây là Điện Biên Phủ, một thung lũng có núi bao bọc xung quanh”. Sau đó Người vòng tay theo vành mũ, nói tiếp: “Quân viễn chinh Pháp ở dưới thung lũng này, chúng tôi từ trên núi ở xung quanh bao vây chúng. Chúng nhất định không thể thoát được” (3). Sau này có nhà báo phương Tây bình luận đó là hành động nhỏ của một thiên tài lớn!

Kịp thời động viên, cổ vũ toàn quân ta vượt qua khó khăn để giành thắng lợi ở trận đánh lớn này, tháng 3/1954, Bác Hồ gửi thư tới cán bộ và chiến sỹ Mặt trận Điện Biên Phủ căn dặn, động viên. Sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và đập tan đợt phản kích của địch, ngày 15/3/1954, Bác Hồ lại gửi điện khen ngợi, cổ vũ. Dưới sự lãnh đạo của Bác và Trung ương Đảng, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trận đánh ấy đã đi vào lịch sử quân sự thế giới như một mẫu mực về nghệ thuật tổng hợp sức mạnh toàn quân, toàn dân kết hợp sự ủng hộ quốc tế để tạo nên một sự kiện mang tầm thời đại: một nước nhỏ chính nghĩa đã chiến thắng oanh liệt một đế quốc to phi nghĩa!

Ngày 12/5/1954 Bác Hồ làm bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ (4) mang tính tổng kết chiến dịch theo phong cách hài hước của một nhà trào phúng lớn cười những kẻ xâm lược. Qua phép nghệ thuật nhại lời nhân vật để mỉa chính nhân vật, bè lũ xâm lăng bị hạ bệ thật thảm hại, đáng thương, đáng cười: “Chúng khoe rằng: “Kế hoạch Nava/ Thật là mạnh dạn và tài hoa/ Phen này Việt Minh phải biết tay/ Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay”. Đối tượng mỉa là quân Pháp: khoe khoang, khoác loác; mù quáng tin vào một “kế hoạch Nava”; coi thường đối phương; bợ đỡ “quan thầy”.

Tiếng cười dí dỏm hơn khi tác giả nhại cả ý nghĩ trong giấc mơ “chiến thắng” của quân giặc: “13 tháng 3 ta tấn công/ Giặc còn ở trong giấc mơ nồng:/ “Mình có thầy Mỹ lo cung cấp/ Máy bay cao cao, xe tăng thấp/ Lại có Nava cùng Cônhi/ Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy/ Chúng mình chuyến này nhất định thắng/ Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng”. Giấc mơ thì có nghĩa là ảo, không thật, nên những ý nghĩ trong “giấc mơ nồng” này càng hão huyền, ngộ nghĩnh. Hão huyền ở chỗ tin vào “thầy Mỹ”, tin vào “tướng giỏi nắm chỉ huy”; ngộ nghĩnh ở những hình ảnh tưởng tượng trong giấc mơ thật buồn cười: “Máy bay cao cao, xe tăng thấp”. Câu thơ cấu trúc theo lối tương phản cao thấp kết hợp với tính từ cao được nhại lại diễn tả những hình ảnh không đều, chập chờn, hư thực; còn đối phương “ắt thua chạy quýnh cẳng”. Đúng là một tưởng tượng trong cơn mơ phi thực tế. Hình thức tương phản được sử dụng triệt để diễn tả sự thua kém của đối phương và sự mạnh mẽ của quân ta: “Ta chiếm một đồn, lại một đồn/ Quân giặc chống cự tuy rất hăng/ Quân ta anh dũng ít ai bằng/ Na-va, Cô-nhi đều méo mặt/ Quân giặc tan hoang ta vây chặt/ Giặc kéo từng loạt ra hàng ta/ Quân ta vui hát khải hoàn ca”.

Ngày 21- 6 -1959, Bác Hồ có bài viết Điện Biên Phủ (5) để cổ vũ, khích lệ nhân dân ta xây dựng miền Bắc đấu tranh thống nhất ở miền Nam đồng thời cảnh cáo kẻ thù sẽ có những Điện Biên mới nếu chúng dám mở rộng chiến tranh xâm lược. Cuối bài Bác có bốn câu tập Kiều: “Cũng trong một cuộc Điện Biên/ Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa/ Trăm năm trong cõi người ta/ Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua”. Mở đầu Truyện Kiều là hai câu: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” và câu 1855, 1856 là: “Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm”. Lời “tập” dí dỏm nhưng ẩn ý thì rất sâu. Giữa tác phẩm gốc và văn bản được “tập” luôn có mối liên mật thiết nên cần được hiểu từ cả hai văn bản. “Người trong khóc thầm” là quân xâm lược Pháp nhưng “Người ngoài cười nụ” là ai? Có thể hiểu đó là nhân dân tiến bộ trên thế giới cười con “hổ giấy Pháp”. Vì thực dân Pháp hồi đó hay tự khoe quân Pháp là “con hổ” thế mà lại thua thảm hại ở Điện Biên (!?).

Đúng 10 năm sau, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3/1964), Bác Hồ đánh giá tầm vóc chiến thắng này mang tầm quốc tế: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công...” (6). Đó là tiếng nói của lịch sử, tiếng nói của thời đại!

N.T

----------

  1. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Sđd, tập 5, tr 429.
  2. Hồ Chí Minh biên niên quân sự (1919-1969), Nxb Quân đội nhân dân, 2011, tr 381-382.
  3. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tập 3, tr 66.
  4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia 2002, tr 277.
  5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Sđd, tr 462.
  6. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Sđd, tr 220.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)