. TÂM ANH
Từ năm 1957 cho đến nay đã có bốn thế hệ nhà văn Quân đội công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) - một địa chỉ văn học uy tín của nền văn học nước nhà. Bốn thế hệ là tập hợp của những “gương mặt”, “cá tính” và “phẩm chất” văn học khác nhau trong những giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, giữa họ vẫn có những điểm tương đồng, mà một trong số đó là cùng chung niềm cảm hứng lớn: sáng tác, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thành danh trong phong trào Thơ mới 1932 - 1945, giác ngộ, đi theo cách mạng, Quân đội từ sớm, nhà thơ Thanh Tịnh là một trong những biên tập viên sáng lập VNQĐ. Với lòng cảm mến, kính yêu Bác vô vàn, nhà thơ Thanh Tịnh đã cất công sưu tầm nhiều tài liệu về Bác để viết trường ca Đi từ giữa một mùa sen bằng thể lục bát. Với thi phẩm này, nhà thơ đã tái hiện toàn bộ quãng đời thơ ấu của Bác từ khi lọt lòng ở làng Sen Trong lều một chú con trai/ Ra đời lúc bố thăm ai vắng nhà/ Ánh hồng rẽ chiếu bao la/ Chân mây đã rạng sáng ra, sáng dần cho đến những ngày mẹ mất. Theo nhận định của nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình, bản trường ca lí giải “cho ta thấy những yếu tố đã tạo nên lòng yêu nước, yêu dân của vị lãnh tụ sau này” như tình yêu thương của mẹ, sự dạy dỗ nghiêm khắc của cha, tình làng nghĩa xóm chân tình, lòng đa cảm và giàu trắc ẩn trước những cảnh đời khốn khó… Với gần 2000 dòng thơ điêu luyện, đậm chất dân ca, từ khi ra đời đến nay, Đi từ giữa một mùa sen là một những trường ca xuất sắc viết về Bác. Ngoài trường ca trên, nhà thơ Thanh Tịnh còn viết bài Trăm năm nhớ một chuyến đò theo thể song thất lục bát để ghi lại cảm giác bồi hồi, xúc động trước cử chỉ bình dị mà cao đẹp của Bác đối với mình trên một chuyến đò ngang ở chiến khu Việt Bắc: Chuyện cũ đã hai mươi năm trước/ Còn dạt dào sóng nước sông Lô/ Trăm năm nhớ một chuyến đò/ Chênh vênh lại được Bác Hồ cầm tay... Trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Vũ Cao - tác giả Núi đôi nổi tiếng - luôn dành cho Bác những tình cảm thiết tha, nồng ấm. Những tình cảm ấy được thể hiện trong bài Thơ của Bác. Bài thơ được viết theo thể tự do, là lời ngợi ca “chất thép”, “chất tình” trong người tù cộng sản Hồ Chí Minh khi bị bắt giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch: Tôi tưởng thấy Người đi giữa trời mưa/ Trên dải đất này những tháng năm xưa/ Tôi tưởng thấy Người tay gông tay xích/ Lặng lẽ bước trong hàng dương tịch mịch/ Mà trán Người vẫn hướng về Nam/ Nhớ những sông Hồng, sông Mã, sông Lam/ Nhớ những người con nghìn năm đói rét/ Những đồng chí không sợ tù sợ chết/ Đang đợi Người/ Và niềm thương da diết/ Đã nức lòng Người thành những câu thơ/ Trang sử anh hùng, nét bút đơn sơ... Cũng trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Hồ Phương là một người say đắm với đề tài Bác Hồ. Sau một thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu tư liệu, vào năm 2007, ông cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết Cha và con, viết về tình cảm giữa Bác và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Chưa dừng lại ở đó, vào năm 2010, nhà văn Hồ Phương xuất bản cuốn kí sự văn học Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - đài hoa vĩnh cửu, ghi lại những câu chuyện xung quanh quá trình xây dựng Lăng Bác. Cuốn sách là tài liệu quý, có giá trị cả trên hai phương diện lịch sử và văn học đối với những bạn đọc muốn tìm hiểu về một công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Ở lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học, nhà nghiên cứu phê bình Nhị Ca đã có một loạt bài ấn tượng về Bác như Những chiến sĩ trên một mặt trận (nhân đọc cuốn “Hồ Chí Minh - về công tác văn nghệ”), Những cuốn sách của Bác Hồ dẫn chúng tôi đi, Tưởng nhớ Bác Hồ trong những ngày đầu mới giành chính quyền… Loạt bài trên là một trong những đóng góp quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu phê bình của cây bút Nhị Ca, giúp ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Trong những thập niên 70 - 80 của thế kỉ trước, Nhà số 4 quy tụ một đội ngũ nhà văn, nhà thơ hùng hậu, quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc như Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh, Thu Bồn, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Ngô Văn Phú... Với tình yêu và lòng kính trọng vô vàn đối với Bác, lớp nhà thơ trưởng thành trong thời kháng chiến chống Mĩ đều có những tác phẩm hay về Người. Khi còn ở chiến trường, hay tin Bác mất, nhà thơ Thu Bồn đã chịu tang Bác bằng những vần thơ bi tráng: Đã ngừng đập một quả tim/ Đã ngừng đập một cánh chim đại bàng/ Nỗi đau vô tận thời gian/ Nhớ thương nhưng chớ lệ tràn đẫm mi/.../ Gửi lòng con đến cùng Cha/ Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng (Gửi lòng con đến cùng Cha). Với độ lùi thời gian, các nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Oánh, Anh Ngọc về những nơi Bác từng sinh sống tìm cảm hứng sáng tác. Về thăm quê Bác, trong khi nhà thơ Nguyễn Đức Mậu ngợi ca vẻ đẹp giản dị, thanh bình của làng Sen: Về thăm nhà Bác, làng Sen/ Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng/ Có con bướm trắng lượn vòng/ Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời/ Ngôi nhà thuở Bác thiếu thời/ Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa, hay nhà thơ Nguyễn Trọng Oánh bồi hồi xúc động khi nghĩ về cuộc đời giản dị, thanh cao của Bác qua những vần thơ rưng rưng: Bác ơi, nhà Bác cũng nghèo/ Quê hương Bác cũng như nhiều quê hương/ Chỉ vì Bác rộng tình thương/ Cho nên nắng đẹp mười phương tràn về (Quê Bác), thì nhà thơ Vương Trọng lại suy ngẫm, “tổng kết” về mối quan hệ máu thịt giữa Bác với nhân dân, khẳng định mối quan hệ này là nguồn cội làm nên sức mạnh của cách mạng và dân tộc: Dân quanh Người, Người đứng giữa Nhân dân/ Nắng dừng lại vầng trán Người rực sáng/ Gió mang xa những lời trò chuyện/ Cả đất trời ấm áp hương sen (Bác về thăm quê). Ở chiều cảm hứng khác, bằng khả năng quan sát tinh tế và mẫn cảm của một tâm hồn giàu xúc động, nhà thơ Anh Ngọc đã cho bạn đọc thấy một vườn cây của Bác, nhà sàn của Bác của riêng mình sau một chuyến đi thăm. Với nhà thơ, nhà sàn và vườn cây của Bác đã trở thành biểu tượng cho sự sum họp, vui vầy của đại gia đình các dân tộc Việt Nam: Về thăm vườn Bác xuân này/ Bước chân sum họp in đầy lối đi (Năm nay thăm vườn Bác).
Ở mảng đề tài vịnh lăng Bác, nếu như Viễn Phương sử dụng hình ảnh mặt trời để ngợi ca công lao của Bác (Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ) thì nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh lại dùng hình ảnh “trăng lên” để nói về tấm lòng của mình đối với Bác. Nếu như Viễn Phương viết Viếng lăng Bác với tâm thế của một người con “ở miền Nam ra thăm lăng Bác” thì Phạm Ngọc Cảnh lại nói hộ lòng những người chiến sĩ canh cho Người giấc ngủ êm đềm. Với họ, đó không chỉ là niềm tự hào, niềm vinh dự lớn lao mà cao hơn còn là niềm hạnh phúc, một niềm hạnh phúc mà không phải người lính nào cũng có được: Gió hàng tre dào dạt/ Quanh Lăng như đẩy thuyền/ Con được mang hình Bác/ Vượt sóng thời gian lên/ Con đứng gác bên thềm/ Con được là thủy thủ/ Thả mái chèo êm êm/ Trong mơ màng vũ trụ/ Ôi vầng trăng xứ sở/ Trong thơ Bác muôn đời/ Xin được cùng gìn giữ/ Hạnh phúc này thơ ơi (Trăng lên).
Hai nhà thơ Ngô Văn Phú và Hữu Thỉnh lại chọn thể loại trường ca để bày tỏ tình cảm của mình đối với Bác. Nhân dịp kỉ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, nhà thơ Ngô Văn Phú đã sáng tác trường ca Mùa thu nhớ Bác. Bản trường ca khái quát toàn bộ cuộc đời của Bác từ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Cung theo cha vào Huế với những câu hỏi ngây thơ Cậu bé Cung trên lưng thủ thỉ hỏi cha/ Trong Huế có gì? Trong Huế có ma/ Vua là ai? Vua là cha thiên hạ, đến khi trưởng thành ra đi tìm đường cứu nước, rồi lúc trở về lãnh đạo cách mạng thành công cho đến thời điểm Bác về với thế giới của người hiền. Muộn hơn một chút, vào năm 2017, nhà thơ Hữu Thỉnh xuất bản Trăng Tân Trào viết bằng thể ngũ ngôn tứ tuyệt về Bác. Trăng Tân Trào được phát triển từ câu chuyện có thật về người thầy thuốc “bí ẩn” đã chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho Bác vào khoảng mùa thu năm 1945 khi cách mạng đang trong thời khắc quyết định. Với Trăng Tân Trào, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có một so sánh, liên tưởng thú vị khi đồng nhất quá trình chữa bệnh cho Bác của vị lương y với hành trình “chữa bệnh” cho dân tộc, đất nước của Bác. Những câu hỏi và trả lời trong quá trình chẩn bệnh của vị lương y cho Bác cũng chính là những vấn đề cốt lõi để giúp đất nước, dân tộc thoát khỏi ách nô lệ gần một thế kỉ: Gốc nào thì bền dân?/ Thân nào thì cao nước?/ Bóng nào thì tụ nhân?/ Tình nào gom xứ sở?/ Thứ nhất là đồng tâm/ Thứ hai là mưu lược/ Thứ ba là thông suốt/ Thứ tư là ứng thời. Và khi Bác khỏi bệnh thì đất nước cũng chuyển mình sang một thời đại mới, thời đại độc lập, tự do: Có đám mây vô danh/ Che rợp trời Việt Bắc/ Mở thu vào đón khách/ Non xanh mùa Độc lập. Đối với lĩnh vực nghiên cứu phê bình, có thể kể đến loạt bài viết chuyên sâu về Bác Hồ của hai nhà phê bình văn học gạo cội Hồng Diệu (với các bài Về bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy”, Đọc “Thi hứng thêm nồng”…) và Ngô Vĩnh Bình (với các bài Vinh quang con đứng bên Người, Bác Hồ với Hà Nội, Hồ Chí Minh - tấm gương tuyệt vời về phong cách làm báo, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh hùng ấy…) Những bài viết này đã làm sáng tỏ, cung cấp thêm những tri thức về sự nghiệp làm văn, làm báo và tấm lòng của Bác đối với quốc gia, dân tộc.
Ở thế hệ nhà văn Quân đội thứ ba, nhà thơ Trần Đăng Khoa là một tên tuổi hết sức quen thuộc với bạn đọc yêu thơ ca cả nước, đặc biệt là với các bạn nhỏ. Nhà thơ thần đồng đất Việt một thuở là người có nhiều sáng tác về Bác Hồ dành cho thiếu nhi. Các bài thơ Em gặp Bác Hồ, Ảnh Bác… với các câu thơ dễ thương dành cho thiếu nhi như Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/ Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà/ Ngoài sân có mấy con gà/ Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi từ lâu đã in sâu trong tuổi thơ nhiều thế hệ. Trong khi đó nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Thanh Tú lại dành phần lớn thời gian, sự nghiệp của mình để nghiên cứu về Bác. Cho đến nay, anh đã xuất bản hàng loạt chuyên luận công phu về Bác như Hồ Chí Minh - sự thống nhất giữa cuộc sống và nghệ thuật, Hồ Chí Minh - nhà ngụ ngôn kiệt xuất, Hồ Chí Minh - một tâm hồn nghệ sĩ, Tiếng cười trào phúng Hồ Chí Minh… Qua những công trình kể trên, nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Thanh Tú đã giúp bạn đọc có thêm những góc nhìn mới về sự nghiệp văn học của Bác, và thêm một lần nữa khẳng định vị trí vững chắc của nhà thơ, nhà văn hóa Hồ Chí Minh trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Bên cạnh những công trình của nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Thanh Tú, không thể không nhắc đến các bài viết cảm động, giàu tính lí luận và có những kiến giải mới về trước tác của Bác như Hãy để lòng ta trong sáng hơn, Đọc lại tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Những người thân trong gia đình Bác, “Con rùa” - truyện ngắn chống hối lộ của nhà văn Nguyễn Quốc Trung…
Khi đất nước hòa bình, giải phóng, tiến hành cải cách mở cửa cũng là lúc thế hệ nhà văn Quân đội thứ tư của Nhà số 4 trưởng thành. Tiếp nối truyền thống quý báu của các thế hệ đi trước, các nhà văn trẻ Quân đội hăng say viết, nghiên cứu về Bác. Cuốn sách Ba vị họ Phùng với Hồ Chủ tịch của nhà văn Phùng Văn Khai đã ghi lại những kỉ niệm sâu sắc về những lần được gặp Bác, những tháng ngày ở bên Bác của bác sĩ Phùng Văn Cung - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, Thượng tướng Phùng Thế Tài - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Anh hùng Phùng Văn Khầu. Cuốn sách có nhiều tư liệu quý, lần đầu được công bố, qua đó thêm một lần nữa khẳng định tầm vóc, sức cảm hóa vĩ đại và tình thương yêu quý mến của Bác đối với những con người ưu tú của dân tộc. Ngoài tác phẩm của nhà văn Phùng Văn Khai, những tác phẩm viết về Bác của đội ngũ nhà văn Quân đội trẻ ở Nhà số 4 có thể kể đến như: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn, Góp chút lửa lòng đưa đến mọi người tình yêu thương to lớn của Bác của Nguyễn Đình Tú, Từ một bức thư Bác của Nguyễn Thế Hùng, Ba lần Bác Hồ về thăm Quảng Ninh của Uông Triều, Vinh quang con đứng bên Người của Nguyễn Xuân Thủy, Hình tượng Bác Hồ trong thơ lục bát của Đoàn Minh Tâm… Đây là những bài viết, nghiên cứu, đối thoại làm nên sức hấp dẫn, phong phú cho chuyên mục “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chuyên mục mà Tạp chí VNQĐ đã mở từ khi Bộ Chính trị phát động và duy trì một cách đều đặn phong trào thi đua cùng tên trong suốt mười mấy năm qua.
Rõ ràng, nhìn trên trục dài thời gian và trục dọc thể loại, chúng ta thấy được trong dòng chảy văn học viết về đề tài Hồ Chí Minh, có một nhánh nhỏ âm thầm chảy suốt năm tháng từ Nhà số 4, phố nhà binh. Một dòng chảy biểu trưng cho tình yêu quý vô vàn của bốn thế hệ nhà văn Quân đội dành cho Bác.
T.A
VNQD