. ĐĂNG TIÊU
Cho đến nay, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã rời bỏ cõi tạm được 30 năm. Năm 2022, ông là một trong tám tác giả, đồng tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Sinh thời ông được biết đến với những câu thơ bình dị mà độc đáo, với tính cách cương trực thẳng thắn, thậm chí “gàn”, với tâm hồn lãng mạn, với cả sở thích uống rượu và nhiều chuyện thật tưởng như đùa. Trong ông dường như hội tụ rất nhiều khía cạnh: vừa tài hoa nghệ sĩ vừa uyên bác học giả, vừa bộc trực vừa kín đáo. Nhà thơ Huy Cận từng viết về Hoàng Trung Thông: “Thông nghệ sĩ tài hoa, Thông uyên bác, Thông trữ tình, Thông tinh chất xứ Nghệ.”
Với tư cách nhà thơ, có thể nói Hoàng Trung Thông là một người nhập cuộc. Thơ ông đứng về phía những thân phận nhỏ bé, đau khổ, bất hạnh. Ông quan niệm người nghệ sĩ phải luôn gần gũi với nhân dân, thơ ca phải có ích, có ý nghĩa với cuộc sống. Từng đảm nhiệm nhiều trọng trách (Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, Viện trưởng Viện Văn học), nhưng lúc nào người ta cũng thấy Hoàng Trung Thông trong bộ cánh giản dị thậm chí tuềnh toàng. Có lần, một vị quan chức gọi ông đến nhắc nhở: “Anh là một đại diện lớn cho văn hóa văn nghệ nhưng tại sao anh ăn mặc lôi thôi lếch thếch và suốt ngày uống rượu ở các quán vỉa hè. Như vậy liệu có làm ảnh hưởng đến uy tín của những người làm văn hóa, văn nghệ không?” Ông Thông thẳng thắn trả lời: “Nếu tôi suốt ngày ăn mặc đẹp, ngồi trên ô tô và đi rao giảng, dạy dỗ thì liệu thơ ca tôi có hiểu những tiếng nói thầm sâu của người dân không?” Ngẫm nghĩ một lúc, vị lãnh đạo kia buông một câu: “Anh Thông có lí!”
Hoàng Trung Thông sống chủ yếu ở Hà Nội nhưng viết nhiều thơ về làng quê ở Nghệ An. Những hoài niệm về làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu luôn quay trở về ám ảnh tâm trí ông. Nhiều năm ở Hà Nội, mặc dù đang trong chiến tranh, ông vẫn một mình lặng lẽ đi xe đạp về làng Quỳnh để được sống lại thêm một lần nữa những điều trở trăn trong kí ức. Trải lòng về những bài thơ viết về làng quê của mình, ông từng nói với các con: “Thơ bố đã viết về nông nghiệp, các con phải làm một cuộc cách mạng về công nghiệp.” Ông là người muốn làm cách mạng triệt để với thơ. Bản thân ông cũng dự phần “chôn Thơ mới” (chữ của Trần Dần), tức là nỗ lực vượt lên Thơ mới để không ngừng làm mới thơ.
Hoàng Trung Thông là người có học vấn uyên bác. Là con trai của ông tú tài Hoàng Trung Quát, Hoàng Trung Thông mất bố từ khi lên 8 tuổi, song từ nhỏ ông đã được biết đến như một thần đồng về Hán học. Người ta bàn tán về ông, nói rằng “con hơn cha”, hẳn ông sẽ sớm thành đạt. Lớn lên ông học ở Quốc học Vinh. Sau này ông thông thạo tiếng Anh, Pháp, Trung (và Hán), ngoài ra còn học thêm tiếng Nga. Ông dịch nhiều thơ nước ngoài sang tiếng Việt và thơ ông cũng được nhiều nhà thơ trên thế giới dịch ra tiếng nước họ, trong đó có tập Quê hương chiến đấu được dịch ra tiếng Trung. Trong lĩnh vực dịch thuật, ông là người đầu tiên đưa thơ Mayakovsky và Pushkin về Việt Nam. Ngoài sáng tác, dịch thuật thơ, Hoàng Trung Thông còn viết câu đối, truyện ngắn, bút kí, lí luận phê bình văn học. Chế Lan Viên gọi ông là “Trạng Thông họ Hoàng”, còn Phan Ngọc gọi ông là học giả. Theo lời kể của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ, con trai Hoàng Trung Thông, từ nhỏ anh đã được sống trong cả một “thư viện”. “Khắp nơi trong nhà là sách. Bố tôi đã biến nhà mình thành thư viện. Ngày đó khó khăn như thế mà bố làm được vậy, tôi thực sự thấy ngôi nhà mình trở nên lấp lánh”, Hoàng Phượng Vỹ kể lại. Bố anh hay nói chuyện nghệ thuật với bạn bè nghệ sĩ và chính những buổi giao lưu đó đã dẫn dắt anh đến với nghệ thuật, để sau này anh quyết định từ bỏ nhiều cơ hội lớn và trở thành một họa sĩ.
Đứng về phía nhân dân cần lao, sáng tác những bài thơ nhập cuộc, đảm nhiệm nhiều trọng trách lớn trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đồng thời có tâm hồn nghệ sĩ bay bổng, trong Hoàng Trung Thông dường như luôn có những giằng co, mâu thuẫn. Ông đứng ở ranh giới chênh vênh giữa một người lãnh đạo văn nghệ và một thi sĩ khao khát tự do, chấp chới cô đơn. Nhưng ông đã làm tròn cả hai vai đó một cách kì diệu. Chắc hẳn điều đó khó khăn hơn những gì một người ngoài cuộc có thể hiểu, nên nhiều điều trong cuộc đời của Hoàng Trung Thông vẫn còn là ẩn số.
Chẳng thế mà sau những “bài ca vỡ đất”, Hoàng Trung Thông đã ít nhiều viết về những đổ vỡ trong tâm hồn chính mình. Mời trăng là tập thơ cuối cùng nhưng cũng là tập thơ hay và lãng mạn nhất của ông. Nếu như trước đây ông “chôn” Thơ mới thì lúc này Mời trăng trở thành cuộc cách tân cho chính mình khi đổ vỡ. Đó là sự trở về với cái “tôi” đầy đau đớn nhưng cũng lắm hân hoan. Hân hoan vì được là mình.
Tập Mời trăng như một cuộc “trả nợ” cho chính ông, nơi Hoàng Trung Thông có thể phơi tỏ lòng mình một cách thoải mái hơn. Người đọc sẽ bắt gặp những câu thơ trải lòng như “Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm” (Mời trăng); Và ta yêu cuộc đời/ Dẫu còn bao đớn đau, xót xa, vất vả (Dưới bóng hòe); Tôi một mình nhìn và nhớ bạn/ Thấy đời mình bớt nỗi đắng cay (Nhìn). Cũng có khi nhà thơ tự vấn: Ngày lại ngày/ ta tỉnh/ hay/ ta say/ Ta nhìn mặt trời/ tưởng là mặt trăng/ mặt trời chói lọi/ sao mây mờ giăng/ và ta tự hỏi/ làm được gì chăng (Ngày)…
Những câu thơ dường như được viết trong cơn chếnh choáng, của hơi men, của những nỗi niềm ấp ủ dồn nén bấy lâu, của cả những đam mê bất tận với thi ca, nghệ thuật. Hoàng Trung Thông chỉ còn biết bám víu vào ánh trăng, rượu và thơ, trong đó thơ được ông thừa nhận là thứ có thể khiến ông “không còn khóc”. Ở bài Giá như tôi đọc, ông như đang trò chuyện với một người. Ông nói rằng ông không có thời gian để đọc nghìn bài thơ, trăm bài thơ hay chục bài thơ. Ông chỉ có thể đọc một bài. Kết thúc, ông viết: Giá như tôi đọc/ Chục bài thơ/ Giá như tôi đọc/ Trăm bài thơ/ Giá như tôi đọc/ Nghìn bài thơ/ Thì bây giờ/ Tôi không còn khóc.
Hoàng Trung Thông uống rượu nhiều vô kể. Giới văn nghệ vẫn còn kể lại nhiều chuyện vui vui buồn buồn của ông trong những lần uống rượu. Ở nhà thì ông vừa uống vừa ngắm trăng, còn nếu ra ngoài thì ông hay chọn quán rượu ở ga Hàng Cỏ hoặc ở bến xe Lò Đúc. Những dòng người nhộn nhịp xô bồ qua lại càng khiến ông thấy cô độc hơn, nhưng ông muốn cái xanh tươi ồn ào đó của cuộc sống thẫm đẫm hồn mình, để những ý tưởng sáng tạo được bừng lên. Hoàng Trung Thông quen mặt ở các quán rượu, đến nỗi ông là một trong những người có đặc quyền được ghi nợ. Cuối năm là thời điểm vợ ông phải đi trả tiền và lần nào bà cũng giật mình: một năm ông uống nợ đến 5000 chén. Ngoài thời gian làm việc ở Sở Y tế Hà Nội, bà vợ phải đan len và làm thêm vài việc phụ để trả tiền rượu cho ông.
Cuối đời Hoàng Trung Thông gặp phải những ảo giác. Trở lại với Mời trăng, đây là tập thơ bao gồm những bài thơ hàm súc, cô đọng nhưng ở đó chứa đựng cả những huyễn ảo của một nội tâm nhiều ẩn ức, giằng xé đớn đau. Ông viết Mời trăng vào những ngày tháng cuối đời như một di chúc gửi gắm lại cho riêng mình. Ở đó có những câu thơ chập chờn ảo giác. Chẳng hạn trong Bài thơ về biển: Ta vốn là nhà thơ/ Thấy nước triều dâng ta giẫm chân xuống nước. Hay trong bài Biển: Tôi/ như cây/ nhổ ra/ khỏi/ đất/ Tôi/ như cá/ ra/ khỏi/ biển khơi.
Ẩn sau nhân vật đóng nhiều vai trò xã hội, đảm nhiệm nhiều trọng trách lãnh đạo văn nghệ, ẩn sau những câu thơ nhập cuộc viết về thân phận lam lũ khổ hạnh của nhân dân lao động… là một Hoàng Trung Thông buồn u ẩn, dễ rạn vỡ. Trong bài Mời trăng có câu Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm. Có lẽ đến lúc này, khi tóc đã nhiều sợi bạc, Hoàng Trung Thông mới tìm đến thơ để giãi tỏ lòng mình, trong đó có những điều mà cả đời người trôi qua ông đã giấu bặt hoặc khiêm nhường để chúng yên ắng sâu thẳm đâu đó, nhường chỗ cho những đại cuộc.
Khi Hoàng Trung Thông mất, một ngôi chùa lớn ở Ấn Độ đã lập bàn thờ ông. 5 năm sau họ gửi về cho vợ ông một lá bồ đề ở ngôi chùa đó, như lời cảm ơn và tưởng nhớ đến người đã dịch thơ Ấn Độ sang tiếng Việt. Những người con của ông luôn giữ lá bồ đề đó như một kỉ vật linh thiêng về cha mình. Một lá bồ đề vừa gân guốc cứng cỏi vừa mỏng manh nhẹ nhõm.
Đ.T
VNQD