Tìm hiểu quan niệm vệ sinh môi trường của Bác Hồ

Thứ Năm, 11/05/2023 00:45

. NGUYỄN THÀNH PHONG

 

Phê bình sinh thái là hướng nghiên cứu mới mẻ của thế giới nhằm cứu vãn lại một thực trạng môi trường đang bị chính con người phá hoại. Họ kêu gọi con người, một là lắng nghe tiếng nói của tự nhiên. Ngày nay thế giới mới nhận ra sinh thái cũng có ngôn ngữ riêng mà chỉ những ai sống trong nó, hòa mình trong nó, coi nó như bạn bè mới hiểu được. Thực ra vấn đề này không mới. Từ xa xưa trong cổ tích đã có môtif con người hiểu tiếng nói loài vật nhờ vậy đã tránh được những tai họa khủng khiếp. Những câu chuyện ấy bật ra thông điệp chỉ khi con người hiểu tự nhiên mới có thể may mắn, an lành. Thế mà con người hôm nay dường như mới nhận ra ý nghĩa sâu xa của nó. Đã có những tấm gương nhà báo, nhà sinh vật học dành cả năm trời trong rừng già Amazon (Nam Mỹ) đối mặt với cô đơn, nguy hiểm để “lắng nghe” tập quán một loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng rồi kêu gọi thế giới bảo tồn chúng. Ở ta có những nhà văn, nhà báo sinh hoạt, lao động với bà con dân tộc trong rừng sâu để hiểu rừng mà sáng tạo tác phẩm khẳng định rừng không chỉ che chở bảo vệ, nuôi sống mà còn là cõi tâm linh sâu thẳm nuôi dưỡng, bồi đắp tinh thần con người. Từ đó kêu gọi chung tay bảo vệ rừng, chống lâm tặc, chống nạn đốt rừng, phá rừng… Hai là đồng cảm với thế giới tự nhiên bị thương tổn. Khí hậu trái đất ngày càng cực đoan, thiên tai xuất hiện nhiều và dữ dội hơn. Con người ngày một đông hơn. Trái đất trở nên chật chội và mong manh nên sinh thái dễ bị tổn thương. Một quy luật thông thường của giao tiếp là có thấu hiểu mới thấu cảm để đồng cảm, từ đó mới truyền cảm một ý nghĩa nào đó về đối tượng. Con người phải thấu hiểu “nỗi đau sinh thái” để thấu cảm nỗi đau mất mát những điều quý giá của tự nhiên trao tặng không chỉ ở hôm nay mà còn ở cả ngày mai,… Chúng ta mong chờ những hình ảnh cánh đồng lúa bát ngát lại thẳng cánh cò bay, những khoảnh rừng lại rộn rã âm vang tiếng hót của bao thứ chim quý… Nhưng vì sao chúng chưa trở lại? Vì bị giết hại. Vì bị đầu độc…

Bài viết xin đi vào một vấn đề cụ thể là tìm hiểu quan niệm vệ sinh môi trường của Bác Hồ để thấy Bác đã nhìn ra vấn đề này từ rất sớm.

Vấn đề làm sao để có một môi trường sạch đã được Bác Hồ đưa vào phong trào thi đua yêu nước được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Người rất chú ý tới việc giữ vệ sinh nơi đông người, nơi tập thể vì nơi đó nếu thiếu vệ sinh sẽ rất dễ phát sinh dịch bệnh. Trong tác phẩm Đời sống mới (1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên của chính thể dân chủ mới viết về vấn đề môi trường, làm trong sạch môi trường. Người viết:

"Về văn hóa, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân.

Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng "phong thuần tục mỹ".

Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi.

Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt”[1].

Như vậy khái niệm môi trường được Người quan niệm rất toàn diện, gồm hai phương diện, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Về môi trường xã hội (văn hóa, phong tục) thì trước hết là phải làm cho mọi người biết chữ, sau đó là biết đạo đức và trách nhiệm công dân, nghĩa là yêu cầu mọi người phải có học vấn và có văn hóa (văn hóa ứng xử đạo đức, đạo lý, ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận công dân); đồng thời với việc bài trừ các tệ nạn xã hội (cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp, chửi nhau, kiện cáo nhau). Về môi trường tự nhiên, Người yêu cầu phải "sạch sẽ" và Người cũng chỉ ra các biện pháp cụ thể như phân biệt và chăm sóc giếng nước uống, ao tắm giặt, phòng chống muỗi và phải có cầu xia riêng, chung. Đời sống mới được viết xong ngày 20 tháng 3 năm 1947 và ký tên Tân Sinh. Chúng ta hãy nhớ lại những ngày đầu năm 1947, đất nước vừa giành được độc lập thì phải đương đầu với cuộc xâm lược trở lại của thực dân Pháp, những ngày ấy, với cương vị một Chủ tịch nước, một vị Tổng tư lệnh quân đội, Người phải lo trăm công ngàn việc thế mà Người vẫn dành thời gian viết những dòng hết sức cụ thể về "đời sống mới", chăm lo thiết thực đến sinh hoạt nhỏ nhặt nhất của đồng bào, thật là một sự vĩ đại và cũng thật bình dị, chân tình, sâu sắc, nhân hậu biết bao!

Người nêu ra nguyên nhân của một số bệnh thường gặp: “Ở đây đồng bào còn nhiều người sốt rét, các cháu bé thường thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột, không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ”. Người đề nghị toàn dân tham gia diệt ruồi muỗi: “Ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều tật bệnh, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác là ruồi muỗi, để tiêu diệt bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”[2].

Mối quan hệ môi trường và con người: “Sạch sẽ thì ít đau ốm”.

Lý luận của Hồ Chí Minh luôn có cái gốc từ đời sống nên gần gũi và dễ hiểu với bất cứ ai: “Người ta ai cũng muốn sung sướng mạnh khoẻ, ai cũng muốn nhà cửa sạch sẽ, con cái tốt tươi. Mục đích đời sống mới là làm cho mọi người thoả lòng mong muốn đó. Cho nên ai cũng tán thành đời sống mới, không ai phản đối”[3]. Người dạy cán bộ nếp sinh hoạt sạch sẽ, khoa học, phù hợp với thực tế cuộc sống: “Sinh hoạt cần chỉnh tề, sạch sẽ, đơn giản, chất phác. Thời chiến bình tĩnh như thời bình. Thời bình khẩn trương, chịu đựng khắc khổ như thời chiến”[4]. Cuốn Đời sống mới có vị trí như cái bản lề vĩ đại khép lại vĩnh viễn cuộc sống cũ, tăm tối, thiếu vệ sinh, mở ra một “đời sống mới” sạch sẽ, khoa học, tốt tươi cho tất cả tầng lớp: “càng giàu có, càng cần làm đời sống mới. Nếu một mình no ấm, mà nỡ để đồng bào xung quanh đói rét, đến khi giặc cướp lung tung, thì dù giàu cũng không hưởng được. Lại thí dụ: Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống. Nghèo mà làm đời sống mới thì có ngày trở nên đầy đủ. Tục ngữ nói: "Tay siêng làm, thì hàm có nhai". Siêng làm là một trong bốn điều đời sống mới. Vì có làm thì nhất định có ăn. Tục ngữ lại nói: "Đói cho sạch, rách cho thơm", mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ? Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khoẻ thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới”[5].

Người dạy bộ đội như người cha đáng kính nhắc nhở đám con mới lớn: “Tuy quần áo thiếu thốn, nhưng anh em cũng cố gắng ăn mặc sạch sẽ. Mỗi ngày anh em để riêng 1 giờ về việc chăm nom vệ sinh trong trại. Lúc nào, nơi ăn chốn ngủ cũng sạch sẽ. Người ta thường nói, muốn biết tinh thần của một bộ đội, chỉ cần xem cách xếp đặt và cách ăn ở của các đội viên là đủ rõ”[6].

Giáo dục “vệ sinh sạch sẽ” và rèn luyện thân thể

Bác Hồ chủ trương đưa “vệ sinh sạch sẽ” vào nội dung chương trình giáo dục quốc dân. Ngày 24/10/1946 Người có Thư gửi các cháu thiếu nhi (in trên báo Cứu quốc số 385) với các yêu cầu thật cụ thể: “1.Phải siêng học, 2. Phải giữ sạch sẽ, 3. Phải giữ kỷ luật, 4. Phải làm theo đời sống mới, 5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em”[7]. Sau này Bộ Giáo dục triển khai 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng có điều 4 “Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ”.

Người rất chú ý tới vấn đề nâng cao nhận thức về môi trường cho tất cả mọi người: “Cần giáo dục rộng khắp cho nhân dân biết giữ vệ sinh”[8] và yêu cầu rất cụ thể: “Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân... làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”. Người chỉ ra mối quan hệ hữu cơ giữa lao động, vệ sinh và sức khỏe: “muốn lao động sản xuất tốt thì phải giữ gìn sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch”. Tự Người viết về một tấm gương để mọi người học tập: “Khi đơn vị nghỉ, thì đồng chí Hoạch săn sóc đến từng người. Dạy cho từng người giữ vệ sinh, biết cách phòng ngừa bệnh. Trông nom đến cơm ăn, áo mặc của anh em được ngon lành, sạch sẽ. Mỗi tối, lúc mọi người đi ngủ, đồng chí Hoạch đi thăm từng người xem đã rửa chân, chăng màn, đắp chăn chưa. Đồng chí Hoạch cổ động mọi người ăn trở đầu đũa, ăn nhai kỹ, cắt móng tay, sắm ống tăm, v.v...”[9].

Công tác vệ sinh môi trường đã được Bác Hồ coi là một trong những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Và chính Người là một tấm gương sáng về việc giữ gìn trong sạch vệ sinh môi trường. Với số tiền riêng của mình, Người đã tặng nhân dân Quảng Khánh (Hà Nội) xây một giếng nước[10]. Mọi người dân Việt Nam ai nấy đều xúc động khi trong Di chúc, Người viết: "Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hỏa táng". Tôi mong rằng cách "hỏa táng" dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ, ta có nhiều điện, thì "điện táng" càng tốt hơn".

Để sức khỏe con người ngày càng tốt lên, Bác phát động phong trào rèn luyện thân thể và tự minh thực hiện. Ngày 27-3-1946, Bác Hồ viết bài báo Sức khỏe và thể dục nêu rõ vai trò của sức khỏe và kêu gọi mọi người "luyện tập thể dục, bồi dưỡng sức khoẻ": "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh, tức là cả nước mạnh khỏe”[11]. Chính Bác là tấm gương “ngày nào cũng tập”.

N.T.P


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, 15 tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 119.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11. Sđd, tr 487.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr 124.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3. Sđd, tr 456.

[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr 114.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Sđd, tr 228.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Sđd, tr 472.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 28.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7. Sđd, tr 439.

[10] Chủ tịch Hồ Chí Minh với y tế - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 1999, tr.113.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Sđd, tr 241.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)