Nguyên Ngọc và những tác phẩm tôn vinh người lính Cụ Hồ

Thứ Năm, 18/05/2023 00:34

. TÔN PHƯƠNG LAN
 

1. Nói đến Nguyên Ngọc là nói đến một trong những cây bút văn xuôi viết về chiến tranh cách mạng tiêu biểu. Ông chạm bước vào làng văn trong môi trường quân đội khi được giao viết về nhân vật anh hùng Đinh Núp và thành công ngay từ bước khởi đầu này. Anh hùng Núp trở nên nổi tiếng hơn cũng là qua Đất nước đứng lên, tác phẩm được đưa vào chương trình giảng văn với trích đoạn “Bắn Pháp chảy máu”. Cùng với Đất nước đứng lên, Nguyên Ngọc còn ghi dấu ấn trong đời sống văn học thời bấy giờ với Rẻo cao, Mạch nước ngầm. Rẻo cao là tập truyện ngắn viết về con người và vùng đất Hà Giang, về thân phận cô Thào Mỹ, người đã thuyết phục bà con bỏ trồng thuốc phiện từ trải nghiệm về chính cuộc đời bố con cô bằng một xác tín giản đơn và trong trẻo: “Ngày xưa người với người coi nhau như thú dữ, bây giờ có Đảng, có Chính phủ, có Cụ Hồ, người với người mới tin nhau, giúp nhau như thể là người anh em một nhà vậy. Đó là chủ nghĩa xã hội đấy bà con ạ.” Nhận thức về chủ nghĩa xã hội đó của Thào Mỹ cũng là kiểu nhận thức về cách mạng của các nhân vật trong các tác phẩm viết về chiến tranh sau này của Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành.

 

2. Trở lại chiến trường Quảng Nam trong những năm sáu mươi của thế kỉ trước, Nguyên Ngọc lựa chọn cho mình bút danh Nguyễn Trung Thành. Đây là sự lựa chọn không thể khác khi mà ý nghĩ của người lính trước giờ xuất quân chắc chắn cũng là ý nghĩ của người lính cầm bút này: “Có thể hôm nay, điều ấy cũng thường tình, tôi sẽ ngã xuống. Nếu như vậy thì cũng có sao đâu. Bởi vì giá như sau đó, vì một sự kì diệu, tôi được sống trở lại thì cũng xin cho tôi được sống trong những ngày hôm nay của dân tộc ta. Tôi thiết tha yêu cái ngày hôm nay của đất nước, thiết tha yêu đội ngũ trùng điệp của chúng ta đang tiến lên trong cuộc hành quân cả nước sục sôi và chiến thắng này” (Đường chúng ta đi). Tập truyện kí Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc ra đời trong những ngày tháng đó. Ông đã thể hiện một cách thuyết phục sức mạnh làm nên chiến thắng. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, các nhân vật đều thấm sâu truyền thống yêu nước, đoàn kết, bất khuất và tinh thần thượng võ, nhân ái của dân tộc. Truyện ngắn Rừng xà nu được đưa vào chương trình phổ thông, tiếp tục mạch viết của Đất nước đứng lên qua việc thể hiện tinh thần bất khuất của người dân Tây Nguyên trong cuộc chiến đấu chống giặc bảo vệ buôn làng. Một số bút kí như Người chiến sĩ dưới chân núi Chư Pông, Chị Thuận... ra đời cùng trong nguồn cảm xúc về lịch sử, về đất nước, con người mà kết đọng là thiên tùy bút Đường chúng ta đi. Trong những năm chiến tranh, tùy bút này đã khơi dậy một cách mạnh mẽ lòng yêu nước trong tâm hồn một thế hệ thanh niên trước họa xâm lăng: cảm hứng về Tổ quốc, nhân dân tuôn trào qua giọng văn tâm huyết, hào sảng và đầy chất lãng mạn của tác giả đã truyền lửa đến trái tim những người cầm súng trước giờ ra trận.

Đất Quảng tiếp tục mạch viết về cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa dân tộc và ngoại bang xâm lược, giữa giai cấp, cụ thể hơn chất chứa trong đó là khối mâu thuẫn giữa cách mạng, nhân dân với địa chủ, chính quyền, là mâu thuẫn giữa hai gia tộc mà nói như bí thư chi bộ Thắm: giết nó (Hứa Min), phải giết cả cái ý nghĩ đen tối mà nó mang về. Hầu hết những sáng tác mang cảm hứng anh hùng đó của Nguyên Ngọc ra đời từ người thật việc thật, kết hợp với giọng văn vừa hào sảng vừa trữ tình đã khiến cho hiện thực trong các sáng tác của ông vừa chân thực vừa lãng mạn. Người đọc không chỉ đồng nhất nhân vật Núp trong Đất nước đứng lên với anh hùng Núp bằng xương bằng thịt ngoài đời mà thực tế những ai đã trải qua cuộc chiến tranh chống Mĩ đọc lại những sáng tác này đều như cảm thông với nhiệt huyết của con người thời kì đó.

 

3. Sau chiến tranh, khi trở lại với công việc của người cầm bút chuyên nghiệp, Nguyên Ngọc đã tìm đến “với cái đời thường, cái hàng ngày, hạnh phúc nhỏ, đau khổ nhỏ, cuộc đời nhỏ”, “sau bao nhiêu năm đã say mê sống, say mê viết cái phi thường, cái lịch sử, to tát, hùng vĩ” - như ông nói - bằng việc tiếp tục khai mở những vấn đề mới trên vùng đất Quảng Nam. Ông đã trở lại miền Cát cháy, lần theo dấu vết của những con tàu không số để “chứng minh” Có một con đường mòn trên biển Đông - con đường chuyên chở vũ khí vào chiến trường miền Nam trong những năm chiến tranh chống Mĩ.

Cát cháy bắt đầu từ một cây dương còn tồn tại được như một điểm xanh cho mọi người nhận dạng giữa một vùng miền Đông cát trắng mênh mang - kết quả của “...liên miên những trận cày ủi, đánh phá, cướp dân, quét trắng đất đai và phong trào của ta... Cho đến đầu năm 1971, sự thực là ta đã mất toàn bộ vùng Đông. Mất sạch. Trắng bong. Không còn một tấc đất nào không bị cày ủi. Không còn màu xanh. Dân thì bị xúc hết vào các khu dồn. Du kích, cán bộ xã hoặc bị tiêu diệt hoặc chạy dạt lên các vùng trên. Bộ đội không xuống được nữa. Trắng tay... Chỉ còn có Bình Dương... đốm lửa cuối cùng giữa bốn bề đã tắt ngấm.” Trong tình cảnh đó, bám trụ như một nghĩa vụ, một mệnh lệnh cũng là lương tâm vì Bình Dương còn là còn niềm tin, còn hi vọng. Và làm nên chiến công đó là những người như vợ chồng người xã đội trưởng và các nữ du kích mật trong khu dồn dân của địch mà sau chiến tranh mỗi lần gặp nhau, ôn lại chuyện cũ, chính họ cũng ngạc nhiên “Tại sao hồi đó bọn mình ghê gớm như vậy he?” Nguyên Ngọc đi vào từng câu chuyện của các nhân chứng cụ thể không chỉ từ phó bí thư huyện ủy Hai Tân, chính trị viên huyện đội Hai Toán, anh Ngộ bí thư đảng ủy xã, anh Xang chủ tịch, anh Bốn xã đội trưởng, chị Huyền đảng ủy viên... mà còn là câu chuyện của chị Khánh chủ quán về đội du kích hoạt động bí mật, là câu chuyện của chị Phan Thị Hoa mua thuốc tây để chuyển về cứ, tránh được địch nhưng không tránh được hậu quả cách phi tang vật chứng khi nuốt hết thuốc mà không biết đó là những thuốc gì, là câu chuyện về trận quyết chiến lịch sử 15 ngày đêm và “cuộc hành quân kì lạ” sau đó. Những câu chuyện của chính những người từng vào sinh ra tử với mảnh đất này cho thấy trong hoàn cảnh đó cách mạng tồn tại được vì được dân bao bọc, hi sinh. Đối với người dân, yêu cách mạng là yêu nước, bảo vệ cách mạng là bảo vệ những người giữ nước và vì thế, bám đất, bám quê là trách nhiệm của mỗi người. Nguyên chính trị viên xã đội đã nói: “Hồi đó, đếm từng người dân một, mất một người, đau đớn một người, được một người, mừng rơn một người.” Còn người dân: “Các chú cứ sợ mất dân chứ bộ bọn tui không sợ mất Đảng à?” Với những câu chuyện ghi lại sau chiến tranh trong Cát cháy, cùng với Điện Bàn viết năm 1971, cảm hứng lãng mạn và lòng tri ân đối với những người vô danh viết nên lịch sử đã nâng cánh cho những bài kí của Nguyên Ngọc vượt ra khỏi những ghi chép thông thường.

Để Có một con đường mòn trên biển Đông (2011) hiện ra vóc dáng tầm cỡ lớn lao, Nguyên Ngọc đã kì công tìm đến với hàng chục nhân chứng mà trong số đó nhiều người bị quên lãng. Bắt đầu chỉ với tập phác thảo Lịch sử Lữ đoàn Hải quân 125 mà nhân chứng đầu tiên là cụ Võ Bẩm, người cùng đồng đội được Bác Hồ gọi lên giao nhiệm vụ: phải mở con đường trên biển Đông để chuyên chở súng đạn vào chiến trường miền Nam. Đó là thời điểm tháng 7/1959 - lúc bấy giờ con đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ cũng mới bắt đầu triển khai. Cùng thời điểm đó, ý định mở một tuyến đường trên biển đã hình thành: sẽ nguy hiểm hơn vì dễ lộ, dễ hi sinh toàn bộ người và khí tài nếu gặp địch nhưng sẽ nhanh hơn. Sau một thời gian chuẩn bị, đêm 30 Tết năm 1960, thuyền của “Tập đoàn đánh cá miền Nam” mạo danh xuất phát từ cửa sông Gianh mà điểm đến là đèo Hải Vân. Nhưng chuyến đi ấy, theo ông Võ Bẩm, cả tàu và người đã mất tích, kể cả hồ sơ, tên tuổi của những chiến sĩ trên chuyến thuyền không số đầu tiên này. Nguyên Ngọc đã lần theo dấu vết “dắt dây” của các nhân chứng mà tìm bởi “...tư liệu, chứng cứ cũ hầu như không còn gì đáng kể. Chúng đã chìm sâu trong câm lặng của mặt nước không biết nói... Tài liệu lưu trữ trong các kho bảo mật hoặc đã mục nát hoặc đã thất lạc gần hết. Những chiếc tàu xưa chẳng còn...” Bằng sự phán đoán của người trải nghiệm, Nguyên Ngọc đã tìm đươc đầu mối từ người nằm chờ đón chuyến thuyền bí mật ấy ở chân đèo Hải Vân suốt một tháng ròng là Nguyễn Chơn - Tổng tham mưu phó sau này: hóa ra con thuyền ấy, đi trong bão gió, gãy lái đã trôi dạt vào tận Quảng Ngãi. Thực hiện nguyên tắc không để hàng hóa lọt vào tay địch, 5 chiến sĩ đã vứt tất cả 6 tấn hàng xuống biển trước khi họ sa vào tay giặc; các anh bị chúng đưa đi khắp các nhà tù ở miền Nam và người sống sót cuối cùng là người ra khỏi nhà tù cuối năm 1974.

Bằng lộ trình tìm kiếm kì công, qua bút lực sung mãn của người lính Nguyên Ngọc, một con đường mòn trên biển Đông được hiện lên không chỉ bằng “sự hi sinh vô điều kiện, vô bờ bến, lặng lẽ, hết mình vì nhiệm vụ mà ở đây còn là sự thông minh, tài trí được bộc lộ trong những tình thế hiểm nghèo của từng chiến sĩ, của mỗi người dân”. Qua ngòi bút của Nguyên Ngọc, bạn đọc hình dung ra con đường mòn huyền thoại ấy được tạo nên bởi những chiến sĩ như Tư Mau, một con người “vừa rất giản dị, gần gũi lại vừa rất bí mật, thiên biến vạn hóa”, dám chấp nhận phẫu thuật chỉnh hình “triệt để”, kể cả việc đốt đầu ngón tay để xóa vân tay cũ nhằm tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo; như má Mười Rìu, người đã cống hiến cho cách mạng đứa con trai yêu quý, người bán tất cả 8 lượng vàng dành dụm và đi vay thêm dây chuyền 1 lạng và đôi bông tai để mua chiếc ghe 6 tấn chở đạn; như Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, những con người đã dũng cảm đương đầu với lực lượng hùng hậu của địch… Rồi còn là những Bông Văn Dĩa, Đặng Văn Thanh, Dương Quang Đông, là những Hai Địa, Nguyễn Long An… Tất cả họ - những con người Việt Nam bình dị mà kiên cường, mưu trí và dũng cảm - đã cùng xây dựng huyền thoại về đường Hồ Chí Minh trên biển.

Có thể nói, mạch viết về chiến tranh của Nguyên Ngọc, dầu viết về cái to tát kì vĩ hay viết về cái bé nhỏ, đời thường, chất chứa ý thức tái hiện cuộc chiến tranh nhân dân, ở đó mọi con người tham gia chiến tranh đều với mong muốn cuộc sống của con người ngày một no ấm, thanh bình. Nguyên Ngọc viết về chiến tranh là viết về những chiến công hình thành từ những người anh hùng đã được vinh danh và viết về cả những người anh hùng vô danh đã lặng lẽ làm những viên đá lát đường trên con đường đưa dân tộc tới đài chiến thắng. Những sáng tác của ông cho thấy cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta - với những kì tích có một không hai trong lịch sử chiến tranh của nhân loại - thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân với ý nghĩa đầy đủ nhất.

T.P.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)