Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Phong trào thi đua là yêu nước – Bối cảnh lịch sử, ý nghĩa thời đại

Chủ Nhật, 14/05/2023 00:35
. NGUYỄN THANH TÚ
 
Ngày 11 tháng 6 năm 1948, Bác Hồ viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc và đến ngày 24 tháng 6 năm 1946 bài báo được đăng trên Báo Cứu quốc số 968. Đây là bài viết rất quan trọng bởi nó mở ra một phong trào thi đua yêu nước rộng rãi trong cả nước. Mục đích của thi đua ái quốc, như Bác Hồ đã đặt ra, là để:
Diệt giặc đói,
Diệt giặc dốt,
Diệt giặc ngoại xâm.
 
Bài báo Lời kêu gọi thi đua ái quốc ra đời trên cơ sở bài viết Lời kêu gọi thi đua yêu nước được Bác viết khoảng ngày 1 tháng 5 năm 1948, chưa đăng báo. Bài viết ngắn, chỉ 12 dòng với 104 con chữ, trong đó Người có giải thích tại sao phải thi đua: "Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau".
 
Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc Thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất. Có thể là do thời điểm phát động thi đua chưa thật thuận lợi, có thể là do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi mà đến ngày 11 tháng 6 năm 1948 Bác viết lại bài báo, đổi tên từ Lời kêu gọi thi đua yêu nước thành Lời kêu gọi thi đua ái quốc và cho đăng báo. Bài báo dài hơn nhiều (dài 55 dòng khoảng gần 500 con chữ), nêu ra từ mục đích thi đua đến cách thi đua và bổn phận thi đua của mỗi người Việt Nam yêu nước. ở bài viết trước Người dùng hai chữ "yêu nước" thuần Việt, ở bài báo sau Người dùng hai chữ "ái quốc" Hán Việt để tăng cường thêm sắc thái trang trọng thích hợp với phong trào tầm cỡ quốc gia sôi nổi, rộng khắp.
 
Từ ngày bài báo ra đời cho đến khi Bác Hồ dừng bút đi xa, tư tưởng thi đua yêu nước của Người luôn xuất hiện, luôn thấm đậm trong các bài viết. Nó thể hiện một tinh thần nhất quán ở Bác Hồ: đã nói là làm, đã làm là làm liên tục, triệt để. Dưới góc độ của một bài viết để đăng tải trên một tờ báo văn nghệ, chúng tôi xin đi sâu hơn vào tinh thần thi đua yêu nước trong văn thơ của Người.
 
Xuất phát từ quan niệm "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận" nên Người sáng tác văn học để kêu gọi, cổ vũ phong trào thi đua ái quốc. Ngày 15 tháng 7 năm 1948 trong Thư gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Người có viết: "Đang có phong trào Thi đua ái quốc của toàn dân, tôi mong rằng Hội nghị sẽ có một chương trình thi đua ái quốc về mặt trận văn hóa. Tôi chắc rằng sau Hội nghị, văn hóa của ta sẽ có một sự phát triển mạnh mẽ". Và ở tư cách một vị Chủ tịch nước, tư cách một nhà thơ, Người đã làm thơ để tham gia "thi đua ái quốc". Bài thơ sớm nhất viết về đề tài này là bài Chúc Tết 1949:
 
"Kháng chiến lại thêm một năm mới,
Thi đua yêu nước thêm tiến tới.
Động viên lực lượng và tinh thần,
Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.
Người người thi đua,
Ngành ngành thi đua,
Ngày ngày thi đua
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua".
 
Bài thơ nói về tầm quan trọng của thi đua là: "Động viên lực lượng và tinh thần" nhằm mục đích "Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi". Đây cũng là một cặp kết cấu nhân - quả. Đoạn hai của bài thơ chuyển sang thể năm chữ, cũng là một cặp nhân - quả khác: "Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua" (nguyên nhân) để rồi: "Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua" (kết quả). Thi đua được Bác nêu ra thật toàn diện, từ con người (người người) đến công việc (ngành ngành) và xuyên suốt thời gian (ngày ngày).
 
Thơ Hồ Chí Minh đã kết hợp hài hòa và thật đẹp hai tư cách: tư cách nhà cách mạng, nhà chính trị và tư cách nhà thơ. Hầu như mỗi dịp xuân về Người đều có thơ chúc Tết. Và cũng hầu như trong bài thơ chúc Tết nào cũng đều có những vấn đề chính trị rất thời sự, lúc này nghệ thuật và chính trị hòa tan vào nhau, nhờ ở trong thơ mà vấn đề chính trị được thơ hóa, làm cho người đọc dễ nhớ, dễ thuộc. ở mỗi bài thơ chúc Tết đều có lời chúc "thi đua":
 
"Thi đua yêu nước thêm tiến tới" (Chúc Tết 1949).
"Năm mới thi đua mới" (Thơ chúc Tết Nhâm Thìn, 1952).
"Thi đua chiến thắng mới" (Thơ mừng Tết Quý Tỵ, 1953).
"Miền Bắc thi đua xây dựng" (Thơ chúc mừng năm mới, 1956).
"Đoàn kết thi đua tiến tới" (Thơ chúc Tết 1959).
.....
Người nêu ra sự thi đua giữa hai miền Nam - Bắc:
"Miền Bắc thi đua xây dựng
Miền Nam giữ vững thành đồng".
(Thơ chúc mừng năm mới, 1956)
 
"Chúc miền Bắc hăng hái thi đua
Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới".
(Mừng xuân 1961).
 
"Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi
Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong.
Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới
Sức triệu người hơn sóng biển Đông".
(Thơ mừng xuân 1962).
 
"Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi".
(Thơ chúc tết ất Tỵ, 1965)
 
"Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ"
(Mừng Xuân 1968).
 
Thi đua giữa tiền tuyến và hậu phương:
"Tiền tuyến, hậu phương, toàn dân cố gắng
Thi đua sản xuất, chiến đấu xung phong".
(Thơ mừng Xuân 1966).
 
Công nông binh thi đua:
"Công nông binh đại thi đua, đại đoàn kết"
(Công nông binh thi đua)
 
Toàn quân thi đua:
"Mừng tiền tuyến toàn quân
Thi đua chiến thắng mới"
(Thơ mừng tết Quý Tỵ, 1953)
 
Các cụ phụ lão thi đua: "Càng già càng dẻo, lại càng dai/ Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai". Đến các cháu cũng thi đua: "Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành".
 
Rồi thi đua giữa hai thế hệ già trẻ: "Già dù yếu sức mang mang nhẹ/ Trẻ cố ra công gánh gánh đầy".
Và chính Bác Hồ cũng "thi đua" cùng các cháu:
 
"Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm
Vẫn vững hai tay việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến bước ta cùng con em ta".
 
Để ý qua chúng ta sẽ thấy Bác Hồ luôn thúc giục, cổ vũ, động viên hai miền Nam -Bắc thi đua với nhau, tiền tuyến thi đua với hậu phương. Bởi ở thời điểm đó hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Hai miền Nam - Bắc thi đua, tiền tuyến, hậu phương thi đua với nhau là cách giải quyết nhanh nhất hai nhiệm vụ chiến lược đó. Đấy cũng là thể hiện tầm nhìn chiến lược, thể hiện mối quan tâm lớn lao của Bác để làm sao:
 
"Đến ngày thống nhất nước nhà
Bắc Nam sum họp thì ta vui lòng".
 
Chúng tôi cho rằng, hôm nay học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở phương diện thi đua cần phải học tập tinh thần thi đua vừa có bề rộng vừa có chiều sâu trong tư tưởng Bác Hồ. Về bề rộng, chúng tôi đã nói qua ở trên, còn về chiều sâu, chúng tôi thấy Bác đặt ra vấn đề thi đua rất cụ thể, thiết thực, thi đua cái gì, cách thi đua như thế nào ở trong bài báo Lời kêu gọi thi đua ái quốc, ví dụ:
 
"Cách làm là: Dựa vào:
Lực lượng của dân
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân".
 
Trong thơ, tinh thần ấy cũng thể hiện rất rõ: toàn dân thi đua để "Chuẩn bị tổng phản công kịp thời", để có "chiến thắng mới"; chiến sĩ thì "thi đua giết giặc", đồng bào "thi đua tăng gia"; các cháu "thi đua học và hành"; "miền Bắc thi đua xây dựng", "miền Nam đấu tranh tiến tới"...
 
Tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Có thể coi tư tưởng đoàn kết là một phương diện hạt nhân, quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính vì thế Người rất chú ý đến vấn đề đoàn kết thi đua và thi đua đoàn kết:
 
"Mừng tiền tuyến toàn quân/ Thi đua chiến thắng mới/ Mừng toàn dân đoàn kết/ Mừng kháng chiến thắng lợi"; "Toàn dân đoàn kết một lòng/ Miền Bắc thi đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng"; "Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua"; "Chúc miền Bắc hăng hái thi đua/ Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới"; "Công nông binh đại thi đua, đại đoàn kết".
 
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bác Hồ đã đưa ra "kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là: Toàn dân sẽ đủ ăn đủ mặc, toàn dân biết đọc biết viết, toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn". Hôm nay chúng ta cũng nên có phong trào thi đua ái quốc để đạt mục đích: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
 
 
N.T.T
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)