Một vài phác họa diện mạo văn học khu vực Đông Nam Á

Thứ Tư, 07/06/2023 00:24

. CHI ANH
 

So với các nền văn học lớn có truyền thống lâu đời khác tại châu Á như văn học Trung Quốc hay văn học Ấn Độ, văn học khu vực Đông Nam Á được đánh giá là khá “non trẻ” bởi sự ra đời có phần muộn hơn của văn học thành văn, thậm chí một số quốc gia trong khu vực hiện nay chỉ mới được thành lập. Tuy nhiên, nền văn học thành văn “non trẻ” ấy vẫn có những thành tựu đáng ghi nhận.

1. Từ đặc trưng địa lí, lịch sử đến đặc trưng văn hóa, văn chương cổ - trung đại

Về mặt địa lí, Đông Nam Á là một khu vực tương đối rộng lớn ở châu Á, tiếp giáp với hai quốc gia lớn là Ấn Độ và Trung Quốc. Vị trí đặc biệt giữa hai nền văn minh phương Đông lớn của nhân loại đã tác động không nhỏ đến văn hóa và văn chương Đông Nam Á thời kì cổ - trung đại. Nhà nghiên cứu Đức Ninh trong công trình Văn học khu vực Đông Nam Á còn chỉ ra bên cạnh hai nền văn minh lớn Ấn Độ và Trung Hoa, văn hóa và văn chương Đông Nam Á tiếp nhận thêm ảnh hưởng từ một số nền văn hóa khác như Ả Rập - Ba Tư, Tây Ban Nha (trong trường hợp của Philippines).

Thành quả từ quá trình gặp gỡ văn hóa bên ngoài đó đã được thể hiện qua một số nét đặc trưng của văn học Đông Nam Á. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng chữ Pali, Sanskrit, chữ Hán du nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc thông qua hoạt động truyền giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành văn học viết tại Đông Nam Á. Những thứ tiếng được vay mượn ấy là ngôn ngữ chủ yếu để sáng tác văn chương thuở đầu giai đoạn văn học thành văn. Thời gian sau đó, các quốc gia Đông Nam Á đã nỗ lực sáng tạo ra chữ viết riêng và những sáng tác văn chương bằng chữ viết dân tộc xuất hiện là minh chứng rõ nét cho tinh thần, tình cảm đặc trưng của dân tộc mình. Các tôn giáo như Phật giáo, Bà la môn, Hồi giáo… được truyền bá trong cộng đồng cư dân Đông Nam Á cũng để lại dấu vết ảnh hưởng ở nội dung cốt truyện, đề tài, nhân vật các tác phẩm, riêng tại Philippines có thêm sự ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo. Rõ rệt hơn, nhiều tác phẩm văn học cổ - trung đại Đông Nam Á đã học tập đề tài, motif, phỏng theo một số tác phẩm, nhân vật kinh điển trong văn học Ấn Độ như Ramayana, Mahabharata, Jataka… Với văn học Trung Quốc, sự ảnh hưởng thể hiện qua những điển cố điển tích và các thể thơ Đường luật được viện dẫn, vận dụng trong nhiều sáng tác thời kì này, tiêu biểu là văn học trung đại Việt Nam. Ngoài các đặc trưng trên, đội ngũ sáng tác trong thời kì cổ - trung đại giữa các nước Đông Nam Á cũng có điểm chung. Đối với văn học viết, do đặc thù lịch sử - xã hội đương thời, chữ viết không được phổ biến trong toàn dân vì vậy chỉ có những người thuộc tầng lớp quý tộc, quan lại, tăng lữ, sĩ phu được học chữ đồng thời đóng vai trò sáng tác chủ đạo. Đặc biệt ở Thái Lan còn có lực lượng thi sĩ cung đình nhận được sự bảo trợ của hoàng gia để tích cực sáng tác, làm giàu giá trị văn chương dân tộc. Và một điểm chung hết sức quan trọng của văn học Đông Nam Á trong thời kì này là sự phát triển rực rỡ của thể loại truyện thơ.

 

2. Truyện thơ - thể loại đặc trưng, nổi bật nhất gắn liền với dân gian

Về mặt hình thức, truyện thơ Đông Nam Á là những sáng tác tự sự được viết theo các thể thơ truyền thống của mỗi quốc gia, chẳng hạn truyện thơ ở Việt Nam thường vận dụng thể thơ lục bát, Indonesia và Malaysia là thể pantum… Một đặc điểm khác về hình thức là các truyện thơ đều có dung lượng khá lớn, là những câu chuyện dài hơi, xuất phát từ nhu cầu thưởng thức và phản ánh đời sống của người dân. Mặc dù sự ra đời truyện thơ là thành tựu nổi bật của văn học viết ở Đông Nam Á nhưng nó lại gần gũi, gắn liền với dân gian, phục vụ đời sống tinh thần của người dân và đi sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ nơi đây bởi chúng dễ nhớ, dễ thuộc, dễ truyền miệng nhờ chất trữ tình và vần điệu du dương.

Dựa trên nguồn gốc cốt truyện, truyện thơ Đông Nam Á đã được các nhà nghiên cứu phân chia thành ba nhóm: cốt truyện vay mượn từ dân gian, cốt truyện vay mượn từ lịch sử dân tộc và cốt truyện vay mượn từ nước ngoài (chủ yếu là các tác phẩm kinh điển của văn học Ấn Độ và Trung Quốc). Những tác phẩm được mô phỏng, vay mượn chủ yếu là Ramayana, Mahabharata, Jataka, Tam quốc… Tuy nhiên, vì tình cảm, thái độ của con người ở mỗi quốc gia đối với các nhân vật, câu chuyện là khác nhau, nên khi cốt truyện gốc đi qua từng quốc gia Đông Nam Á lại trở thành một “phiên bản” mang sắc thái khác, có ít nhiều biến đổi, thể hiện được đặc trưng tính cách và quan niệm truyền thống của mỗi dân tộc. Những truyện thơ vay mượn cốt truyện từ dân gian hoặc lịch sử dân tộc càng truyền tải rõ hơn nét đặc sắc văn hóa bản địa trong đó. Bên cạnh ba nhóm truyện thơ trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Liên trong bài Ý thức dân tộc trong sự hình thành và phát triển truyện thơ ở Đông Nam Á đã chỉ ra nhóm truyện thơ thứ tư có cốt truyện tự sáng tác. Sự xuất hiện của nhóm này như lời khẳng định mạnh mẽ nhất ý thức dân tộc của các tác giả truyện thơ Đông Nam Á.

Ngoài tính dân tộc nổi bật, các nhà nghiên cứu còn chỉ ra những tính chất đặc trưng khác của truyện thơ Đông Nam Á, đó là tính tự sự, tính trữ tình, tính dân gian và tính bác học. Chúng ta có thể xem xét một vài nét trong tác phẩm nổi tiếng Xỉn Xay của văn học Lào để thấy được sự pha trộn, song hành giữa tính dân gian và tính bác học. Cốt truyện truyện thơ Xỉn Xay có mô hình quen thuộc trong văn học dân gian, gồm mở đầu (giới thiệu về lai lịch, tính cách, ngoại hình nhân vật) - sự kiện và các biến cố (nhân vật chính Xỉn Xay phải trải qua các thử thách hiểm nguy, những lần bị lừa gạt, hãm hại, chống lại cái ác - những biến cố thường thấy trong truyện kể dân gian) - kết thúc (dân gian thường hướng đến kết thúc có hậu như một sự gửi gắm ước mơ bao đời về tinh thần chính nghĩa sẽ diệt trừ cái ác để có được cuộc sống ấm no vui tươi; chàng Xỉn Xay trong truyện thơ sau những biến cố cũng được đoàn tụ với cha mẹ, được cha truyền ngôi và tạo dựng đất nước yên vui). Nhân vật chính diện trong câu chuyện như Xỉn Xay luôn được miêu tả tốt đẹp; còn anh em của chàng, nhóm nhân vật phản diện, lại được miêu tả là những kẻ nhát gan, sợ chết nhưng gian trá, hãm hại và lừa gạt Xỉn Xay. Song hành với các yếu tố đậm tính dân gian trên, tính bác học trong câu chuyện được thể hiện qua diễn biến tâm lí phức tạp hơn, gần với thực tế cuộc sống hơn của các nhân vật. Tác giả Pang Khăm gửi gắm cảm xúc, sáng tạo riêng qua những đoạn kể ghép nối tạo sự liền mạch cho câu chuyện (so với nguyên bản là sách tụng). Cùng với đó, trong truyện thơ Xỉn Xay, người ta có thể bắt gặp những điển tích Phật giáo, những vị thần, quan niệm của Bà la môn…

Ngoài các đặc trưng trên, truyện thơ còn được ghi nhận tính cổ điển và hiện đại khi có những sáng tác trong giai đoạn hiện đại (từ thế kỉ XX) vẫn vận dụng các thể thơ cổ điển, truyền thống. Sau thời kì phát triển rực rỡ, tương đối dài lâu, truyện thơ Đông Nam Á không chỉ đóng góp số lượng lớn tác phẩm mà còn đem đến nhiều tác phẩm có giá trị, thậm chí trở thành đỉnh cao văn học mỗi quốc gia. Một vài truyện thơ nổi tiếng, chất lượng ở mỗi nước có thể kể đến như: Xỉn Xay, Nàng Tèng On, Kalakẹt (Lào); Riêm kê, Tum Tiêu (Campuchia); Ramakiên, Phra Aphamani, Khun Chang Khun Phén (Thái Lan); Jataka, Li Pong Nha, Rama Yagan (Myanmar); Truyện Hang Tuak, Iagan về Rama (Indonesia và Malaysia); Alim (Philippines); Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Sơ kính tân trang (Việt Nam)… Tại Việt Nam, còn có một bộ phận sáng tác rất phong phú của các tộc người thiểu số như người Mường, Tày, Chăm, H’Mông, Thái và tác phẩm được biết đến nhiều hơn cả là Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu).

 

3. Tiểu thuyết - khi hơi thở hiện đại hòa cùng văn hóa bản địa

Các nhà nghiên cứu nhận định rằng đầu thế kỉ XX là thời điểm văn học Đông Nam Á hiện đại thực sự hình thành. Dấu mốc chuyển giao giữa hai giai đoạn là việc thể loại tiểu thuyết dần tiến vào vị trí trung tâm nền văn học, tương tự điều đã diễn ra trong văn học phương Tây không lâu trước đó. Mặc dù truyện thơ vẫn tiếp tục xuất hiện trong thế kỉ XX nhưng ở giai đoạn hiện đại, tiểu thuyết dần chiếm được ưu thế lớn hơn với số lượng và lực lượng sáng tác đông đảo.

Trong thời kì các quốc gia Đông Nam Á chịu cảnh xâm lược, chiếm đóng của thực dân phương Tây, nhiều tiểu thuyết chú trọng phản ánh những vấn đề thời đại, thực trạng đời sống nhân dân, những người yếu thế trong xã hội đương thời, tố cáo tội trạng do chủ nghĩa thực dân gây ra. Từ đó, các nhà văn khích lệ tinh thần yêu nước, đấu tranh chống quân xâm lược và giành lại độc lập, tự do, được sống trong xã hội công bằng, dân chủ. Đây cũng là nội dung chủ đạo của văn học Đông Nam Á thời kì này, hướng đến phục vụ mục tiêu thực tiễn cấp thiết của dân tộc. Sau khi giành lại độc lập cho đến nay, dù yêu cầu đối với sáng tác tiểu thuyết tại mỗi quốc gia có điểm khác nhau nhưng tựu trung tiểu thuyết vẫn giữ được ưu thế và tiếp tục phản ánh những vấn đề gắn liền với thực tiễn cuộc sống, tình cảm con người, thế giới nghệ thuật đương đại. Chúng là kết tinh hài hòa của văn hóa bản địa, truyền thống với quan điểm đương thời, sáng tạo nghệ thuật mới mẻ hòa nhập với thế giới. Trong tác phẩm văn học Indonesia đương đại nổi tiếng, tiểu thuyết Chiến binh cầu vồng của Andrea Hirata, nội dung chính đề cập đến thực trạng giáo dục trong xã hội Indonesia nhưng đồng thời vẫn thể hiện được nhiều yếu tố văn hóa, không gian đặc trưng của quốc đảo này.

Trong Chiến binh cầu vồng, một đất nước Indonesia với văn hóa đa dạng, đa tộc người, đa ngôn ngữ, đa tôn giáo đã hiện diện thông qua hình ảnh hòn đảo Belitong - một trong số hàng ngàn hòn đảo nơi đây và là bối cảnh chính diễn ra câu chuyện. Những cư dân của đảo Belitong đến từ nhiều tộc người khác nhau, đó là người Hoa, người Mã Lai, người Java, người Sawang, người Sarong. Andrea Hirata đã miêu tả đặc trưng tính cách của mỗi tộc người qua cách ứng xử trong lễ hội giật đồ Chiong Si Ku. Tương ứng với nhiều tộc người khác nhau, cư dân đảo Belitong sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, mang đức tin với những tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Những đứa trẻ được học tiếng Ả Rập, chữ thảo (tiếng Hoa), tiếng Mã Lai, đọc những cuốn sách tiếng Anh, tiếng Hà Lan và cả tiếng Khek, vì vậy mà có cảnh ba người đến từ ba tộc người khác nhau giao tiếp bằng ba thứ tiếng. Phần lớn cư dân trên đảo theo đạo Hồi, người Hoa có Nho giáo, ngoài ra còn có những người theo Shaman giáo, hình ảnh ngôi chùa đại diện cho sự xuất hiện của Phật giáo. Và con người nơi đây vẫn mang tín ngưỡng đa thần - đặc trưng văn hóa bản địa của các nền văn minh lúa nước tại Đông Nam Á; tính toán thời gian dựa vào tự nhiên, khi mùa mưa bắt đầu thì lũ trẻ sẽ chơi Tarak - một trò chơi truyền thống cổ xưa… Bên cạnh đó, Chiến binh cầu vồng còn phản ánh thực trạng phân biệt tầng lớp xã hội ở Belitong do khoảng cách giàu - nghèo, nguyên nhân kìm kẹp sự phát triển giáo dục của người dân nơi đây. Chỉ trong một cuốn tiểu thuyết, Andrea Hirata đã cho độc giả thấy được đặc trưng văn hóa ở Indonesia là đa văn hóa, tộc người, ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng và thực trạng phân hóa mạnh mẽ về phát triển kinh tế, giáo dục ở những vùng đất khác nhau của đất nước vạn đảo này.

Mặc dù hiện nay sự quan tâm của độc giả đại chúng Việt Nam đối với văn học hiện đại, đương đại Đông Nam Á còn chưa cao nếu đặt trong so sánh với các nền văn học châu Á khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng tiểu thuyết Chiến binh cầu vồng lại là trường hợp đặc biệt khi trở thành tiểu thuyết bán chạy, được tái bản nhiều lần tại thị trường nước ta. Điều này cho thấy tác phẩm phù hợp với thị hiếu đại chúng tại Việt Nam, người đọc Việt đã tìm thấy nhiều nét gần gũi, tương đồng dễ dàng đồng cảm. Một số sáng tác khác đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam có thể kể đến: Chai thời gian (Prabhassorn Sevikul, văn học Thái Lan), Khi ta mơ quá lâu (Goh Poh Seng, văn học Singapore)… Đây đều là những tác phẩm nổi tiếng, bán chạy tại chính thị trường nội địa và phản ánh những vấn đề mang tính thời sự của quốc gia đó.

Bên cạnh hoạt động xuất bản, các tác phẩm văn học Đông Nam Á được giới thiệu trong nhà trường tại Việt Nam và đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu từ văn học dân gian, văn học trung đại cho đến hiện đại, đương đại. Hoạt động nghiên cứu diễn ra tập trung trong Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cùng các viện nghiên cứu và trường đại học có chuyên ngành liên quan khác. Ngoài ra, giải thưởng văn học ASEAN do Hoàng gia Thái Lan thành lập và trao giải từ năm 1979 đã vinh danh nhiều tác giả Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), ghi nhận các sáng tác chất lượng, góp phần vào nỗ lực chung nhằm phát triển văn học toàn khu vực.

Có thể thấy được những biến động lịch sử đã tác động lớn đến văn học khu vực Đông Nam Á, trong đó sự lên ngôi của thể loại tiểu thuyết ghi dấu bước chuyển giao giữa hai thời kì văn học và sự ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây tại đây. Dù mang theo những nhiệm vụ mới nhưng văn học Đông Nam Á hiện đại và đương đại vẫn nối tiếp đặc trưng kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa bản địa với văn hóa bên ngoài, khẳng định được nét riêng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Từ những điểm chung của nền văn học khu vực cũng như lịch sử, địa lí, văn hóa, việc tiếp cận văn học Đông Nam Á đối với người Việt sẽ dễ dàng, gần gũi hơn và trong tương lai tất yếu có thêm nhiều tác phẩm đặc sắc, chất lượng được giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Quan tâm và hiểu về nền văn học khu vực mà chúng ta là một phần trong đó cũng là cách để hiểu rõ hơn nền văn học của chính chúng ta.

C.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)