Hình tượng Hồ Chí Minh trong các trường ca

Thứ Năm, 25/05/2023 11:33

. TRẦN THỊ MINH TÂM
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Để thể hiện hình tượng Bác một cách sinh động, chân thực nhất, làm toát lên công lao vĩ đại của Người đối với dân tộc, mỗi nhà văn, nhà thơ đều cố gắng tìm cho mình những cách khai thác riêng trong những thể loại văn học khác nhau như thơ, truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết. Một số nhà thơ lại lựa chọn thể loại trường ca làm phương tiện chủ đạo khắc họa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo dòng thời gian, bản trường ca được nhiều người biết đến nhất viết về Bác là Theo chân Bác sáng tác năm 1970 của nhà thơ Tố Hữu. Bản trường ca được bắt đầu bằng những dòng thơ đẫm lệ, nghẹn ngào đau thương khi biết tin Bác đã về về với “thế giới người hiền”: Tháng năm ơi, có thể nào quên/ Hàng bóng cờ tang thắt dải đen/ Rủ giữa lòng đau. Ta nhớ mãi/ Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên. Kế đó, Tố Hữu đã làm cuộc “hồi hương” lịch sử trong tâm tưởng, khắc họa toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Bác từ khi là cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở làng Sen, chàng thanh niên Nguyễn Văn Ba làm phụ bếp trên con tàu Amiral Latouche Tréville, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc bôn ba khắp thế giới và sau cùng là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, người đưa đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt chủ đạo “vừa trầm tĩnh, vừa nghiêm túc, vừa lắng đọng, lại có phong vị Đường thi”, Theo chân Bác, như nhận xét của nhà thơ Đỗ Trung Lai, đã đánh dấu sự biến chuyển trong thi pháp khắc họa Chủ tịch Hồ Chí Minh của Tố Hữu, chuyển từ “phi thường trong phi thường” thành ra “phi thường trong giản dị”; hình tượng Bác trong trường ca này “vĩ đại và lão thực: Như đỉnh non cao tự giấu hình/ Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh”.

Năm 1973, phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng, nhà thơ Thanh Tịnh đã ra mắt bạn đọc một phần của bản trường ca viết về Bác dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi: Đi từ giữa một mùa sen(1). Nhan đề bản trường ca gợi lên nhiều liên tưởng, ý tứ thi vị: Bác sinh ra ở làng Sen, giữa mùa sen, và sen từ lâu đã là biểu tượng cho sự thanh khiết, cao đẹp của người Việt. Do đặc thù viết cho thiếu nhi, nhà thơ Thanh Tịnh đã lựa chọn thể lục bát với kết cấu giản dị của một truyện thơ dân gian. Qua gần 2000 câu thơ, nhà thơ đã tái hiện toàn bộ quãng đời thơ ấu của Bác từ khi lọt lòng ở làng Sen Trong lều một chú con trai/ Ra đời lúc bố thăm ai vắng nhà/ Ánh hồng rẽ chiếu bao la/ Chân mây đã rạng sáng ra, sáng dần cho đến những ngày mẹ mất. Điểm nổi bật của trường ca này là khả năng miêu tả tâm lí tinh tế, phù hợp với độ tuổi và hoàn cảnh. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung mặc dầu từ nhỏ đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, chững chạc hơn các bạn cùng trang lứa Hỏi gì thường hỏi đến nơi/ Mặc dầu chưa rõ nói lời, thành câu, chăm chỉ phụ giúp cha mẹ Khi đưa giấy đặt lên bàn/ Khi đem miếng vỏ, quả cam biếu bà/ Thường hay tranh chị quét nhà/ Tranh anh lượm lá xua gà mài son/ Cũng toàn những việc con con/ Đều vươn trên sức làm tròn mới thôi nhưng vẫn có những giây phút “mè nheo” với chị, với mẹ: Hay vòi chị đi hái dâu/ Cũng hờn khi mẹ đi lâu chưa về. Lúc phải theo gia đình vào Huế, cậu bé Nguyễn Sinh Cung vừa thấy thích thú khi được đi xa, ngắm phong cảnh nước non hữu tình Lũy Thầy đón gió đại dương/ Đèo Ngang che khuất dặm đường núi Chung vừa thấy nhớ nhà Bỗng nhiên nước mắt lưng tròng/ Nhìn ông quê mới, nhớ ông quê nhà. Có thể nói, Đi từ giữa một mùa sen là một truyện thơ lục bát thể hiện được cái “tài thơ, duyên thơ” của nhà thơ Thanh Tịnh, phù hợp với lứa tuổi học trò, thích hợp giảng dạy trong chương trình phổ thông về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

21 năm sau ngày Bác mất, nhà thơ Lê Đạt - người “phu chữ” để lại nhiều dấu ấn trong nền thơ ca hiện đại - cho ra mắt bạn đọc Trường ca Bác. Bản trường ca được mở đầu bằng nỗi tiếc thương, đau đớn khi Bác đi xa: Mở rằm/ nhớ/ một ông trăng/ Cái đèn/ băng đen/ Tháng tám/ Thuở long lanh/ Nước/ nức nở/ Ba Đình/ Sử mở/ trắng tang/ trang/ Ta gọi/ Việt Nam/ Ta khóc/ Bác/ “Các cháu bây giờ cháu của ai?” Từ nỗi niềm bi thương ban đầu ấy, nhà thơ Lê Đạt đã dựng nên chân dung Bác, công lao vĩ đại của Bác đối với đất nước, dân tộc theo một cách rất riêng, rất Lê Đạt. Hình ảnh Mây trắng đền Hùng/ râu Bác ung dung vừa gợi nhớ việc Bác về thăm đền Hùng, vừa là một so sánh ngầm công lao của Bác với đất nước cũng vĩ đại, trường tồn như công lao của vua Hùng khai sinh ra dân tộc Việt. Và vì vậy, danh xưng Hồ Chí Minh đã là một biểu tượng thấm sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, không cần phải “ghi chép” nhiều: Mục/ Hồ Chí Minh/ tập Đại toàn thư lịch sử/ Chỉ cần ghi/ hai chữ/ Bác Hồ. Bản trường ca khép lại bằng điệp từ xuân, mở ra một tương lai đầy hi vọng cho đất nước, dân tộc: Quả xuân/ Nhớ người/ trồng xuân/ Ta đi/ trồng xuân/ Trùng trùng xuân/ điệp núi/ điệp sông/ điệp Đồng Tháp/ điệp Trường Sơn/ Điệp điệp/ BÁC/ đi/ xuân… Đi từ “thung lũng đau thương” đến “cánh đồng hi vọng”, Trường ca Bác của Lê Đạt một mặt phản ánh quá trình vận động đi lên của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác, một mặt là một minh chứng rõ nét phản ánh sức hấp dẫn của đề tài Hồ Chí Minh đối với các nhà thơ Việt Nam. Dù thuộc nhiều “trường phái” khác nhau, dù “phong cách sáng tác”, “quan niệm về nghề” khác nhau, song tất cả các nhà thơ Việt đều chung một nhận thức, chung một niềm tin yêu, kính trọng đối với Bác.

Đến năm 2012, trường ca Vầng trăng và cánh rừng của nhà thơ Ngọc Bái viết về Bác từ khi trở về nước cho đến ngày chiến thắng Điện Biện Phủ lịch sử ra đời. Bản trường ca gồm liên khúc 3 chương (Ngôi sao trên đỉnh núi - Trăng thề - Cánh rừng không nguôi gió) với gần 1400 câu thơ, mỗi chương được gợi cảm hứng từ một câu thơ của Bác. Chương 1 là hai câu thơ Non xa xa, nước xa xa/ Nào phải thênh thang mới gọi là trong bài Pác Bó hùng vĩ, chương 2 là hai câu Cúi đầu hồng nhật cận/ Đối ngạn nhất chi mai trong bài Thướng sơn và chương 3 là hai câu Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa trong bài Cảnh khuya. Trong Vầng trăng và cánh rừng, nhà thơ Ngọc Bái cố gắng làm nổi bật lên hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh gần nhân dân, thương nhân dân, quý nhân dân, trọng nhân dân, hòa đồng với nhân dân. Về nước sau 30 năm bôn ba hải ngoại, Người đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi biên viễn, được họ tin tưởng quý trọng: Gương mặt sương gió/ Già Thu mặc áo chàm/ chân đi giày cỏ như người Tày, người Nùng/ Già Thu viết sách/ Già Thu ngồi câu cá bên suối/ Già Thu dạy trẻ viết chữ/ Đêm nhìn lên núi thấy ngôi sao sáng hiển hiện/ dân làng bảo đấy là điềm lành, điềm tốt/ sao cứu tinh/ đêm càng đen càng sáng tỏ. Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, mặc dù giữ cương vị trọng yếu tối cao, nhưng Bác vẫn giữ nếp sống giản dị, cùng sinh hoạt, cùng chiến đấu với chiến sĩ, với nhân dân: Chủ tịch nước dép cao su/ chống gậy lên thăm trận địa…/ Chủ tịch nước vượt rừng thăm bộ đội/ cơn mưa ập tới dọc đường/ áo quần ướt tự tay vò giặt/ gậy thay sào phơi…/ Chủ tịch nước với dân cũng khoai cũng sắn/ cũng củ rừng bữa đói bữa no. Chính điều này theo nhà thơ là cội nguồn làm nên sức mạnh Hồ Chí Minh, bản lĩnh Hồ Chí Minh nói riêng, sức mạnh và bản lĩnh của dân tộc Việt Nam nói chung: Và anh nghĩ/ lãnh tụ là vậy/ làm gì dân không tin/ làm gì kháng chiến chẳng thắng lợi.

Vào năm 2016, nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang xuất bản trường ca về Bác mà ông ấp ủ từ lâu: Bác Hồ và người chiến sĩ. Bản trường ca gồm 2 phần. Phần một Hồ Chí Minh có cấu trúc tuần hoàn với cảm xúc chủ đạo là nỗi buồn đau thương tiếc của tác giả khi Bác mất. Triệu con người/ chưa bao giờ làm thơ/ hôm nay/ các màu da/ hòa thơ nước mắt/ khóc Người. Kế đó, ngược dòng thời gian, Lê Huy Quang lần lượt tái hiện từng chặng đường đời, đường hoạt động cách mạng của Bác từ lúc sinh ra cho đến khi hóa thành bất tử trong lòng dân tộc và nhân dân thế giới: Hồ Chí Minh/ Người ở lại/ trong ca dao/ cuộc đời/ dòng sông/ cây rừng/ ngọn núi…/ trong thơ Việt Nam/ và thơ nhân loại. Phần hai của bản trường ca - Người chiến sĩ, Lê Huy Quang tập trung tái hiện hình ảnh Bác trong tiềm thức của dân tộc, trong trái tim của mỗi người lính Cụ Hồ khi vào Nam chiến đấu “đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào”, thống nhất đất nước. Trong những thời khắc lịch sử gian khó nhất, hình ảnh Bác luôn hiện lên trong họ: Đông bảy mươi hai tôi hát nữa/ Tên Người/ Hồ Chí Minh/ Tôi viết nữa tên Người/ Và - Tôi - Hát. Đó chính là nguồn sức mạnh lớn lao nhất, cổ vũ, động viên những người lính Cụ Hồ tiếp mãi bước quân hành cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử: Hai mươi năm Bắc - Nam sum họp/ Cho những nụ cười cởi mở, hồn nhiên/ Cho những đắng cay thù hận, ưu phiền/ Chìm xuống. Có thể nói, với Bác Hồ và người chiến sĩ, nhà thơ, họa sĩ Lê Huy Quang đã bổ sung và làm phong phú thêm cho kho tàng các tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong năm 2017, nhà thơ Hữu Thỉnh, tác giả của những trường ca nổi tiếng như Sức bền của đất, Đường tới thành phố, Trường ca Biển, xuất bản Trăng Tân Trào(2) viết bằng thể ngũ ngôn tứ tuyệt về Bác. Trường ca này, như lời giới thiệu của nhà thơ Trần Đăng Khoa, đã đánh dấu một lối viết khác của nhà thơ Hữu Thỉnh - chuyển từ ảo sang thực: “Anh có tài ảo hóa hiện thực, và đấy là tinh chất của anh... Với trường ca Trăng Tân Trào, Hữu Thỉnh lại chọn một lối viết khác, lối viết mộc. Câu thơ cũng mộc với một hiện thực dường như nguyên bản. Hiện thực là âm hưởng chủ đạo của trường ca này. Những người quen với bút pháp thơ Hữu Thỉnh có thể sẽ thấy ngỡ ngàng. Nhưng Hữu Thỉnh chọn lối viết mộc có lẽ đấy là cách tốt nhất để tiếp cận với cuộc đời, tâm hồn cao đẹp và tư tưởng vĩ đại của Bác.”(3) Trăng Tân Trào được phát triển từ câu chuyện có thật về người thầy thuốc “bí ẩn” đã chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho Bác vào mùa thu năm 1945 khi cách mạng đang trong thời khắc quyết định. Trên nền sự thật ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khái quát hóa bài thuốc chữa bệnh cho Bác của vị lương y bí ẩn. Đó là phương thuốc Tinh chế của núi rừng/ Khí thiêng hồn sông núi/ Luyện cùng với lòng dân/ Mong Người mau qua khỏi. Và những vị thuốc chính của bài thuốc là: Không phải tôi cứu Người/ Cứu Người là thiên định/ Bác mệnh lớn, đức dày/ Bệnh nào rồi cũng chuyển/…/ Người vì nước quên thân/ Nhân hiền cho quả thiện/ Người đi và Người đến/ Tự mình nâng bước tiên. Với Trăng Tân Trào, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có một so sánh, liên tưởng thú vị khi đồng nhất quá trình chữa bệnh cho Bác của vị lương y với hành trình “chữa bệnh” cho dân tộc, đất nước của Bác: Thân bệnh. Đành nằm đây/ Trái treo cành Độc lập/ Vận nước nghìn năm một/ Thắt lòng từng giây qua. Những câu hỏi và câu trả lời trong quá trình chẩn bệnh của vị lương y cho Bác cũng chính là những vấn đề cốt lõi để giúp đất nước, dân tộc thoát khỏi ách nô lệ gần một thế kỉ: Gốc nào thì bền dân?/ Thân nào thì cao nước?/ Bóng nào thì tụ nhân?/ Tình nào gom xứ sở?/ Thứ nhất là đồng tâm/ Thứ hai là mưu lược/ Thứ ba là thông suốt/ Thứ tư là ứng thời. Và khi Bác khỏi bệnh thì đất nước cũng chuyển mình sang một thời đại mới, thời đại độc lập, tự do: Có đám mây vô danh/ Che rợp trời Việt Bắc/ Mở thu vào đón khách/ Non xanh mùa Độc lập. Là trường ca thứ 4 trong sự nghiệp thơ dày dặn của mình, Trăng Tân Trào vẫn cho thấy một bản sắc thơ, phong cách thơ Hữu Thỉnh thông minh, tinh tế với những phát hiện, kiến giải độc đáo làm “ngỡ ngàng” người đọc.

Năm 2019, nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ (đã mất) cho ra mắt bạn đọc trường ca Một người - thơ - tên gọi với gần 13 nghìn câu thơ lục bát viết về Bác. Trường ca có dáng dấp truyện thơ này có những điểm nhấn quan trọng. Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ cho rằng hành trình đi cứu nước của Bác là sự tiếp nối con đường mà các vị vua yêu nước nhà Nguyễn như Duy Tân, Thành Thái đã đi. Mặt khác, trong tác phẩm này, Nguyễn Thế Kỷ mạnh dạn khắc họa mối tình của Bác thuở thanh niên với người con gái Huế Út Huệ xinh đẹp. Cảnh chia tay của hai người được viết bằng những câu thơ bồi hồi, giàu hình ảnh: Huế từ núi Ngự chia li/ Trường Tiền mỗi nhịp sầu bi mấy lần/ Cách ngăn muôn Sở vạn Tần/ Đâu bằng chỉ một tấc phân anh rời. Bên cạnh đó, Một người - thơ - tên gọi còn có cái kết khá đặc biệt. Không chọn một mốc thời gian đáng nhớ trong cuộc đời Bác (khi bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước, khi đọc luận cương của Lenin, khi mới về nước hay khi mất) như nhiều thi phẩm khác viết về Bác, Nguyễn Thế Kỷ lại chọn một… hội thảo quốc tế về Bác ở thời hiện đại làm cái kết. Cuộc hội thảo khoa học về Người với sự tham gia của đông đảo học giả trên thế giới một lần nữa khẳng định vai trò, công lao của Bác đối với dân tộc và phong trào hòa bình thế giới: Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!/ Người soi gương sáng hòa bình thế gian. Sự lựa chọn này là có chủ đích, qua đó Nguyễn Thế Kỷ muốn khẳng định vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trường quốc tế.

Trên đây là những phác họa cơ bản về một số bản trường ca viết về Bác trong vòng hơn nửa thế kỉ qua. Các trường ca đều dày dặn về dung lượng, khơi gợi được vấn đề mới trong cách tiếp cận đề tài Hồ Chí Minh. Cùng với các tác phẩm thuộc các thể loại văn học khác, các trường ca viết về Bác đã chứng minh cho sức sống mãnh liệt của đề tài Hồ Chí Minh trong văn học Việt Nam đương đại.

T.T.M.T

--------

1. Trường ca gồm 8 chương nhưng xuất bản chỉ in 5 chương đầu. Ở lần tái bản năm 2017, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng chỉ in 5 chương đầu.

2. Sau khi xuất bản, nhà thơ Hữu Thỉnh có bổ sung, sửa chữa thêm một số đoạn. Bài viết này sử dụng văn bản đã xuất bản năm 2017.

3. Hữu Thỉnh (2017), Trăng Tân Trào, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr. 5-7.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)