Đọc lại thơ tặng bạn của Bác Hồ

Chủ Nhật, 28/05/2023 00:41

. Trần Trọng Huy
 

Có một chủ đề thơ tặng bạn trong thơ Hồ Chí Minh, ở bài viết nhỏ này chúng tôi chỉ xin đưa ra những nhận định bước đầu.
Bài thứ nhất, quen thuộc với chúng ta, bài Tặng Bùi Công (Tặng Cụ Bùi):

Khán thư sơn điểu thê song hãn
Phê trát hoa xuân chiếu nghiễn trì
Tiệp báo tần lai lao dịch mã
Tư công tức cảnh tặng tân thi.


Bản dịch thơ:

Xem sách chim rừng vào cửa đậu
Phê văn, hoa núi chiếu nghiên soi
Tin vui thắng trận dồn chân ngựa
Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài.


Để hiểu sâu hơn bài thơ, dĩ nhiên phải tìm hiểu người được Bác tặng thơ là ai. Đó là cụ Bùi Bằng Đoàn (1899-1955), người xã Liên Bạt, huyện ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (cũ), đỗ cử nhân dưới thời Nguyễn, từng làm tri huyện rồi tuần phủ, chức cao nhất là Thượng thư Bộ Tư pháp thời Bảo Đại. Sau 1945, cụ theo cách mạng và trở thành một nhân sĩ yêu nước, được bầu làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội khóa 1. Nói như thế để thấy tấm lòng của Bác Hồ về việc trọng dụng người tài, người có tinh thần yêu nước, không phân biệt sang hèn, không nặng nề về lý lịch tiểu sử… Và cũng phải nói thêm là ngày trước làm thơ là một hành động được coi là rất cao quý, tặng thơ nhau có nghĩa là đã rất hiểu nhau, kính trọng nhau.


Cũng cần hiểu về bối cảnh ra đời của bài thơ, là đầu xuân 1948, tại chiến khu Việt Bắc, những tin vui thắng trận cứ liên tiếp báo về, trong hoàn cảnh đó Bác làm bài thơ này, không chỉ là tặng Cụ Bùi mà còn là sự khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần đánh giặc của toàn dân ta. Có lẽ hiểu sâu sắc điều đó, cụ Bùi Bằng Đoàn đã làm bài thơ họa lại, bản dịch thơ là của chính tác giả:

Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc
Giang sơn vạn lý thủ thành trì
Tri công quốc sự vô dư hạ
Thao bút nhưng thành thóa lỗ thi.

Bản dịch thơ:
Sắt đá một lòng vì chủng tộc
Non sông muôn dặm giữ cơ đồ
Biết Người việc nước không hề rảnh
Vung bút thành thơ đuổi giặc thù.


Chỉ cần giới thiệu như vậy cũng cho thấy, qua cái nhìn của một vị túc nho đáng kính chân dung Bác Hồ hiện lên thật đẹp: một chiến sĩ - một thi sĩ.


Bài thứ hai - Tặng Võ Công, bản dịch thơ như sau:
Ngàn dặm cụ tìm đến
Một lời trăm cảm thông
Thờ dân tròn đạo hiếu
Thờ nước vẹn lòng trung
Cụ đến, tôi mừng rỡ
Cụ đi, tôi nhớ nhung
Một câu xin tặng cụ
"Kháng chiến ắt thành công".


Cụ Võ, tức cụ Võ Liêm Sơn (1888-1949) quê xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh từng đỗ cử nhân và làm quan dưới triều Nguyễn, sau 1945 là một nhân sĩ yêu nước, cụ giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Liên khu 4. Tháng 7-1948, tham dự Hội nghị công tác văn hóa toàn quốc lần thứ hai tại Việt Bắc cụ được gặp Bác Hồ và được Người tặng thơ. Không cần đi sâu vào các nguyên tắc thi pháp của bài thơ, chỉ cần điểm lại các từ: cảm thông, mừng rỡ, nhớ nhung, là đã thấy một tình bạn thật chân tình, giản dị. Tình bạn nằm trong tình nước non: thờ dân, thờ nước.


Bài thứ ba, bài Tại Nam Ninh tặng Trần Canh đồng chí (Tặng đồng chí Trần Canh tại Nam Ninh):

Đương niên ngộ quân nhất thanh niên
Như kim thống binh ác soái quyền.
Hùng sư bách vạn tất thính lệnh
Hãn vệ cách mạng cố Điền biên.


Bản dịch thơ:
Năm xưa gặp anh một thanh niên
Ngày nay cầm quân nắm soái quyền
Trăm vạn hùng binh đều nghe lệnh
Bảo vệ cách mạng vững Điền biên.


Trần Canh là ai? Từ năm 1924 đến 1927 khi Bác Hồ hoạt động ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã quen và kết bạn với Trần Canh, lúc ấy đang học tập ở Trường quân sự Hoàng Phố. Sau này Trần Canh trở thành một trong mười vị Đại tướng quân của Trung Quốc. Bài thơ được Bác Hồ làm ngày 20-1-1950 khi từ Việt Bắc đi Bắc Kinh, qua Nam Ninh Người được gặp lại Trần Canh bạn cũ.


Từ tháng 7 đến tháng 11-1950, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử Trần Canh sang làm nhiệm vụ tham mưu giúp quân ta đánh trận Biên giới. Sau thắng lợi, Bác Hồ cử người mang thư và rượu đến tặng Trần Canh. Bài thơ với bản phiên âm như sau:

"Hương tân" mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.

 

Bản dịch thơ:
"Sâm banh" rượu ngọt chén lưu ly,
Toan nhắp, tỳ bà giục ngựa đi
Say khướt sa trường cười chớ vội
Chẳng cho địch thoát một tên về.


Bài thơ đậm chất cổ điển, ở lối tập cổ, phỏng tác theo bài thơ nổi tiếng Kinh châu từ của Vương Hàn - nhà thơ đời Đường. Bản phiên âm bài thơ Kinh châu từ như sau:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.


Bác Hồ chỉ thay hai chữ "bồ đào" thành "hương tân" ở câu đầu và thay hẳn câu cuối để bài thơ mang một nội dung mới: quân ta thế mạnh thắng địch dễ dàng nên tướng quân có thể say khướt nơi sa trường, còn địch thì chẳng một tên thoát.


Theo sự thống kê của chúng tôi, chỉ ở thể loại thơ, Bác Hồ cũng có tới gần mười bài theo chủ đề tặng bạn. Nếu có người dày công nghiên cứu ở cả hai thể loại thơ và văn xuôi chắc sẽ tìm ra những đóng góp mới. Do khuôn khổ trang viết chúng tôi chỉ giới thiệu, nhưng cũng đủ để rút ra kết luận sau:


Bác Hồ rất giàu tình cảm, trọng tình, trọng nghĩa, rất quý trọng con người, nhất là những người tài mà có tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong quan hệ bè bạn, Bác không nệ tiểu sử, giai cấp, Bác chỉ quan tâm là tình bạn phải vì mục đích chung là vì nước vì dân.


Bác Hồ hiểu rất rộng thơ cổ phương Đông, Bác dễ dàng tập cổ để cho bài thơ vừa mang phong vị ngày xưa vừa có tính thời sự hiện đại.


Bác Hồ là người phóng túng chứ cũng không nhất nhất phải theo quy tắc cứng nhắc, ví dụ ở bài tặng Trần Canh, Bác cũng muốn Đại tướng quân say rượu nơi sa trường, dĩ nhiên là say sau khi thắng lợi.

T.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)