Ba vị họ Phùng với Hồ Chủ tịch

Thứ Năm, 08/06/2023 11:23

. TÂM ANH
 

Ba vị họ Phùng với Hồ Chủ tịch (Nxb Văn học, 2021) là cuốn sách do nhà văn Phùng Văn Khai chắp bút, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đang lan tỏa một cách rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đúng như nhan đề, cuốn sách viết về ba nhân vật nổi tiếng, có nhiều cống hiến cho đất nước cùng mang họ Phùng đã có vinh dự làm việc và gặp gỡ Bác Hồ: bác sĩ Phùng Văn Cung - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Thượng tướng Phùng Thế Tài - nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài và Phó Chính ủy Phan Khắc Hy

Nếu như đa phần những cuốn sách viết về kỉ niệm được gặp Bác Hồ thường tập trung vào “nhát cắt thời gian” khi nhân vật được gặp Bác, kể về những ấn tượng sâu sắc khó phai của nhân vật trong lần gặp gỡ ấy thì Ba vị họ Phùng với Hồ Chủ tịch được Phùng Văn Khai viết theo lối dựng chân dung, tái hiện toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến thời khắc lịch sử được làm việc và gặp gỡ với Bác. Bằng lối viết này, bạn đọc sẽ có cái nhìn trọn vẹn về tầm ảnh hưởng, sức cảm hóa vĩ đại của Bác đối với quá trình phát triển, cuộc đời của mỗi nhân vật cũng như tình cảm của các nhân vật dành cho Bác. Đối với bác sĩ Phùng Văn Cung, trong quãng thời gian ngắn ngủi gặp Bác ở miền Bắc cũng đã kịp để lại trong lòng ông những tình cảm sâu nặng. Trong những bài phát biểu, những cuộc trò chuyện của mình, bác sĩ luôn nhắc đến Cụ Hồ, luôn nhắc đến lời dạy của Bác nhằm cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân miền Nam ở những thời khắc cam go nhất. Người anh hùng Phùng Văn Khầu đã tâm sự: “Lời Bác Hồ dạy mãi mãi in sâu trong trái tim tôi. Suốt đời chiến đấu hi sinh cho lí tưởng của Đảng, lí tưởng của Bác Hồ chính là lẽ sống, là động cơ và là mục tiêu phấn đấu suốt đời tôi. Tôi và vợ con tôi vô cùng biết ơn công lao trời biển của Bác Hồ, về sự quan tâm săn sóc của Bác đối với bản thân và gia đình tôi.” Đối với Thượng tướng Phùng Thế Tài, Bác mãi là người Cha già dân tộc đáng kính, là “ngôi sao sáng” soi đường, chỉ lối cho bản thân. Ở những thời khắc quan trọng của cuộc đời và đất nước, hình ảnh Bác lại hiện lên trong tâm trí Thượng tướng. Ông nhớ về Bác ngậm ngùi như người con nhớ người cha của mình: “Tôi thong thả bước từng bước lên bậc thềm ngôi nhà rộng lớn của Bến Nhà Rồng, sáng nay hết sức vắng vẻ sau những ngày sôi động cuối cùng của cuộc chiến tranh mà lòng thấy buồn man mác. Nhớ Bác vô cùng.” Ngoài tình cảm cá nhân, những cuộc gặp gỡ giữa Bác và ba nhân vật họ Phùng, qua ngòi bút của Phùng Văn Khai còn là sự gặp gỡ cá nhân và lịch sử, giữa con người và thời đại. Lần gặp gỡ giữa Bác và bác sĩ Phùng Văn Cung diễn ra trong dịp bác sĩ dẫn đầu đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc vào năm 1969. Đây là thời điểm sức khỏe của Bác đã yếu nhiều và trong Nam, đế quốc Mĩ đang điên cuồng thực thi chiến dịch “Việt Nam hóa chiến tranh” nhằm thực hiện âm mưu xấu xa của chúng. Việc gặp gỡ, trò chuyện giữa Bác và bác sĩ Phùng Văn Cung cùng đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam một mặt thể hiện tình cảm thiêng liêng Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha, một mặt đã phát đi thông điệp quan trọng về khối đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược, thống nhất đất nước giữa quân và dân hai miền Nam - Bắc trong thời điểm cách mạng gặp nhiều khó khăn. Để rồi sau cuộc gặp gỡ lịch sử ấy, cách mạng miền Nam đã sang trang mới, đúng như lời tác giả viết: “Trong trái tim mỗi vị đại biểu ra thăm miền Bắc, khi trở lại miền Nam ai cũng mang trong mình hình ảnh sâu đậm về vị lãnh tụ kính yêu: Hồ Chủ tịch! Kể từ đó, cách mạng miền Nam đã có những bước tiến lớn, những chuyển động lớn tiến tới cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam: Đại thắng mùa xuân năm 1975.” Những lần gặp gỡ Bác và Thượng tướng Phùng Thế Tài vào thập niên 60 của thế kỉ trước diễn ra trong bối cảnh Mĩ đang leo thang đánh phá quyết liệt miền Bắc nhằm cắt đứt sự tiếp tế cho miền Nam ruột thịt. Những buổi gặp gỡ, trao đổi giữa Bác và Thượng tướng Phùng Thế Tài đã mở ra một chương mới cho sự hình thành và phát triển của quân chủng Phòng không - Không quân cùng phương thức đánh thắng pháo đài bay B.52 của Mĩ, tạo nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” lừng lẫy. Lần về với Bác sau cùng của Anh hùng Phùng Văn Khầu lại là giây phút đau đớn nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta khi Bác đã vĩnh viễn đi xa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp bác sĩ Phùng Văn Cung tại Phủ Chủ tịch (tháng_1969)

Một điểm làm nên sức hấp dẫn cho Ba vị họ Phùng với Hồ Chủ tịch là những tư liệu lịch sử. Là nhà văn quân đội, người con họ Phùng, đau đáu, nặng lòng với cách mạng, quân đội và dòng tộc, nhà văn Phùng Văn Khai đã nỗ lực điền dã, thu thập tài liệu trong nhiều năm để viết nên cuốn sách này. Do đó, Ba vị họ Phùng với Hồ Chủ tịch có những tư liệu lịch sử quý và rất sinh động. Đọc cuốn sách, chúng ta biết Anh hùng Phùng Văn Khầu có vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ, là người có vinh dự được đứng canh bên linh cữu khi Bác mất. Gia đình bác sĩ Phùng Văn Cung là một trong những gia đình hiếm hoi được Bác Hồ tiếp đón cả hai vợ chồng. Với những ai chưa có cơ hội đọc hồi kí của Thượng tướng Phùng Thế Tài, khi đọc cuốn sách sẽ không khỏi bất ngờ về công việc “hậu trường” với nhiều chi tiết thú vị trong công tác ngoại giao đón tiếp Ngoại trưởng Mĩ Henry Alfred Kissinger thăm Hà Nội vào đầu năm 1973 ngay sau khi Hiệp định Paris được kí kết của Nhà nước và quân đội ta được Phùng Văn Khai dẫn lại. Những câu chuyện dựng lán trại cho phi hành đoàn Mĩ ngay tại sân bay Nội Bài để họ ăn nghỉ tại đó trong thời gian ở Việt Nam, chuyện vị Ngoại trưởng Mĩ đề nghị phía ta cho ăn thử món… thịt ếch trứ danh, Thượng tướng Phùng Thế Tài mời Kissinger tham quan sân bay Nội Bài… đã cho thấy sự ưu việt trong đường lối “ngoại giao cây tre” vừa mềm mỏng vừa cứng rắn của Đảng ta. Ngoài ra, các chi tiết hóm hỉnh, hài hước xung quanh chuyện về Anh hùng Phùng Văn Khầu… cưới vợ như chuyện người anh hùng bị vợ “tố cáo” với tổ chức vì dám… mua quà tặng để “mua chuộc” tình cảm khi “cưa cẩm”; chuyện khi nhận được bức thư trả lời “Em cũng đồng ý thôi” của vợ mà anh hùng pháo binh Phùng Văn Khầu vẫn ngơ ngác không hiểu phải viết lại một bức thư gồm 9 chữ “Em đồng ý thôi hay là đồng ý thật” đã dựng nên một bức chân dung rất đời thường và đáng yêu của người anh hùng đã đi vào huyền thoại của bộ đội pháo binh. Những chi tiết như thế đã làm cho cuốn sách gần gũi hơn, dễ đọc hơn với bạn đọc.

Vợ chồng Đại tá, Anh hùng Phùng Văn Khầu (năm 2019)

Có thể nói, với Ba vị họ Phùng với Hồ Chủ tịch, nhà văn Phùng Văn Khai thêm một lần nữa chứng tỏ tâm huyết của mình và có những đóng góp thiết thực để cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong toàn quân thêm thắng lợi rực rỡ.

T.A

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)