Bác Hồ và vấn đề an ninh con người

Thứ Năm, 01/06/2023 08:29

. CAO VĂN SƠN
 

1. Đảng ta coi nhân tố con người là trung tâm của mọi hoạt động, con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực cho sự phát triển nên việc bảo đảm an ninh con người là đảm bảo cho sự ổn định chính trị xã hội, là tiền đề cho việc xây dựng đất nước. Nghị quyết Đại hội XII đã nêu một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm là: “đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người gắn với an sinh xã hội”, đến Nghị quyết Đại hội XIII được nhấn mạnh hơn: “An ninh con người là trung tâm để đảm bảo phát triển chính trị, xã hội”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh con người không chỉ cần có quyền sống ăn, ở, mặc, học hành, quyền mưu cầu hạnh phúc... mà còn cần phải/được sống trong môi trường dân chủ với quyền làm chủ, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được pháp luật bảo vệ, quyền công dân, quyền sỡ hữu tài sản, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo...

Khái niệm “an ninh con người” (human security) được Liên Hiệp Quốc khuyến nghị cần được mở rộng về phía người dân thường hơn là cách hiểu có phần hạn hẹp trước đó chỉ an ninh quốc gia, với các khái niệm an ninh chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ... An ninh con người là khái niệm rộng, trong đó có an ninh lương thực, an ninh thân thể, an ninh môi trường, an ninh lao động, an ninh giao thông… Bài viết xin đi sâu vào hai khía cạnh an ninh con người được Bác Hồ rất quan tâm là an ninh thân thể và an ninh tinh thần.

2. Vừa sau ngày tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy vấn đề hết sức khẩn thiết của toàn dân tộc lúc này là sức khoẻ. Trước tháng Tám năm 1945 vì sự bóc lột tàn bạo của giặc Pháp, giặc Nhật nên nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng kiệt quệ, dân ta có tới hơn hai triệu người chết đói, sức khỏe đồng bào bị sa sút nghiêm trọng. Bác Hồ tập trung vào ba mối quan tâm để nâng cao sức khỏe toàn dân là môi sinh sạch sẽ; mọi người rèn luyện thể dục và y tế. Ở một bài viết, Người khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ thầy thuốc: “muốn phát triển sức khỏe của nhân dân thì phải cần thầy thuốc”[1]. Nghĩa là đánh giá rất cao vai trò của người thầy thuốc trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước (giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới). Trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế (27/2/1955) Người đã xác định "một nhiệm vụ rất vẻ vang" cho ngành y tế: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”[2]. Chỉ trong hai câu văn ngắn Người dùng hai lần từ “phó thác”. Biết bao ý nghĩa nằm trong hai chữ phó thác này, vì nó vừa có nét nghĩa “giao cho cái quan trọng”, vừa là sự “tin tưởng vào người nhận”. Câu nói của Bác Hồ là phương châm của mỗi người thầy thuốc để rèn luyện bản lĩnh ý chí, trau dồi nghề nghiệp: “y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi”[3]. Ở ngày hôm nay, học tập và làm theo tư tưởng Bác Hồ chúng ta mong muốn tư tưởng của Bác được ngành y tế cụ thể hóa với những người khuyết tật nói chung. Đau yếu, khiếm khuyết một phần cơ thể là điều chẳng ai mong muốn. Một điểm tựa chắc chắn của những người khuyết tật là đội ngũ bác sĩ, y tá. Họ cần sự chăm sóc cả về thuốc men, chữa trị và bằng cả tình thương yêu!

Chủ tịch Hồ Chí Minh có một quan niệm mang tính chuẩn mực về sức khoẻ: "khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ”[4]. Như vậy trong quan niệm của Người, sức khỏe là sự lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Quan niệm này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978: "Sức khỏe không chỉ là không bệnh tật mà còn là trạng thái thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội". Từ quan niệm về sức khỏe này, Bác Hồ đã đề ra một nhiệm vụ vừa toàn diện lại cũng vừa rất cụ thể cho người thầy thuốc Việt Nam: "Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”[5].

Một đoạn thư của Bác Hồ trong Thư gửi Hội nghị Quân y được viết vào tháng 3 năm 1948 đăng trên Báo Cứu quốc, (số 908 ngày 23/4/1948) cho thấy Người thấu hiểu nỗi vất vả, thấu cảm nỗi lòng của ngành y tế: “Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ. Người ta có câu: "lương y kiêm từ mẫu", nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền”[6]. Thật ấm áp sâu nặng tình người biết bao. Tư tưởng của Người đã gặp gỡ điều mong muốn của tiền nhân về người thầy thuốc: Lương y kiêm từ mẫu. Người mượn luôn thành ngữ Hán Việt này và dịch ra nghĩa thuần Việt giản dị để mọi người cùng hiểu và thấm thía. ở đây toát lên những điều cần thiết, có thể coi là những tiêu chuẩn y đức quan trọng: người thầy thuốc phải hết lòng cảm thông, phải thấu hiểu hoàn cảnh và phải thương người bệnh bằng "lòng nhân loại và tình thân ái".

Hồ Chủ tịch cũng tận tình chăm sóc sức khỏe thể chất anh em thương binh từ những điều nhỏ nhất, trong đó rất quan tâm tới vấn đề thuốc men cho bộ đội. Trong kháng chiến chống Pháp, Người đã nhìn thấy một thực tế: “Nhân viên quân y ai cũng cố gắng, nhưng bộ đội vẫn còn ốm nhiều. Một mặt là vì thiếu thuốc. Một mặt khác là vì sự kiểm soát thuốc men chưa được chu đáo”. Trước tình hình ấy, Người nói với ngành Quân y: “Tôi thay mặt Chính phủ mà hứa rằng: người nào hoặc bộ phận nào tìm được, chế tạo được một thứ thuốc mới có hiệu quả hoặc nghĩ ra cách gì mới làm cho việc y tế tiến bộ mau chóng hơn thì sẽ được trọng thưởng”[7]. Ngoài vấn đề thuốc men, Bác Hồ cũng rất chú ý đến vấn đề ăn uống của thương bệnh binh. Thăm cơ sở điều trị nào, Bác cũng kiểm tra nhà bếp, theo dõi anh em ăn uống. Năm 1955, Bệnh viện 108 mới chân ướt chân ráo tiếp quản Hà Nội, thương bệnh binh vừa suy kiệt, vừa ăn uống thiếu chất, Bác vội nhắc nhở đồng chí Chính ủy phải chú ý công tác dinh dưỡng[8].

3. Bác có câu thơ nổi tiếng “Tự cung thanh đạm tinh thần sảng” (Sống quen thanh đạm nhẹ người) chính là biểu hiện cho cuộc sống có một an ninh tinh thần tốt đẹp!

Là một nhà cách mạng thực tiễn, duy vật nhưng Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng yếu tố chủ quan, luôn đề cao ý chí, bản lĩnh cá nhân. Điều này dễ chứng minh qua tập thơ Nhật ký trong tù, bởi xét ở góc độ thể loại, nhật ký là thể văn thể hiện rõ nhất cái tôi chủ thể của người viết. Trang bìa của tập Nhật ký trong tù là hình vẽ hai tay bị xích cùng bốn câu thơ chữ Hán:

Thân thể tại ngục trung

tinh thần tại ngục ngoại

dục thành đại sự nghiệp

tinh thần cách yếu đại.

(Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao). Bốn câu thơ toát lên những cặp quan hệ đối lập: hoàn cảnh tù đày và con người mong muốn tự do; không gian trong tù (trong lao) và không gian ngoài tù (ngoài lao); con người chấp nhận một thực tế tù đày (thân thể ở trong lao) nhưng luôn vượt lên trên hoàn cảnh tù đày (tinh thần ở ngoài lao). Điều này chứng tỏ Bác Hồ đã làm một cuộc vượt ngục về tinh thần. Kẻ thù chỉ có thể giam cầm được thân xác nhưng không thể cầm tù được tinh thần người cộng sản.

Bác Hồ đã phải chịu bốn tháng tù đày với cảnh Bốn tháng cơm không no/ Bốn tháng đêm thiếu ngủ/ Bốn tháng áo không thay/ Bốn tháng không giặt giũ (Bốn tháng rồi). Đúng là một hoàn cảnh "phi nhân loại sinh hoạt". Tính chất phi nhân của hoàn cảnh đã dẫn đến tính chất phi nhân của hình thể người tù: răng rụng, tóc bạc, ghẻ lở, gầy đen như quỷ đói... Nhưng với sức mạnh tinh thần, bản lĩnh, ý chí phi thường, Bác đã chiến thắng hoàn cảnh "phi nhân loại sinh hoạt": Kiên trì và nhẫn nại/ Không chịu lùi một phân/ Vật chất tuy đau khổ/ Không nao núng tinh thần. Để rồi Bác lại trở về với trạng thái con người ở nghĩa bình thường nhất: Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ, cao hơn, ở trạng thái con người với nghĩa đầy đủ, trọn vẹn nhất, tinh tế, sâu sắc và sang trọng, quý phái - tư cách "thi gia": Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

Từ một quan niệm chuẩn mực về sức khỏe: "Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe" mà Người rất chú ý “an ninh sức khỏe” ở cả hai phương diện vật chất và tinh thần. "Khí huyết lưu thông" tức là có một cơ thể khỏe mạnh, "tinh thần đầy đủ" là ý chí, bản lĩnh, nghị lực, đạo đức... "Tinh thần đầy đủ" ở Hồ Chí Minh là một tinh thần thép, ý chí thép. "Mười bốn trăng tê tái gông cùm" (Tố Hữu) nên khi ra khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch chân bị yếu, mắt bị mờ, Bác phải tập lết, tập bò, tập nhìn vào bóng tối... Cuối cùng Bác trèo lên tận đỉnh Tây Phong Lĩnh, một tứ thơ chợt đến: Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng bụi không mờ (Mới ra tù tập leo núi). Không có một "tinh thần thép" không thể có bài thơ nồng nàn cảm hứng vừa cổ điển vừa hiện đại, trong sáng, hàm súc, trữ tình như vậy. Để có một "khí huyết lưu thông", Bác Hồ thường xuyên rèn luyện bằng cách đi bộ, leo núi, tập quyền... Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại: "ở Liễu Châu, mùa đông, một hôm tướng Trương Phát Khuê đi ngựa dạo buổi sớm gặp Người tắm trên sông, Trương tướng quân lấy làm lạ một người ở phương Nam châu á lại chịu rét giỏi đến thế"[9]. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương về rèn luyện ý chí, bản lĩnh, càng gặp gian nan càng là dịp để rèn luyện: Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng. Lời dạy của Người là phương châm sống cho tất cả chúng ta:

"Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên".

Trong bài thơ Thất cửu (Sáu mươi ba tuổi) Bác Hồ viết:

"Tự cung thanh đạm tinh thần sảng

Tố sự thung dung nhật nguyệt trường"

(Sống quen thanh đạm nhẹ người

Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung)

Câu thơ nêu bật một triết lý: Con người ta cần phải sống trong sạch, lành mạnh. Sống "thanh đạm" thì "tinh thần sảng". Càng sống vô tư, trung thực, trong sáng, không vụ lợi thì tinh thần càng sáng suốt, thông tuệ, con người càng "ung dung" thoải mái. Đây là một triết lý sống gần với triết lý nhà Phật, gạt bỏ "tham, sân, si". Tất nhiên chỉ gần với triết lý Phật giáo chứ không đi theo bởi ở Bác Hồ, trong câu thơ tiếp theo là "Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung". Nghĩa là sống phải làm. Làm việc vì dân vì nước. Lại nhớ một câu của Bác Hồ trong bài thơ Sáu mươi tuổi:

"Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe

Trần mà như thế kém gì tiên!".

Đúng là ở Cụ Hồ có một quan niệm nhất quán về cách sống.

Mục đích cao cả nhất của đời hoạt động cách mạng của Bác là mong muốn dân ta hoàn toàn được tự do, nước ta hoàn toàn được độc lập, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Bác đã hy sinh hết hạnh phúc riêng tư để suốt đời theo đuổi mục đích lớn lao ấy. Câu nói của Bác với Đại tướng Võ Nguyên Giáp "Dĩ công vi thượng" phải là khẩu hiệu cho mọi cán bộ đảng viên hôm nay. Bác Hồ không hề màng công danh phú quý. Người từng nói khi nước nhà độc lập thì sẽ ở trong cái nhà nhỏ nơi rừng xanh nước biếc, làm bạn với các cụ già và trồng rau câu cá... Đấy cũng là một biểu hiện cách sống của Người: "Sống quen thanh đạm nhẹ người".

Nếp sống của Bác trước hết là làm việc "Chớ bao giờ ngồi không. Lúc rảnh việc thì nên nghiên cứu các vấn đề hoặc theo sức mình mà tăng gia sản xuất. Như thế đã bổ ích cho thân thể lại vui vẻ cho tinh thần". "Chớ tắm nước lã quá nhiều. Chớ uống nước lã, chớ ăn quá no, chớ ngủ trưa nhiều”[10]. Người đã sớm chỉ ra căn bệnh đáng sợ ở cán bộ công chức: Bệnh lười, lười tư duy (nên nghiên cứu các vấn đề) và lười lao động chân tay (tăng gia sản xuất). Chúng ta hôm nay hãy nhìn vào thực tế: hiện có bao nhiêu phần trăm đề tài khoa học được ứng dụng vào thực tế? Là một con số rất nhỏ. Thế cho nên mới có một hiện tượng đau lòng: sinh viên, nghiên cứu viên ra hiệu photo mua luận văn, luận án về "xào xáo", nhà văn này "đạo" tác phẩm của nhà văn kia... tất cả bởi bệnh lười...

Một căn bệnh tiếp nữa, là nhậu tràn lan, triền miên, nhậu vì một lý do rất đẩu đâu, như vì... "một ngày đẹp trời". Hãy học lại lời Bác Hồ: "Đồng bào nấu và uống rượu nhiều quá. Lâu lâu uống một chút thì không sao, nhưng uống nhiều thì không tốt vì:

- Rượu nấu bằng gạo nên tốn gạo.

- Uống nhiều rượu ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đồng bào cần giúp nhau sửa chữa khuyết điểm đó"[11].

Bác Hồ là một tấm gương về tâm hồn lạc quan, yêu thiên nhiên, yêu con người. Bác đã gián tiếp phê phán những người sớm "lão giả an chi", bi quan, tự ti:

"Chưa năm mươi đã kêu già

Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai" (Sáu mươi ba tuổi).

Các nhà nghiên cứu văn học đã chỉ ra: thơ Người đầy trăng, bởi Người yêu trăng. Tôi thấy trăng trong thơ Người như là một người tri âm: "Nguyệt tòng song khích khán thi ca" (Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ), "Nguyệt thôi song vấn thi thành vị!" (Trăng vào cửa sổ đòi thơ)... Bác rất yêu cây cỏ đến mức không muốn để người khác bẻ một cành cây nhỏ (để khỏi vướng khi chụp ảnh). Người vừa là vị Chủ tịch nước, một vị Tổng tư lệnh quân đội, vừa là một người ông hiền dịu, một người nông dân chăm chỉ:

"Việc quân việc nước đã bàn

Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau".

(Không đề).

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ trước hết là học tập cách sống của Bác. Phải học thật cụ thể, phải biến việc học này thành hành động cụ thể. Cán bộ công chức bớt ăn nhậu, bớt chơi bời, chịu khó làm việc hơn để đóng góp thiết thực có ích cho cơ quan, cho gia đình mình. Những người có quyền, có tiền bớt... tham nhũng và bớt... đánh bạc. Mọi người luôn nhớ một câu răn mình: "Tự cung thanh đạm tinh thần sảng" của Bác Hồ.

C.V.S


[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 53

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Sđd, tr 343.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6. Sđd, tr 34.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Sđd, tr 241.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr 487.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr 487.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr 488.

[8] Bộ Y tế- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1997)- Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ sức khỏe. Nxb Chính trị Quốc gia, tr 487.

[9] Phạm Văn Đồng - Hồ Chủ tịch lãnh tụ của chúng ta - Nhà xuất bản Sự thật, tr 7.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr 176.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11. Sđd, tr 551.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)