Vở diễn “Ông không phải là bố tôi” và vấn đề dựng lại kịch bản cũ

Thứ Hai, 19/06/2023 00:44

. HUỆ NINH
 

Ông không phải là bố tôi sáng tác năm 1988 là một trong những kịch bản nổi tiếng của Lưu Quang Vũ. Nó nổi tiếng bởi từng được đánh giá là mang đậm tính thời sự và giàu giá trị nhân văn.

Câu chuyện kịch và tính thời sự

Kịch bản nói về chủ đề gia đình với câu chuyện của nhà ông Lại Văn Ủng. Vì đi hoạt động cách mạng ông Ủng phải thay tên đổi họ. Sau đó muốn phát triển sự nghiệp, ông chối bỏ lai lịch khi biết tin bố vợ vào Nam làm việc cho ngụy quyền. Điều này gây nhiều lắt léo trong tình huống kịch. Vợ con tìm lên cơ quan thăm, ông Ủng đã thẳng thừng chối bỏ họ, gây ra mối hận sân sắc trong lòng cậu con trai là Thiết. Nhiều năm gặp lại, Thiết đã giấu nỗi hận vào trong, mời bố về ở cùng vì tưởng ông giữ chức quyền cao có thể lợi dụng được. Không ngờ, sau một thời gian mọi chuyện vỡ lở, ông Ủng không giữ chức vụ gì và đã về hưu, lại còn có quan hệ yêu đương với người đàn bà xảo quyệt hàng xóm là Lài. Bà Lài tìm cách thôn tính căn gác ông Ủng đang ở và đã lấy được giấy tờ của căn gác đó. Thiết bức xúc lôi chuyện này ra tòa giải quyết. Anh không nhận ông Ủng là bố hòng đuổi ông Ủng ra khỏi nhà, lấy lại căn gác. Ông Ủng uất ức vì đứa con vô đạo. Cuộc xung đột gay gắt nổ ra giữa hai cha con gây đau đầu cho nhiều người thân. Cho đến khi Tân - con trai của Thiết, cháu đích tôn của ông Ủng - bày mưu chiếm giấy tờ nhà, tạo cớ đẩy bố mẹ mình xuống căn bếp ở, tương tự hành động cha mình đã làm với ông nội, thì gần như mâu thuẫn kịch được hóa giải. Mỗi người đều thức tỉnh và hối hận với sai lầm của mình.

Một cảnh trong vở diễn Ông không phải bố tôi. Ảnh: TL

Những mâu thuẫn tranh giành lợi lộc do lòng ích kỉ trong gia đình có thể xảy ra ở bất kì gia đình nào, thời đại nào, vì thế câu chuyện này gần gũi với mọi người. Tuy nhiên, những mâu thuẫn cụ thể ở đây sau hơn 30 năm đã không còn tính thời sự nữa.

Thời vở kịch ra đời đã tạo thành một hiện tượng khiến khán giả nô nức quan tâm đi xem, bởi Lưu Quang Vũ đã chọn được tình huống mà hầu hết người dân bấy giờ nếu không trải qua thì cũng hiểu và thấm. Đó là câu chuyện “lí lịch”, với quan điểm chính trị cực đoan và sự hiến thân cho sự nghiệp bằng mọi giá của tầng lớp nông dân muốn phấn đấu làm cán bộ. Bi kịch này xảy ra phổ biến ở thời đại khi ấy. Sự khó khăn trong việc xác định huyết thống cha - con bởi người cha mai danh ẩn tích hay thay tên đổi họ cũng là việc dễ hiểu do những biến động lịch sử lúc bấy giờ. Điều này tạo nên nhiều éo le trong đời sống, cũng như trong văn học nghệ thuật đương thời. Ngày ấy y học chưa phát triển, việc xét nghiệm ADN chưa phổ biến, tạo tình huống hợp lí khiến câu chuyện này trở thành một vở kịch xuất sắc, với nhiều chi tiết đắt giá, có sức nặng thời đại. Sự phát hiện của Lưu Quang Vũ như một hồi chuông cảnh báo tới hiện tượng băng hoại đạo đức trong xã hội. Vì lòng tham, vì tư lợi, người ta sẵn sàng đạp lên luân thường đạo lí, những quan hệ tình cảm cốt lõi của loài người...

Hiện thực này vẫn còn đầy rẫy và ngày càng nhức nhối trong xã hội hiện đại, nên vở kịch vẫn còn có giá trị. Có lẽ đó là lí do nó được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng lại, được nhiều khán giả quan tâm. Tuy nhiên, nếu đặt nguyên những tình huống trên vào thời điểm hiện nay thì vở kịch trở nên xa lạ và gây nhiều thắc mắc cho khán giả.

Bi kịch về lí lịch, những éo le khi đi hoạt động cách mạng đã không còn tác động tới đời sống hôm nay, càng gây khó hiểu với người trẻ. Thời này, việc chứng minh bố - con quá dễ dàng, chỉ cần vài sợi tóc cũng có thể biết họ có mối quan hệ huyết thống hay không, đâu dễ chối bỏ, hay ra tòa nhiều lần chỉ để minh định như kịch bản đề cập. Mà nếu không có chuyện chối bỏ mối quan hệ bố - con thì vở kịch không thể hình thành. Vậy nên, để dựng lại một câu chuyện như thế trong thời điểm hiện tại cho những người xem trẻ liệu có còn “hot”? Liệu vở diễn có làm họ quan tâm, xúc động như xưa, hay chỉ như xem một sự trình diễn về câu chuyện xa xôi ở quá khứ?

Tính nhân văn của kịch bản

Kịch bản Ông không phải là bố tôi được nhiều người cho là giàu tính nhân văn. Xem lại phần trả lời phỏng vấn của các nghệ sĩ hay những bài báo viết về vở diễn trên internet, hầu hết đều chung ý kiến như vậy. Phải chăng người ta quan niệm câu chuyện diễn ra thời trước vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm của thời nay thì giàu giá trị nhân văn, hay lên án sự xuống cấp đạo đức là nhân văn? Có lẽ chúng ta cần lắng lại một chút để hiểu rõ hơn về khái niệm này.

Giá trị nhân văn được hiểu bắt đầu ở các từ tố: “nhân” là người, “văn” là văn hóa, văn minh. Nhân văn là những giá trị đẹp đẽ của con người - giá trị văn hóa chỉ thuộc về con người. Một tác phẩm có giá trị nhân văn là tác phẩm thể hiện được vẻ đẹp của con người qua giá trị tinh thần như vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp trí tuệ, tình cảm, và cả vẻ đẹp hình thức. Tác phẩm có tính nhân văn luôn hướng đến khẳng định, đề cao giá trị con người. Nhìn nhận ở khía cạnh này thì câu chuyện kịch ở đây chưa hẳn nhân văn khi mà các nhân vật từ ông Ủng, Thiết đến Tân đều không bộc lộ vẻ đẹp gì đáng ca ngợi. Cả ba nhân vật chính này không ai lớn mạnh, sáng bật lên. Họ đều ích kỉ, lắm mưu đồ, vì vật chất sẵn sàng đẩy người thân của mình ra đường. Cuối cùng ba con người ấy vẫn chưa tìm được cách đối thoại cho hợp tình hợp lí, thuyết phục lòng người, và chưa là tấm gương để người khác nhìn lại. Sự kiện Tân bày mưu chiếm giấy tờ nhà hòng đẩy bố mẹ mình xuống bếp, dù xuất phát từ cái tâm tốt, muốn “lấy gậy ông đập lưng ông”, khiến bố và ông thức tỉnh trong cơn say tranh giành cũng chưa có tính thuyết phục và cảm hóa cao. Thiện ý của anh vẫn chỉ là cách nói bao biện, còn thực tế mưu đồ chiếm hữu, đẩy cốt nhục mình vào đường cùng là hiển hiện. Liệu như vậy, vở kịch này có đậm nhân văn hay chỉ giàu giá trị tố cáo, phơi bày hiện thực?

Với nhãn quan mới, ta hoàn toàn có thể nhìn nhận và chỉnh sửa nhân vật theo góc khác. Tân không xuất hiện kiểu cậu ấm lấc cấc, được nuông chiều, cùng lũ bạn bặm trợn, ngỗ ngược của mình, mà hiện diện với tầm vóc ngược lại thì sao? Có thể cậu là một thanh niên trưởng thành, tài năng, đi học xa về hoặc vừa đoạt giải thưởng đặc biệt nào đó, có một số tiền lớn, cùng sự đầu tư đúng hướng trước đấy (do tiền giải thưởng tích lũy được) khiến cậu sở hữu khối tài sản tầm cỡ. Ngày thành công trở về báo hiếu, báo tin vui cho gia đình thì chứng kiến những mâu thuẫn (như đã có) của ông nội và bố. Thay vì việc cậu lừa bố mẹ như kịch bản, thì khuyên bố nên nhường nhà với căn gác chật hẹp cho ông, tác thành việc lấy vợ của ông để ông sống vui vẻ những ngày cuối đời; đồng thời tặng bố mẹ căn hộ khang trang hơn; khiến ông nội và bố mẹ cậu cảm thấy xấu hổ với những thủ đoạn, toan tính nhỏ mọn trước đây của mình. Hoặc có thể nối dài thêm bằng việc Tân chưa thực khá giả như thế, nhưng với tài năng, sự nỗ lực của mình, cậu cũng vay mượn, rồi bố trí được căn nhà hợp lí cho bố mẹ và ông, sau đó cậu ở thuê bên ngoài, sẵn sàng chịu phần thiệt thòi, khổ sở về mình để người lớn nhìn vào đó mà suy ngẫm... Nếu thế thì giá trị nhân văn của câu chuyện kịch chắc sẽ khác. Người xem không chỉ cần được thức tỉnh, mà còn cần được dẫn đường để có niềm tin hơn. Thực tế, những gương người trẻ tài năng, thành công sớm ở nước ta không phải là không có, nhất là trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ. Không cứ thanh niên thành phố, con cái gia đình khá giả thì đều hư hỏng, lấc cấc như hình tượng được khắc họa trong vở kịch.

Cũng có thể phát triển tuyến truyện kịch theo nhiều hướng nữa. Ví như không xây dựng bà Lài xấu xa tuyệt đối. Việc được ông Ủng đưa giấy tờ nhà cho bà và muốn cưới bà làm vợ khiến bà hào hứng đến ở, tưởng thôn tính căn nhà. Nhưng chứng kiến cuộc sống ngột ngạt, đầy dục vọng, toan tính, tranh giành của hai bố con ông khiến bà chán nản bỏ đi, tạo sự thức tỉnh cho người ở lại…

Dựng lại vở kịch của thế hệ trước, người nghệ sĩ hoàn toàn có quyền cải biên nội dung, cách nhìn, tư tưởng cho hợp với nhãn quan đương đại, không chỉ là chỉnh lí, dụng công về những tiểu tiết, miếng trò.

Cách nhìn của người đương thời

Kịch bản Ông không phải là bố tôi chẳng những khiến khán giả của những năm 1990 đón nhận, mà ngày nay còn được nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp dàn dựng. Năm 2011, lớp diễn viên K27 dựng thành công vở này, đến năm 2012 Nhà hát kịch Hà Nội tiếp tục dàn dựng do NSƯT Phan Trọng Thành đạo diễn. Sau 10 năm, mới đây vở diễn này trở lại với sự hóa thân của ê-kíp diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ, và sự chỉ đạo diễn xuất của NSƯT Sĩ Tiến, cho thấy sức nóng trong vấn đề mà kịch bản đặt ra và sức sống của kịch Lưu Quang Vũ. Lần nào kịch bản này cũng được dàn dựng công phu với sự lao động đầy tâm huyết, và ý thức sáng tạo cao độ của các nghệ sĩ sân khấu kịch nói. Để tái hiện câu chuyện được viết cách đây hơn ba thập niên và từng được dàn dựng nhiều lần, hẳn đạo diễn ở bản dựng mới nhất này phải trăn trở không ít để tìm ra sự thể hiện khác biệt. Và rõ ràng đạo diễn Sĩ Tiến đã có cách xử lí đầy sáng tạo cho tác phẩm.

Thứ nhất là cách sử dụng đạo cụ tạo ra ý nghĩa biểu tượng. Chi tiết ba chiếc ghế đặt chính giữa sân khấu được trở đi trở lại ở nhiều bối cảnh là chủ ý của đạo diễn muốn nói đến biểu tượng của pháp luật, vừa muốn thể hiện biểu tượng giữa ba thế hệ trong một gia đình. Tuy nhiên, thực tế trong kịch bản, Lưu Quang Vũ đề cập tới bốn thế hệ trong gia đình là: bố vợ ông Ủng, ông Ủng, Thiết, Tân. Nên hiệu quả của biểu tượng nghệ thuật mà đạo diễn muốn đề cập có lẽ còn cần bàn thêm. Một đạo cụ khá đắt nữa là chiếc dây thừng, lúc được dùng làm trò chơi nhảy dây của Thiết - gợi nhớ về tuổi thơ êm đềm, lúc dùng thể hiện tâm trạng ông Ủng - nói tới sự ràng buộc trong các mối quan hệ gia đình, khiến cuộc đời ông bị cột vào những thứ “dây nhợ” bất đắc dĩ.

Thứ hai là cách sử dụng trò diễn gây hài, tạo sự hấp dẫn trực tiếp trên sân khấu. Có thể kể đến một số chi tiết khiến khán giả trong rạp ồ lên, hốt hoảng, lặng đi, hoặc vỗ tay rầm rập. Đó là lúc nhóm đầu gấu do bà Lài thuê tới, định uy hiếp vợ chồng Thiết để sở hữu căn gác. Trong lúc chúng ngồi dựa vào chiếc ghế với phong thái hung hăng, hống hách để ra oai, thì vô tình phần tựa của ghế bị gãy khiến chúng ngã bổ chửng ra sau. Hoặc khi bà Lài tới “chài” ông Ủng, rủ ông đi xem hát, bà (diễn viên Thanh Tú) đã cao hứng ca một đoạn cải lương rất ngọt khiến cả sân khấu tán thưởng ầm ầm. Hay cách diễn rất duyên của Anh Thơ vào vai bạn Tân tới thể hiện “phong cách” giới trẻ. Có khi là cái đứt tay bất thình lình lúc vót tăm của diễn viên Thanh Dương trong vai lãnh đạo ông Ủng khi về hưu... Những chi tiết này đều thể hiện sự dụng công kĩ lưỡng của ê-kíp thể hiện.

Thứ ba, một số ngôn ngữ, tình huống, cách nói, cách diễn được xử lí để gần gũi với đời sống hôm nay.

Có thể nói bản diễn mới của Nhà hát Tuổi Trẻ đầy tính hấp dẫn, công phu, tâm huyết. Giá như đạo diễn xử lí mới hơn cách nhìn về nhân vật, tô đậm hơn về giá trị nhân văn và hợp lí hóa hơn yếu tố thời đại thì chắc chắn sự thành công của vở diễn sẽ còn vang dội hơn nữa.

Thực tế, người ta vẫn có thể dựng lại kịch cổ điển hàng trăm năm, kể cả hàng ngàn năm trước, ở những đất nước xa xôi nào đó, nhưng phải ở dạng bảo tồn, tôn trọng nguyên vẹn câu chuyện trong bối cảnh cụ thể ở thời đại đó (dù dùng ngôn ngữ, diễn viên, miếng trò sáng tạo thế nào). Ở đây, đạo diễn Sĩ Tiến lại mặc nhiên đưa câu chuyện này về ngày hôm nay khi thêm vào lời thoại của thẩm phán có ý giải thích ngay đầu vở: “Ta có thể xét nghiệm AND, nhưng việc đó để sau…” Chắc chắn đó không phải là câu Lưu Quang Vũ viết, việc này không có trong thời xảy ra kịch, hoặc nếu có sự xét nghiệm ADN thì không có truyện kịch. Lời thêm vào đó cho thấy sự trăn trở, muốn làm mới vở kịch nhưng vô hình trung lại làm nó có vấn đề. Kịch bản không cũ với đời sau khi đề cập đến những giá trị cốt lõi của con người, nhưng nó lại không phải là câu chuyện thời này, với bối cảnh và tình huống cụ thể đó. Cho nên, nếu để nó nguyên vẹn là chuyện cũ được tái hiện dưới dạng bảo tồn sẽ đỡ bị thắc mắc hơn.

Vấn đề tiếp nhận của khán giả

Ở bản dựng mới này, Nhà hát Tuổi trẻ đã quảng bá bài bản, tổ chức nhiều suất diễn bán vé, dự kiến đây là một trong những tác phẩm chủ chốt của chuỗi kịch Lưu Quang Vũ và sẽ còn tiếp tục được công diễn. Ngày 2/4/2022, buổi diễn đầu tiên sau lần tổng duyệt và sau thời gian dài sân khấu im ắng bởi dịch Covid-19, khán giả đến rạp đông nghịt, đầy các hàng ghế, cho thấy sự quan tâm của người xem với nghệ thuật sân khấu. Tuy nhiên, cảm nhận của họ về vở kịch không hoàn toàn giống nhau.

Bên cạnh vấn đề cần tỉnh táo để sử dụng hợp lí kịch bản cũ ở thời đương đại còn là việc cần quan tâm, đầu tư hơn nữa tới công tác sáng tác kịch bản mới, phục vụ trực tiếp cho khán giả hôm nay.

Ai cũng biết vấn đề về gia đình với sự xuống cấp của đạo đức là cấp thiết và không hề cũ, nhưng những hành xử, tình huống tạo nên vấn đề đó và giải quyết nó thì chưa hẳn đã còn hợp thời, nhất là khi để nó là câu chuyện thời này. Ngày nay, con người đã biến đổi rất lớn ở tư duy, lối sống. Sự rạn nứt trong mối quan hệ gia đình, cha con nhiều màu sắc đặc trưng tinh vi, gay gắt hơn. Bên cạnh đó, con người phải đối diện với rất nhiều sự nhức nhối chưa từng có. Họ cần hơn bao giờ hết sự khắc họa, sự giải quyết thỏa đáng của biên kịch và nghệ sĩ qua các hình tượng nghệ thuật. Họ không cần đến rạp chỉ để cười, để mua vui đơn thuần, không cần sự hấp dẫn chỉ để giải trí hay lãng quên. Thời nào cũng thế, khán giả cần nghệ sĩ nói được câu chuyện của họ, ở thời đại họ, dẫu nói về quá khứ, xem chuyện cũ cũng để phục vụ cuộc sống hiện tại, nhằm trả lời cho những băn khoăn thời cuộc đang đầy ắp trong họ. Với cuộc sống đầy biến động và dữ dội hiện nay, các ngành nghề đều cần cải biến, sáng tạo làm sao để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, trong đó có ngành sân khấu và nhu cầu tiêu dùng nghệ thuật sân khấu. Tái hiện câu chuyện cũ mang hơi hướng thời đại cũng tốt, bảo tồn di sản nghệ thuật cũng quan trọng, nhưng có lẽ cần thiết hơn cả vẫn là việc làm ra những tác phẩm mới cập nhật thời đại. Đó là sứ mệnh cao nhất người nghệ sĩ cần hướng tới mà chúng ta chưa làm được.

H.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)