Bác Hồ với Tổng thống Mỹ và bài học đối thoại văn hóa

Thứ Hai, 12/06/2023 15:44

. HẢI THANH

 

Là một người tha thiết yêu hòa bình, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, với tư cách là Chủ tịch Nước, Hồ Chí Minh bằng mọi cách ngăn chặn cuộc xâm lăng của Mỹ bằng con đường ngoại giao. Bài viết xin giới thiệu một vài đối thoại của Bác (trả lời phỏng vấn, thư từ) để thấy bài học về đối thoại văn hóa của Người.

Dưới đây là những câu hỏi của phóng viên và câu trả lời của Bác Hồ:

Hỏi: Chủ tịch có cho rằng Giônxơn có thể lừa bịp được ai với những lời tuyên bố về "hoà bình thương lượng", trong khi đó ông ta lại "leo thang" trong cuộc chiến tranh xâm lược chống lại toàn thể nhân dân Việt Nam? Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về sự đoàn kết quốc tế với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Trả lời: Những luận điệu "hoà bình thương lượng" của Tổng thống Giônxơn không lừa bịp được ai vì lời nói và việc làm của ông ta trái ngược nhau. Trong khi Giônxơn làm rùm beng về "thương lượng hoà bình" thì ông ta lại ra sức đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam và tăng cường việc ném bom phá hoại miền Bắc. Thế là ông ta đã tự lột mặt nạ trước thế giới.

Chúng tôi cho rằng sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế càng làm cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam thêm sức mạnh và thêm chắc chắn thắng lợi.

Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về việc Mácxoen Taylo "từ chức" đại sứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam và việc Tổng thống Mỹ đã cử Cabốt Lốt sang thay ông ta?

Trả lời: Taylo thay Lốt vì Lốt đã thất bại. Nay Lốt lại thay Taylo vì Taylo cũng đã thất bại. Đó là cái vòng luẩn quẩn đang tròng vào cổ đế quốc Mỹ làm cho họ cuối cùng sẽ thất bại hoàn toàn ở Việt Nam (Tập 11, tr 480, 481)[1]. Phần trả lời câu hỏi trên cho thấy một nguyên tắc: hỏi gì nói nấy, nói ngắn gọn thẳng vào nội dung hỏi. Trả lời mang rõ dấu ấn chủ quan của người trả lời: Thế là ông ta đã tự lột mặt nạ trước thế giới. Phần trả lời câu hỏi sau cho thấy sắc thái mỉa mai, coi thường, giễu cợt những kẻ cầm đầu gây ra cuộc chiến tranh. Quan trọng hơn là qua đó khái quát tình hình bằng một hình tượng văn học dí dỏm mà lột tả chính xác bản chất của hình tượng: cái vòng luẩn quẩn đang tròng vào cổ đế quốc Mỹ.

Dưới đây là câu hỏi của phóng viên nước ngoài, báo Nước Đức mới (ngày 2/9/1965):

Hỏi: Chúng ta phải hiểu những luận điệu của Mỹ và những nước đế quốc khác về việc lập lại hoà bình ở Việt Nam và về những cuộc thương lượng với Việt Nam như thế nào? Muốn cho các cuộc thương lượng đó có hy vọng thắng lợi thì cần phải có những điều kiện tiên quyết gì?

Trả lời: Đế quốc Mỹ rất dã man và quỷ quyệt. Một mặt chúng rêu rao "hoà bình", một mặt chúng gấp rút xây dựng thêm nhiều căn cứ quân sự, phái thêm nhiều quân đội vào miền Nam, tăng cường ném bom, bắn phá ở miền Bắc. Giọng lưỡi "đàm phán hoà bình" của chúng quyết không lừa bịp được nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Như Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nhiều lần tuyên bố, cách giải quyết đúng đắn nhất vấn đề Việt Nam là Chính phủ Mỹ phải thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954, thực hiện 4 điểm do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nêu ra và 5 điểm do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã nói rõ.

Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình, nhưng hoà bình không thể tách rời độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam biết rằng muốn có hoà bình thật sự thì phải có độc lập thật sự; và đấu tranh cho độc lập dân tộc tức là đấu tranh bảo vệ hoà bình. Nhân dân Việt Nam quyết không dung thứ cho bọn xâm lược Mỹ phá hoại hoà bình, giày xéo lên độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình…” (Tập 11, tr 499, 500).

Xin rút ra một bài học như sau: nếu là một chính khách thì người trả lời phỏng vấn trước hết phải có một lập trường hết sức vững vàng, dĩ nhiên phải hiểu biết sâu sắc lĩnh vực mình quan tâm, rất chú ý là cách hỏi “chơi khăm”, “gài bẫy” của người hỏi. Ví dụ này là câu hỏi cuả phóng viên nước ngoài, báo Nước Đức mới (ngày 2/9/1965), phần đầu câu hỏi được Người trả lời rõ ràng đanh thép nêu bật quan điểm về giải quyết hoà bình ở Việt Nam là Chính phủ Mỹ phải thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954… nhưng trên thực tế thì trái lại, Mỹ nói hoà bình nhưng tăng cường ném bom, bắn phá… Phần hai của câu hỏi là một sự “gài bẫy”, người hỏi làm như vô tình thừa nhận một sự thật đã rồi: “Muốn cho các cuộc thương lượng đó có hy vọng thắng lợi thì cần phải có những điều kiện tiên quyết gì?”, cứ như là sẽ có “các cuộc thương lượng đó”. Nếu người trả lời lại nói thẳng vào vấn đề “có” hoặc “không” thì hoặc sẽ “mắc bẫy” hoặc sẽ “non tay”, mà phải như Bác, “tương kế tựu kế” lấy đó là một dịp để bày tỏ quan điểm: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình, nhưng hoà bình không thể tách rời độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam biết rằng muốn có hoà bình thật sự thì phải có độc lập thật sự; và đấu tranh cho độc lập dân tộc tức là đấu tranh bảo vệ hoà bình. Nhân dân Việt Nam quyết không dung thứ cho bọn xâm lược Mỹ phá hoại hoà bình, giày xéo lên độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình…”

Một phương thức đối thoại để lật tẩy chân tướng đối phương mà Bác Hồ sử dụng rất thành công là hình thức thư từ. Ngày 8-2-1967, Tổng thống Mỹ L.B. Giônxơn có thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, y đã đưa ra những điều kiện vô lý cho việc chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, chấm dứt việc đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam. Nhưng ngay ngày 14-2-1967, y lại ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc. Nhưng thể hiện nguyện vọng hoà bình, thiện chí của Việt Nam, Bác Hồ vẫn có thư này cho Giônxơn, gửi ngày 15-2-1967. Xin trích phần đầu:

“Gửi Ngài L. B.Giônxơn, Tổng thống nước Mỹ,

Thưa Ngài,

Ngày 10 tháng 2 năm 1967, tôi đã nhận được thư của Ngài. Đây là thư trả lời của tôi.

Nước Việt Nam cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam không hề động chạm đến nước Mỹ. Nhưng, trái với lời cam kết của đại diện Chính phủ Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954, Chính phủ Mỹ đã không ngừng can thiệp vào Việt Nam, gây ra và mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Từ hơn hai năm nay, Chính phủ Mỹ còn dùng không quân và hải quân đánh phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, một nước độc lập, có chủ quyền.

Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, phá hoại hoà bình và chống lại loài người. ở miền Nam Việt Nam, nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu dùng những vũ khí tàn ác nhất và những thủ đoạn chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan, chất độc hoá học và hơi độc, để giết hại hàng loạt đồng bào chúng tôi, phá hoại mùa màng, triệt hạ làng mạc. Ở miền Bắc Việt Nam, hàng ngàn máy bay Mỹ trút hàng chục vạn tấn bom đạn, phá hoại các thành phố, xóm làng, nhà máy, cầu đường, đê đập, tàn phá cả nhà thờ, đình chùa, nhà thương, trường học. Trong thư, Ngài tỏ ra xót xa trước những đau thương, tàn phá ở Việt Nam. Xin hỏi Ngài ai đã gây ra những tội ác tày trời ấy? Chính là quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ. Chính phủ Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình hình cực kỳ nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay…” (Tập 12, tr 230, 231). Lời thư nhẹ nhàng điềm đạm, không nặng nề “đao to búa lớn” mà đầy thuyết phục. Bức thư mở đầu bằng một sự thật hiển nhiên và cũng lấy luôn sự thật hiển nhiên này làm điểm tựa lập luận: “Nước Việt Nam cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam không hề động chạm đến nước Mỹ”. Đây có thể coi là một bằng chứng về mặt lịch sử, lịch sử của không gian, thời gian vật lý. Bằng chứng thứ hai không thể chối cãi là bằng chứng về mặt pháp lý: “lời cam kết của đại diện Chính phủ Mỹ tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954”. Và sự thật thì đi ngược lại với những bằng chứng trên: “Chính phủ Mỹ đã không ngừng can thiệp vào Việt Nam, gây ra và mở rộng chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam,…”.

Từ những bằng chứng và sự thật này Bác Hồ đã đanh thép kết tội: “Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, phá hoại hoà bình và chống lại loài người”. Dĩ nhiên Người đã “lột mặt nạ” nhân từ, “nước mắt cá sấu” của Tổng thống Mỹ: “Trong thư, Ngài tỏ ra xót xa trước những đau thương, tàn phá ở Việt Nam. Xin hỏi Ngài ai đã gây ra những tội ác tày trời ấy? Chính là quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ”. Hai chữ “tỏ ra” ở câu văn đầu đã hàm một ý mỉa mai kín đáo, nhưng đến câu thứ hai là một câu hỏi thì là một sự mỉa mai rõ ràng, quyết liệt. Là câu hỏi nhưng thực chất lại là một lời đả kích, lên án xoáy vào sự thật tàn bạo cũng như bản chất giả nhân giả nghĩa của Tổng Giôn.

Như vậy vượt lên trên những biện pháp tu từ câu chữ, lời đối thoại cần một tình yêu nước lớn lao, một khả năng phát hiện vấn đề tinh tế, một bản lĩnh chính trị vững vàng và luôn đứng ở phía lẽ phải!

H.T


[1] Các ví dụ trong bài viết đều lấy từ bộ Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập, 2002, Nxb Chính trị Quốc gia.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)