Hiện tượng liên văn bản trong tác phẩm tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc

Thứ Sáu, 16/06/2023 08:52

. TRẦN MẠNH TIẾN

 

Liên văn bản (intertextuality) là một khái niệm mới của nghiên cứu văn học thế kỷ XX đưa ra những nhận thức mới mẻ về việc tồn tại và vận động của văn bản. Như một ý thức sáng tạo đã có từ xa xưa nhưng được khái quát thành thuật ngữ khá muộn, liên văn bản có thể hiểu mỗi văn bản là sự xuyên thấm, tổng hòa nhiều văn bản nhưng vẫn thể hiện phong cách tác giả. Liên văn bản thể hiện cụ thể thành các dạng: sự ám chỉ (allusion), sự phỏng thuật (adaptation), sự dịch thuật (translation), giễu nhại (parody); nhại, cắt dán (pastiche), sự mô phỏng (imitation)… Bài viết xem xét một vài ví dụ trong một số văn bản của Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp. Ngay hiện tượng tác giả là người Việt Nam viết bằng tiếng Pháp nói về sự cai trị tàn bạo của người Pháp ở xứ Đông Dương cũng là một liên văn bản, rộng hơn là một liên văn hóa sinh động, cụ thể.

Liên văn bản trong một số văn bản tiếng Pháp được Nguyễn Ái Quốc sử dụng nhiều là nhại (pastiche). Ví như nhại diễn văn để mỉa chính báo cáo diễn văn đó hoặc hướng tiếng cười đả kích tới một đối tượng nào đó đã lợi dụng hay núp dưới báo cáo diễn văn ấy: “Hỡi những người con của thuộc địa! Ngày vinh quang đã tới rồi” (Tập1, tr 135)[1]. Câu đầu trong bài Quốc ca Pháp như sau: Allons! Enfants de la patrie, le jour de gloire est arrivé! Nghĩa là: Hỡi những người con của Tổ quốc! Ngày vinh quang đó tới rồi! Đối tượng mỉa không phải là lời quốc ca Pháp, mà là mượn lời Quốc ca Pháp để mỉa mai thực dân Pháp loè bịp nhân dân các nước thuộc địa, và mỉa ngay chính tâm lý nô lệ ngu si thiếu phân tích thiếu tư duy của “những người con của thuộc địa!”.

Nguyễn Ái Quốc hay nhại để đay đả, chỉ trích những khẩu hiệu giả tạo: “Trong mọi bài diễn văn, trong mọi bản báo cáo, ở mọi nơi, cứ có cơ hội được mở miệng và có kẻ đi nghe, là những nhà chính khách của chúng ta không ngừng khẳng định rằng: chỉ có nước Đức man rợ là đế quốc và quân phiệt. Còn nước Pháp, cái nước Pháp yêu hoà bình, nhân đạo, cộng hoà và dân chủ này, cái nước Pháp được họ đại diện này, chẳng hề đế quốc lẫn quân phiệt. Ôi! đâu phải như vậy. Nếu cũng chính những vị chính khách này gửi binh lính - con cái của công nhân và cả bản thân những người công nhân nữa - đi tàn sát công nhân của những nước khác thì chỉ đơn giản là được để dạy cho họ biết sống tốt. Chỉ có thế thôi” (Tập 1, tr 51). Đoạn văn này trích ra từ bài báo Sự quái đản của công cuộc khai hoá in trên báo Le Libertaire, ngày 30/9/ 1921, thời kỳ hai nước Đức và Pháp là kẻ thù của nhau nên trong nhiều báo cáo diễn văn của các nhà chính khách Pháp luôn có xu hướng đề cao nước mình và mỉa mai Đức. Các từ chúng tôi in nghiêng được tác giả nhại từ các báo cáo diễn văn ở nước Pháp thời đó, để mỉa mai giễu cợt các vị chính khách Pháp chỉ biết theo đuôi dư luận, rỗng tuếch.

“Bước chân đến Cadablanca, thống chế Liôtây gửi cho binh sĩ của đạo quân chiếm đóng Marốc một bản nhật lệnh như sau:

"Bản chức có vinh dự được Chính phủ nước Pháp cộng hoà phong quân hàm cao nhất là nhờ, trong chín năm nay, các người đã hiến dâng lòng trung thành và máu xương của các người mà không hề tính toán.

"Chúng ta sắp mở một chiến dịch để hoàn thành công cuộc bình định xứ Marốc, vì lợi ích chung của dân chúng trung thực trên đất nước này, cũng như vì lợi ích của quốc gia bảo hộ, v.v.".

Nhưng, cũng trong ngày ấy (ngày 14 tháng 4), lại có bản thông cáo sau đây:

"Trong một cuộc giao chiến với bọn Bơni Bude ở Bápen Hácbe, bên ta đã có 29 binh sĩ hy sinh và 11 bị thương" (Tập 2, tr 32). Bản nhật lệnh của thống chế tán dương “công trạng” của binh lính Marốc: “các người đã hiến dâng lòng trung thành và máu xương của các người mà không hề tính toán” và nói rõ mục đích của “chúng ta” là: "Chúng ta sắp mở một chiến dịch để hoàn thành công cuộc bình định xứ Marốc, vì lợi ích chung của dân chúng trung thực trên đất nước này, cũng như vì lợi ích của quốc gia bảo hộ, v.v.". Điều này lại hoàn toàn mâu thuẫn với bản thông báo cũng trong ngày ấy (ngày 14 tháng 4) là: “Trong một cuộc giao chiến với bọn Bơni Bude ở Bápen Hácbe, bên ta đã có 29 binh sĩ hy sinh và 11 bị thương". Cadablanca là một hải cảng lớn của nước Marốc. Bơni Bude (Beni Bouzert) là một đội quân khởi nghĩa do Apden Crim, lãnh tụ phong trào chống Pháp của Marốc lãnh đạo. Sự mâu thuẫn của hai văn bản này đã làm bật ra ý: người Pháp đến xâm lược Marốc, xây dựng đội quân tay sai là người bản địa để rồi họ phải chết bởi chính những đồng bào của mình (tức những người khởi nghĩa chống Pháp). Chỉ cần nhại lại hai bản thông báo mà sức mạnh tố cáo thật lớn: chính thực dân Pháp là kẻ đã đẩy người dân Marốc vào thảm cảnh nồi da nấu thịt lẫn nhau

Một thủ pháp gây chú ý của dư luận là thủ pháp nhại, cắt dán tin tức báo chí công khai, thậm chí nhại cả dư luận của nước Pháp lúc bấy giờ. Vì dụ sau là lời của một nhân vật nhại tin tức, dư luận từ một trường đại học, mà với nước Pháp bấy giờ, trường đại học là trung tâm chú ý của cả xã hội: “Cậu không biết là cả trường đại học y khoa nhốn nháo cả lên vì cái bản tuyên ngôn khoa học của Cụ lớn à? "Ngài yêu quý nhiệm vụ đến quặn cả lòng. Niềm say đắm đối với nỗi cùng cực cao cả gắn những cơn sốt nóng của nó vào da thịt ngài. Nó hoà lửa của nó vào máu ngài, trong huyết quản ngài, cũng như vào đường gân ngài, thớ thịt ngài, cứ như chiếc áo lửa của Nétxuy bám lấy hông lấy cật...” (Tập 1, tr165,166). Đây là một đoạn văn trích ra từ tiểu phẩm Viện hàn lâm thuộc địa đăng trên báo L’Humanité ngày 19/2/1923, phần in nghiêng là lời của nhân vật Xôra nhại lại dư luận từ trường đại học y khoa. Lời nhại chỉ có ba câu mà có tới 6 chữ ngài, và rất nhiều các tính từ cực tả sáo mòn rỗng tuếch: yêu quý nhiệm vụ đến quặn cả lòng…niềm say đắm đối với nỗi cùng cực cao cả…Lời nhại có xu hướng xoá nhoà ranh giới cái trừu tượng với cái cụ thể: nó hoà lửa của nó vào máu ngài, trong huyết quản ngài, cũng như vào đường gân ngài, thớ thịt ngài, cứ như chiếc áo lửa của Nétxuy bám lấy hông lấy cật . Tất cả để bật ra một mỉa mai: trường đại học y khoa vốn được coi là nơi nghiêm túc, trang nghiêm, chính trực… thế mà nay cũng nhốn nháo cả lên vì cái bản tuyên ngôn khoa học của Cụ lớn, thế thì về thực chất, cái trường đại học ấy cũng chẳng có gì nghiêm túc khoa học cả, cũng nhốn nháo, cũng a dua theo Cụ lớn, cũng nịnh hót… và nhất là chẳng có gì trí tuệ mà bằng chứng là dư luận, công luận từ nơi đó không đứng đắn (với rất nhiều các tính từ cực tả sáo mòn rỗng tuếch), nhập nhằng, không rõ ràng (xoá nhoà ranh giới cái trừu tượng với cái cụ thể). Vẫn chỉ một mũi tên nhại mà găm đồng thời vào hai đối tượng thật đáng giễu cợt: Cụ lớntrường đại học y khoa.

Liên thể loại cũng là một dạng liên văn bản. Trong một văn bản, các thể loại chồng lên nhau, hoặc “tranh cãi” nhau: “Thật đúng như câu thơ chữ Hán đã tả: Gió âu yếm thổi chiều quạt phẩy, mưa nghĩa nhân đón vết xe lăn. Được nắm quyền tối cao cai quản các thuộc địa, danh vọng của ngài càng cao bao nhiêu thì sự quan tâm đặc biệt của Ngài đối với những người Đông Dương càng tăng lên bấy nhiêu. Ngài đã cho thiết lập ngay ở Pari một cơ quan đặc trách để theo dõi những người bản xứ cư trú trên đất Pháp, đặc biệt là theo dõi những người Đông Dương, như một tờ báo thuộc địa đã nói rõ” (Tập 1, tr 91).

Trên đây là một đoạn trích từ Thư ngỏ gửi ông Anbe Xarô, Bộ trưởng thuộc địa in trên L’ Humanité, ngày 25/7/1922, lá thư có nội dung tố cáo sự bóc lột tinh vi, hiểm ác của nền “văn minh Pháp” đối với nước An Nam mà ông Anbe Xarô là kẻ chủ mưu. Tác giả mượn câu thơ chữ Hán cổ nói về một viên quan ở địa phương được nhân dân quý mến vi có lòng nhân ái, quan tâm đến đời sống của họ. Hình tượng quạt lôngxe lăn là những vật dụng của viên quan khi đi kinh lý ở các địa phương. Dĩ nhiên đối tượng mỉa không phải là các viên quan tốt thời xưa, mà là ông Anbe Xarô, thời nay, ngược hẳn lại cái “nghĩa nhân” có từ thời trước.

“Ngay cả trong các trang tiểu thuyết đăng trên báo, người bản xứ cũng đã giành được địa vị của mình. Ông Angiabe - ấy xin lỗi, ông Anbe Giăng chứ - đã chẳng kể chuyện rằng ở Hội chợ Mácxây có một chàng An Nam kia làm nghề kéo xe đã lọt được vào mắt xanh của một bà đầm xinh đẹp nọ. Sau khi đi thăm hội chợ về, bà bèn cho gọi anh xe đến phòng ngủ lộng lẫy của bà. Và vân vân... Người yêu bị cắm sừng của bà bỗng nhiên tới. Bối rối, lẩn núp, v.v.. Nhưng cái chính của câu chuyện lại ở chỗ khác kia. Nguyên là chàng công tử kia đã đánh cắp được một viên ngọc bích bày ở gian thờ của Đông Dương và đến để khoe với người ngọc của mình. (Ôi! lương thiện vậy thay!). Người An Nam kia đứng nấp đằng sau trông thấy quả tang hành vi đầy tội lỗi ấy, liền nhảy ra đánh cho anh chàng ăn cắp ngã gục, rồi mang lễ vật quý đó về bàn thờ” (Tập 1, tr 135). Ở đoạn này có hình thức chung là tiểu luận nhưng được nhại một cốt truyện hư cấu của tiểu thuyết đăng báo qua cách tóm tắt, câu chuyện ấy có không gian: “Hội chợ Mácxây” và “phòng ngủ lộng lẫy”; có nhân vật: “một chàng An Nam kia làm nghề kéo xe”, “một bà đầm xinh đẹp”, “người yêu bị cắm sừng của bà”; có kịch tính cao trào, có cởi nút, có cả lời bình luận mỉa của người kể: “Ôi! lương thiện vậy thay!”…Một cốt truyện khó tin vì nó ngược đời: bà đầm xinh đẹp yêu một anh xe An Nam, anh xe An Nam đánh gục một kẻ cắp vốn “là chàng công tử”…Nhại lại câu chuyện ngược đời ấy để mỉa mai sự giả dối của thực chất về cái gọi là“Hội chợ Mácxây” chẳng qua chỉ là trò lừa bịp dư luận, đổi trắng thay đen, lộn sòng các giá trị…

Ví dụ dưới đây là một hình thức “cắt dán” văn bản thú vị.

Ngày 29-9-1922 trên báo L’Humanite’ có in truyện ngụ ngôn Đồng tâm nhất trí của Nguyễn Ái Quốc (Tập 1, tr 111). Đại thể, truyện thế này: anh Hai đi chợ bán vàng mã, anh Ba đi chợ bán trầu non, họ “cùng đi một chợ này, theo cùng một con đường này lại có cùng một mục đích - là bán hết hàng, cùng một chí hướng - là làm ăn lương thiện kiếm miếng cơm” - lời anh Ba. Thế là họ “kết nghĩa anh em cùng nhau giao ước thắt tình hữu ái,… khuyên bảo lẫn nhau, thấy đây làm gì thì đó làm theo, mà đó đã bảo gì thì đây cũng làm y, nói tóm lại, là giữa hai ta có sự đồng tâm nhất trí”- lời anh Hai. Đường tới chợ còn xa, họ hát cho đỡ mệt, anh Hai hát, anh Ba hát theo. Gặp dòng sông, anh Ba nhúng trầu non, anh Hai cũng làm theo, nhúng vàng mã xuống nước. Đến khi trời nắng, anh Hai phơi vàng mã, anh Ba cũng làm theo, phơi trầu non… Truyện có nhiều cách hiểu, nhưng có lẽ ai cũng tán thành cho rằng qua câu chuyện, Bác Hồ là một trong những người đầu tiên giới thiệu với thế giới thể thơ lục bát đặc sắc của người Việt. Xin chép lại nguyên văn lời thơ:

Kon – mèo trèo lên cây cau

Hỏi thăm Kon - chuột đi đâu vắng nhà

Thưa rằng đi chợ đường xa

Mua đồ vật liệu giỗ cha kon – mèo …

Trông lên hòn núi Thiên Thai

Thấy bầy chim quạ ăn xoài chín cây.

Bản phiên âm tiếng Pháp có in nguyên bản lời thơ bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Pháp. Những ký tự in hoa là dụng ý của tác giả để giới thiệu cách gieo vần của thể thơ lục bát, chữ cuối ở câu lục ăn vần với chữ thứ sáu của câu bát, chữ cuối của câu bát lại ăn vần với chữ cuối của câu lục. Có lẽ tác giả muốn cải tiến âm C bằng âm K (trong chữ quốc ngữ ) nên ký tự này luôn được in hoa, nhưng rất có thể là để tránh sự hiểu nhầm của độc giả Pháp vì chữ con trong tiếng Pháp có nghĩa tục, vì thế mà các chữ Kon - mèo, Kon - chuột luôn có gạch nối để phân biệt. Chung quanh ngụ ý của câu chuyện có hai cách hiểu, cách thứ nhất cho rằng tác giả muốn khẳng định một nguyên tắc quan trọng là nếu nguyện vọng của cá nhân và tập thể có mâu thuẫn thì phải biết hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi tập thể. Hình ảnh vàng mã và trầu non tượng trưng cho sự khác biệt và tương phản của quyền lợi riêng. Nhân vật anh Hai và anh Ba soi sáng tính cách anh hùng, bền bỉ, đoàn kết, hy sinh vì đại nghĩa của nhân dân ta. Cách hiểu này khó chấp nhận vì tính chất gán ghép trong lập luận khi cho rằng “vàng mã và trầu non tượng trưng cho sự khác biệt và tương phản của quyền lợi riêng” và hai nhân vật anh Hai, anh Ba cũng không có một nét tính cách nào để có thể “soi sáng tính cách anh hùng, bền bỉ, đoàn kết, hy sinh vì đại nghĩa của nhân dân ta”. Chúng tôi tán thành cách hiểu cho rằng: “Câu chuyện ngụ ngôn đã kể về một trường hợp đặt vấn đề đồng tâm nhất trí một cách máy móc, hy sinh vô ích quyền lợi chính đáng của mình cho một cái chung hư vô. Câu chuyện trên còn ngụ ý phê phán một lối xác định cái chung vu vơ “tôi làm gì thì anh làm nấy”, kết quả là làm theo cái chung kiểu đó, cái riêng của anh này sẽ trực tiếp hủy hoại cái riêng của anh kia, và chẳng anh nào được lợi lộc gì cả”. Căn cứ ngay vào bản chất của hình tượng cũng dễ hiểu là nếu đem trầu non phơi nắng, vàng mã nhúng nước (những hành động ngược đời) thì còn ai mua nữa (không có mục đích). Truyện được viết theo phong cách trào phúng của một ngụ ngôn chính trị khi ta thấy lời miêu tả mang tính bình luận của người kể được nhại lại: “Một lời đã hứa… làm theo không chối cãi” càng củng cố thêm cho cách hiểu thứ hai là đúng.

Các cách hiểu ấy còn cần trao đổi, tranh luận nhưng từ góc nhìn liên văn bản cho thấy sự chuyển di tuyệt vời từ hình thức ca dao Việt Nam hết sức mới mẻ với bạn đọc Pháp trên một văn bản tiếng Pháp. Có thể khẳng định Nguyễn Ái Quốc là một trong những người đầu tiên giới thiệu ca dao Việt Nam với câu thơ 6/8 ra với thế giới.

Xin nói thêm, theo sự hiểu biết của người viết bài này thì ở nước Pháp hiện nay đang có một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ đang đi sâu tìm hiểu sự giao thoa ngôn ngữ văn hóa ở các nước Á Phi trong tác phẩm báo chí của Nguyễn Ái Quốc. Đó cũng là hướng đi “liên văn bản”.

T.M.T


[1] Các ví dụ trong bài viết đều lấy từ bộ Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập, 2002, Nxb Chính trị Quốc gia.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)