. NGUYỄN THANH HÀ
Các cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh gần đây nhất diễn ra vào ngày 18/4/2023 tại Italia (thủ đô Roma) có tên “Quãng đời làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Italia”. Trước đó, ngày 14/5/2022 tại Ấn Độ có Hội thảo “Hồ Chí Minh và Ấn Độ” (Ho Chi Minh and India) tổ chức ở Kolkata[1]. Tháng 10/2019 Hội thảo “Hồ Chí Minh toàn cầu” (Global Ho Chi Minh) được tổ chức tại thành phố New York - Mỹ. Các Hội thảo đều khẳng định ở Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là sự hội tụ tuyệt đẹp ba luồng văn hóa: văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ và văn hóa giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác. Không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới và nhân cách của Người còn mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Điều này khẳng định sự tôn trọng của giới học giả thế giới đương đại với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng và những giá trị văn hoá cao đẹp của Người đang được cả nhân loại đón nhận. Một số tham luận khẳng định Hồ Chí Minh đóng góp cho thế giới hôm nay ở chỗ hoàn thiện khái niệm “văn hóa dân chủ”.
“Văn hóa dân chủ” được hiểu giản dị là làm sao phát huy cao nhất tinh thần dân chủ của người dân. Người dân thật sự làm chủ trong quá trình phát triển của xã hội. Bài viết xin giới thiệu sơ lược một vài khía cạnh về “văn hóa dân chủ” của Bác Hồ.
Khái niệm “Văn hóa dân chủ” mới xuất hiện, khoảng cuối những năm thế kỷ trước, tức chỉ mới mấy chục năm có những nôi hàm ban đầu là sự giải phóng cá nhân và giải phóng xã hội về mặt tinh thần, thực hiện tự do tư tưởng, khẳng định cá tính sáng tạo, tôn trọng nhân cách con người. Cơ sở xã hội của “văn hóa dân chủ” là một đời sống chính trị ổn định, một nền kinh tế phát triển, nhu cầu tự do cá nhân về đối thoại, về khát vọng giải phóng cái tôi... Do vậy “văn hóa dân chủ” là lý tưởng vươn tới của bất cứ quốc gia nào, chính vì thế mà nó lại bị lợi dụng, với các đế quốc thì dùng chiêu bài “xuất khẩu dân chủ”, “truyền bá dân chủ”... Ở một số quốc gia thì các thế lực đối lập mượn “tự do dân chủ” làm cớ gây rối...
Hiện nay thế giới hầu như thống nhất hiểu ngôi lầu văn hóa dân chủ phải được đặt trên ba bệ đỡ chắc chắn là tư tưởng (dân chủ), nguyên tắc (dân chủ) và thực hành (dân chủ).
Soi những điều mang tính lý thuyết trên vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhiều nghiên cứu phương Tây ngạc nhiên: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kiến tạo nền văn hóa dân chủ ở Việt Nam từ 1945 với một chủ thuyết rõ ràng, tiến bộ cùng một hệ nguyên tắc đúng đắn và chính Người tiên phong thực hành dân chủ một cách triệt để và mẫu mực nhất. Đúng vậy. Tư tưởng Bác Hồ đã đi trước thời đại!
Tư tưởng dân chủ ở Hồ Chí Minh có cơ sở là tình yêu thương, sự kính trọng nhân dân sâu sắc, thật sự chân thành. Trong thẳm sâu những suy nghĩ nhỏ nhất đến tư tưởng lớn Người đều vì mục đích độc lập cho nước hạnh phúc cho dân. Từ lúc bước chân xuống tàu đi tìm đường cứu nước đến khi về với các Các Mác, Lê Nin, cả cuộc đời Bác đau đáu một chữ Dân. Trong nhiều bài báo nguyên bản tiếng Pháp các năm 1922,1923 Nguyễn Ái Quốc đều viết các chữ “con gái”, “nhà quê”, “dân” bằng tiếng Việt mang sắc thái biểu cảm rất rõ. Trong văn cảnh cụ thể đó có thể là sự mỉa mai những tên thực dân khinh thường dân An Nam thuộc địa hoặc là tâm trạng xót xa trước cảnh đồng bào mình bị bóc lột tàn tệ… Thế giới ca ngợi Bác có cách giải quyết tuyệt vời nhất dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để cố gắng mang hạnh phúc cho dân. Sau tháng 9/1945 nước ta sa vào tình trạng kiệt quệ, vận nước mong manh bởi thù trong giặc ngoài nhưng Bác vẫn chủ trương ưu tiên hai nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Đó là tinh thần nhân văn cao cả, là tầm trí tuệ kiệt xuất trên cơ sở một tình yêu nước, yêu dân lớn lao hiếm thấy. Dân đói, dân dốt là bất hạnh lớn nhất của bất cứ quốc gia nào và ngược lại.
Năm 1947 trả lời một nhà báo nước ngoài, Người nói: “Tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập thống nhất, dân chủ”. Bác Hồ đã hy sinh tuyệt đối hạnh phúc riêng để vì hạnh phúc chung. Mọi người dân Việt Nam là “thân thích”, là “chị em” của Người. Không hề có khoảng cách giữa vị Chủ tịch Nước với người dân thường!
Là người có vốn học vấn sâu rộng, một trái tim yêu dân, trọng dân, tin dân sâu nặng, hơn ai hết Bác Hồ thấu hiểu mọi nguồn mạch cách mạng đều chảy ra từ ngọn núi nhân dân vĩ đại. Một số nghệ sỹ điêu khắc xin nặn tượng Bác, Bác không đồng ý. Bác bảo: “Các chú hãy nặn tượng tập thể bộ đội, dân quân, thanh niên, thiếu nhi anh hùng: không có nhân dân thì không có Bác” . Đó là một quan niệm thực sự biện chứng: nhà văn phải trở về với cuộc sống nhân dân, bởi đấy là cái nôi, là mảnh đất màu mỡ nuôi sống cây nghệ sỹ để kết trái ngọt tác phẩm. Nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh đã xây dựng một biểu tượng Nhân Dân thật cao quý, vĩ đại: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” . Người dạy cán bộ phải biết trọng dân, vì dân: “Có người cho là “dân ngu khu đen”. Thế là tầm bậy. Dân rất thông minh. Quần chúng kinh nghiệm sáng kiến rất nhiều. Chỉ cần mình có biết học hay biết lợi dụng mà thôi” .
Trong bài báo Tìm người tài đức được viết ngay sau khi giành được độc lập ít ngày, Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức.
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận...”. Chỉ mấy dòng chữ ngắn nhưng cái tình tin dân, trọng dân, nhất là tư tưởng dân chủ phổ quát cho mọi thời đại: mọi nguồn lực đều có ở dân, vấn đề là biết cách tìm ra và sử dụng nguồn lực ấy có vì dân không. Vì dân, trọng dân thì phải làm theo ý nguyện của dân: “Không gì có thể ngăn cản mặt trời mọc. Không ai có thể đi ngược lại ý nguyện của nhân dân”. Mặt trời luôn toả sáng, tỏa ấm đem sức sống đến cho muôn loài. Có mặt trời mới có sự sống. Ý nguyện của dân cũng như mặt trời vậy. Đó là chân lý! Tư tưởng Hồ Chí Minh lớn lao, vĩ đại là ở đó!
Về nguyên tắc dân chủ, theo Bác Hồ thì dân là chủ và dân làm chủ, cán bộ phải là người phục vụ, là “đày tớ” cho dân: “Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đày tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài”[2]. Bác mượn lời Lỗ Tấn để nhắc nhở cán bộ: “Nói về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ: “Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ/ Phủ thủ cam vi nhũ tử ngưu”. Xin tạm dịch là: “Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”. “Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ. “Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân”[3]. Ngay từ những ngày đầu giải phóng Bác Hồ đã đề ra nhiệm vụ “Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân”[4]. Để xứng đáng là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”, Bác Hồ yêu cầu cán bộ phải cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Người từng lên tiếng báo động: “Đề phòng hủ hoá... có người hủ hoá, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán...”[5]. Người đề ra một tiêu chuẩn của người cách mạng là “Lo, thì trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ” và “không lợi dụng danh nghĩa Uỷ ban để gây bè tìm cánh, đưa người “trong nhà trong họ” vào làm việc với mình”[6]. Có vậy dân mới làm chủ “được hoàn toàn”!
Trong mối quan hệ cơ quan nhà nước, dân với cán bộ rất cần thiết phát huy tính dân chủ để mỗi người tự nói ra cái dở cái khuyết điểm của họ, ví như “Một người mà trong óc đã có uất ức, bất mãn, thì lời hay lẽ phải khó lọt vào bộ óc đó. Để cho họ tháo cái uất ức, bất mãn đó ra, thì lời hay lẽ phải dễ lọt vào óc họ. Đó là một lẽ rất giản đơn. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Có như thế thì cũng khác nào như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không cần ai khuyên bảo, cũng tự vội vàng đi rửa mặt”[7]. Chính phủ, cán bộ làm “đày tớ” cho dân thì rách nhiệm của Dân phải giúp đỡ Chính phủ.
Quan niệm của Bác về quan hệ “Dân” và “Chính phủ” để “thực hành dân chủ” hết sức biện chứng: “Chính phủ Cộng hoà Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi[8]. Chỉ mấy câu ngắn nhưng ba lần Bác nhắc lại hai chữ “đày tớ” để nhấn mạnh tới bổn phận của Chính phủ. Hai lần Bác nhắc lại hai chữ “phê bình” là nói về trách nhiệm của dân. Dân yêu Chính phủ thì phải phê bình đúng đắn, nghiêm túc (chứ không phải “chửi” một cách vô nguyên tắc) để Chính phủ tiến bộ. Lời dạy ấy hôm nay cố gắng làm sao thấm nhuần đến tận mỗi cán bộ, mỗi người dân!
N.T.H
[1] Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam phát trực tiếp trên kênh Youtube 10h sáng Ấn Độ, 11h30 giờ Việt Nam ngày 14/5/2022.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 39.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 50.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 285.
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 20.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 22.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 284.
[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 75.
VNQD