Mặt trời không bao giờ tắt như tình thương vẫn mãi bất diệt

Thứ Tư, 28/06/2023 09:25

Thuộc thời kì sáng tác đầu của tác giả Tào Văn Hiên, tiểu thuyết Mặt trời không bao giờ tắt, như đã phần nào định hình, gói trọn phong cách văn chương ông viết về trẻ thơ. Rằng những đứa trẻ trên trang sách Tào Văn Hiên, đời sống thường khó khăn, trắc trở song bản thân chúng lại vô cùng mạnh mẽ, kiên cường. Chính sự kiên cường ấy, cùng tình thương và sự thuần khiết, trong sáng của những đứa trẻ, đã vực dậy, cứu rỗi người lớn lầm lạc.

Trước sự ra đi đột ngột của vợ, người họa sĩ trở nên suy sụp, gục ngã, ngày một chìm sâu vào nỗi đau khôn dứt, trong sự buông thả và đắm mình vào men rượu. Để rồi, ông như lãng quên, mình có một cô con gái bé nhỏ tên Nhã Ni. Rồi ông thờ ơ trước mọi hi sinh, cố gắng thầm lặng, con gái làm vì ông. Cho tới ngày, cô bé Nhã Ni chẳng thể tiếp tục gắng sức…

Những đứa trẻ

Là nhân vật trung tâm trong các sáng tác thiếu nhi của Tào Văn Hiên nói chung, những đứa trẻ trên trang văn ông tạo dựng, dường như luôn gặp bất hạnh ngay chính ở ngôi nhà của mình. Khiến chúng sớm trưởng thành, già dặn hơn trước tuổi mà hiểu chuyện tới mức đau lòng. Và với tiểu thuyết Mặt trời không bao giờ tắt, cô bé Nhã Ni, đứng trước rạn vỡ gia đình, nỗi đau khổ của người cha khi mẹ cô bé qua đời, cũng sớm hiểu chuyện như thế. Thậm chí, ngay từ khi mẹ Nhã Ni vẫn còn tại thế, cô bé đã hiểu, cha yêu mẹ nhiều đến thế nào, cha coi mẹ như vầng thái dương của cuộc đời cha ra sao. Nên khi mặt trời khuất núi, cũng là lúc, đêm đen, giá lạnh ập tới cuộc đời cha.

Nhã Ni chứng kiến cha thương mẹ tới tôn thờ, đến như một dạng tín ngưỡng cuộc đời cha. Chứng kiến cha suy sụp lúc mất mẹ và cảm nhận sâu sắc, trong quãng thời gian mẹ ra đi, trong đáy mắt cha dường như chẳng hề tồn tại cô bé. Những giờ phút cha ở bên, quan tâm, chăm sóc Nhã Ni, cũng chỉ như khoảnh khắc hiếm hoi, ông thức tỉnh giữa chuỗi triền miên khổ đau khôn thoát.

Nhã Ni chứng kiến, và có lẽ, bản thân cô bé cũng hiểu, cô không thể thay thế mẹ để làm một mặt trời khác sưởi ấm trái tim người cha đang băng lạnh. Nhưng cô bé, lại có thể ở bên, mà gắng sức chăm sóc người cha đang chìm trong bi ai. Nhã Ni, cô bé vốn độ tuổi vô lo, vô nghĩ là thế, mà lại sớm hiểu chuyện, vị tha và cũng kiên cường khôn cùng. Cảm thông cho thương đau cha gánh chịu, vị tha cho hết thảy những lần cha vô tâm tới vô tình để kiên cường đến như bào mòn sức lực, tinh thần cho hi vọng một ngày, cha có thể nhìn cô bé, với đúng ánh nhìn một đứa trẻ được kết tinh từ chính tình yêu giữa ông với người vợ quá cố.

Ảnh minh hoạ.

Nếu Nhã Ni hi sinh quên mình cho khao khát níu giữ hạnh phúc gia đình, tìm lại nụ cười cùng tình thương của cha bất kể cô bé tự làm thương tổn chính mình, mặc cho cô bé như quên đi cả những người xung quanh; thì tình người, đặc biệt là những đứa trẻ cùng trang lứa với Nhã Ni, luôn đồng cảm với cô bé, lại cho Nhã Ni hiểu thấu, cô bé không lẻ loi. Một cậu bé Đạt, quậy phá, vô tri là thế, mà đứng trước mất mát, đớn đau Nhã Ni chịu đựng đã bất bình thay cô bé và dang cánh tay, nâng đỡ, bảo vệ Nhã Ni mỗi khi cô yếu đuối nhất. Hay đó còn là những người bạn cùng lớp với Nhã Ni đã bảo bọc, đến bên khi cô gục ngã, cho cô bé “cảm nhận được hơi ấm từ những đôi tay nhỏ nhắn.”

Bởi thế nói rằng, những đứa trẻ trưởng thành trước tuổi, kiên cường trong chính bi kịch để chập chững bước đi trên chính đôi chân là vì thế.

Và lũ trẻ, dẫu nghị lực đến đâu, tới tận cùng, chúng vẫn là những sinh linh nhỏ bé, yếu ớt, nhạy cảm, khao khát yêu thương; nên khoảnh khắc, chúng dang “đôi tay nhỏ nhắn” bao bọc lấy nhau, có lẽ, chính là giây phút, đứa trẻ đã luôn cúi mặt xuống sống cô độc, nhận ra rằng, chúng chẳng hề cô đơn.

Những người lớn

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, ngay trong cuộc sống, những đứa trẻ không sống một mình. Bên cạnh chúng luôn có những người lớn đồng hành, theo cách này hay cách khác.

Người lớn, có thể là cội nguồn của thương tổn đứa trẻ phải gánh chịu. Như cách, cha Nhã Ni, vì nỗi bi ai của bản thân mà vô tình, khiến con gái chịu khốn cùng buồn đau cùng nỗi thất vọng ngỡ không sao cứu vãn được. Dẫu hiểu cho ông khổ sở, dẫu biết rằng ông không cố ý kéo con gái vào đáy sâu bóng tối đau khổ quẩn quanh như ông thì việc ông ghẻ lạnh với con ruột, với mọi sự cố gắng đứa con gái nhỏ đã hi sinh quên mình vì ông, để chìm vào sự quên của thứ tình yêu đã trở thành bi kịch ông dành cho vợ, vẫn là một sự ích kỉ khó thể thứ tha.

Cho đến khi, người cha như thức tỉnh sau giấc mộng dài, cho đến khi ông thật sự tỉnh ngộ mà vụng về yêu và đón nhận tình thương của đứa con gái nhỏ. Người cha Nhã Ni, người họa sĩ đa cảm sầu bi, chính như một biểu tượng tác giả Tào Văn Hiên xây dựng, rằng người lớn, có thể hơn lũ trẻ về tuổi tác song đứng trước vấp ngã cuộc đời, thì tình thương trong sáng, ngây thơ, thuần khiết, lòng bao dung, vị tha của lũ trẻ, lại tựa liều thuốc cứu rỗi những ai giữa tận cùng bi ai. Tụi nhỏ, có thể không rực rỡ sáng như mặt trời, song chúng lại dịu nhẹ, thanh khiết tựa ánh trăng bàng bạc, dần dẫn lối cho ai, lầm lạc.

Và người lớn, trên trang văn của Mặt trời không bao giờ tắt, còn đóng vai trò dõi theo và thấu triệt hết mỗi đổi thay trong đời sống hay biến chuyển tâm lí tụi nhỏ, dù là nhỏ nhất. Họ không có quan hệ huyết thống với đứa trẻ bất hạnh sớm mất mẹ, cha thờ ơ có tên Nhã Ni song họ luôn quan tâm cô bé, theo cách riêng, không vồ vập, cưỡng cầu mà đầy chân tình, dịu dàng, yêu thương.

Như người bác trong khu phố đã tặng Nhã Ni bộ quần áo mới ngay dịp Tết. Cả như cô Đỗ, trước khi thủ thỉ khuyên Nhã Ni đến sống cùng cô, đã cho Đạt lặng thầm, bảo vệ Nhã Ni mỗi ngày. Chắc hẳn, chính họ cũng biết rằng, cô bé chịu nhiều khổ cực nhưng rất mực kiên cường và giàu lòng tự trọng ấy, sẽ chẳng thể dễ dàng đón nhận thứ tình cảm hiếu kì, hời hợt từ những người vốn đang sống cuộc đời vẹn tròn. Cô bé nhạy cảm, nên người lớn, cũng phải thật tế nhị, khi trao gửi thương yêu.

Và tác giả Tào Văn Hiên, đã thật sự tinh tế khi xây dựng lên thế giới những người lớn, song hành cùng thế giới những đứa trẻ chịu nhiều bất hạnh. Để mỗi độc giả nhận ra, trong cuộc sống gia đình, rộng hơn là cả xã hội, trẻ nhỏ hay người trưởng thành, cũng đều có thương tổn, khó khăn riêng. Khi đó, cũng chỉ có tình thương cùng sự nhẫn nại của mỗi ai có nghĩa, có tình, mới đủ sức cứu rỗi những tâm hồn vốn đã vụn vỡ trong khổ đau, chìm vào đêm đen muôn trùng.

Tình thương

Được viết vào năm 1984, Mặt trời không bao giờ tắt, bên cạnh là cuốn tiểu thuyết viết cho thiếu nhi, chứa đựng bi kịch của một gia đình, tác phẩm này còn chứa đựng cả bi kịch của một giai đoạn lịch sử. Dù rằng chỉ là chi tiết nhỏ thoáng qua thuộc về phần kí ức trong câu chuyện tình yêu giữa cha và mẹ Nhã Ni thì “vết thương” một thời Cách mạng Văn hóa trên đất nước Trung Hoa vẫn hiện hữu thấp thoáng. Có lẽ, đây cũng là tiền đề sâu xa cho sự yếu đuối đến phụ thuộc của cha Nhã Ni vào vợ, người đã cứu rỗi ông ngay khoảnh khắc ông buông xuôi hết thảy.

Dù vậy, sau hết thảy những trang truyện, tác phẩm thuộc về thời kì sáng tác đầu này của tác giả Tào Văn Hiên, câu chuyện “vết thương” Cách mạng Văn hóa cũng không phải điều cốt lõi ông hướng đến. Mà qua dòng thời gian gần như tuyến tính trải từng ngày, từng tháng cô bé Nhã Ni sống cạnh người cha khổ đau vì mất đi người vợ yêu thương đan xen những đoạn hồi ức ấm áp về một gia đình đoàn viên cùng những lớp không gian “bên trong” gần như thu hẹp, khu biệt và đầy lạnh lẽo ở một căn nhà thiếu vắng sự tương tác giữa con người với con người; điều Tào Văn Hiên gửi gắm, hơn cả vẫn là hai chữ yêu thương, hai tiếng tình người.

Yêu thương để những con người máu mủ ruột già có thể bao dung mà trở lại với nhau, kể cả khi họ từng tổn thương nhau đến thế nào.

Tình người để những ai, vốn dĩ chẳng chung dòng máu, lại có thể quan tâm, chở che, bảo vệ nhau như ruột thịt.

Mặt trời không bao giờ tắt, như tình yêu cha dành cho mẹ, sẽ còn mãi dẫu rằng, mẹ đã đi xa.

Mặt trời không bao giờ tắt, như mặt trời của cha, của con có khuất núi, thì vẫn còn đó, mặt trăng nhỏ dịu dàng, nhẫn nại rất mực, ở bên cha.

Mặt trời không bao giờ tắt, còn như tình thương giữa con người với con người, tựa thứ ánh sáng vĩnh hằng, sưởi ấm những dáng hình cô độc vậy.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)