. VÂN THANH
Văn thơ Xô-viết Nghệ Tĩnh đã vạch trần rất đúng tâm địa đểu cáng của thực dân Pháp với nhân dân An Nam (trước 1930): “Miệng bảo hộ mà tay bóc lột/ Miệng nhân từ mà ruột hiểm sâu”. Nhưng ít người biết, trước đó, ngay trên đất Pháp, một người Việt Nam đã bóc mẽ bộ mặt đểu cáng đó trên công luận Pháp. Người đó là Nguyễn Ái Quốc.
1. Bóc mẽ “tòa án” giả hiệu:
Lẽ “công bằng” mà nước Mẹ Pháp đã có công “khai hoá” ở đất nước An Nam là Toà án. Thì đây, cái gọi là “toà án” được tác giả suồng sã như thế này:
“…Xét rằng: C và B và D còn tổ chức cả những hội buôn, những hội diễn thuyết và hội mặc Âu phục, cắt tóc ngắn (khủng khiếp chưa!).
Xét rằng: Tất cả những việc đó, họ đã cùng làm với nhau một lần.
Xét rằng: Trong những bài thơ của họ, có một câu có thể dịch là: "Chịu cảnh ô nhục, chịu thân cá chậu chim lồng". (Sai. Câu thơ trào phúng chế giễu những cuộc thi cử phải dịch như sau: Nếu các ông còn đeo đuổi mãi những cuộc thi cử lỗi thời ấy, thì trong khoảng trăm năm nữa các ông sẽ được nghe người ta chửi vào mặt. Khi nào thì các ông sẽ thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng ấy?).
Xét rằng: D đã cho phép học trò của anh ta hội họp (!) và những học trò ấy đã đọc câu phương ngôn: "Người trong một nước phải thương nhau cùng" (tội nặng chưa!)...
Chiếu chỉ, xử tên A, B và C tử hình án treo cổ, xử đánh D và F 100 trượng (chỉ có thế thôi à!) và đày chúng biệt xứ đi xa 1.500 kilômét khỏi nước An Nam (chúng ta cần chú ý là những bị cáo không được phép tự bào chữa và họ hoàn toàn không hề biết gì cả về những lời buộc tội lẫn bản án)” (Tập 1, tr 423)[1]. Thật là một cách xét xử vô lối, không hề dựa trên căn cứ, bằng chứng “tôị phạm”, không hề một chút công lý. Thật là một sự mỉa mai! Lời bình luận của tác giả trong ngoặc đơn hoàn toàn phủ nhận lời “buộc tội” của “toà án”, làm rõ hơn tính chất phi lý của “toà”: (khủng khiếp chưa!); (Sai. Câu thơ trào phúng chế giễu những cuộc thi cử phải dịch như sau: Nếu các ông còn đeo đuổi mãi những cuộc thi cử lỗi thời ấy, thì trong khoảng trăm năm nữa các ông sẽ được nghe người ta chửi vào mặt. Khi nào thì các ông sẽ thoát khỏi cảnh cá chậu chim lồng ấy?); (tội nặng chưa!); (chỉ có thế thôi à!); (chúng ta cần chú ý là những bị cáo không được phép tự bào chữa và họ hoàn toàn không hề biết gì cả về những lời buộc tội lẫn bản án)!
2. Bóc mẽ chiêu bài “khai hóa văn minh”:
Thực dân Pháp xâm lược An Nam dưới chiêu bài “khai hoá”, đem “văn minh” nước Mẹ Đại Pháp đến cho xứ lạc hậu này. Nhưng thực chất của cuộc xâm lược này là bóc lột, là phản văn minh, phản khai hoá. Nguyễn Ái Quốc là một trong những nhà cách mạng người bản xứ đầu tiên vạch trần cái chính sách giả dối, thâm độc ấy: “Các ngài chiến thắng quang vinh của chúng ta thường quen thói "giáo dục" người bản xứ bằng đá đít hoặc roi vọt” (Tập 2, tr 33). Kết tội chính sách phản động - kẻ thù chung của nhân dân các nước thuộc địa, ngoài lòng căm thù, tình yêu thương giai cấp còn phải là sự hiểu biết, là trí tuệ. Nguyễn Ái Quốc đã hội tụ đủ những yêu cầu ấy nơi ngọn bút sắc sảo của mình: “Trong xứ Goađơlúp, 10.000 trẻ em không có trường học. Tại Angiêri thuộc Pháp, từ suốt 94 năm nay, trong số 5.000.000 dân chỉ có 35.000 học sinh là được hưởng thụ một nền giáo dục nhỏ giọt, còn 695.000 trẻ em bản xứ thì phải chịu dốt nát. Tại Cao Miên: 60 trường cho 2.000.000 dân! Tại Nam Kỳ (thuộc Pháp từ hơn nửa thế kỷ nay): trong số 2.500.000 người dân, chỉ có 51.000 học sinh.
May mắn thay, tuy chúng ta thiếu trường học, nhưng nước Pháp đã ban cho chúng ta rất nhiều nhà thổ, tiệm hút thuốc phiện và ty rượu” (Tập 1, tr 314). Sức chinh phục của đoạn văn này là số liệu cụ thể không chỉ của một xứ mà khá toàn diện về chế độ giáo dục thực dân bất công. Chỉ có thể dựa trên số liệu này thì sự mỉa mai suồng sã ở đoạn sau mới vừa trào phúng chua chát, căm uất về kẻ đã gây ra sự ngu dốt tăm tối không chỉ cho một nơi mà nhiều nơi, không chỉ cho một thế hệ mà nhiều thế hệ; lại vừa trữ tình xót xa, thương cảm những kiếp làm than nô lệ.
Ngòi bút trào phúng Nguyễn Ái Quốc không chỉ hướng tiếng cười vào bọn áp bức bóc lột để phơi bày tất cả những tính cách xấu xa, những hành vi vô nhân đạo, phản nhân tính mà còn hướng tới cả những trạng huống thảm hại của con người nói chung. Có lẽ phải hiểu một cách rộng rãi hơn về các đối tượng đáng cười của tác giả thì mới có thể hiểu được sâu sắc hơn giá trị phổ quát của tiếng cười độc đáo và vĩ đại này, như ở ví dụ sau: “Vì đang ốm, nên cố quốc vương Tuynidi đã cứ mặc nguyên áo ngủ mà tiếp quan khâm sứ. Như thế đã là bậy rồi; nhưng còn bậy hơn nữa là cháu nội và cháu họ nhà vua lại quên chào quan khâm sứ nói trên. Thế là sau hai ngày, đúng vừa đủ thời gian để suy nghĩ, quan lớn khâm sứ bèn mặc nhung phục, kéo binh mã đến bắt nhà vua phải xin lỗi. Thế mới đúng chứ. Một khi anh là quốc vương và chịu sự bảo hộ của một ông thánh (ông Xanh) thì dù là thánh cha, thánh con hoặc thánh thần, anh cũng không có quyền được đau ốm. Còn các chú "nhóc con" bản xứ, các chú phải biết rằng, một khi đã sinh ra dưới đôi cánh mẹ hiền của nền dân chủ thì các chú không được nô đùa, reo cười, hò hét, mà phải học chào lạy” (Tập 2, tr 47). Tiếng cười hướng tới cả hai đối tượng: “quan khâm sứ” và chủ yếu là cười “cố quốc vương Tuynidi” cùng con cháu. Quan khâm sứ thì lộng hành, cố quốc vương thì nhu nhược bởi cái phận nô lệ. Đường đường là một quốc vương, lại là chủ nhà mà phải xin lỗi một viên quan thì thật ngược đời. Ở đâu còn nô lệ thì ở đó có sự ngược đời. Để lời văn thêm hàm lượng mỉa mai chua chát, lời bình luận mang quan điểm của người kể đưa ra thật đúng lúc: Như thế đã là bậy rồi; nhưng còn bậy hơn nữa là… Thế mới đúng chứ… Nhất là lời bình luận ở cuối đoạn như làm rõ hơn cái trạng huống nô lệ thảm hại: “Một khi anh là quốc vương và chịu sự bảo hộ của một ông thánh (ông Xanh) thì dù là thánh cha, thánh con hoặc thánh thần, anh cũng không có quyền được đau ốm. Còn các chú "nhóc con" bản xứ, các chú phải biết rằng, một khi đã sinh ra dưới đôi cánh mẹ hiền của nền dân chủ thì các chú không được nô đùa, reo cười, hò hét, mà phải học chào lạy”! Đây là tiếng cười mang tính thức tỉnh, thức tỉnh những dân tộc đang bị u mê trong bóng đêm nô lệ. Giá trị phổ quát của nó vươn ra ngoài một tiếng cười châm biếm nỗi ô nhục thông thường để vươn tới một tầm văn hoá mang tính toàn nhân loại: phải trả cho con người sống ở bất cứ nơi nào cái quyền tự quyết, phải trả lại cho các dân tộc đang bị áp bức bởi chủ nghĩa thực dân cái quyền độc lập tự do!
Chính sách cai trị của thực dân Pháp là bóc lột là ngu dân, là cấm đoán, là tìm mọi cách để đưa dân tộc An Nam trở về thời nô lệ. Nguyễn Ái Quốc mỉa mai chính sách tàn bạo ấy qua một giả thiết, giả thiết nghịch lý để nói về một sự thật nghịch lý ở Đông Dương: “Một khi chúng tôi là người Pháp, lập tức chúng tôi sẽ gửi một đoàn khai hoá đến khắp nước Pháp. Chúng tôi sẽ làm cho đất nước người Gôloa ngập lụt rượu và thuốc phiện. Ở đây, chúng tôi sẽ đánh thuế muối, thuế nhập thị, sẽ cho bắt giam theo lệnh hành chính, phạt tiền tập thể, sẽ cho mở những toà án đặc biệt để đàn áp, hoạt động thường xuyên, lập kiểm duyệt, v.v. và v.v.. Nói gọn lại, chúng tôi sẽ làm lại ở đây tất cả những gì mà những kẻ nguyên là bề trên của chúng tôi đã làm trên đất nước chúng tôi, cho chúng tôi hoá ra là người Pháp...” (Tập 1, tr 185).
3. Bóc mẽ chiêu bài “quân tình nguyện”:
“Bị trói gô vào cột buồm tàu và được đưa đi làm quân tình nguyện ở châu Âu, đánh phường man rợ để bảo vệ văn minh, nhưng một khi đến xứ văn minh rồi thì những người bản xứ của ông Têry lại được cái thú tha hồ nếm "trái cây trong vườn cấm". Những người bản xứ còn sống sót sau cuộc tàn sát năm 1914 cũng như những người bản xứ còn sống sót sau đại chiến 1914-1918 đều có thể tự hào rằng vì công lý và nền dân chủ của chủng tộc cao đẳng, họ không những đã hiến đời mình, xương máu mình, mà còn hiến cả niềm t... in của mình nữa” (Tập 1, tr 134). Chúng ta chú ý tới cách mỉa mai qua cụm từ “vì công lý và nền dân chủ của chủng tộc cao đẳng”, đó chỉ là cách nói ngược, vì “công lý”, “dân chủ”, “văn minh” gì mà lại “trói gô vào cột buồm tàu” những người dân bản xứ đáng thương kia. Hơn nữa lại xỏ lá lừa bịp dư luận nói là quân “tình nguyện”, lừa bịp chính những dân bản xứ “tình nguyện” là đi “đánh phường man rợ để bảo vệ văn minh” đến nỗi họ phải chết sau khi “đã hiến đời mình, xương máu mình, mà còn hiến cả niềm t... in của mình” cho chính sách xỏ lá trắng trợn của chính phủ thực dân.
4. Bóc mẽ chiêu bài tôn giáo:
Theo lôgich tâm lý thông thường người ta chỉ có thể suồng sã được với nhau khi đã hiểu chân tơ kẽ tóc về nhau, chẳng ai dám suồng sã với người lạ. Để mỉa mai chế giễu nhau người ta thường tìm ra những điểm yếu nổi bật của nhau. Nguyễn Ái Quốc đã mỉa mai “dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa” bằng chính sách kết hợp sự “ngu xuẩn và đểu cáng” của các quan cai trị và “cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm”: “Các quan cai trị cả lớn lẫn bé, được nước mẹ giao vận mệnh xứ Đông Dương cho, nói chung đều là những bọn ngu xuẩn và đểu cáng. Hội Thánh chỉ cần nắm được trong tay một vài giấy tờ bí mật, thuộc đời riêng, có tính chất nguy hại đến thanh danh, địa vị của các quan, là có thể làm các quan hoảng sợ và phải chiều theo ý họ muốn. Chính vì thế mà một viên toàn quyền đã nhường cho nhà chung 7.000 hécta ruộng đất sa bồi của những người bản xứ, ấy thế là những người bản xứ này trở thành những người đi ăn xin.
Phác qua như thế, chúng ta thấy rằng dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã đem vào An Nam tất cả cái chế độ trung cổ đáng nguyền rủa, kể cả chế độ thuế muối; rằng người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm” (Tập 1, tr 229).
Tôn giáo, nhìn về bản chất là tích cực vì nó hướng con người ta tới cái thiện, cái cao cả, nhưng tôn giáo rất dễ bị lợi dụng. Chính thực dân Pháp đã lợi dụng qua con đường Thiên Chúa giáo để xâm lược các nước Đông Dương. Không một ai dám suồng sã với tôn giáo nếu tôn giáo đó đi theo bản chất tốt đẹp của họ. Nhưng đối với bọn phản động đội lốt tôn giáo thì rất đáng là đối tượng để châm biếm, như ở ví dụ này: “Nếu có dân tộc nào phải nhớ ơn Chúa và các giáo sĩ, thì chính đó là dân tộc An Nam! Vì Chúa và các giáo sĩ mà dân tộc này đã sa vào tình cảnh nô lệ như ngày nay... Ở đâu có cuộc nổi dậy, có khởi nghĩa thì nơi đó cha cố biến thành mật thám, nhà thờ Chúa biến thành nơi tra khảo. Trong những buổi xưng tội, bọn cha cố chất vấn người dân quê, dọa nạt họ hoặc hứa hẹn khôn khéo với họ để lấy tin tức về phong trào và các lãnh tụ. Lễ xưng tội xong, các cha chúng ta bèn chạy đi tố cáo với nhà chức trách Pháp” (Tập 1, tr 417).
Kết tội:
Nguyễn Ái Quốc đã trở thành quan tòa khẳng định bản chất xấu xa của chính sách thực dân và đanh thép kêt tội chúng: “Người ta thường nói: "Chế độ thực dân là ăn cướp". Chúng tôi xin thêm: là hiếp dâm và giết người” (Tập 2, tr 106).
V.T
[1] Các ví dụ trong bài viết đều lấy từ bộ Hồ Chí Minh toàn tập, 12 tập, 2002, Nxb Chính trị Quốc gia.
VNQD