Văn hóa gia đình – quan niệm dân chủ mới mẻ của Bác Hồ

Thứ Năm, 29/06/2023 07:04

. TRẦN VĂN TUYÊN

 

Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3, Bác Hồ có bài nói chuyện quan trọng, trong đó có vấn đề yêu câu văn nghệ tham gia cải tạo, xây dựng xã hội trong đó đặc biệt chú ý tới văn hóa gia đình: “Trong thời kỳ quá độ, bên những thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn sót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như: tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu, đánh con, đập vợ, v.v.. Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cũng cần phải phê bình rất nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn”[1]. Câu cuối là một nhiệm vụ cơ bản của văn nghệ là “phải phê bình rất nghiêm khắc”. Là một nhà văn hóa lớn nên Bác cũng đưa ra một giải pháp là “phê bình” bằng “văn nghệ”. Người dùng chữ “nghiêm khắc” trong phê bình để vì mục đích “nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn”. Đấy cũng chính là thiên chức cao quý “chân, thiện, mỹ” của văn nghệ.

Trên báo Nhân dân ngày 28-12-1962 Bác viết một bài báo về chủ đề văn hóa gia đình, cơ bản hơn là chỉ ra giải pháp ngăn chặn nạn bạo hành phụ nữ: “Khinh rẻ phụ nữ, và dã man nhất là thói đánh vợ. Trong nhân dân và trong một số cán bộ và đảng viên vẫn còn cái thói xấu ấy. Thậm chí có cán bộ và đảng viên đánh vợ bị thương nặng khi vợ mới ở cữ! Mẹ chồng và chị em chồng đã không can ngăn thì chớ, lại còn tham gia “thượng đấm tay, hạ đá chân”! - Điều đáng trách nữa là, trước những hành động xấu xa và phạm pháp đó, chi bộ, chính quyền và nhân dân địa phương thường nhắm mắt làm ngơ!”[2]. Bác chỉ ra “thói dã man” đánh vợ thể hiện ở cấp độ cũng thật “dã man”:

- “Đánh vợ bị thương nặng khi vợ mới ở cữ”

- “Mẹ chồng và chị em chồng đã không can ngăn thì chớ, lại còn tham gia “thượng đấm tay, hạ đá chân”!

- “Trước những hành động xấu xa và phạm pháp đó, chi bộ, chính quyền và nhân dân địa phương thường nhắm mắt làm ngơ”!

Cách chọn dẫn chứng tiêu biểu: “vợ mới ở cữ” tức mới đẻ còn non bấy, kiêng khem lẽ ra phải được chăm sóc, bồi bổ. Đằng này lại bị đánh đến mức “bị thương nặng”. Miêu tả người vợ nhưng để bật ra chân dung người chồng vũ phu: dã man quá mức. Đã vậy lại còn bị “đánh hội đồng”, “mẹ chồng và chị em chồng”, “lại còn tham gia “thượng đấm tay, hạ đá chân”! Thế thì những người này cũng đều là “dã man”. Trước những hành vi như vậy thì “chi bộ, chính quyền và nhân dân địa phương” lẽ ra phải can thiệp, hòa giải, lên án...thì lại “làm ngơ”. Như vậy là “đồng lõa” với sự “dã man”.

Ngày 23-10-1960, trên báo Nhân dân Bác Hồ có bài viết Phải thật sự tôn trọng quyền lợi phụ nữ. Bác trích lại Hiến pháp, Luật Hôn nhân, lấy đó làm điểm tựa pháp lý để giáo dục, ngăn chặn: “Hiến pháp điều 24 nói: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình, điều 1 nói: Nhà nước đảm bảo... nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ... Điều 12 nói: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt. Điều 3 nói: Cấm... đánh đập hoặc ngược đãi vợ. Thế nhưng hiện nay vẫn có những người chồng đối xử rất tệ với vợ, ngay ở Hà Nội “nghìn năm văn vật” cũng vậy. Vài ví dụ: Ở Lương Yên (Hà Nội) trong 196 gia đình, thì có 26 người chồng thường đánh mắng vợ, có người đánh vợ bị thương. Ở Khu Hai Bà Trưng, có người chỉ vì thức ăn không vừa ý, đã hất cả mâm cơm vào mặt vợ. Có người vợ ốm, chồng để mặc, không săn sóc trông nom. Ở xã Quảng Lưu (Thanh Hoá), có người nhét tro vào miệng vợ và đánh vợ què tay. Có người cạo trọc đầu và lột hết áo quần vợ, rồi giong vợ đi bêu khắp thôn xóm... (xem báo Nhân dân, 20-10-1960). Những cử chỉ tàn nhẫn dã man như vậy vừa là phạm pháp luật Nhà nước, vừa trái với tình nghĩa vợ chồng”[3]. Những địa danh có thật (thậm chí ở ngay Thủ đô), những con số cụ thể, những hành vi thật sự “dã man” được tác giả nêu ra như một cách khẩn thiết như gióng một hồi chuông báo động về sự vi phạm nhân quyền một cách vô văn hóa nhất. Cuối đoạn tác giả khái quát những hành vi ấy vừa vi phạm chân lý (phạm pháp luật) vừa vi phạm đạo lý (trái với tình nghĩa vợ chồng) để cảnh tỉnh cái nạn “dã man” ấy!

Ngày 30-12-1968 Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện với Đoàn cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá ra Hà Nội làm việc với Ban Bí thư Trung ương Đảng, một quan tâm lớn của Bác là: “Hiện nay, Thanh Hóa có còn tệ đánh vợ nữa không? Nếu còn, cần phải kiên quyết sửa chữa”[4].

Trước những hành vi “dã man” ấy, sự lên án là rất cần, rất quý, nhưng với Bác Hồ, sự quan tâm đến an nình con người bao giờ cũng có những giải pháp đi cùng: “Từ nay, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (trước hết là đoàn thể phụ nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh. Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự bảo đảm. Bản thân phụ nữ thì phải đấu tranh tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình. Gia đình là hạt nhân của xã hội. Mọi gia đình đều đoàn kết cộng lại thành xã hội đại đoàn kết. Đại đoàn kết là sức mạnh vô địch của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”[5].

Với lòng yêu thương và kính trọng phụ nữ, Bác luôn đưa ra giải pháp nhấn mạnh vai trò của phụ nữ, thanh niên lấy điểm tựa “pháp luật trong tay” để ngăn chặn: “Lúc nãy Bác hỏi các cô, các chú có còn tệ đánh vợ không? Đánh vợ là rất xấu! Sao khi thì anh anh em em, mà khi thì lại thụi người ta? Nếu có đánh vợ thì phải sửa vì như vậy là dã man, là phạm pháp luật. Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp. Muốn ngăn chặn được hết tệ đánh vợ, thì các cô, phụ nữ và thanh niên phải phụ trách việc này. Mình phải tôn trọng quyền của mình. Bác được biết có nơi chồng đánh vợ cũng bè cánh che giấu cho nhau. Bí thư đánh vợ thì uỷ viên giấu đi. Bây giờ đã có pháp luật và Đảng có giáo dục. Các cô phải tự mình phấn đấu, đấu tranh chống cái tệ đó. Chế độ bây giờ khác xã hội phong kiến trước, nếu vẫn còn xảy ra đánh vợ thì các cô và thanh niên phải đấu tranh chống lại, các cô và các cháu thanh niên có pháp luật trong tay”[6].

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng kể lại vì Bác rất yêu con trẻ nên một lần tâm sự với Thủ tướng, Bác nói vô luận trong trường hợp nào, cha mẹ đánh con đều là dã man. Trong cuộc đời và trước tác, Người chỉ dùng tính từ “dã man” với hai trường hợp, một là chỉ bọn giặc xâm lược giết người, đốt nhà; hai là chỉ những cha mẹ đánh đập con cái, nhất là lên án đàn ông đánh vợ. Đây là một câu thể hiện rất rõ quan niệm của Người: “Chồng đánh chửi vợ, cha mẹ đánh chửi con, là điều rất dã man. Nhưng vì ta quen thấy, nên ta cho là việc thường”[7].

Để ngăn chặn nạn bạo hành gia đình, từ quan niệm của Bác chúng ta rút ra các giải pháp:

- Giải pháp về pháp lý, pháp luật: “ra sức tuyên truyền Luật hôn nhân và gia đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành thật nghiêm chỉnh”. Việc này đảng bộ, chính quyền, đoàn thể phải làm.

- Giải pháp con người chủ thể: Người phụ nữ phải biết đấu tranh “tự cường tự lập để giữ lấy lợi quyền của mình”.

- Giải pháp xã hội: đoàn kết, gia đình đoàn kết, xã hội đoàn kết.

T.V.T


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Nxb Chính trị Quốc gia 2011, tr 504.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 524.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12. Sđd, tr 705,706.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15. Sđd, tr 527.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13. Sđd, tr 524.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15. Sđd, tr 295.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Sđd, tr 125.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)