Giải trí, sự chơi và việc ứng xử với nghệ thuật

Thứ Sáu, 23/06/2023 00:50

. PHÙNG GIA THẾ
 

Chức năng của nghệ thuật là nhiệm vụ, sứ mệnh của nghệ thuật, là yêu cầu ở thế khả năng, còn giá trị của nghệ thuật là phẩm chất, chất lượng thực tế, là những lợi ích tinh thần mà nghệ thuật mang lại cho con người. Chức năng - giá trị của nghệ thuật chịu sự quy định bởi tính đặc thù của chất liệu, đặc trưng loại hình, loại thể, đặc điểm nghệ sĩ, công chúng và đặc biệt là những định chế của thời đại lịch sử - xã hội cụ thể với những đòi hỏi riêng chung. Thực tiễn cho thấy, trong hệ thống các chức năng - giá trị của nghệ thuật (nhận thức, dự báo, thẩm mĩ, giải trí, giao tiếp, giáo dục…), giải trí là thành tố có nhiều thăng trầm trồi sụt nhất. Ngày nay, thay vì phủ định hoặc đãi bôi, tư duy lí luận phê bình thừa nhận rộng rãi đặc trưng giải trí của nghệ thuật, xem đây là thuộc tính bản chất và là một trong những hiện thể đáng kể nhất của nghệ thuật trong đời sống tinh thần của con người.

Giải trí nghệ thuật mang lại cho con người niềm vui sướng, sự thích thú, thỏa mãn khi thưởng thức tác phẩm. Giải trí trong nghệ thuật luôn rộng hơn tiếng cười, cũng không giới hạn ở “dòng văn nghệ giải trí”, mà là một yếu tính gắn với sự sinh thành và tính chất trò chơi của nghệ thuật. Nghệ thuật có tính tư tưởng, song khi đến với nghệ thuật, thoạt tiên người ta đến với giải trí, đến với thế giới của sự chơi. Không phải ngẫu nhiên, cụm từ “thế giới nghệ thuật” được dùng để phân biệt với “thế giới thực tại”, thế giới hàng ngày mà ta đang sống. Thế giới nghệ thuật có thể mang hình hài dấu bóng của hiện thực, song không bao giờ là sự khúc xạ giản đơn hiện thực, càng không bao giờ là bản thân hiện thực.

Tính chất giải trí của nghệ thuật gắn với tính trò chơi. Hiển nhiên là, sự chơi trong nghệ thuật (trên cả bình diện sáng tác/ biểu diễn và thưởng thức) là một sự chơi “lắm công phu”. Nó đòi hỏi sự trung thực, vô tư, say mê, phi vụ lợi trực tiếp. Tính chất trò chơi khiến nghệ thuật tạm tách rời với hiện thực, mời gọi người ta đi vào, sống với, sống cùng một thế giới khác. Nhưng nghệ thuật không hoàn toàn là trò chơi, nó chỉ có tính chất trò chơi. Nghệ thuật giống với các trò chơi khác trong đời sống ở chỗ nó xuất phát từ nhu cầu chơi, được chơi của con người, mang tính tự nguyện, có đồ chơi, luật chơi và chấp nhận có thử thách, rủi ro; ở đó, người chơi luôn có khát vọng thể hiện sự tài khéo, thông minh, sáng tạo, tự do, cạnh tranh hay vượt trội. Và chính hình thức “thoát khỏi tạm thời” cuộc sống thực để biểu hiện/ đắm mình trong “thế giới khác” đã tạo sinh niềm vui sướng, sự khoái thú, tạo ra những hưởng thụ thẩm mĩ riêng có và chỉ có trong thế giới ấy.

Nghệ thuật và trò chơi cũng có sự khác nhau, bởi, khác với các trò chơi đòi hỏi thể lực hoặc thuần lí trí, nghệ thuật nghiêng về phương diện tinh thần. Nghệ thuật cũng không phải là trò chơi đơn thuần, mà là trò chơi tái tạo đời sống bằng tưởng tượng, khám phá, một trò chơi đậm chất mĩ cảm, đồng thời cũng là sự thể hiện cách nhìn, cách cảm và sự “trình diễn” đời sống theo cách riêng của nhà nghệ sĩ, và không loại trừ, có lúc nó chỉ để “chơi” thôi.

Nghệ thuật chân chính nào cũng bồi đắp tình đời, tình người cho con người, hướng con người vươn tới cái cao đẹp. Giải trí, sự chơi trong nghệ thuật suy cho cùng cũng không nằm ngoài mục tiêu nhân bản ấy. Giải trí và trò chơi là đặc tính hiện hữu, gắn với bản chất của nghệ thuật. Có điều, những vấn đề tưởng như hiển nhiên ấy, đáng tiếc, hiện vẫn chưa được nhận thức đầy đủ. Và vì thế, việc ứng xử với tác phẩm nghệ thuật, ở các tình huống khác nhau, đã xảy ra bao điều rắc rối, cả kì khôi. Vì sao như vậy?

Theo tôi, có hai vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất là, nhà quản lí, người kiểm soát nghệ thuật bị ám ảnh bởi quan niệm nghệ thuật chức năng. Ở đây, nghệ thuật dường như luôn hoặc cần phải gánh vác một sứ mệnh lớn lao nào đó. Giải trí chỉ là kép phụ. Việc xem nhẹ tính giải trí, tính trò chơi khiến nghệ thuật trở thành cái gì quá nghiêm trang; sáng tác hay tiếp nhận khi ấy nghiêng lệch sang giáo huấn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự nhàm tẻ, thiếu sức sống của nghệ thuật. Hệ quả là, những tìm tòi thử nghiệm mới như sắp đặt, trình diễn, graffiti… dễ bị cho là kì quái hay tắc tị. Nhà quản lí văn nghệ không mặn mà với chúng, chưa nói đến sự ủng hộ hay khuyến khích.

Khi là thế giới của sự chơi, nghệ thuật hiển nhiên sẽ có phiêu lưu (hiểu như là những cuộc chơi xa). Tuy nhiên, nếu sự phiêu lưu đó chỉ mang khát vọng kiếm tìm cái mới, cái khác biệt, không hàm ý bôi nhọ, không xâm hại văn hóa, đạo đức, thuần phong thì cũng không nên quy chụp hay đòi hỏi nó phải trở về bộ mặt nghiêm trang. Biểu diễn, trưng bày không xin phép thì dừng, thậm chí xử phạt, song không vì thế mà yêu cầu tiêu hủy tác phẩm của nghệ sĩ. Dừng triển lãm và tiêu hủy tác phẩm là hai chuyện rất khác nhau. Những quyết định vội vàng trong ứng xử với nghệ thuật dễ mang lại tổn thương cho nghệ sĩ và những đánh giá bất lợi đối với nhà quản lí.

Bạn đọc hẳn còn nhớ, bức họa Phố nhuộm màu hoa (dự án bích họa trên phố Phùng Hưng, Hà Nội) được yêu cầu thay nhân vật từ những người phụ nữ vất vả gánh hàng hoa thành những cô gái mặc áo dài ở làng hoa Ngọc Hà. Lí do là để đảm bảo tính mục đích của dự án và do một thành viên hội đồng nghệ thuật suy luận những người phụ nữ trong tranh có thể bị công an đuổi nên đang chạy tán loạn. Rồi chuyện họa sĩ Thành Chương sau bức vẽ cô gái ngậm bông hoa bay trong gió cho một tờ báo Tết đã được một quan chức văn hóa yêu cầu thu hồi số báo với lí do thành phố đang thực hiện nếp sống văn minh, không thể đưa lên báo hình ảnh một cô gái đầu bù tóc rối và không cơn cớ gì lại phải ngậm cỏ như thế.

Quan sát một chút, không khó để nhận ra, ngay trong các bộ phim hành động nghẹt thở, như phim Hollywood chẳng hạn, tính giải trí, tính trò diễn vẫn rất cao. Các mô-típ kiểu cô bé Lọ Lem, người đẹp bị bắt cóc, anh hùng cứu mĩ nhân, người đẹp là phần thưởng, cái thiện thắng cái ác… đều gợi ra các mô hình truyện từ cổ tích. Ở ta, phim làm cảnh bạo lực thì sợ quy “cổ súy bạo lực”, làm hiện cảnh khốc liệt lại e nhìn đời đen tối… Thành thử, có một thời gian dài, phim của chúng ta rất gần với kịch, đóng phim như diễn kịch, mà lại không có kịch tính.

Ai nấy đều biết, nghệ thuật có tính tư tưởng, có khả năng cảm hóa, giúp con người gần gũi nhau hơn về tinh thần, song tất thảy những điều này đều được hòa kết tự nhiên qua giải trí, bằng giải trí. Thông thường, trong thưởng thức nói chung, không ai mang sách bút ra để đọc truyện, xem phim, nhưng xem xong dường như người ta vẫn “học” được điều gì đó. Không ai nghe nhạc “để tử tế hơn”, song âm nhạc dần dà cũng làm tâm hồn con người ta trở nên phong phú, hài hòa, bớt đi thú tính, muốn sống nhân văn tử tế hơn.

Thứ hai, và không tách rời với trên là một nhận thức thô sơ về vấn đề văn nghệ phản ánh hiện thực. Khi tiếp nhận tác phẩm, việc đầu tiên là người ta đem đối chiếu nội dung của nó với hiện cảnh, và cũng từ đây, rắc rối lại bắt đầu.

Nghệ thuật không bao giờ là sự phản ánh giản đơn thực tại. Vậy nên, việc kết luận tác phẩm nào đó nói về cái tiêu cực trong đời sống là bôi nhọ, tô đen hiện thực cần phải được cân nhắc kĩ lưỡng, nhiều chiều. Tại sao nghệ thuật không thể nói tận cùng về cái ác, cái xấu, trong khi trên thực tế, chúng ta đang đối diện sòng phẳng với nó. Ai cũng biết, khi cái xấu, cái ác khi được miêu tả cực đoan có thể gây ra cảm giác ghê tởm, muốn phủ định. Bi kịch cũng vậy, nó có ý nghĩa thanh lọc thông qua việc khơi gợi vào sự xót thương và khủng khiếp. Thật ngây ngô khi cho rằng vì xem nhiều phim truyền hình nói về tội phạm nên ở người xem hình thành tâm lí băng đảng, do thế mà gần đây tội phạm trong xã hội nhiều.

Trở lên là việc ứng xử với tác phẩm nghệ thuật của chúng ta. Còn đối với tác phẩm nước ngoài thì sao? Tại sao chúng ta cho phép một bộ phim nước ngoài được chiếu với đủ các cung bậc xúc cảm, bạo lực…, trong khi một tác phẩm trong nước có những hiện cảnh tương tự lại dễ bị xem là “có vấn đề”. Nhiều bộ phim xuất sắc của điện ảnh thế giới có không ít cảnh bạo lực tàn khốc, song đằng sau đó, bao trùm vẫn là câu chuyện ca ngợi tình yêu tổ quốc, ca ngợi lực lượng vũ trang, khẳng định chiến thắng của chính nghĩa, lòng nhân ái. Như thế, ở đây không phải vấn đề “bạo lực vị bạo lực”, mà là những câu chuyện số phận, câu chuyện nhân tâm được khắc họa theo một cách thể riêng.

Vẫn biết, cách thể hiện, đặt vấn đề hay sự phản biện rốt ráo và bôi nhọ hiện thực là hai chuyện khác nhau. Tuy nhiên, thực tiễn không tránh khỏi những chuyện dở khóc dở cười. Công chúng hẳn còn nhớ, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư từng bị nhà quản lí cho là bôi đen hiện thực. Kì khôi hơn, người ta còn suy luận những “vấn đề tư tưởng” trong một số tác phẩm hội họa trừu tượng, nghệ thuật trình diễn… Thế là, nghệ sĩ, một mặt, tự khuôn mình lại; một mặt khác, để tránh rắc rối thì chuyển qua nói chuyện hồn ma bóng quỷ, hoặc rào đón, kiểu “ngày xửa ngày xưa”, “đây là câu chuyện giả tưởng”…, thậm chí chấp nhận quay lại cảnh chim về tổ vào ban trưa để không gian đỡ đi u ám... Dường như, khi không cần, thì ranh giới giữa nghệ thuật và hiện thực lại bị xóa nhòa, bị nhập làm một, trong khi việc đưa vài câu nói thông tục vào lời nhân vật lại có thể bị phê là thực quá.

Sáng tạo nghệ thuật không đồng nghĩa với tùy tiện, song cũng không nên bị quy vào một số hình thái cố hữu. Nghệ sĩ chân chính luôn biết cách và có nhu cầu tuân thủ luật pháp, song họ cần không gian cho sáng tạo. Nếu chỉ vì những lí do không đâu mà làm gián đoạn, đổ vỡ những ý tưởng sáng tạo thì nền nghệ thuật của chúng ta khó có thể bứt phá để đi cùng nhịp với nghệ thuật thế giới.

Kiểm soát thì cần, nhưng kiểm soát cái gì và như thế nào lại là vấn đề cần suy nghĩ nghiêm túc và thực hiện một cách tinh tế. Vấn đề này đòi hỏi sự hiểu biết và nhạy bén với nghệ thuật của những người làm công tác quản lí. Hiển nhiên, đòi hỏi này không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, mà là một quá trình lâu dài và phải được bắt đầu ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, từ phổ thông lên đại học.

P.G.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)