. HỒNG THANH QUANG
Có câu danh ngôn rằng, một nhà văn đích thực khi trút hơi thở cuối cùng thì mới là lúc bắt đầu hành trình đi vào sự bất tử của chính mình. Lê Lựu, một người con ưu tú của Phố Hiến, có lẽ chính là một nhà văn như thế. Mặc dù ngay từ khi còn sống, ông đã gặt hái được không ít hoa thơm trái ngọt của sự thành công, nhưng có lẽ từ bây giờ về sau, khi ông đã không còn trên cõi đời này nữa, những tác phẩm xuất sắc nhất của ông mới có nhiều thêm cơ hội để góp phần bồi đắp cho “cõi nhân gian bé tí” này của chúng ta. Hôm nay, đọc lại những tiểu thuyết như Chuyện làng Cuội hay Thời xa vắng, chúng ta sẽ càng thấy rõ hơn những thông điệp sâu xa vẫn rất hữu ích cho thời hiện đại của nhà văn một đời cứ tìm “những lối đoạn trường mà đi” này.
Xuất hiện trên văn đàn Việt Nam từ đầu những năm 70 của thế kỉ trước như một cây bút quân đội, tới năm 1986, sau khi xuất bản tiểu thuyết Thời xa vắng, Lê Lựu đã nghiễm nhiên được xác định là một trong những nhà văn quốc gia ở cấp độ cao nhất đương thời. 5 năm sau đó, Chuyện làng Cuội (1991) đã càng củng cố và khẳng định “một lần và mãi mãi” đẳng cấp của ông trong nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Năm 2002, trong một lần trả lời phỏng vấn với người viết bài này, Lê Lựu đã thực lòng tâm sự rằng, ông coi Thời xa vắng như một vận may lớn trong đời, khi đã có thể bộc lộ hết tất cả những tinh lực và tinh chất của một hồn văn. Và ông kết luận: “Sự nghiệp văn học đối với tôi kết thúc từ mười mấy năm rồi. Kể từ đó! Thực chất là về sau này thì mình cứ cố thôi, nhưng không có cái gì có thể vượt qua được điều đó…” Rồi ông lí giải, sở dĩ mọi việc nên nông nỗi đó là vì: “Mình tự giết mình trong cái trí lực, cái sức khỏe của mình thành ra nó tồi tàn đi. Thứ hai, cũng là do bạn đọc, chỉ mong họ đừng lườm nguýt. Khi mình có một cái tìm tòi thì đừng nguýt, đừng cấu, đừng véo thì may ra mình lại tìm được một cái gì chăng. Thế nhưng, thực tế là khi mình chưa nghĩ ra được cái gì thì đằng đông đằng tây, đằng ngược đằng dưới cứ lườm nguýt... Tất nhiên hiện giờ không khí so với trước đây là vô cùng tốt, nhưng mà vẫn chưa thật thoải mái đối với những người tìm tòi. Ngay cái không khí của Hội Nhà văn mới chỉ làm theo số đông, phong trào, chứ còn Hội Nhà văn đứng ra bảo lãnh cho những trí tuệ thì...” Và ông nói thêm về “nỗi sợ bạn đọc” của mình: “Vì bạn đọc có nhiều loại lắm, nhiều cấp độ khác nhau lắm. Nhất là những bạn đọc có một chút quyền hành nào đó mà người ta đã không thích thì nhiều người dưới không thích theo. Cho nên tôi rất sợ bạn đọc. Trân trọng, nhưng mà sợ...” Ở thời điểm đó, theo cảm nhận của người viết bài này, Lê Lựu đặc biệt bức xúc với một vài cá nhân cụ thể đang ngồi ở vị trí “gác cổng nền văn nghệ” đã quá ngặt nghèo trong việc đánh giá những cố gắng tự đổi mới của ông và các đồng nghiệp khác...
Lê Lựu từng tự nhận mình là “người nhút nhát”, thậm chí, hứng lên ông còn bảo: “Tôi là người hèn!”: “Thực ra người ta bảo tôi giống thằng Sài (Giang Minh Sài - nhân vật trong Thời xa vắng) là bởi vì tôi hèn. Mình rất hèn so với các nhà văn khác. Mình nghĩ nghề văn của mình giống đi hôi ở quê. Khi đi hôi, cứ chờ người ta hở thì mình chộp lấy, chứ không có tư thế của một người có ao cá mà xuống bắt một cách đàng hoàng, chứ cứ chầu chực hôi lúc nào họ hở thì ùa xuống, lúc họ ném một hòn bùn lại chạy ùa lên. Đấy là tôi nghĩ đám nhà văn mình đấy. Cái tư cách nhà văn như thế thì khó... Có khác nào anh chộp được con cá này, trông thấy con cá kia lại chộp một cái rồi chạy chứ không thành một tư thế đàng hoàng của cả một đội ngũ, của cả một nền, đàng hoàng đi tiến tới, bước lên một cái gì đó thì nó cũng chưa có. Tôi 60 tuổi rồi, sắp chết rồi, nhưng mình không bi quan, không việc gì phải sợ sệt cả, chỉ thấy mình bất lực với cả tác phẩm… Thực ra bây giờ này cái chết thì mình trông thấy rồi, thôi kệ nó sống được lúc nào hay lúc ấy nhưng mà mình cũng không việc gì phải bi quan. Ngày xưa là tôi cứ thức 3 tháng liền, tất cả các quyển sách tôi viết không bao giờ tôi viết quá 3 tháng. Quyển Mở rừng viết trong điều kiện như thế cũng chỉ viết 3 tháng, Thời xa vắng chỉ 3 tháng, Chuyện làng Cuội chỉ 3 tháng, tức là không có quyển sách nào tôi viết quá 3 tháng cả. Thế nhưng mà bây giờ ngồi vào cái bàn viết tôi không thể thức trắng đến 3 tháng được. Thế thì cái yếu tố sức khoẻ vô cùng cần thiết, vô cùng quan trọng đối với một anh viết văn xuôi, vì thực ra viết văn xuôi là đưa trâu, đưa bò đi cày, mỗi sá cày là một dòng chữ, mỗi một trang giấy cũng như một sá cày, mà cả cuốn tiểu thuyết như một cánh đồng mênh mông, không biết chỗ nào là chân trời cả, không biết chỗ nào dừng cả. Thế cứ mò mẫm từng sá cày mà cày, nếu không có sức khoẻ như con trâu thì không thể làm gì được. Cho nên là thực ra thì đã viết văn xuôi thì “lấy công bù tài, lấy ngoài bù trong”, tức là lấy sự cần cù để bù thông minh thôi chứ... Nhưng mà cái sự cần cù là sức khoẻ thì mất đi rồi, đấy là chưa kể bệnh tật… Thực ra chết lúc nào thì quan trọng gì đâu, thực ra bây giờ mình đã chết rồi, sống là vì cái mồm đi ăn đi chơi thôi, chứ còn cái trí tuệ của mình, cái sáng tạo của mình, cái tìm tòi của mình có cái gì hơn nữa đâu?” Thật thương khi nghe những lời tâm sự như thế ở nhà văn tài danh khi mới chỉ ở tuổi sêm sêm lục thập!...
Tôi được gặp nhà văn Lê Lựu lần đầu vào mùa hè năm 1984. Khi ấy, tôi đang là học viên trường đại học quân sự bên Liên Xô, về Hà Nội nghỉ hè. Một hôm tới ngồi chơi và trò chuyện văn chương với nhà thơ Anh Ngọc ở phòng của anh tại tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế. Bỗng nhiên thấy một người vóc dáng phương phi nhưng nhiều nếp nhăn trên gương mặt rất sinh động, đầu bù tóc rối, đẩy cửa bước vào, gật đầu ra ý chào tôi rồi nói với nhà thơ Anh Ngọc: “Hay lắm ông ạ, cô ấy bảo, cái đó của cháu thì là quyền của cháu. Thế nhưng ông phó chủ tịch lại nói: Không, nó là của cháu nhưng là bộ mặt của huyện…” Và người đàn ông đó cười sảng khoái… Nhà thơ Anh Ngọc cũng cười hưởng ứng. Tôi thì không rõ chuyện gì nên chỉ dám mủm mỉm thôi… Rồi người đàn ông đó đi ra ngoài ngay. Nhà thơ Anh Ngọc giải thích: “Anh Lê Lựu đấy, đang viết tiểu thuyết… Một con người rất thú vị…” Sau này, khi trở thành nhà báo ở số 7 Phan Đình Phùng (Báo Quân đội nhân dân), tôi có một số dịp được tham gia những chuyến công tác thực tế cùng Lê Lựu, càng hiểu thì càng thấy quý ông hơn bởi tâm tính chân thành, hồn hậu, rất khâm phục vốn sống tận tường ngồn ngộn của ông. Và càng thấm thía hơn nỗi lòng của người con Phố Hiến đồng hương này khi được hỏi về nỗi đau đời đằng đẵng ở trong các tác phẩm hay nhất của ông: “Tôi trước hết vẫn luôn làm nghề bằng trái tim của một thằng nông dân Khoái Châu. Tôi có rất nhiều cái xấu nhưng ít ra cái lòng tôi, cái trái tim của tôi luôn là của một anh nông dân nhà quê ấy, nó không thay đổi, nó không chạy theo cái nọ chạy theo cái kia, không sang chỗ này chỗ nọ thấy nó hơn mình thì hoắng lên, không bao giờ. Thế nhưng mà, càng đi nhiều nơi, nhiều nước như thế thì tôi càng tin vào mình hơn, tin vào dân tộc của mình và cũng nhìn rõ dân tộc của mình cái gì được, cái gì dở, cái gì hay, cái gì tốt là mình biết. Còn cái mà đau đời ấy, tại sao đau? Có lẽ tôi là con người tham quá, nhiều ước muốn quá, nhiều tham vọng quá, cho nên thấy những cái nó bất bằng giữa đường giữa chợ, hoặc đối với bà con mình, đối với dân mình, hoặc đối với bản thân mình nó không thỏa mãn thì sinh ra bi kịch, sinh ra nỗi lòng. Mình luôn nghĩ rằng, làm sao mà bớt đi được cái bất công, bớt đi được cái dối trá, bớt đi sự lừa lọc, bớt đi sự lưu manh, sự phản bội lẫn nhau trong đời sống xã hội. Tôi viết lên nỗi đau đớn không phải là tôi hằn học cái gì đâu mà tôi viết về những sự vô lí, đáng nhẽ thế này tại sao nó lại thế khác…” Ngẫm ra, những nỗi đau đáu ấy của Lê Lựu cho tới hôm nay vẫn đâu đã được giải tỏa hết… Như một nỗi niềm trầm kha truyền kiếp…
Hơn một chục năm cuối đời, Lê Lựu phải sống trong những điều kiện cực kì tội nghiệp về thể trạng. Mỗi lần tới thăm ông trong cảnh không lấy gì làm vui vẻ ấy, tôi lại nhớ tới điều mà ông đã một lần tâm sự: “Tất cả những người đàn bà mà mình đã yêu đều làm khổ mình. Mình làm khổ họ và họ cũng làm khổ mình…” Khi còn khỏe, Lê Lựu đã cố gắng để tếu táo nói thêm: “Nhưng mà như thế mới là hay. Chứ còn lại cứ đầy đủ thoả mãn quá thế thì chán lắm. Làm thằng nhà văn sợ nhất là cái sự không còn yêu ghét nữa. Nó luôn tạo ra cái độ chênh trong tình cảm…”
Biết rõ về cuộc đời thật của Lê Lựu thì càng thấy những gì ông đã nói vô cùng thương cảm! Giờ đây ở cõi tiên du, không hiểu nhà văn có lần nào nghĩ lại về điều này hay không…
H.T.Q
VNQD