Có một Cà Mau trong kí của Trần Tuấn

Thứ Hai, 26/06/2023 00:08

. ĐINH THANH HUYỀN
 

Ngón tay ma thuật đốm lửa
Ngón tay đốm lửa kiếp trước
Ngón tay kiếp trước tàn tro
Ngón tay tàn tro ma thuật
Ngón tay ma thuật im lặng

(Ma thuật ngón - Trần Tuấn)

Những câu thơ này tôi đọc đã lâu, nhưng chỉ đến vậy, thích nhưng không quá thích. Sự đọc cũng là một cái duyên. Vào một lúc nào đó, gặp một văn phẩm đáng đọc hẳn không là ngẫu nhiên. Phải có cái duyên, lòng mình mới bị lay động bởi trang viết. Ấy là cảm giác của tôi khi gặp Cà Mau quê xứ của Trần Tuấn. Kí bắt đầu với một Cà Mau trong văn học. Có một “dòng” văn chương về Cà Mau, trải từ Sơn Nam đến Nguyễn Tuân, Anh Đức, Xuân Diệu và nay là Nguyễn Ngọc Tư. “Dòng” này khá phong phú, và thực sự là một thành tựu của thời đại. Đối diện với tác phẩm của những nhà văn nhà thơ ấy, cảm xúc, hứng thú của Trần Tuấn có phần thay đổi dù anh vẫn hết sức trân trọng. Những trang văn của một thời đạn lửa, bỏng rát nỗi đau, ngùn ngụt lửa hận và khát khao cháy bỏng hòa bình của người Cà Mau trong chiến tranh vẫn được lưu giữ một cách cẩn thận trong kí ức, trong tình yêu mến của tác giả bài kí. Tuy vậy, văn chương ấy giờ “...mở ra xem lại, thấy thật khó và chậm. Bởi nó quá nặng.” “Nó quá nặng” - cái cách Trần Tuấn gọi tên cảm nhận của mình - giản dị như không nhưng ý tứ sâu xa. Cái “nặng” đó không phải ở dung lượng. Nặng, trước hết bởi chiến tranh không bao giờ là chủ đề vui tươi… Phải vậy chăng mà tác giả viết: “Tới bây giờ tôi ưa những dòng này của cô Tư (nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) hơn…” Cà Mau không thể chỉ là mảnh đất anh hùng, nó còn phải là mảnh đất bình yên, đơn sơ mà đầy sức sống…

Cà Mau quê xứ viết về Cà Mau, mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Với thể kí, thông tin phải xác thực, có thể kiểm chứng được. Nhưng thông tin trong Cà Mau quê xứ không phải thứ tra trên google mà có. Đó là những chi tiết, số liệu sống động, “độc bản” mà tác giả thu nhận trực tiếp qua trải nghiệm thực tế. Và phải là những trải nghiệm sâu, không phải lối du hí cưỡi ngựa xem hoa. Kiểu trải nghiệm đó, một mặt là phong cách của tác giả, mặt khác còn bởi một cơ duyên dẫn tác giả đến đúng không gian ấy, vào thời gian ấy, chính sự kiện ấy, với những con người ấy…

Cà Mau hiện ra trên trang viết của Trần Tuấn bắt đầu từ chi tiết “Ngôi nhà số 1” (chữ “Ngôi” viết hoa). Đó là “ngôi nhà cuối cùng của dải đất hình chữ S” nhưng lại là “nhà đầu tiên tính từ Mũi trở vào của ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau này”. Đây là một thông tin có sức nặng. Bao giờ cũng vậy, những thứ đầu tiên và cuối cùng luôn có một giá trị riêng, duy nhất. Bởi vậy, chính Trần Tuấn đã phải cảm thán: “Cảm giác về xứ thật chon von khi được ngồi trong chính ngôi nhà đầu tiên…” Khả năng chọn thông tin và đặt thông tin vào văn bản cho thấy sự tinh nhạy, sắc sảo của tác giả. Chi tiết “Ngôi nhà số 1” ở mảnh đất cuối cùng của đất nước đã được biểu tượng hóa.

Mảng thông tin góp phần làm đầy đặn chất kí trong văn bản là sắc màu riêng của thiên nhiên Cà Mau: “buổi trưa nắng tưng bừng muốn khô quăn mấy đọt phù sa bên mỏm non sông”, “mấy đọt phù sa thơ kèm chút gió Lào cố quận”, “cái nắng miệt mài bên những hạt phù sa”, “nước biển lưng chừng chân cột nhà sàn ngợp nắng”, “những cây đước đóng mình xuống phù sa một dáng trầm ngâm, bình minh và hoàng hôn của một ngày treo trên cùng một cây đước”, “những trái đước đeo trên cây như những hạt phù sa, đến một ngày cắm thẳng xuống phù sa, mọc lên những thân đước mới”... Nắng, gió, phù sa và cây đước là “đặc sản” của thiên nhiên đất Mũi. Từ trang kí của Trần Tuấn, người đọc dù đã về Cà Mau hay chưa từng đặt chân đến nơi này sẽ không khó hình dung ra một khung cảnh thiên nhiên riêng có của miền “quê xứ”.

Cuối cùng và quan trọng nhất là thông tin về cuộc sống của người dân đất Mũi. Trên sàn của nhà số 1, Trần Tuấn được chứng kiến cảnh “đôi chục đàn bà con gái đang ngồi lột ghẹ lấy thịt, nói cười chọc ghẹo nhau rổn rảng”. Thiên nhiên ưu đãi, việc làm dồi dào, thu nhập ổn định từ nguồn hải sản, sự cần mẫn, thành thạo, chuyên tâm của người lao động tạo nên một khung cảnh sống tươi mới, ăm ắp niềm vui. Cũng không thiếu nỗi buồn lo, trăn trở xuất hiện trong cuộc sống của người đất này. Giữ rừng đước trong khi vẫn phải phát triển nghề nuôi tôm không chỉ là một bài toán kinh tế, hơn thế, một cuộc chiến. Đó còn là câu chuyện môi trường sinh thái gắn với tâm hồn, tình cảm của người dân ở một miền đất. “Khó lắm các anh à. Là cả một cuộc đấu tranh lớn của chúng tôi đấy! Cà Mau mà không còn đước thì còn gì nữa đâu.” Viết về cuộc sống của người dân Cà Mau, tác giả không tham thông tin, không ôm đồm dàn trải. Một bức tranh đời sống có cần cù lao động, có gian nan tranh đấu, có sung túc đủ đầy, có nguy cơ tiềm ẩn, có niềm vui rộn ràng, có âu lo thầm kín được phác họa vừa đủ độ. Thông tin tưởng như mỏng mà bao quát, có diện có điểm và khá sắc nét về Cà Mau. Chính điểm nhìn của tác giả khiến thông tin thời sự không hề lạc hậu với thời gian. Người viết quan tâm đến những ý nghĩa, những giá trị có tính bền vững, phổ quát của sự kiện. Nhờ đó, sự kiện được tái tạo dưới ánh sáng của những suy tư sâu sắc về đời sống. Sức sống của sự kiện được nuôi dưỡng nhờ điều này.

Cà Mau quê xứ thấm đẫm chất trữ tình từ đầu đến cuối. Bắt đầu từ tâm thế của người viết: “Ra Mũi Cà Mau, nhiều người hỏi “Đi làm gì?” Trời đất, còn câu hỏi nào vô lối hơn thế không? Tôi đều trả lời một câu “Đi chơi”. Nói là “đi chơi”, thực ra là để thỏa mãn nỗi “khát thèm hạt phù sa ròng ròng tươi mới trong trí tưởng tự thuở xa lắc.” “Đi chơi” nhưng là để giải tỏa những ứ nghẹn, xơ cứng cả về cảm xúc lẫn tri nhận. Tâm thế ấy khiến cho tác giả “lỏng tay thơ thẩn với Cà Mau”. Và Cà Mau ùa vào tâm trí người viết một cách tự do. Khi không cố gắng, không tìm cầu, mọi việc sẽ đến tự nhiên, hồn nhiên, giàu có bất ngờ.

Khách xa đến với Cà Mau đều trong tâm thế đến với một vùng đất đặc biệt. Nỗi xúc động cũng đặc biệt nên nhiều người hành động thật khác thường như một cách lưu dấu: “Từng nghe anh bạn nhà văn đất Mũi kể đã chứng kiến đủ kiểu xúc động của các vị khách khi ngược ngàn cây số về thăm đất Mũi. Người ôm cây cột mốc, kẻ ôm cây đước, kẻ lại nằm lăn xuống bùn lầy để... khóc vì sướng! Còn vô khối người vốc nắm đất, mang chai nước biển về đặt trên giá sách hoặc tặng người thân ở nhà.” Còn tác giả bài kí và người bạn - nhà thơ Từ Dạ Thảo - có cách riêng: “Chúng tôi hì hục lôi tập thơ còn thơm mùi mực của anh bạn ra để... đốt và thả xuống biển! Chỉ vì trong tập ấy có bài thơ về đất phương Nam anh bạn hứng khởi viết trong tưởng tượng từ khi nào.” Có gì giống như một nghi lễ kì lạ trong hành động ấy. “Hiến tế” một tập thơ cho Cà Mau, hai người khách, hai kẻ “nông nổi kì quặc”, đã thiêng liêng hóa một miền đất trong tâm khảm, đã tâm linh hóa một lần thăm. Cà Mau khơi dậy không chỉ cái lãng mạn mà cả chút “điên điên” trong mỗi con người, để người ta được sống với những khoảnh khắc khai phóng hiếm có trong đời.

Quê xứ Cà Mau trong cái nhìn của Trần Tuấn đẹp lạ lùng. Đẹp từ thiên nhiên đến con người, hấp dẫn từ mênh mang trời biển đến lặn lội phận người, từ “lảnh lót câu hát buồn vẫn thường nghe đây đó” đến màu áo trắng của cô gái Cà Mau “hắt vào tôi một mảng mây nghìn tuổi”. Niềm mến yêu chân thành đối với quê xứ Cà Mau đã lan tỏa thành chất trữ tình thấm thía trên từng trang viết. Niềm yêu mến đó hiển hiện qua cái nhìn cảnh vật, con người, sự việc gần gũi, ấm áp, thân tình: “Tôi bước ra chái bếp, nước biển lưng chừng chân cột nhà sàn ngợp nắng. Hai đứa nhỏ con của anh chị, đứa tám tuổi, đứa ba tuổi đang trần truồng nhảy nhót xối nước ùm ùm. Ba Phúc ở trần, cánh tay rắn chắc gạt lên gạt xuống chiếc cần bơm giếng đóng, nước vọt lên trắng loá mắt.” Niềm yêu mến lắng sâu trong sự đồng cảm với nhiều bề cuộc sống người dân đất Mũi: “Một dạo khi con tôm Cà Mau còn “ôm gốc đước”, cơ man những vạt rừng đước cường tráng xanh rậm rì đã phải dời chỗ nhường cho tôm. Nhưng rồi đến lúc con tôm ngạt thở vì sình lầy, người ta lại kéo nhau đốn hạ đước để cho ra những vuông tôm sạch sẽ trong lành. Những vạt đước lui dần, cứ thế lui dần, mang theo những bình minh, hoàng hôn lùi xa con người.” Và mến yêu làm người khách lạ cứ day qua day lại chữ “xứ” trong tâm trí, ngẫm ngợi về con chữ ấy, đặt chữ ấy vào bao nhiêu so sánh đầy chủ quan nhưng thành thực, cuối cùng chữ “xứ” nằm xốn xang trong nhan đề: Cà Mau quê xứ. Hiện thực cuộc sống trong tác phẩm kí lúc này đã là hiện thực thẩm mĩ. Thông tin, sự kiện đã hóa thân thành hình tượng nghệ thuật. Cảm xúc của người viết trở thành dòng máu nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể văn bản.

Đọc Cà Mau quê xứ mới thấy tác giả Trần Tuấn rất giỏi liên tưởng. Những cú tạt ngang, rẽ ngoặt đặc trưng của tản văn xuất hiện đột ngột nhưng lại cực kì hợp lí: “Hay là chính chỗ này Nguyễn Bính dằn chén hắt rượu qua đầu buổi Hành phương Nam ấy, Thảo ơi! Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.” “Về Sài Gòn, tôi lẩn mẩn với câu hỏi, không biết sau khi nước non liền dải cụ Nguyễn có về thăm Cà Mau chưa, mà có cái kí Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy, trong đó ví đất Mũi này như ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm.” Ở điểm này, lối viết của Trần Tuấn gợi đến chính Nguyễn Tuân với những liên tưởng thần sầu trong Người lái đò sông Đà, đến Hoàng Phủ Ngọc Tường trong Ai đã đặt tên cho dòng sông?

Nhưng liên tưởng có giá trị như thế nào trong một bài kí? Nó có phải một trò chơi ý tưởng không? Hay nó chỉ là một thoáng ngẫu hứng của tác giả? Tuyệt đối không. Những liên tưởng bất chợt nhất, có vẻ lãng đãng nhất trong một văn bản kí đều là chỉ dấu của những triết lí ngầm trong suy tưởng của người viết. Chỉ khi dòng suy tư chảy xuống đến một độ sâu nhất định, được chưng cất đến một mức độ nhất định mới có thể làm bật ra những liên tưởng. Những văn bản khác nhau được gọi ra trùng trùng, khiến các mao mạch của lời và ý tỏa rộng, chia tách không ngừng rồi tụ lại rất chụm tại hạt nhân. Một người viết kí giỏi nhất định phải là một người giàu vốn liếng tri thức để tạo nên những liên tưởng phong phú trong tác phẩm của mình.

Hành trình về Cà Mau quê xứ của Trần Tuấn rốt cuộc là hành trình đi tìm hiểu chính mình khi đối diện với cảnh sắc, con người, cuộc sống đa dạng ở một miền đất.

Trần Tuấn không chỉ gặp một Cà Mau mà còn tái tạo thêm nhiều Cà Mau trong tưởng tượng, trong nhận thức, trong xúc cảm. “Đi chơi, thế thôi! Làm gì là làm gì, khi bạn đặt chân tới Mũi?”, anh đã viết như thế để mở đầu tác phẩm kí của mình. Nhưng thứ anh mang về là gì? “Tôi về, mang theo cái nhìn lánh đen như than đước của cô gái không tên gặp ở bến Năm Căn.” Thứ anh để lại là cái cay nhòe mắt lúc “bước chân lên tàu rời Mũi”. Tác giả, hình tượng trung tâm của bài kí, đã trực tiếp nối kết mọi ấn tượng về đất Mũi thành một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ thực sự.

Nói đến ngôn từ, Cà Mau quê xứ là một “ma thuật ngón” khác của Trần Tuấn. Ma thuật ấy trước hết lộ ra từ khả năng dùng phương ngữ và khẩu ngữ trong văn bản. Hệ từ ngữ đó khiến bài kí có giọng tâm tình thủ thỉ rất gần gũi. Nhưng khẩu ngữ trong văn Trần Tuấn tinh quái lắm: “Thế là cãi nhau, hai thằng miền Trung, giữa cái nắng miệt mài bên những hạt phù sa sinh nở khởi từ hai chữ “quê nhà” ấy của thi sĩ đất Bắc.” “Giờ thì mấy anh em tôi ngồi cởi trần lai rai với gió trong Ngôi nhà số 1.” Những từ ngữ như từ đời sống bước thẳng vào trang văn, nồng nàn sinh khí. Phương ngữ trong Cà Mau quê xứ mới thật là Nam Bộ: “Ba Phúc vốc thêm mấy con ghẹ hấp thiệt ngon bỏ vào đĩa, để lại “xây chừng” một li rồi đứng dậy; nhưng lần ấy ổng chỉ dừng ở Châu Đốc (An Giang), không dìa Cà Mau.” “Những lần sau ổng vào Nam, nhưng tui nhớ cũng chỉ ở lại Sài Gòn, hình như cũng hổng xuống xứ đó.” “Dọc đường chúng tôi đều nghe từ chợ tới thuyền, từ xe lam, xe lôi tới thổ mộ một con chữ thật du dương mà xa lăng lắc.” “Ma thuật ngón” bật tách lên ở cái dí dỏm rất nam tính: “Chàng thi sĩ thầm thì: Giang hồ như... ngươi giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà. Như Nguyễn Bính mới là thứ thiệt, sáu tháng ngang dọc miền Tây không buồn… đánh răng!” Riêng tôi cực thích kiểu lời văn trữ tình: “Bên cạnh tôi, những cây đước đóng mình xuống phù sa một dáng trầm ngâm, bình minh và hoàng hôn của một ngày treo trên cùng một cây đước.” “Những vạt đước lui dần, cứ thế lui dần, mang theo những bình minh, hoàng hôn lùi xa con người.”

Kí Nguyễn Tuân uyên bác, tài hoa, nhưng không khỏi có lúc “vầy vò chữ nghĩa” (chữ của Vương Trí Nhàn). Tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường thâm hậu về văn hóa, điệu đà, âm tính. Văn Trần Tuấn vạm vỡ, nội lực sung mãn dù bề ngoài nhẹ tênh, duyên dáng. Nếu Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường là những bậc thầy của kí Việt Nam thế kỉ XX thì những cây bút như Trần Tuấn đang góp phần làm nên dung mạo của kí đương đại. Và, Cà Mau quê xứ chẳng phải là một minh chứng sinh động cho bút lực, khí sắc, dư vị riêng của Trần Tuấn đó sao?

Hà Nội, ngày 17/3/2023
Đ.T.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)