. MÃ GIANG LÂN
Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Mai Ninh (Nguyễn Thường Khanh) đến nay vẫn còn hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người viết, vẫn còn nhiều điều cần nói, cần làm sáng rõ. Từ cuối những năm 70 của thế kỉ trước, tôi đã viết nhiều bài về Trần Mai Ninh in trên báo Văn nghệ, tạp chí Văn học… Đến một ngày Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung gặp tôi nói: “Tôi là quân của Trần Mai Ninh. Tôi đang làm thủ tục báo cáo lên cấp trên công nhận Trần Mai Ninh là liệt sĩ, tôi nhờ anh biên soạn cho một quyển về Trần Mai Ninh.” Tôi nhận lời và vẫn lấy tên sách là Thơ văn Trần Mai Ninh, dựa vào hai quyển: Nhớ, thơ của Trần Mai Ninh do Ti Văn hóa Thanh Hóa xuất bản năm 1970 và Thơ văn Trần Mai Ninh do Như Phong sưu tầm và giới thiệu năm 1980, có bổ sung thêm một số bài thơ, truyện ngắn và đính chính một số câu thơ sai ở hai sách trên.
Tôi muốn người đọc có cái nhìn về Trần Mai Ninh thống nhất hơn. Chân lí là một quá trình luôn phải điều chỉnh, nhưng dù sao cũng cần tránh những khác biệt lớn. Trước hết là ông hi sinh vào thời gian nào, ở đâu, trong hoàn cảnh nào.
Hiện nay nhiều nguồn tư liệu cho rằng Trần Mai Ninh mất năm 1947. Từ điển văn học (bộ mới) xuất bản 2004 viết: “Đầu năm 1947, trên đường vào công tác ở địch hậu, Trần Mai Ninh bị giặc bắt tra tấn dã man. Chúng khoét hai mắt ông dẫn đi khắp đường phố thị xã Tuy Hòa. Ông hi sinh năm đó” (trang 1793). Sách Lược truyện các tác gia Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội ấn hành năm 1972, tập 2, trang 241) ghi: “Năm 1947, ông bị địch bắt trong khi đang đi công tác trên biển bị chúng đem về giam và bắn chết tại nhà tù Nha Trang.” Hồi kí của nhà thơ Phạm Hổ có đoạn ghi về sự ra đi của Trần Mai Ninh: “Năm 1947 Trần Mai Ninh vào công tác ở các tỉnh cực Nam (khu Sáu). Trên đường đi công tác đến Hòn Hèo (gần Đèo Cả Phú Yên) anh bị Pháp bắt… Khi bắt được anh, thực dân Pháp đưa tin là đã bắt được “đại tá Nguyễn Thường Khanh”. Một thời gian sau nghe nói anh định vượt ngục nhưng không thoát được và đã ngã xuống trước mũi súng của kẻ thù” (Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, Nxb Tác phẩm mới ấn hành năm 1987, tập 2, trang 229)… Tuy nhiên, theo lời kể của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, em gái của Trần Mai Ninh, thì ông mất năm 1948: “Trong bản xác nhận lí lịch của Nguyễn Thường Khanh cho gia đình, đồng chí Trần Đình Tri viết (Trần Đình Tri, Đào Duy Kỳ, Trần Mai Ninh là 3 người phụ trách tòa soạn báo Bạn dân năm 1937):
“Tôi là Trần Đình Tri, nguyên phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 5 thời kì kháng chiến chống Pháp, hiện nay là Ủy viên Thường vụ Chủ nhiệm văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, chứng nhận:
- Đồng chí Nguyễn Thường Khanh (1917 - 1948) tức Trần Mai Ninh, tức Hồng Diện, tức TK là đảng viên Đảng Cộng sản, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936. Quá trình hoạt động như sau:
- 1936 - 1939: Ủy viên Ban lãnh đạo đoàn Thanh niên Dân chủ.
- Ủy viên Ban phụ trách tòa soạn báo Bạn dân và tham gia tòa soạn các báo: Thời thế, Tin tức, Thế giới, Người mới là những cơ quan báo chí hợp pháp của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ.
- 1939: Rút lui vào bí mật hoạt động ở Thanh Hóa.
-1941 - 1945: Bị bắt và đày ở Buôn Mê Thuột.
-1945 - 1947: Ra tù tham gia khởi nghĩa ở Phú Yên và hoạt động ở nhiều tỉnh thuộc Liên khu 5.
- 1948: Bị địch bắt trong lúc thi hành nhiệm vụ, bị giam và bị bắn chết tại nhà tù Nha Trang.
Hà Nội ngày 16 tháng 9 năm 1978
Trần Đình Tri”
(25 năm nghiên cứu lí luận phê bình Thanh Hóa 1974 - 1999 - Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa xuất bản năm 1999, trang 202-203)
Đến đây chúng ta dễ thống nhất: Trần Mai Ninh bị giặc bắt khi đang “thi hành nhiệm vụ”, bị giam và bị bắn chết tại nhà tù Nha Trang năm 1948.
Cũng theo lời kể của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh thì mẹ Trần Mai Ninh không phải là bà công tôn nữ Thuyền Duyệt. Trần Mai Ninh là con bà cả, bà Phạm Thị Nhạ. Sổ Đăng bộ học sinh lập năm đầu tiên khi mới thành lập trường Collège de Thanh Hoa ghi rõ: 16 - Nguyễn Thường Khanh. Cha: Nguyễn Xuân Tuyển - Mẹ: Phạm Thị Nhạ. Sinh 26/7/1917. Ngày nhập trường năm thứ nhất: 15/9/1931 (sách Collège de Thanh Hoa - Đào Duy Từ - Lam Sơn, Nxb Thanh Hóa, 2011, trang 15).
Từ trước đến nay, bạn đọc thường biết đến Trần Mai Ninh với tư cách là một nhà thơ, tác giả của những bài thơ Nhớ máu, Lời sông núi nổi tiếng. Ít người biết rằng ông còn là một họa sĩ tài năng, một kí giả xông xáo, một dịch giả tài hoa với các bút danh TK, Hồng Diện, Mạc Đỗ, Tố Chi.
Theo Khương Huân, Trần Mai Ninh là một họa sĩ có tài. Hiện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam còn lưu giữ được 33 bức tranh của ông. Trần Mai Ninh chỉ vẽ tranh biếm họa, áp phích và minh họa báo. Số tranh còn đến nay không phải là nguyên bản mà là tranh được báo chí in lại. Trong tranh, Trần Mai Ninh thường dùng phương pháp so sánh để nêu bật sự vô lí, bất bình đẳng trong xã hội như bức châm biếm nghị định Cấm kêu ca về thuế và Em đói em khóc. Ở bức tranh Anh thợ máy và người dân quê, ông chủ động “bóp” cho khuôn mặt của nhân vật méo ra và gò má dô thành những đường gờ như những đường chỉ khâu lại của một khuôn mặt đã rách. Sự cường điệu đó càng nhấn mạnh thêm tính chất hiện thực của tác phẩm. Bức Câu chuyện trong gia đình thợ phản ánh các vấn đề đời sống xã hội, mỗi nhân vật trong tranh đều có tâm tư tình cảm riêng. Dáng ngồi nào cũng đẹp. Khi chủ nghĩa phát xít trở thành tai họa của nhân loại, ông chĩa thẳng mũi nhọn đả kích vào chúng. Khác với các biếm họa thời kì trước, ngòi bút ông rắn chắc khỏe mạnh làm cho chủ đề tư tưởng rõ ràng khúc chiết (bìa báo Thế giới: “Kẻ thù chung của các dân tộc Á Đông”).
Với tư cách là một phóng viên nhiệt huyết, sắc sảo, Trần Mai Ninh viết nhiều bài điều tra, thời sự chính trị như Cá nhân hành động (Tin tức số 5 & 6 năm 1938); Ngỏ cùng anh em trí thức, Đừng hài hước nữa, hãy lo đến đời sống của mình (Tin tức số 21 tháng 7/1938); Không, dân Êtiôpi chưa cúi đầu và Mặt trận Tiệp Khắc (Tin tức số 26 tháng 8/1938); Hai đề nghị hiến các ái hữu và Sửa soạn chợ phiên (Thế giới số 6 tháng 12/1938); Trên đất Tây Ban Nha: Hiện thời đâu là vấn đề cốt lõi (Thế giới số 7 tháng 1/1939); Lạnh hương nguyền vài nét bút lạc (Bạn đường số 4 tháng 4/1941); Hai lần vào nhà xác (Bạn đường số 18 tháng 10/1941); Đi xem bóng đá (Bạn đường số 19 tháng 10/1941).
Về kịch, Thanh Đàm viết: “Hồi ở trong tù Trần Mai Ninh viết nhiều vở kịch, bí mật diễn trong những ngày Tết Nguyên đán tại nhà tù Thanh Hóa. Có hai vở kịch được chú ý hơn cả. Vở kịch nói Mộ phu, diễn tả khá đầy đủ âm mưu khai thác thuộc địa của đế quốc Pháp với những hành động dã man áp bức bóc lột nhân dân ta… Cuối cùng công nhân một vùng mỏ đã cùng nông dân vùng lên dưới ngọn cờ cách mạng. Vở kịch thơ Hai con sâu vạch trần bộ mặt nham hiểm của thực dân và phong kiến Nam triều thông qua hai tên tay sai “sếp lao” và “đốc tờ” dùng nhiều thủ đoạn làm chết dần chết mòn anh chị em tù chính trị ở Thanh Hóa” (Nhớ - Ti Văn hóa Thanh Hóa xuất bản năm 1970, trang 10).
Về dịch thuật, năm 1938 Trần Mai Ninh dịch tiểu thuyết Người mẹ của Macxim Goocki, dịch Cuộc đấu tranh của tuổi trẻ của A.Đoocsam in báo Bạn đường số 1 năm 1941, Thần kì của Êrenbua in tạp chí Tiên phong tháng 9/1946 và Những dòng lửa của văn chương cách mạng in Tiến hóa Quảng Ngãi tháng 11/1946. Dịch giả Thúy Toàn trên tạp chí Văn học số 5 năm 1977 cho biết Nguyễn Thường Khanh đã dịch xong Người mẹ vào năm 1938 và định đăng trên tờ Thế giới, cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên Dân chủ. Nhưng khuôn khổ tờ báo eo hẹp nên việc đó không thành. Mãi đầu năm 1939 khi Đảng giao cho xuất bản tạp chí văn học Dân mới, bản dịch của Nguyễn Thường Khanh mới bắt đầu được đăng. Nhưng lúc này tình hình xã hội lại thay đổi. Thực dân Pháp ra tay đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam sau khi chính phủ của Mặt trận Nhân dân Pháp bị đổ. Tháng 9 năm 1939 tờ Dân mới bị đình bản. Thế là bản dịch tiểu thuyết Người mẹ đầu tiên ở Việt Nam lại dở dang.
Phần sáng tác thơ văn của Trần Mai Ninh đến nay còn lại nhiều hơn. Tiểu luận sâu sắc, tích cực Sống đã… rồi viết văn in trên Thanh nghị tháng 8 năm 1943 là kim chỉ nam cho mọi hoạt động sống và sáng tạo của ông. Điều này hiện rõ trên từng bài thơ, trang văn của Trần Mai Ninh. Như trên đã nói, quyển Thơ văn Trần Mai Ninh, Nxb Quân đội nhân dân đã in trong sự cố gắng của những người sưu tầm, biên soạn cũng chỉ mới có 43 bài thơ, 1 tiểu luận (Sống đã… rồi viết văn), 2 truyện ngắn (Truyền lại cho em, Trừ họa), 2 truyện dài (Thằng Tuất, Ngơ ngác). Một số truyện ngắn còn nằm ở báo: Ngọc Hương (Bạn đường số 3 và số 4 năm 1941), Chôn sống (Bạn đường số 4 và số 5 năm 1941), Tiệc điên (Bạn đường số 8 năm 1941). Một số bản thảo bị mất: Rạng đông (tiểu thuyết - 1939), Một quãng đời say (tiểu thuyết tự thuật - 1941), Ngày tù và ngày khởi nghĩa (hồi kí - 1946). Trước chuyến đi cuối cùng Trần Mai Ninh gửi lại tất cả bản thảo cho Tịnh Hà và 9 bài thơ cho Phạm Hổ, sau này đều bị mục nát, thất lạc. Ngoài ra tác phẩm của ông còn nằm rải rác ở các số báo bị thiếu trong sưu tập của các thư viện.
Về thơ văn Trần Mai Ninh đã có nhiều bài viết tôn vinh, khẳng định giá trị và những cách tân nghệ thuật của ông. Chúng ta cần lưu ý thêm các tình tiết: Trên Bạn đường số 4 (1/4/1941), Lời tòa soạn giới thiệu in truyện dài Ngơ ngác của Trần Mai Ninh đồng thời giới thiệu tiểu thuyết Rạng đông của Trần Mai Ninh tham dự Giải thưởng Tự lực văn đoàn năm 1939 và trích lời nhận xét của Thạch Lam: “Nội trong bốn tác giả được Ban Giám khảo chú ý, có lẽ tác giả Rạng đông là người có nhiều đức tính của một nhà văn nhất. Tác giả biết cách viết, biết cách bày tỏ và nhất là biết cách suy xét và quan sát chính mình. Cái tâm lí của Rạng đông rất đúng và nhiều lúc tỏ ra tinh vi và sâu sắc nữa. Nói đến mình bao giờ cũng khó và tác giả Rạng đông đã có khi vượt được sự khó khăn ấy.” Bạn đường đã trích đúng báo Ngày nay số 208 (18/5/1940). Bốn tác giả đó là Kim Hà với tác phẩm Cái nhà gạch, Mạnh Phú Tư với tác phẩm Làm lẽ, Trần Mai Ninh với tác phẩm Rạng đông và một tác giả chưa rõ tên với tác phẩm Tan tác.
Thơ là sở trường của Trần Mai Ninh. Ông làm nhiều, phần thất lạc, phần còn lại đến nay, chúng ta đọc, có bài cũ, có bài không cũ chút nào, trái lại rất mới, rất hiện đại. Thơ ông vừa chín tới thì ông qua đời. Mười năm thơ mà đâu phải mười năm ấy để riêng cho thơ. Tâm trí, sức lực của ông là dành cho công tác cách mạng. Nhiều bài thơ của ông là những khích lệ làm phấn chấn lòng người. Dù là đồng chí, là bạn, là “em” đều được ông ân cần khơi gợi sức sống, lòng tin: Thôi em bỏ vòng trạng mạng/ Cởi vạt áo tu ngậm sầu/ Ta nâng cho cao đôi đầu/ Yêu lấy lửa trời sáng láng (Mời đi).
Vào chiến đấu, ông càng sâu sắc nhạy cảm, thơ ông càng phong phú. Cuộc sống chiến đấu đã tạo nên thơ Trần Mai Ninh. Thơ ông chính là cuộc đời ông. Những bài thơ của Trần Mai Ninh với nội dung tư tưởng tích cực, xuất hiện liên tục trên báo chí công khai lúc bấy giờ như Tin tức, Thế giới, Bạn đường... Thơ ông tràn ngập hình ảnh, hành động ca ngợi, cổ vũ cách mạng, thúc giục mọi người đứng dậy tranh đấu vì ngày mai tươi sáng: “Hỡi ngàn phương bạn đứng lên động rừng”, “Ngày mai sáng trán trời xanh”... Thơ ông có những hình ảnh tươi mới khỏe mạnh, thể hiện được sức sống mãnh liệt đang vươn lên: Ngày qua rụng mấy lá vàng/ Hôm nay xuân dậy tưng bừng lòng trai (Hi vọng). Có những suy tư mơ mộng: Ôi đã ba trăng thầm nuốt hận/ Âm thầm nằm lắng bước thời gian/ Mơ rừng hàn mặc bao nhiêu bận/ Luống mộng tơ trăng líu nhịp đàn (Thèm trăng).
Cũng cần chú ý thêm, thơ Trần Mai Ninh trước Cách mạng vẫn mang dáng dấp Thơ mới. Điều đó cũng là thường tình. Có điều là ngay ở những bài thơ còn nhiều hơi hướng, cách luật của Thơ mới, thơ ông có những câu, những hình ảnh mang màu sắc hiện đại trong nội dung và hình thức biểu hiện, báo hiệu một tài năng sáng tạo:
- Ta ngẩng mặt vang lời ca lệch đất
(Nước đục)
- Bứt mau vải quấn bên người
Mau thành thân với cả trời nắng to
(Nắng tù)
- Cầm tim trên đỉnh bàn tay
Hỏi rằng thao thức đến ngày nào yên
(Nhịp muôn đời)
Từ đó chúng ta đỡ đột ngột khi gặp Tình sông núi và Nhớ máu sau này, khi Cách mạng tháng Tám 1945 đã đưa tâm hồn Trần Mai Ninh lên tầm cao, chiều rộng, bề sâu của khái quát.
Tài năng thơ của Trần Mai Ninh là sự đa dạng, không lặp lại ngay cả với bản thân mình. Khi góc cạnh, khi đằm thắm, chặt chẽ mà thanh thoát. Câu lục bát đạt tới mức cổ điển: Một tàn đu đủ như thơ/ Một hàng ngâu dậy, một bờ giếng xanh (Tình tri âm). Như “Thơ mới” mà đến nay vẫn không cũ: Nào ta giang tay chạc buồm ta néo/ Lái con thuyền ra khỏi bến điêu linh/ Cho già tươi cho mặt trẻ cười xinh/ Cả Tổ quốc tới khai trường hạnh phúc (Ngày khai trường). Tự do mà uyển chuyển nhịp nhàng, thảng hoặc chen lục bát vào, ý thơ thêm mượt mà vang vọng: Lúa xanh như biển rộng/ Mì vươn cao khắp các sườn đèo/ Rẫy đè lên rẫy/ Bắp và khoai tiếp bắp và khoai/ Mấy sông là mấy vạn chài/ Ngựa xe rào rạt đổ người sang ngang (Tình sông núi). Lạ nhất là ở Nhớ máu, có khi câu thơ như lời nói thường, dằn mạnh: Mắt ta căng lên/ Cả mặt/ Cả người/ Cả hồn ta sát tới, có khi tạo hình độc đáo, cộng với một khí thơ hùng: Ơ, những người/ Đen như mực đặc thành keo/ Tròn một củ/ Hay những người gầy sắt lại/ Mặt rẹt một đường gươm/ Lạnh gáy..., hoặc thoáng một chút hoang dại: Ơ, cái gió Tuy Hòa/ Cái gió chuyên cần/ Và phóng túng/ Gió đi ngang, đi dọc/ Gió trở lại - lưng chừng/ Gió nghĩ/ Gió cười/ Gió reo lên lồng lộng. Hình tượng thơ chuyển động, biến hóa không ngừng cuồn cuộn sôi động như chính thời đại có nhiều sự kiện đang diễn ra gấp gáp.
Phải trở lại phong trào thơ những năm đầu Cách mạng mới thấy hết giá trị của những vần thơ này. Hai năm đầu của chế độ mới, văn học chưa kịp chuyển với tình hình, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Phong trào sáng tác thơ rộng rãi nhưng hời hợt, không đều. Nhiều nhà thơ còn im lặng. Có nhà thơ đã vươn tới nhận thức của cách mạng, nhưng còn mang nặng quan điểm siêu hình, tôn giáo, những rơi rớt tiêu cực. Thơ Trần Mai Ninh bắt nguồn từ thực tế đấu tranh cách mạng, hòa vào dòng thác cách mạng, say sưa, khỏe khoắn, mới lạ.
Suốt cuộc đời sống, chiến đấu, viết và vẽ, người chiến sĩ - nghệ sĩ Trần Mai Ninh không lúc nào ngừng nghỉ. Khi cầm bút chiến đấu công khai trên mặt trận báo chí, khi cầm súng ở chiến khu Ngọc Trạo, khi bị tù đày ở các nhà lao, Trần Mai Ninh là một tấm gương sáng, một nghị lực viết phi thường, là một huyền thoại. Xung quanh ông còn nhiều chuyện chưa kể, còn nhiều tác phẩm vẫn lẩn khuất đâu đó. Chỉ mười năm cầm bút và cầm súng ông để lại một di sản tinh thần quý giá cho chúng ta và nhiều thế hệ mai sau.
M.G.L
VNQD